Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội: Thực trạng và giải pháp
TCCS - Phát triển công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ quan trọng của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp hỗ trợ hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, thành phố cần có ý chí và quyết tâm chính trị cao, đưa ra những giải pháp phù hợp và hành động quyết liệt.
Tình hình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội
Tính đến hết năm 2018, giá trị do doanh thu các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội tạo ra khoảng 246 nghìn tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2011. Trong tốp 500 doanh nghiệp về doanh thu của ngành công nghiệp Hà Nội thì có tới 251 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (chiếm 46%). So với mức phát triển chung của nền kinh tế thành phố thì công nghiệp hỗ trợ có sự phát triển khá hơn nhưng nhìn chung vẫn chậm và yếu, còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Tỉ lệ đóng góp của công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế của thành phố giảm liên tục từ năm 2011 đến năm 2018. Tỷ lệ đóng góp vào giá trị xuất khẩu giảm từ 37,7% năm 2011 xuống còn 35,8% vào năm 2018 và đóng góp vào GRDP giảm từ khoảng 17,6% xuống 13,8%.
Năm 2018, công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 13,8% GRDP, nộp ngân sách khoảng 6%; tạo ra giá trị xuất khẩu bằng khoảng 18,8% giá trị xuất khẩu của thành phố và bằng khoảng 53,4% giá trị xuất khẩu của riêng ngành công nghiệp Hà Nội; đồng thời, tạo việc làm cho khoảng 5% lao động xã hội.
Trong giai đoạn năm 2011 - 2018, hiệu quả phát triển của công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nội còn tương đối thấp. Nhiều chỉ tiêu hiệu quả không tăng hoặc tăng chậm: năng suất lao động của khu vực công nghiệp hỗ trợ tăng khoảng 3,8%/năm; tốc độ tăng giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 6,5%/năm; tỉ lệ giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất của khu vực công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 30% (trong khi của cả ngành công nghiệp Hà Nội đạt khoảng 37%).
Nguyên nhân của tình trạng yếu kém, hiệu quả thấp trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội thời gian qua được xác định do:
- Chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa rõ ràng, chính sách chưa đủ mức, chưa phù hợp và thiếu cụ thể. Thành phố Hà Nội xác định 6 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và theo đó sẽ phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (sản xuất phương tiện vận tải; dệt may da giày; điện, điện tử viễn thông; cơ khí; bao bì nhãn mác; chế biến nông lâm sản). Thực tế chỉ ra rằng, đối với thành phố Hà Nội chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực như thế là chưa phù hợp. Dệt may, da giày tuy có giá trị lớn nhưng tỉ lệ giá trị gia tăng rất thấp (chỉ khoảng 12% - 13% giá trị sản lượng). Hà Nội không có nguyên liệu nông, lâm sản nên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản khó cạnh tranh được với các địa phương giàu có về nguyên liệu là nông, lâm sản. Công nghiệp bao bì nhãn mác, sản xuất phương tiện vận tải, cơ khí không phải là thế mạnh của Hà Nội nên việc xác định là sản phẩm chủ lực không hấp dẫn các nhà đầu tư đổ vốn vào các lĩnh vực này. Chính sách khuyến khích vừa thiếu cụ thể vừa chưa đủ mức hấp dẫn nên một số nhà đầu tư lớn không đến Hà Nội mà đến các địa phương khác (rõ nhất là nhà đầu tư điện thoại SAMSUNG đến Thái Nguyên đầu tư. Năm 2018, Công ty SAMSUNG Thái Nguyên xuất khẩu 16 - 17 tỉ USD, riêng linh kiện, phụ kiện điện thoại xuất khẩu được khoảng 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị xuất khẩu của thành phố Hà Nội chỉ được khoảng 12 tỷ USD và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chỉ xuất khẩu được khoảng 1,9 tỷ USD).
- Thiếu điều kiện để công nghiệp hỗ trợ phát triển. Thực tiễn chỉ ra rằng, để công nghiệp hỗ trợ phát triển được cần có các điều kiện cơ bản: 1- Xí nghiệp lắp ráp quy mô lớn (vừa làm hạt nhân, giữ vị trí nòng cốt vừa có thị trường cả trong nước và quốc tế rộng lớn); nguyên vật liệu cao cấp và công nghệ hiện đại để chế tạo linh kiện, phụ kiện; 2- Thu được lợi nhuận cao (muốn vậy thì chính sách của nhà nước phải tạo ra sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động và thu được nhiều lợi nhuận); 3- Kết cấu hạ tầng tốt và chi phí đầu vào thấp; 4- Nhân lực có chất lượng (đây là yếu tố cần thiết nhưng nếu quyết tâm và có cách làm đúng thì sau khi ký thỏa thuận để cấp phép đầu tư chính quyền thành phố phối hợp với doanh nghiệp tiến hành đào tạo nhân lực thì sẽ có nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghiệp hỗ trợ).
Do những nguyên nhân vừa nêu ở trên, cơ cấu công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế so sánh của thành phố và chưa thể hiện yêu cầu phát triển theo hướng hiện đại hóa. Riêng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc khối FDI tạo ra khoảng 67% - 68% khoản nộp ngân sách của khu vực công nghiệp hỗ trợ. Thực tiễn cho biết, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phải nhập từ công nghệ đến nguyên liệu để sản xuất linh kiện, phụ kiện nên không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của khu vực FDI.
- Trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội còn thấp và phụ thuộc vào nước ngoài. Xét theo mức độ công nghệ đối với các thiết bị chính trong dây chuyền sản xuất thì: Thủ công chiếm khoảng 27,8%; cơ khí hóa bán tự động chiếm khoảng 39,9% và tự động hóa chiếm khoảng 32,3%. Điều này cho thấy, tỷ lệ tự động hóa của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội đang ở mức khá khiêm tốn.
- Lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là lao động phổ thông với tỉ lệ trung bình khoảng 69%, tỉ lệ lao động có trình độ cao đẳng và đại học chiếm khoảng 30%, lao động có trình độ sau đại học chỉ chiếm khoảng 1%. Trong khu vực công nghiệp hỗ trợ, ngành sản xuất ô tô và điện tử là những ngành có trình độ lao động tốt hơn.
Một số giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội
Trước hết, thành phố Hà Nội cần đổi mới tư duy, nhận thức để từ đó có chính sách, hành động đúng, trong đó:
- Cần xác định lại các sản phẩm công nghiệp chủ lực để lựa chọn đúng đắn sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội phù hợp với chủ trương của Nhà nước trung ương tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP, ngày 3-11-2015 và Quyết định số 9028/QĐ- BCT, ngày 8-10-2014, của Bộ Công thương. Xuất phát từ việc xem chức năng cơ bản của thành phố Hà Nội là phát triển dịch vụ chất lượng cao và phát triển công nghiệp công nghệ cao, có giá trị kinh tế lớn và có tỉ trọng giá trị gia tăng cao nên sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội phải là cơ điện tử (mà tiêu biểu là sản xuất máy tính; thiết bị nghe nhìn và viễn thông; thiết bị cơ khí chính xác; thiết bị tự động hóa; công nghiệp văn hóa, giải trí cao cấp; sản xuất thuốc chữa bệnh...) để xác định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển. Không nên chọn công nghiệp dệt may, da giày, cơ khí, sản xuất phương tiện vận tải, chế biến nông lâm sản làm lĩnh vực công nghiệp chủ lực.
- Thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Mỹ... Làm như vậy mới có điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ và có thị trường lớn cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đây là yếu tố mang tính quyết định nên phải đặc biệt chú ý. Thời gian đầu, khi tiềm lực vốn đầu tư của tư nhân trên địa bàn Hà Nội còn hạn chế, nguyên vật liệu và thiết bị sản xuất linh kiện, phụ kiện, phụ tùng, chi tiết thiết bị chưa có thì thành phố nên tính tới cách khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước liên doanh với các đại gia lắp ráp ôtô, điện thoại, thiết bị viễn thông, lắp ráp máy tính, sản xuất máy móc văn phòng... để sản xuất linh phụ kiện, phụ tùng máy móc thuộc công nghiệp hỗ trợ trong các chuỗi giá trị sản phẩm mang tầm quốc tế. Một thời gian sau, chính quyền Hà Nội có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong nước mua lại nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đó là cách làm đem lại thành công cho một số quốc gia, trong đó tiêu biểu là Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ trong khi thiếu công nghệ chế tạo linh kiện phụ kiện, thiếu nguyên liệu chất lượng cao và trong khi các nhà lắp ráp của nước ngoài chỉ muốn kéo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ từ nước họ sang. Vì thế, Chính quyền Hà Nội cũng như Chính phủ Việt Nam cần có phương thức phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách phù hợp. Giai đoạn đầu nên lôi kéo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ từ các quốc gia có công nghiệp phát triển hàng đầu mà họ đang có xí nghiệp lắp ráp tại Việt Nam. Tiếp theo là khuyến khích liên doanh giữa nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư FDI. Rồi sau đó khi có điều kiện sẽ tự phát triển công nghiệp hỗ trợ của người Việt Nam. Đó có thể xem như cách làm khôn ngoan.
Hai là, nâng cao năng lực quản lý nhà nước để phát triển công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ, có hiệu quả, trong đó:
- Hoàn thiện hệ thống bộ máy quản lý phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cần xây dựng một trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trung tâm này có chức năng cung cấp thông tin về công nghiệp hỗ trợ; tư vấn xây dựng dự án, hợp tác quốc tế, giúp chính quyền thành phố phát hiện và tham mưu giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ....). Hà Nội cũng như Việt Nam học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ như cách làm của Thái Lan và Malaysia đã từng thực hiện và đã thành công trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ. Định kỳ tổ chức đối thoại giữa chính quyền thành phố với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp.
- Ban hành và tổ chức thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đủ sức hấp dẫn và đem lại lợi nhuận cao cho các dự án công nghiệp hỗ trợ.
+ Khuyến khích những dự án lắp ráp quy mô vốn trên tỷ USD và dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ khoảng trên 100 triệu USD; xuất khẩu sản phẩm trên 300 triệu USD. Cụ thể là cấp đất ở những vị trí thuận lợi, giảm khoảng 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm khoảng 15% thuế xuất nhập khẩu.
+ Khuyến khích những dự án công nghiệp hỗ trợ sử dụng ít đất và ít điện. Nếu mức sử dụng đất, điện ít hơn mức thông thường 30% thì sẽ được hưởng ưu đãi về thuế như các dự án đã nêu ở mục trên.
+ Hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực quản lí và công nhân trình độ cao khi phải đưa người sang nước ngoài đào tạo với mức hỗ trợ khoảng 25% - 30% kinh phí.
Ba là, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để các dự án công nghiệp hỗ trợ phát triển có hệu quả, trong đó:
- Cần quy hoạch một hoặc vài khu công nghiệp dành riêng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cả thị trường miền Bắc, cả nước và quốc tế với quy mô khoảng vài trăm héc-ta tại khu vực ngoại đô.
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, theo hướng hiện đại, nhất là phát triển mạng giao thông kết nối thông suốt từ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đến sân bay, cảng biển, ga đường sắt; xây dựng các công trình cấp điện, nước; thu gom và xử lí nước thải và chất thải rắn công nghiệp. Đồng thời, phát triển các dịch vụ hỗ trợ khác như hải quan, logistics, viễn thông, ngân hàng...
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Qua đó, cải tiến mạnh mẽ việc thực hiện thủ tục hành chính, làm cho việc thực hiện thủ tục hành chính diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, công khai minh bạch chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao thứ hạng trong bảng xếp hạng PCI và PAPI của các tỉnh trong cả nước. Hoàn thiện chính quyền điện tử, cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp, nhất là cho các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Năm là, tổ chức đánh giá hiệu quả phát triển công nghiệp hỗ trợ và hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố hằng năm. Kết quả đánh giá cần công khai với người dân và doanh nghiệp.
Sáu là, tích cực triển khai xúc tiến đầu tư và thương mại để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, coi trọng thu hút các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Pháp... để phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực trọng điểm nhằm phát triển được các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố một cách nhanh chóng và hiệu quả cao./.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị lấy ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô  (30/10/2021)
Thành phố Hà Nội: Xây dựng con người văn hóa, văn minh, thanh lịch  (29/10/2021)
Văn hóa Hà Nội trong dòng chảy hội nhập quốc tế  (29/10/2021)
Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19  (29/10/2021)
Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài ứng dụng công nghệ cao  (29/10/2021)
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm