Hà Nội tăng cường quản lý quy hoạch bảo đảm phát triển đô thị đổi mới, sáng tạo
TCCS - Ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Hà Nội cần tập trung quản lý tốt ngay từ khâu lập và thực hiện quy hoạch nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị đổi mới, sáng tạo.
Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ về quy hoạch. Theo đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình công tác về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, gồm: Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 17-3-2021, về “Chương trình chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình số 05-CTr/TU, ngày 17-3-2021, về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”; Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 2-3-2022, về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng”…
Quy hoạch luôn được coi là công cụ định hướng quan trọng của Nhà nước, là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ chú trọng công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, trong đó có tổ chức nghiên cứu lập thêm một số quy hoạch đặc thù, như: phát triển hệ thống không gian ngầm, làng nghề truyền thống kết hợp du lịch, các khu đô thị mới, mang tầm vóc và hiện đại,... nên diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi và dần củng cố vai trò, vị thế là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Trong những năm qua, công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Công tác quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường, kết cấu hạ tầng dần được hoàn thiện và hiện đại hóa, vấn đề nhà ở cho nhân dân được cải thiện. Các khu đô thị mới hiện đại dần được hình thành, góp phần giảm tải dân số khu vực nội đô, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW, cụ thể như nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới. Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt mục tiêu theo kế hoạch…
Bối cảnh, tình hình thế giới hiện nay tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên là những thách thức lớn đe doạ sự ổn định và phát triển ở một số khu vực, quốc gia; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, đi kèm theo đó là sự điều chỉnh chiến lược, chính sách ở nhiều quốc gia, tập hợp lực lượng ngày càng linh hoạt, phức tạp; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường...
Để triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát huy được tiềm năng, thế mạnh, vai trò hạt nhân, động lực của Thủ đô, Hà Nội cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền sâu sắc những quan điểm chỉ đạo cốt lõi của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 45-KL/TW, ngày 17-11-2022, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 81/2023/QH15, ngày 9-1-2023, của Quốc hội, về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, sự đồng thuận trong Đảng và xã hội ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước đối với đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ Đại hội XIII nói chung và công tác quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch Thủ đô Hà Nội, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày 26-8-2022 của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện thể chế và hệ thống khung pháp lý về vùng, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới trên cơ sở tổng kết, bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô.
Thứ tư, trong quá trình thực hiện quy hoạch cần chú ý đến vai trò của cộng đồng, đặc biệt là vai trò giám sát việc thực hiện quy hoạch. Nâng cao vai trò của cộng đồng thông qua khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các nhà đầu tư vào quá trình lập và thực hiện quy hoạch từ những bước ban đầu; có cơ chế tạo điều kiện cho người dân, các nhà đầu tư tham gia vào quá trình lập và thực hiện quy hoạch phát triển không gian; tăng cường vai trò giám sát của người dân trong thực hiện quy hoạch.
Thứ năm, Luật Thủ đô cũng nêu rõ, cần có sự kết nối, liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với vùng Thủ đô và cả nước. Do đó, trong quá trình thực hiện quy hoạch cần phân tích, xác định rõ những ngành, lĩnh vực mà Thủ đô có tiềm năng, lợi thế phát triển theo hướng hiện đại, bền vững (đặc biệt tập trung vào những ngành dịch vụ chuyên sâu, như khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, tài chính, ngân hàng, văn hóa - nghệ thuật, trung tâm tổ chức sự kiện quốc gia, quốc tế, du lịch, vui chơi giải trí, mua sắm,…) để trở thành đầu tàu của vùng, của cả nước và quốc tế. Các nguồn lực phân bổ, huy động cần ưu tiên đầu tư phát triển nhằm tạo môi trường thuận lợi cho những ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển./.
Phát triển toàn diện du lịch Thủ đô, giữ vững vai trò trung tâm du lịch lớn của cả nước  (26/08/2024)
Để Hà Nội trở thành đô thị thông minh  (26/07/2024)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên