Tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
TCCS - Quảng Ninh hiện có 56 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 162.531 người, cư trú rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên. Quảng Ninh đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chính sách riêng có để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Hiệu quả từ những chính sách riêng có
Quảng Ninh được ví như hình ảnh nước Việt Nam thu nhỏ, là tỉnh địa đầu phía Đông - Bắc của Tổ quốc, có đồng bằng, trung du miền núi, biên giới, biển đảo, với diện tích tự nhiên 611.081,3 km2, trong đó: 87% là đất liền, 13% là hải đảo. Tỉnh có 14 đơn vị hành chính gồm 4 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện với 186 xã, phường, thị trấn. Vùng dân tộc, miền núi của tỉnh gồm 112 xã, phường (có 54 xã, phường khó khăn, trong đó có 21 xã đặc biệt khó khăn và 4 xã vùng bãi ngang, ven biển). Tỉnh có đường biên giới đất liền giáp Trung Quốc dài 118,825 km; dọc tuyến biên giới có 10 xã (gồm 34 thôn, bản) và 7 phường giáp biên.
Dân số tỉnh Quảng Ninh có 1.144.381 người với 22 thành phần dân tộc, trong đó: 21 thành phần dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn rộng lớn (hơn 85% diện tích của tỉnh), phân bố, cư trú trên địa bàn 14/14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao là Bình Liêu (chiếm 95,8% dân số toàn huyện), Ba Chẽ (79,8%), Tiên Yên (47,2%), tiếp đến là Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả, Vân Đồn. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số vẫn còn cao so với mặt bằng chung của cả tỉnh.
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách, hỗ trợ nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, chăm lo giáo dục, y tế, nâng cao trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có Nghị quyết số 06 - NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm. Không còn nhà ở tạm, nhà dột nát, cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến hết năm 2022, có 100% số xã thuộc phạm vi đề án đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2025, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới… Định hướng đến năm 2030, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh có hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh.
Xóa nhòa khoảng cách vùng miền
Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án 196 nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể và sự tham gia tích cực của người dân vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135). Tổng nguồn vốn huy động từ các nguồn lực xã hội gần 1.800 tỷ đồng, mức bố trí vốn bình quân đối với 1 xã đặc biệt khó khăn/năm cao hơn khoảng 7 lần so với định mức Trung ương bố trí.
Không chỉ tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về diện mạo, đầu tư hạ tầng nông thôn, miền núi, biên giới và địa bàn đặc biệt khó khăn, những mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Gần 500 hộ chủ động đăng ký lộ trình, phấn đấu thoát nghèo, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đến hết năm 2019, 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được công nhận đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135 trước 1 năm so với lộ trình đề ra.
Để tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, thu hẹp khoảng cách chênh lệch và tỷ lệ hộ nghèo khu vực này so với các vùng miền khác, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để thảo luận, quyết nghị một số nội dung thuộc thầm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện mục tiêu nâng cao đời sống, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng thời nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, vùng miền, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội đồng bộ, khai thác hiệu quả lợi thế đặc thù, khác biệt của từng địa phương là các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo trong giai đoạn mới. Đa số các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đều đồng tình với việc phải kết hợp chặt chẽ, lồng ghép nguồn lực giữa Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, tạo ra nguồn lực tổng hợp và tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện thực chất, hiệu quả bền vững cả về nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị, đổi mới cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản phẩm lợi thế của từng vùng miền để phát triển nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 4.200 tỷ đồng, đây là nguồn lực rất lớn để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể; phát triển toàn diện y tế, giáo dục và đào tạo gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Tỉnh Quảng Ninh xác định, phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đầu tàu dẫn dắt xuyên suốt trong quá trình triển khai các giải pháp, chương trình phát triển. Tuy nhiên, có những vấn đề phải giải quyết ngay, đó là khâu đột phá về phát triển, hoàn thiện kết cấu kinh tế - xã hội. Trước mắt, trong kế hoạch 2022, Ban Dân tộc đang đề xuất xây dựng tập trung xác định các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội tập trung cho 3 địa phương miền núi là Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà. Từ đó, từng bước kỳ vọng nâng cao mức sống, thu nhập của người dân. Đồng thời, thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu xóa chênh lệch vùng miền, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong thời gian sớm nhất, tạo sự phát triển bền vững của tỉnh./.
Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong tình hình mới  (26/11/2021)
Thị xã Quảng Yên tạo đột phá để phát triển kinh tế  (26/11/2021)
Huyện Đầm Hà tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao  (16/11/2021)
- Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Marxist-Leninist thống nhất cầm quyền tại Nepal tiếp Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên