Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, bồi dưỡng thanh niên
TCCSĐT - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều công sức và tình cảm cho việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng. Người luôn coi đó là vấn đề hệ trọng, cần thiết trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, phát huy lời dạy của Người về giáo dục, bồi dưỡng thanh niên là góp phần vào thành công sự nghiệp đổi mới đất nước, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại khỏi áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Giai cấp công nhân muốn hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình phải quy tụ, bồi dưỡng, cảm hóa thanh niên, lớp người có sức khỏe, nghị lực, hoài bão, có ý chí mạnh mẽ, muốn vươn lên khẳng định mình; đó cũng là lớp người thích ứng nhanh với hoàn cảnh của dân tộc, của thời đại. Như V.I. Lê-nin đã chỉ ra: “Theo một ý nghĩa nào đó, có thể nói rằng nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, chính là của thanh niên”(1). Mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, xã hội cộng sản, đòi hỏi phải có sự kế thừa, tiếp nối các lớp người cách mạng, trong đó có các lớp thanh niên kiên định, trung thành với mục tiêu lý tưởng ấy. Trong suốt sự nghiệp cách mạng, thanh niên Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận, góp phần vào những thắng lợi to lớn, vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX.
Với tầm nhìn chiến lược, năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy muốn thức tỉnh một dân tộc phải bắt đầu từ việc thức tỉnh thanh niên. Vì vậy, trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”(2). Lời kêu gọi của Người đã mang lại một luồng gió mới, thu hút nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước hướng về, đoàn kết, thống nhất, lập nên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin lớn vào thế hệ thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng nước nhà. Người nêu rõ: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(3). Cũng theo Người: “Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”(4).
Trước lúc đi xa, Người căn dặn Đảng ta: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(5). Tư tưởng bồi dưỡng thế hệ trẻ cho cách mạng được thể hiện sinh động trong toàn bộ thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, sinh động của Người, gắn bó chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, giữa lời nói với việc làm.
Một số điểm nổi bật trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên trong thực tế lãnh đạo cách mạng nước ta, đó là:
Trước tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho thanh niên, quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến (tháng 01-1946), Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(6). Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam (ngày 01-9-1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là những đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Thanh niên đã thực hiện những điều mơ ước của loài người từ bao thế kỷ”(7). Trung tuần tháng 9-1950, trên đường đi Chiến dịch Biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch, Người khẳng định: Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi, biểu dương, kỳ vọng vào thanh niên. Đồng thời, Người thẳng thắn phê bình, nhắc nhở số thanh niên không biết quý trọng công lao của các thế hệ đi trước, vì thế, Người yêu cầu các thế hệ đi trước cần tích cực giáo dục, dìu dắt thanh niên: Có số thanh niên không biết sự gian nan, cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng dìu dắt thanh niên; không nên công thần, không nên tiêu cực. Người chỉ rõ: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết và nhắc nhở: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”; cần “giáo dục thanh niên ta rèn luyện một chí khí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc, vào lực lượng của nhân dân, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của dân tộc”(8).
Một cách cụ thể, trong “Bài nói chuyện với những cán bộ, đảng viên ở Nghệ An hoạt động lâu năm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, xác định trách nhiệm của lớp cán bộ già:
“Nay chúng ta có hai nhiệm vụ:
1. Bất kỳ Đảng giao cho việc gì, nhân dân giao cho việc gì, phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ.
2. Đào tạo thanh niên cho họ làm việc hơn mình, không nên nạnh kẹ”(9).
Vì công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt, Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học. Mặt khác, thanh niên phải biết công lao của các đồng chí già, thấy các đồng chí già đã trải qua phong ba bão táp, có kinh nghiệm, thanh niên phải học tập. Có số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan, cực khổ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng mà dìu dắt thanh niên. Không nên công thần, không nên tiêu cực. Đó là hai tư tưởng xấu. Một người cách mạng hoạt động và học tập cho đến phút cuối cùng, không bao giờ tiêu cực.
Hai là, Người yêu cầu thanh niên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình. Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà, phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên. Trong bài nói chuyện với nam, nữ thanh niên, học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội), Bác nói: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập”(10). Bác yêu cầu thanh niên cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc học tập, luôn tự cải tạo để tiến bộ, tích cực tự học tập, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện mình trở thành những người có đức, có tài để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Người chỉ rõ: Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy, phải tự giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa.
Để thực sự là thế hệ tương lai của nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực. Đồng thời, Người cũng căn dặn những điều thanh niên nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tư lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.
Ba là, Người cho rằng giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những phong trào hoạt động của xã hội. Những kiến thức được trang bị ở trường, ở lớp, thanh niên phải vận dụng ngay vào thực tiễn: “Khi ở nhà, phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần (học được điều gì về tình hình trong nước và thế giới thì nói lại cho cha mẹ nghe). Ở trường thì phải đoàn kết, giúp đỡ anh chị em, thi đua học tập. Phải đoàn kết giữa thầy và trò, làm cho trường mình luôn luôn tiến bộ. Ở xã hội: các cháu có thể giúp được nhiều việc có ích. Thí dụ: tuyên truyền vệ sinh, giúp đỡ các em nhi đồng, xung phong dạy bình dân học vụ...”(11).
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thanh niên. Tại buổi khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam (ngày 19-01-1955), Người chỉ rõ: Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, từ khi ra đời đến nay, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc: xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đảng ta luôn coi thanh niên là lực lượng cách mạng quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng trước dân tộc. Trước đây cũng như ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, thế hệ trẻ được đặc biệt quan tâm chăm sóc, đào tạo và bồi dưỡng. Nghị quyết số 04/NQ-TW, ngày 14-01-1993, của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về công tác thanh niên trong thời kỳ mới khẳng định: Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không,…, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên. Điều đó cho thấy, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người.
Nghị quyết số 25/NQ-TW, ngày 25-7-2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xác định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Giáo dục đạo đức cách mạng, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho thế hệ thanh niên
Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, thế hệ thanh niên thời kỳ mới đã và đang tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc; không ngại khó khăn, gian khổ, có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Đại hội lần thứ XII của Đảng chủ trương khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Đồng thời, “phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(12).
Tuy nhiên, hiện nay, trước những tác động nhiều mặt của tình hình kinh tế - xã hội, một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc… Học vấn của một bộ phận thanh niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thấp; nhiều thanh niên còn thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế. Tính độc lập, tự chủ, ý chí, nghị lực, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngày nay, hầu hết thanh niên đều sinh ra, lớn lên khi đất nước đã hòa bình, độc lập, họ đã và đang được thừa hưởng những thành quả của nền hòa bình, độc lập dân tộc do các thế hệ cha anh đem lại. Trước những nội dung, yêu cầu mới của công cuộc đổi mới, trước những tác động cả thuận lợi và khó khăn, của cả thời cơ và thách thức, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, phải giáo dục cho thanh niên có nhận thức đầy đủ, có khát vọng vươn tới giá trị chân, thiện, mỹ.
Nhận thức đầy đủ, đúng đắn về giá trị chân, thiện, mỹ có thể coi là hành trang đầu tiên của mỗi cá nhân trước khi hội nhập vào đời sống cộng đồng, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay vốn sinh ra, lớn lên trong một môi trường chịu nhiều những tác động cả tích cực và tiêu cực từ nhiều phía, cả trong và ngoài nước. Nhiều giá trị văn hóa của dân tộc, giá trị đạo đức trong đời sống cộng đồng, trong mỗi gia đình dường như đang bị mai một trước xu thế hội nhập, trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường. Một bộ phận thanh niên trước ngưỡng cửa cuộc đời đang rất thiếu những hiểu biết cơ bản về giá trị cuộc sống, họ lúng túng trong phân biệt đâu là giá trị đích thực, đâu là sự hư vinh giả tạo. Điều đó dẫn đến hoặc là chạy theo lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, với lối sống hưởng thụ, hoặc là buông thả, phó mặc cuốn theo những tệ nạn xã hội.
Những xu hướng đó đều dễ dẫn tới những nhân cách lệch lạc, tổn hại cho chính bản thân họ và cho cả cộng đồng. Bởi vậy, trong những nội dung giáo dục cho thanh niên, trước hết cần quan tâm trang bị cho họ những kiến thức, những hiểu biết về đạo đức, đạo lý, về truyền thống văn hóa của dân tộc. Dù rằng, những nội dung đó đã được trang bị cho mỗi người thanh niên từ trong nhà trường, trong mỗi gia đình từ thuở ấu thơ. Tuy nhiên, lứa tuổi thanh niên là lứa tuổi mà kinh nghiệm cuộc sống chưa nhiều, do vậy, họ vẫn đang rất cần sự quan tâm giáo dục, nâng đỡ của các thế hệ đi trước. Trên cơ sở những kiến thức, những hiểu biết cơ bản về giá trị chân, thiện, mỹ, cần hướng cho thanh niên biết đấu tranh để giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc, của quê hương nơi mà họ sinh ra, lớn lên.
Thứ hai, giáo dục cho thanh niên hiểu biết những giá trị trong truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giáo dục những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cho thế hệ trẻ. Theo Người, việc hiểu biết đầy đủ những giá trị truyền thống trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước là trách nhiệm của mỗi công dân, nhất là với thế hệ trẻ.
Thế hệ trẻ hôm nay là những người được thừa hưởng những thành quả của biết bao thế hệ cha ông để lại. Trách nhiệm của họ là phải biết tri ân công lao của cha ông, phải viết tiếp những trang sử mới của dân tộc bằng những nỗ lực trên mặt trận lao động, sản xuất, học tập và công tác để nước ta thực sự là dân giàu, nước mạnh. Đúng như lời Bác dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(13).
Việc giáo dục những giá trị trong truyền thống đấu tranh dựng nước, lịch sử hào hùng của dân tộc cho thanh niên cần được bắt đầu từ rất sớm, từ trong mỗi gia đình với những bài học về đạo đức, về lòng biết ơn, sự tự hào với ông cha, với dân tộc; trong nhà trường với những kiến thức cần thiết và những phong trào, hoạt động tri ân, tưởng nhớ công lao của những anh hùng dân tộc, tôn vinh những tấm gương trong xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh…; và sự quan tâm góp sức của xã hội để thanh niên từng bước đảm nhận, gánh vác trách nhiệm của mình trước non sông, dân tộc qua các phong trào xã hội mà thanh niên đóng vai trò xung kích.
Thứ ba, bồi dưỡng thanh niên có nhận thức đúng đắn về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, về con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trải qua bao năm bôn ba nơi hải ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường duy nhất đúng đắn cho cách mạng nước ta là đấu tranh để giành cho được độc lập dân tộc, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường duy nhất để đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành những người làm chủ vận mệnh của bản thân và làm chủ cả xã hội. Những biến động khó lường của cách mạng thế giới những năm qua, với những hậu quả từ sự thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế càng cho thấy sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn của Người.
Để thực sự xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần bồi dưỡng cho thanh niên hiểu và nắm vững mục tiêu, lý tưởng của Đảng, con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn để rèn luyện, phấn đấu, phụng sự cho sự nghiệp cao cả đó. Đây là quá trình lâu dài, công phu, và muốn đạt được thành công, chúng ta phải luôn nhớ tới sự chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, đó là phải thông qua các phong trào thực tế của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kết hợp kiến thức trong nhà trường với kiến thức chính trị - xã hội… Từ đó, thanh niên thấm nhuần và khắc sâu về lý tưởng của thế hệ mình, biến nhận thức thành hành động tự giác qua các phong trào cách mạng, trong ứng xử hằng ngày.
Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Thường xuyên nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng và đội ngũ đảng viên đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Mỗi tổ chức đảng cần nhận thức rõ: việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ là chuẩn bị đội dự bị tin cậy bổ sung lực lượng cho Đảng. Vì vậy, cấp ủy đảng các cấp cần có kế hoạch cụ thể trong công tác bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chủ trương, đường lối, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ bằng các biện pháp thiết thực, hiệu quả, mạnh dạn bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực. Phát huy vai trò gương mẫu của mỗi đảng viên trong công tác tuyên truyền thanh niên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; giúp đỡ, tạo điều kiện để thế hệ trẻ trưởng thành, tiến bộ.
Sự lớn mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc trong tương lai phụ thuộc vào chất lượng của công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện tại. Vấn đề này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của Người. Tương lai của dân tộc sẽ vững vàng, vẻ vang sánh vai với các “cường quốc năm châu” nếu như chúng ta thực hiện đúng những lời căn dặn trong Di chúc thiêng liêng của Người./.
-----------------
(1) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 41, tr. 354
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr.144
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 216
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 612
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 194
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 188
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 135
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 276
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 178
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr.179
(12)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 162 - 163
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 35
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22 đến 28-4-2019)  (30/04/2019)
Thành phố Hồ Chí Minh - 44 năm năng động, phát triển và hội nhập  (29/04/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 22 đến 28-4-2019  (29/04/2019)
Đại tướng Lê Đức Anh - Vị tướng luôn theo sát chiến trường  (29/04/2019)
Nỗ lực không ngừng nghỉ của PVN, PVTEX và người lao động Dầu khí để vận hành trở lại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ  (29/04/2019)
Lấy ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)  (29/04/2019)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay