Việt Nam tích cực bảo vệ môi trường biển
TCCS - Là quốc gia có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á, nhiều tiềm năng về du lịch biển, đảo khi sở hữu đường bờ biển dài với những bờ cát trắng, vịnh biển hoang sơ, đảo nhiệt đới quanh năm tươi tốt..., song biển Việt Nam nói riêng và biển, đại dương trên thế giới nói chung đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng do rác thải nhựa gây ra. Để giảm thiểu, ngăn chặn vấn nạn này, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ cùng nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương.
Từ con đường lãng mạn mang tên Đường tình yêu ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh), dưới tán lá rất xanh của hàng cây phi lao thẳng tắp tản bộ ngắm cảnh bình minh biển, thật khó có thể chấp nhận cảnh tượng đập vào mắt là bãi cát thoai thoải dài trắng muốt ôm trọn mặt biển kéo dài hàng cây số lại trở nên nhếch nhác đến nhường ấy bởi những túi nilon, vỏ chai nhựa, hộp sữa, hay những chiếc dép tông... đủ màu sắc xanh đỏ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những bãi biển nhếch nhác đầy rác thải nhựa là do thói quen xả rác bừa bãi của du khách. Bên cạnh đó, những ngư dân sống trên tàu, thuyền trong quá trình đánh bắt hải sản hay đậu tàu, thuyền tại khu vực đầu cầu cảng nằm trước mặt trung tâm thương mại Cô Tô tham gia vào hoạt động kinh doanh xả rác ngay trên biển, khiến sóng đánh dạt phần rác thải lên bờ. Hành động thiếu ý thức đó làm cho bãi biển Cô Tô ngay cả khi không vào mùa du lịch vẫn có vô số rác thải nhựa nằm dọc ngang làm ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, vào mùa cao điểm Cô Tô đón khách du lịch, Hiệp hội du lịch Cô Tô phải phát động toàn bộ hội viên thường trực đi dọn rác ở các bãi tắm và đầu cầu cảng.
Nguyên nhân được chỉ ra trên cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam được xem là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm. Con số được ông Albert T. Lieberg - Trưởng đại diện Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam - đưa ra trong hội thảo “Rác thải nhựa - Khu vực công - tư cùng giải quyết thách thức”, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức vào đầu tháng 6-2019 đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng lạm dụng đồ nhựa dùng một lần đang gia tăng ở Việt Nam và những hệ lụy mà nó gây ra.
Theo PGS, TS. Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết, thực tế, việc quản lý rác thải nhựa tại các hải đảo, các khu du lịch biển, nhất là các bãi biển còn hạn chế. Việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo. Bên cạnh đó, việc thải bỏ hoặc làm mất ngư cụ trong hoạt động khai thác thủy sản, thải bỏ rác thải nhựa trong các hoạt động kinh tế - xã hội khác diễn ra trên biển cũng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng, tuy nhiên, rác thải nhựa mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để quản lý, thu gom và xử lý trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển ngày càng nghiêm trọng. Các thông tin, dữ liệu, kết quả nghiên cứu về rác thải nhựa đại dương ở biển Đông vẫn còn hạn chế.
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đặt ra mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương. Với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước thống nhất về bảo vệ môi trường, biển và hải đảo, suốt từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã phát động nhiều phong trào chống rác thải nhựa nhằm từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, từng bước giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, hướng tới một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và các cam kết quốc tế của Việt Nam trong vấn đề rác thải nhựa, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đơn vị trực tiếp thực hiện xây dựng Kế hoạch) và Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vào ngày 17-6-2019.
Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch đề xuất 7 nhiệm vụ:
1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương;
2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương;
3. Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền;
4. Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên biển;
5. Tăng cường xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương;
6. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về rác thải nhựa đại dương;
7. Tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương. Kế hoạch cũng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả kèm theo đó là danh mục 18 nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện được giao trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan chủ trì thực hiện.
Để kiểm soát, ngăn chặn, tiến tới không còn rác thải nhựa, góp phần cải thiện môi trường, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, của toàn xã hội và từng gia đình.
Điển hình thành công trong việc cộng đồng chung tay giảm thiểu, ngăn chặn rác thải nhựa có thể được thấy qua phong trào “nói không với túi nilon” ở đảo Cù Lao Chàm do Ủy ban nhân dân xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam phát động từ năm 2009. Theo đó, 10 năm nay, người dân Cù lao Chàm không sử dụng túi nilon trong tất cả đời sống sinh hoạt thường ngày hay trong hoạt động kinh doanh, buôn bán. Du khách cũng được lưu ý không sử dụng hay mang theo túi nilon lên đảo ngay trước khi bước xuống tàu cao tốc hay những chiếc ca-nô để đến với Cù Lao Chàm. Kết quả, Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công việc kiểm soát được loại rác thải này và cho thấy, khi cộng đồng chung tay, việc phòng, chống rác thải nhựa không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà sẽ trở thành hành động, thói quen thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân trong việc ngăn chặn rác thải nhựa, bảo vệ biển và đại dương - không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người./.
Đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường biển góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tại quân khu 7  (16/07/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm