Vận dụng quan điểm của V.I. Lê-nin về xây dựng tổ chức cơ sở đảng vào thực tiễn Việt Nam
TCCS - Theo V.I. Lê-nin, tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị lãnh đạo hoạt động của cơ quan, đơn vị. Sự vững mạnh của các tổ chức cơ sở đảng là điều kiện bảo đảm cho sự vững mạnh của toàn Đảng. Những quan điểm của V.I. Lê-nin về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng là kinh nghiệm quý để Đảng ta vận dụng trong giai đoạn hiện nay.
Quan điểm của V.I. Lê-nin về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng
Tổ chức cơ sở đảng là nơi nắm vững và bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở tuân thủ đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, đấu tranh về quan điểm và rèn luyện đảng viên; gắn kết Đảng với quần chúng, vận động quần chúng thực hiện tốt chủ trương của Đảng. Thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở là điều kiện tiên quyết để Đảng vững mạnh. Theo V.I. Lê-nin, việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng là công việc thường xuyên, liên tục và phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Đó là:
Thứ nhất, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trở thành hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện đường lối của Đảng ở cơ sở. Trong tác phẩm Làm gì?, V.I. Lê-nin cho rằng, để sự nghiệp cách mạng thành công “đòi hỏi phải có cho toàn nước Nga một tổ chức thống nhất gồm những người cách mạng, một tổ chức có khả năng đảm nhiệm việc lãnh đạo các tổ chức nghiệp đoàn của công nhân trong phạm vi toàn Nga”(1). Đặc biệt, khi đề cập đến vấn đề xây dựng đảng kiểu mới, V.I. Lê-nin khẳng định cần thành lập tổ chức đảng ở các công xưởng, nhà máy, các địa phương theo chế độ phân cấp rõ ràng. “Ở tất cả các tổ chức, các hội, các hiệp hội, không trừ một loại nào... phải tổ chức những tiểu tổ hay những chi bộ Cộng sản... những chi bộ ấy liên hệ chặt chẽ với nhau và với Trung ương Đảng”(2). Sau khi thành lập, các chi bộ phải thực hiện cổ động, tuyên truyền,... thích nghi với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, với mọi tầng lớp quần chúng lao động. Thông qua thực tiễn ở cơ sở để kiểm nghiệm chủ trương, đường lối và bổ sung, phát triển đường lối của Đảng, lấy kết quả hoạt động thực tế làm thước đo đánh giá sự lãnh đạo của Đảng và các tổ chức đảng.
Thứ hai, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trở thành nơi trực tiếp giáo dục, rèn luyện, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên; liên hệ chặt chẽ với quần chúng và lãnh đạo quần chúng thực hiện lý tưởng của Đảng. V.I. Lê-nin khẳng định: “Giáo dục đội tiên phong của giai cấp vô sản, đội tiền phong này đủ sức nắm chính quyền và dẫn dắt toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, đủ sức lãnh đạo và tổ chức một chế độ mới, đủ sức làm thầy, làm người dẫn đường, làm lãnh tụ của tất cả những người lao động”(3). Trong đó, chất lượng đội ngũ đảng viên là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh của Đảng, vì vậy, V.I. Lê-nin yêu cầu các chi bộ “thông qua công tác muôn hình, muôn vẻ đó mà rèn luyện bản thân mình, rèn luyện đảng, giai cấp, quần chúng một cách có hệ thống”(4); qua lao động, thực tiễn đấu tranh cách mạng mà thử thách đảng viên để nâng cao uy tín của Đảng, tạo sự gắn bó, tin tưởng của nhân dân với Đảng. Trong bài viết Nhà nước của công nhân và Tuần lễ Đảng, V.I. Lê-nin cho rằng, cần “quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đảng viên, đến việc thanh trừ “bọn luồn lọt vào Đảng” ra khỏi hàng ngũ mình, chứ không phải là quan tâm làm tăng thêm số lượng đảng viên”(5).
Thứ ba, bảo đảm tính đảng của tổ chức cơ sở đảng. Tính đảng được hiểu là sự thừa nhận một cách tự nguyện và trung thành tuyệt đối với nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng đã lựa chọn; tuân thủ một cách nghiêm ngặt tính tổ chức, tính kỷ luật của Đảng; là những chuẩn mực giữa lời nói và hành động trong các hoạt động xã hội. Trong bài viết Về việc phá hoại sự thống nhất, che đậy bằng những lời kêu gào thống nhất, V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Ở nơi nào mà đa số công nhân giác ngộ đoàn kết xung quanh những nghị quyết rõ ràng và chính xác, thì ở đó có sự nhất trí về tư tưởng và hành động, ở đó có tính đảng và đảng”(6). Tổ chức cơ sở đảng và từng đảng viên phải nhận thức sâu sắc nghị quyết, thấm nhuần tư tưởng của Đảng, bền bỉ phấn đấu, đặt lợi ích của Đảng, nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.
Thứ tư, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức đảng ở cơ sở. Theo V.I. Lê-nin, tập trung dân chủ nghĩa là kết hợp lãnh đạo, quản lý tập trung với tinh thần tích cực sáng tạo của quần chúng. Trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng xã hội mới ở nước Nga, V.I. Lê-nin luôn nhất quán quan điểm: “Chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”(7). Nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ là phương pháp và tác phong công tác của chính đảng vô sản cầm quyền, mà trước hết chính là nguyên tắc tổ chức của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp hữu cơ giữa hai mặt dân chủ và tập trung; tập trung và dân chủ vừa đối lập nhau, vừa liên kết với nhau, mặt này là tiền đề, điều kiện cho mặt kia và ngược lại. Tập trung và dân chủ kết hợp với nhau tạo thành một chỉnh thể không thể thiếu của nguyên tắc tổ chức đảng vô sản, trong đó dân chủ là cơ sở của tập trung, còn tập trung là điều kiện để bảo đảm cho dân chủ được thực hiện. Phủ định hay loại trừ bất cứ mặt nào đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở nước ta hiện nay
Hiện nay, toàn Đảng ta có 52.125 tổ chức cơ sở đảng với 5.192.533 đảng viên. Trực thuộc đảng ủy cơ sở có 2.478 đảng bộ bộ phận và 227.328 chi bộ(8) thuộc các loại hình tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn; cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp; đơn vị quân đội, công an; đơn vị ở ngoài nước.
Việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ qua các kỳ Đại hội. Những năm gần đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở; bổ sung, sửa đổi và ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng(9). Đây là hệ thống những văn bản quan trọng, làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng đề ra chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.
Tại các cơ sở đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên được cấp ủy, tổ chức đảng đề cao. Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng thường xuyên đổi mới, tổ chức dưới hình thức trực tuyến từ Trung ương đến cơ sở đã nhanh chóng tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, sớm đưa các nghị quyết vào cuộc sống. Đơn cử, Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII được truyền hình trực tuyến với 2.700 điểm cầu, hơn 405.000 cán bộ, đảng viên tham dự(10); Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được kết nối với 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và đường truyền mở rộng đến hơn 7.400 điểm cầu cơ sở với gần 1 triệu đảng viên tham gia(11). Công tác tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” dần đi vào nền nếp; cấp ủy cấp trên gương mẫu thực hiện nghiêm túc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng gợi ý, dự chỉ đạo kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý; coi trọng kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm của cấp dưới. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị được đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên với nhiều cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực.
Quán triệt Nghị quyết 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng được thực hiện đồng bộ với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua sắp xếp đã giảm trên 3.000 tổ chức cơ sở đảng ở các loại hình, trong đó giảm 565 đảng bộ xã, phường, thị trấn và giảm trên 10.000 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố, góp phần tinh gọn hệ thống chính trị ở cơ sở, giảm chi ngân sách nhà nước cho hoạt động của các tổ chức đảng(12). Chú trọng nâng cao chất lượng cấp ủy cơ sở, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chuyên trách công tác đảng. Giai đoạn 2015 - 2020, đã tổ chức trên 3.000 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho trên 325.000 lượt cấp ủy viên, bí thư cấp ủy và cán bộ chuyên trách làm công tác đảng.
Chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên; nhiều cấp ủy đã hướng dẫn nội dung sinh hoạt đối với từng loại hình chi bộ, ban hành tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề việc chấp hành nền nếp, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt. Hầu hết các chi bộ đều đưa việc tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt hằng tháng. Tăng cường sinh hoạt chuyên đề, tập trung nhiều hơn cho sinh hoạt chính trị tư tưởng, công tác đảng, từng bước khắc phục tình trạng đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá phù hợp với từng loại hình tổ chức đảng, từng đối tượng đảng viên. Đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thực chất hơn, sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng đội ngũ đảng viên mới cho tổ chức đảng ở cơ sở được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ta đã kết nạp được 880.155 đảng viên, trình độ chuyên môn của đảng viên mới kết nạp được nâng lên, có đến 41,5% đảng viên có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 3% là thạc sĩ và 0,15% là tiến sĩ, cơ cấu hợp lý theo hướng trẻ hóa và tăng tỷ lệ nữ với 67,67% là đoàn viên, 43,72% là nữ(13). Đặc biệt, thành công trong việc thí điểm kết nạp 6.652 chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng(14).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Đảng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận một số yếu kém nhất định trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, đó là: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, nhất là khả năng dự báo, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo còn nhiều khó khăn, hạn chế. Sinh hoạt chi bộ ở một số nơi vẫn còn hình thức, sinh hoạt chuyên đề chưa được xem trọng, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu. Công tác kết nạp đảng viên ở một số nơi còn chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng; động cơ vào Đảng của một số quần chúng chưa đúng đắn. Tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận đảng viên giảm sút. Việc xét miễn, giảm công tác và sinh hoạt đảng chưa chặt chẽ, việc quản lý đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú còn khó khăn, phức tạp; số đảng viên xin ra khỏi Đảng, bỏ sinh hoạt đảng phải xóa tên có xu hướng tăng lên; việc rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng chưa được tiến hành thường xuyên(15).
Tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng
Quán triệt quan điểm “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên”(16), cùng với vận dụng quan điểm của V.I. Lê-nin, hướng tới xây dựng các tổ chức cơ sở đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, cần triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tích cực đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên. Đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””. Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kịp thời phát hiện, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương đảng viên xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực để khuyến khích, tạo động lực cho mọi đảng viên ra sức phấn đấu, học tập, cống hiến vì sự nghiệp chung.
Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh gắn với quan tâm chấn chỉnh tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Tiếp tục sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng đồng bộ với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là đổi mới bộ máy bên trong. Rà soát, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của một số tổ chức cơ sở đảng. Nghiêm túc thực hiện quy chế làm việc cấp cơ sở.
Ba là, thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh việc nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác Đảng cho đội ngũ cán bộ cấp ủy ở cơ sở thì cần từng bước thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân ở những nơi đủ điều kiện; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận.
Bốn là, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy tại chi bộ để nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các loại hình chi bộ, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu là việc làm trọng yếu, thường xuyên. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các chi bộ, đảng viên vi phạm quy định, nguyên tắc sinh hoạt đảng. Chú trọng việc thực hiện các Nghị quyết và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và gương mẫu thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu các cấp.
Năm là, nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên, khắc phục tình trạng chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng, xem nhẹ tiêu chuẩn, điều kiện. Xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên hợp lý cả về lượng và chất, cơ cấu phù hợp với thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng những đoàn viên, hội viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập, nghiên cứu khoa học, trong lực lượng vũ trang. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, hướng dẫn để quản lý chặt chẽ đội ngũ đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng./.
---------------------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t. 6, tr. 193
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 232
(3) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 33, tr. 33
(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 233
(5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 39, tr. 255
(6) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 25, tr. 223
(7) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 36, tr. 185
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021,
t. II, tr. 185
(9) Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22-9-2017, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, của Ban Bí thư khóa X, “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới”; Kết luận số 38-KL/TW, ngày 13-11-2018, của Bộ Chính trị Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-1-2019, của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”; Chỉ thị số 33-CT/T, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư “Về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”...
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 171
(11) Thiên Bình: “Bế mạc Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII”, báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 28-3-2021, https://www.vov.vn/chinh-tri/dang/be-mac-hoi-nghi-truc-tuyen-hoc-tap-quan-triet-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-846389.vov
(12) Hà Ban: “Nhìn lại một nhiệm kỳ công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên”, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, ngày 14-10-2020, http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Dai-hoi-dang/2020/14293/Nhin-lai-mot-nhiem-ky-cong-tac-xay-dung-to-chuc-co.aspx
(13), (14), (15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 188, 189, 189 – 190
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 229 - 230
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” - Giá trị vận dụng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay  (16/05/2022)
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của Đảng cách mạng - Giá trị vận dụng trong xây dựng Đảng về chính trị hiện nay  (06/05/2022)
Tỉnh Bạc Liêu đổi mới công tác dân vận, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh  (19/04/2022)
Tỉnh Gia Lai tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới  (28/02/2022)
Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện ở các tỉnh vùng Tây Nam Bộ  (24/02/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên