Cần quyết tâm cao để giảm một cách bền vững cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông
TCCS - Đây là tinh thần chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng và phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, diễn ra chiều ngày 15-10-2021.
Hội nghị được tổ chức tại điểm cầu trụ sở Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: 9 tháng qua, toàn quốc xảy ra 8.161 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.175 người, bị thương 5.645 người. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 23,64%, số người chết giảm 16,37%, số người bị thương giảm 28,38%.
Riêng quý 3 đã xảy ra 1.790 vụ, làm chết 945 người, bị thương 1.152 người, so với cùng kỳ giảm 50,6% số vụ, giảm 42,7% số người chết, 57,5% số người bị thương.
Trong 9 tháng, 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có An Giang và Đồng Tháp giảm trên 50% số người chết do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn 9 tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2020; 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là Điện Biên và Quảng Trị. Riêng trong quý 3 có 8 tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông tăng, 5 tỉnh tăng trên 20% là Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Nam, Đắk Nông, Điện Biên.
Đồng chí Khuất Việt Hùng đánh giá, 9 tháng qua, tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2021 tiếp tục có chuyển biến tốt, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Có được kết quả trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là từ giữa tháng 6 đến nay, việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại nhiều địa phương dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân chủ quan, theo đồng chí Khuất Việt Hùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, ủy ban nhân dân các cấp đã có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình trật tự an toàn giao thông và cấp độ phòng, chống dịch.
Công an và các lực lượng chức năng, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ, bảo đảm an toàn giao thông và phòng dịch cho người dân rời vùng dịch về quê bằng phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải quan tâm đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; kịp thời đưa vào vận hành ứng dụng công nghệ nhận diện phương tiện bằng QRCode, tổ chức luồng xanh vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đồng thời bảo đảm kiểm soát tốt, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19; chủ động xây dựng kế hoạch huy động phương tiện, người lái đáp ứng nhu cầu vận tải phòng, chống dịch, phục vụ sản xuất kinh doanh, đón, đưa người dân từ vùng dịch về quê an toàn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh, thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã nỗ lực rất lớn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì công tác phòng, chống dịch, cứu chữa các bệnh nhân COVID-19 đồng thời làm tốt công tác cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, theo đồng chí Khuất Việt Hùng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng của năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông; tình hình vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến; tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ còn xảy ra tại các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa tại một số địa phương; tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ diễn ra phức tạp tại một số địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế như một bộ phận người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng về trật tự an toàn giao thông, không ít người cố tình vi phạm, cá biệt có đối tượng manh động tấn công người thi hành công vụ.
Về nguyên nhân chủ quan, các ý kiến cho rằng, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong kết hợp trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Một số địa phương buông lỏng trong kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm ban hành so với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Cùng với đó là sự hạn chế về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chậm xây dựng và thiếu sự chia sẻ, kết nối về cơ sở dữ liệu ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng số vụ tai nạn giao thông, số người người chết, người bị thương vẫn còn cao, còn đáng lo ngại, chưa bền vững so với nhiều quốc gia, nhất là trong bối cảnh vừa qua nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách để chống dịch COVID-19.
Đề cập đến những nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 sẽ từng bước được kiểm soát, kinh tế - xã hội sẽ từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại, dự báo hoạt động giao thông vận tải sẽ dần tăng trở lại.
Quý IV còn là thời điểm cuối năm, nhu cầu sản xuất, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa và đi lại của nhân dân sẽ tăng cao, nhất là dịp Tết Dương lịch 2022, do vậy sẽ tác động rất lớn đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trong bối cảnh đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu quyết tâm phấn đấu đạt cho được mục tiêu năm 2021 kéo giảm tai nạn giao thông 10% cả 3 tiêu chí so với năm 2020 ở mỗi địa phương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 12 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 và Kế hoạch năm an toàn giao thông năm 2021.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Quyết định 2060/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12-12-2020 phê duyệt Chiến lược bảo đảm an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức các đoàn liên ngành đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng chống dịch bệnh COVID-19; phối hợp với các cơ quan thành viên và các địa phương trong quá trình xây dựng Nghị quyết mới của Chính phủ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch của Bộ, trong đó, chú trọng vào một số nhiệm vụ, như hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; nghiên cứu ban hành quy định về tổ chức giao thông đường bộ, nhất là hướng dẫn tổ chức giao thông trong tình hình dịch bệnh.
Bộ Giao thông vận tải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe theo Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương trình Thủ tướng ban hành đề án kiểm soát tải trọng xe bằng hệ thống cân tự động trên phạm vi toàn quốc; đánh giá kết quả kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và có điều chỉnh phù hợp với Nghị quyết số 128 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Bộ Công an tiếp tục phối hợp với ngành y tế, giao thông vận tải và địa phương duy trì hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an toàn phòng dịch cho người dân rời các địa phương về quê bằng phương tiện cá nhân.
Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai và tổng kết chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” và chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”; tổ chức thẩm định bộ giáo trình điện tử “Giáo dục an toàn giao thông” cho học sinh tiểu học và báo cáo tiến độ giảng dạy an toàn giao thông trong các chương trình chính khóa.
Phó Thủ tướng Thường trực giao ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu ban hành quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ với lộ trình cụ thể, khả thi gắn với tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông./.
Tỉnh Bình Dương phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí  (15/10/2021)
Tỉnh Tiền Giang: Báo động tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ  (12/10/2021)
Người đi bộ vi phạm luật giao thông: Hiểm nguy rình rập  (12/10/2021)
Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho người lái xe taxi  (05/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay