TCCS - Cùng với sự phát triển chung của đất nước, Bình Dương đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ trở thành địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo. Từ một tỉnh nông nghiệp có xuất phát điểm thấp, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát triển nguồn nhân lực được xác định là nhiệm vụ đột phá, do đó, bên cạnh những chính sách thu hút nhân tài, Bình Dương chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc phát triển của địa phương.

Ngành giáo dục Bình Dương từng bước khẳng định vị trí với chất lượng giáo dục ngày càng tăng, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa_Nguồn: baobinhduong.vn

Bình Dương là địa phương phát triển nhanh về công nghiệp, thu hút đông đảo nguồn lao động từ các tỉnh, thành trên cả nước nên có tốc độ tăng dân số cơ học rất cao. Mỗi năm dân số của tỉnh tăng trung bình khoảng 100.000 dân; số học sinh các cấp học tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng hơn 20.000 học sinh, tạo ra áp lực rất lớn đối với ngành giáo dục. Do đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã giải quyết được chỗ học cho học sinh nhưng chưa bảo đảm được việc bố trí số học sinh/lớp theo chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là tại các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp. Cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học dù được xây mới và bổ sung hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt với sự gia tăng số lượng học sinh và chưa đáp ứng kịp thời với quá trình đổi mới.

Bình Dương xác định giáo dục - đào tạo là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chính vì vậy, những năm qua, Bình Dương đã đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục - đào tạo, xem đây là nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, tỉnh dành nguồn lực lớn để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, tiếp sức đến trường, chăm lo cho con em công nhân lao động và tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Với lộ trình cụ thể, tỉnh Bình Dương bố trí đầy đủ nguồn ngân sách thực hiện các đề án, dự án đã được phê duyệt, tích cực đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học trên địa bàn, bảo đảm có đủ phòng học, phòng chức năng, các công trình, thiết bị dạy học theo quy định, đáp ứng tốt cho thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Hiện 100% số trường học đã kiên cố hóa. Tỉnh cũng đạt chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn.

Một trong những hướng đi góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Bình Dương, chính là chủ trương xã hội hóa giáo dục nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển giáo dục và đào tạo. Sự phát triển của hệ thống các trường ngoài công lập không chỉ góp phần giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách, mà quan trọng hơn là đã đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng nhiều, càng cao của học sinh, bắt kịp với những tiêu chuẩn giáo dục quốc tế, đào tạo nên những thế hệ hội đủ điều kiện để hội nhập trong tiến trình toàn cầu hóa.

Cùng với đó, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, triển  khai thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo một cách bền vững. Nhận thức rõ vai trò then chốt của giáo dục trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bình Dương đã xác định chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả và có những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, dạy và học.

Nhờ ứng dụng công nghệ, công tác quản lý giáo dục được tinh gọn, hiệu quả hơn; chất lượng dạy và học được nâng cao; học sinh có môi trường học tập hiện đại, sáng tạo hơn. Đến nay 100% số cơ sở giáo dục ở Bình Dương được trang bị hệ thống mạng internet cáp quang, bảo đảm đường truyền ổn định, đáp ứng nhu cầu dạy học trực tuyến và truy cập thông tin. 100% các cơ sở giáo dục phổ thông đều được trang bị máy vi tính, tivi, máy chiếu, màn chiếu, màn hình cảm ứng và các bộ camera/ mic phù hợp cho việc giảng dạy trực tuyến. Nhiều trường học đã triển khai các nền tảng dạy học trực tuyến như Microsoft Teams, Zoom, Google Meet... để tổ chức các lớp học trực tuyến, bổ trợ cho hình thức dạy học truyền thống. Các nền tảng này giúp học sinh có thể tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên tương tác với học sinh hiệu quả hơn.

Từ sự đầu tư có trọng tâm, sự nghiệp giáo dục của Bình Dương phát triển không ngừng. Kết quả xếp hạng thi tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh qua từng năm đều tăng cao. Tỉnh luôn nằm trong top đầu những địa phương có điểm trung bình thi tốt nghiệp cao nhất cả nước. Cụ thể: năm học 2018 - 2019, phổ điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh xếp hạng 4, năm học 2019 - 2020 xếp thứ nhì, năm học 2020 - 2021 vươn lên vị trí quán quân, năm 2021 - 2022 nằm trong top 3, năm 2022 - 2023 xếp vị trí thứ 2. Một điểm nhấn khác là những năm gần đây Bình Dương cũng liên tục đứng vào top đầu tỷ lệ học sinh đậu đại học. Tháng 3-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Bình Dương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh trúng tuyển, nhập học vào đại học, cao đẳng với tỷ lệ 80,61% (thành tích liên tiếp 2 năm liền).

Toàn ngành đã tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng và tổ chức thi chọn học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh và đội tuyển dự thi cấp quốc gia, cụ thể: kết quả thi học sinh giỏi trung học cơ sở cấp tỉnh, có 600 học sinh đạt giải (11 giải nhất, 52 giải nhì, 103 giải ba và 434 giải khuyến khích; tăng 144 giải so với năm học 2022 - 2023). Kết quả thi học sinh giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh, có 382 học sinh đạt giải (13 giải nhất, 34 giải nhì, 79 giải ba và 256 giải khuyến khích; tăng 77 giải so với năm học 2022 - 2023); kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đạt 42 giải (6 giải nhì, 12 giải ba, 24 giải khuyến khích; tăng 11 giải so với năm học 2022 - 2023); tỉnh Bình Dương có 1 học sinh được triệu tập tham gia Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic khu vực và quốc tế năm học 2023 - 2024 (môn hóa học)…

Tiếp nối những thành tích đạt được, trong thời gian tới, ngành giáo dục – đào tạo tỉnh tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện gắn với xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo, đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học các cấp, xây dựng môi trường giáo dục văn minh, hiện đại./.