Tỉnh Bình Dương phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí
TCCS - Chiều 15-10-2021, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng và phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021.
Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 9 tháng qua, toàn quốc xảy ra 8.161 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.175 người, bị thương 5.645 người. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 23,64%, số người chết giảm 16,37%, số người bị thương giảm 28,38%.
Trong 9 tháng, 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn chung, tình hình trật tự an toàn giao thông 9 tháng năm 2021 tiếp tục có chuyển biến tích cực, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ năm 2020. Có được kết quả trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là từ giữa tháng 6 đến nay, việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại nhiều địa phương dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2020.
Song song đó, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, ủy ban nhân dân các cấp đã có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình trật tự an toàn giao thông và cấp độ phòng, chống dịch. Công an và các lực lượng chức năng, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ, bảo đảm an toàn giao thông và phòng dịch cho người dân rời vùng dịch về quê bằng phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải quan tâm đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; kịp thời đưa vào vận hành ứng dụng công nghệ nhận diện phương tiện bằng QR Code, tổ chức luồng xanh vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đồng thời bảo đảm kiểm soát tốt, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19; chủ động xây dựng kế hoạch huy động phương tiện, người lái đáp ứng nhu cầu vận tải phòng, chống dịch, phục vụ sản xuất, kinh doanh, đón, đưa người dân từ vùng dịch về quê an toàn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh, thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế như một bộ phận người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng về trật tự an toàn giao thông, cố tình vi phạm, manh động tấn công người thi hành công vụ. Một số ý kiến cho rằng, cấp ủy, chính quyền ở các địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong kết hợp giữa bảo đảm trật tự an toàn giao thông với phòng, chống dịch bệnh COVID-19; còn buông lỏng trong kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ…
Bảo đảm giao thông thông suốt gắn với kiểm soát dịch bệnh
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương giảm sâu cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết số người bị thương.
Tính từ ngày 15-12-2020 đến ngày 14-9-2021, toàn tỉnh xảy ra 530 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 152 người, bị thương 497 người, hư hỏng 893 phương tiện. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 432 vụ (giảm 44,9 %), giảm 52 người chết (giảm 25,5 %), giảm 486 người bị thương (giảm 49,4%); không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy nội địa.
Tình hình trật tự an toàn giao thông trong các đợt cao điểm Tết, Lễ 30-4 và 1-5 gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được bảo đảm. Công tác phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại các địa phương có mật độ lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông lớn và trên các tuyến đường trọng điểm của tỉnh đã từng bước được khắc phục, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Riêng trong quý III-2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bình Dương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, của Chính phủ, vì vậy các lực lượng cảnh sát giao thông, công an, kiểm soát quân sự, thanh tra giao thông vận tải đã tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh trên tuyến cửa ngõ ra, vào địa bàn tỉnh và địa bàn giáp ranh liên huyện. Đồng thời, tổ chức kết hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông gắn với kiểm tra, xử lý các vi phạm về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; huy động tối đa lực lượng tham gia phối hợp tuần tra kiểm soát, điều tiết giao thông, bố trí lực lượng ứng trực 24/24h tại các chốt kiểm soát dịch để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân vùng dịch.
Từ ngày 16-7-2021 đến 26-9-2021, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch đã kiểm tra hơn 1.794.364 phương tiện, phát hiện và lập biên bản xử phạt 448 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh, trật tự an toàn giao thông, yêu cầu 19.260 trường hợp quay đầu xe do không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch; xét nghiệm nhanh phát hiện 548 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, số vụ tai nạn giao thông, số người chết, người bị thương trên cả nước vẫn còn cao, còn đáng lo ngại, chưa bền vững so với nhiều quốc gia, nhất là trong bối cảnh vừa qua nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trong 3 tháng cuối năm, dịch bệnh COVID-19 sẽ từng bước được kiểm soát, kinh tế - xã hội được phục hồi và tăng trưởng trở lại, dự báo hoạt động giao thông vận tải sẽ dần tăng trở lại. Quý IV còn là thời điểm cuối năm, nhu cầu sản xuất, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa và đi lại của nhân dân sẽ tăng cao, nhất là dịp tết Dương lịch 2022, do vậy sẽ tác động rất lớn đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông .
Trong bối cảnh đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm đạt mục tiêu năm 2021 kéo giảm trật tự an toàn giao thông 10% cả 3 tiêu chí so với năm 2020 ở mỗi địa phương; tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 12, của Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 và kế hoạch năm an toàn giao thông năm 2021.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bộ Giao thông vận tải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe; đánh giá kết quả kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và có điều chỉnh phù hợp với Nghị quyết số 128, của Chính phủ, về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Bộ Công an tiếp tục phối hợp với ngành y tế, giao thông vận tải và địa phương duy trì hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an toàn phòng dịch cho người dân rời các địa phương về quê bằng phương tiện cá nhân.
Các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128, của Chính phủ với lộ trình cụ thể, khả thi gắn với tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông./.
Tỉnh Tiền Giang: Báo động tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ  (12/10/2021)
Người đi bộ vi phạm luật giao thông: Hiểm nguy rình rập  (12/10/2021)
Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho người lái xe taxi  (05/10/2021)
Bảo đảm an toàn giao thông khi nới lỏng giãn cách xã hội  (01/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay