Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
TCCS - Trên tinh thần các đơn vị, địa phương phải nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa quán triệt tới các đơn vị trực thuộc theo tinh thần “góp gió thành bão” để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Gỡ khó cho nhiều dự án vướng mắc
Phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phấn đấu hoàn thành “mục tiêu kép”, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đầu tư công với tinh thần huy động cả hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc.
Thành phố đặt mục tiêu và có các giải pháp cụ thể để phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2020. Theo đó, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư cho thành phố Hà Nội là 40.671,4 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã giải ngân được 49,6% và khối lượng chuẩn bị nghiệm thu thanh toán trong những ngày tới sẽ giải ngân đạt 53%.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, Hà Nội đã thành lập Tổ công tác đặc trách để chỉ đạo rà soát, đánh giá nguồn thu, cơ chế chi, nội dung chi ngân sách năm 2020; qua đó đã rà soát, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc của từng dự án. Ủy ban nhân dân thành phố cũng tổ chức các hội nghị giao ban với Giám đốc các sở ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các chủ đầu tư dự án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những dự án có nhiều khó khăn, vướng mắc nhất; phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương, trong đó có nội dung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thời gian tới, chào mừng Quốc khánh 2-9, kỷ niệm Giải phóng Thủ đô, Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc, hàng chục công trình của thành phố sẽ được hoàn thành và khởi công, như nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên, công trình mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên, hầm chui Lê Văn Lương…
“Góp gió thành bão” để đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành công văn số 4058/UBND-KHĐT ngày 21-8-2020 về việc thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy tại hội nghị với Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình phân bổ, thực hiện, giải ngân Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; định hướng xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, theo Thông báo số 2558/TB-TU ngày 14-4-2020 của Thành ủy.
Theo đó, các đơn vị, địa phương phải nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo; quán triệt tới các đơn vị trực thuộc theo tinh thần “góp gió thành bão” để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục hoàn thiện, đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác đặc trách do lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì để chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng dự án; kiểm điểm tiến độ giải quyết, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, trình tự, thủ tục, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Các chủ đầu tư phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, động viên các nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, trang thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các dự án; định kỳ báo cáo kết quả triển khai các dự án đầu tư công.
Sở Xây dựng phải chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo đảm an toàn cho người, máy móc, trang thiết bị phục vụ thi công các dự án trong điều kiện bình thường và trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện quy định của Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, trong đó có điều khoản quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2020.
Sở Nội vụ cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố rà soát, kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy và nhân sự tại các ban quản lý dự án của thành phố, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu về quản lý đầu tư xây dựng; chỉ đạo Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố đề xuất, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các ban quản lý dự án xây dựng chuyên ngành của thành phố xác định danh mục các dự án, công trình (đặc biệt là công trình cấp bách, trọng điểm) khởi công hoặc hoàn thành để chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội XIII của Đảng.
Về định hướng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành; chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 theo hướng bám sát Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 20-7-2019 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ thị, hướng dẫn của các bộ và Ủy ban nhân dân thành phố.
Trong đó, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu để Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và xác định tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; trước mắt, có đánh giá thêm tác động của dịch COVID-19 tới khả năng cân đối ngân sách thành phố.
Giải pháp đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công
Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng cuối năm 2020, đồng chí Nguyễn Văn Sửu cho biết, cùng với việc tiếp tục rà soát nguồn vốn, ưu tiên bảo đảm nguồn cho chi đầu tư phát triển phục vụ mục tiêu tăng trưởng của thành phố; triển khai quyết liệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư, phấn đấu thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn đã giao, thành phố sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Đáng chú ý, ngay cuối tháng 8-2020, thành phố đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2020 để cả hệ thống chính trị vào cuộc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Cùng với đó, thành phố cũng thành lập các tổ công tác, do các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm tổ trưởng, sẽ trực tiếp tháo gỡ tại công trường, dự án, xử lý ngay các vướng mắc.
Thành phố chủ động triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, trong đó, có một số nội dung có hiệu lực từ 15-8-2020 để bảo đảm các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn; xây dựng phương án điều hòa vốn hóa vốn, kiên quyết chuyển nguồn những công trình làm chậm, những công trình có khối lượng, khả năng thanh toán không kịp sang các dự án mà có khả năng giải ngân nhanh hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Sửu kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ khó khăn một số dự án ODA của thành phố Hà Nội như đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, để hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Bộ Tài chính quan tâm chuẩn bị các nội dung ký hợp đồng với Hiệp định vay bổ sung 20 triệu euro tạm ứng cho gói thầu số 9 của Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); xem xét thông qua hạn mức tín dụng với gói thầu Tư vấn theo đúng quy định tại Hiệp định vay đã ký với JICA và quy định quản lý vốn vay của Nhà nước và nhà tài trợ của Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; sớm có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục ký hợp đồng vay lại của 2 Dự án trường nghề thuộc dự án “Tăng cường lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp” có thể triển khai theo đúng các chủ trương được duyệt của Chính phủ.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành công văn số 4058/UBND-KHĐT ngày 21-8-2020 về việc thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy tại hội nghị với Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình phân bổ, thực hiện, giải ngân Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; định hướng xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, theo Thông báo số 2558/TB-TU ngày 14-4-2020 của Thành ủy.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành; chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội và chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công của thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020./.
Hà Nội hoàn thành tổ chức đại hội cấp trên cơ sở, vững bước hướng tới thành công của Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố  (20/08/2020)
Tự hào và sâu lắng trong từng cung bậc của chương trình giao lưu nghệ thuật “Sao Độc lập” 2020  (19/08/2020)
Đột phá chiến lược về phát triển khoa học, công nghệ của Thủ đô  (12/08/2020)
Đảng bộ huyện Ứng Hòa chăm lo phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành vùng sản xuất trọng điểm, vùng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao của Thủ đô  (09/08/2020)
Những trăn trở từ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2  (09/08/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên