Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững
TCCS - Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng cho kháng chiến, kiến quốc. Ðể triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Kể từ đó đến nay, các phong trào thi đua yêu nước đã không ngừng phát triển sôi nổi và rộng khắp, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực lao động sản xuất, chiến đấu, học tập, góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, phong trào thi đua yêu nước cần tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước - sự vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là di sản hết sức quý báu trong kho tàng tri thức dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là sự vận dụng, kết hợp sáng tạo giữa nhận thức chung về thi đua của các nhà tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định, thi đua là hiện tượng xã hội tất yếu, “sự cạnh tranh giữa các cá nhân riêng lẻ với nhau, sự tranh đua giữa tư bản với tư bản, giữa lao động với lao động,... được quy thành sự thi đua dựa trên bản tính con người”(1); “ngay sự tiếp xúc xã hội cũng đã đẻ ra thi đua, cũng kích thích nguyên khí làm tăng năng suất cá nhân của từng người riêng rẽ”(2).
Khi lãnh đạo việc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, V.I. Lê-nin đã tổng kết thực tiễn, phát hiện và khẳng định thi đua xã hội chủ nghĩa là phương thức xây dựng xã hội kiểu mới. V.I. Lê-nin cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội không những không dập tắt thi đua, mà trái lại, lần đầu tiên, đã tạo ra khả năng áp dụng thi đua một cách thật sự rộng rãi, với một quy mô thật sự to lớn, tạo ra khả năng thu hút thật sự đa số nhân dân lao động vào vũ đài hoạt động khiến họ có thể tỏ rõ bản lĩnh, dốc hết năng lực của mình... Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay, khi chính phủ xã hội chủ nghĩa đang cầm quyền, là phải tổ chức thi đua”(3).
Vận dụng tư tưởng thi đua của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự kết hợp sáng tạo tư tưởng này với chủ nghĩa yêu nước chân chính, đậm bản sắc Việt Nam và phát triển thành tư tưởng thi đua yêu nước. Người xác định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(4). Chính từ đây mà thi đua đã trở thành động lực của mọi tầng lớp xã hội, sỹ nông công binh, doanh nhân, nhà nhà, ngành ngành, người người, lấy chính nền tảng công việc hằng ngày để vì yêu nước mà thi đua, càng khó khăn thì càng phải thi đua.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi đã lôi cuốn toàn dân và toàn quân tham gia, hưởng ứng tích cực, góp phần tạo nên sức mạnh vô song, đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, là minh chứng vững chắc, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.
Nhìn lại phong trào thi đua yêu nước thời gian qua
Quán triệt, vận dụng sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, ở mỗi một giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã luôn quan tâm xây dựng, ban hành kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua yêu nước phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm phát huy vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua yêu nước. Trong giai đoạn hiện nay, các chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện. Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26-11-2003, có hiệu lực từ ngày 01-7-2004. Sau đó, Luật Thi đua, khen thưởng đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005 và năm 2013. Qua 16 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7-4-2014, “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”.
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, trong những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu được thể hiện rõ nét hơn, quyết liệt hơn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động phối hợp để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng. Các phong trào thi đua yêu nước đã tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt do Thủ tướng Chính phủ phát động đã bao quát cơ bản các mặt của đời sống xã hội, được các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, với nhiều biện pháp, giải pháp phù hợp, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần đưa Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 về đích trước thời hạn gần 2 năm. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức phát động phong trào thi đua với nhiều tên gọi, cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát nhiệm vụ trọng tâm như: công tác quy hoạch; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội và môi trường; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tính đến tháng 10-2020, cả nước có 5.358 xã (đạt tỷ lệ 60,3%) đạt chuẩn nông thôn mới và 162 đơn vị cấp huyện (đạt tỷ lệ 24,4%) của 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.
Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, góp phần tích cực vào thành tựu to lớn trong giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Kết cấu hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo mang lại hiệu quả thiết thực, như khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; miễn, giảm học phí, trao học bổng cho học sinh nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà ở, vay vốn tín dụng...
Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được triển khai tích cực. Nhiều bộ, ngành Trung ương đã thực hiện những biện pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các địa phương ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; thực hiện cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, quảng bá xúc tiến thương mại; tăng cường đối thoại; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động. Cộng đồng doanh nghiệp tổ chức nhiều phong trào thi đua đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm an toàn lao động, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước và người lao động, bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, trong điều kiện rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2016 đến nay liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2016 đến tháng 10-2020 đạt 617.533 doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thuế, đến thời điểm ngày 19-10-2020, toàn quốc có 799.500 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 41.967 doanh nghiệp (đạt 5,54%) so với thời điểm ngày 31-12-2019.
Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được các ban, bộ, ngành, địa phương và đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng, bước đầu tạo nên những chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, trách nhiệm, thân thiện; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hằng ngày, góp phần xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các ban, bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động, triển khai đã có bước phát triển mới, hướng về cơ sở, các khu dân cư với nhiều cách làm sáng tạo, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với trên 90% gia đình trên toàn quốc tham gia, hơn 16 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Dạy tốt, học tốt”; “Vì an ninh Tổ quốc”; “Thi đua quyết thắng”... Đặc biệt, phong trào xây dựng mô hình “ATM gạo”, “Siêu thị hạnh phúc 0 đồng”, các điểm phát khẩu trang miễn phí giúp đỡ những người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và những nghĩa cử cao đẹp, hành động dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì đồng bào trong những đợt lũ lụt vừa qua tại miền Trung đã lan tỏa tình người trong khó khăn, thắp sáng truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc ta.
Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt được tôn vinh, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng trong toàn xã hội. Trong 5 năm qua, ngoài việc thực hiện khen thưởng thành tích thường xuyên, chuyên đề, đột xuất, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực và cơ bản hoàn thành dứt điểm khen thưởng thành tích kháng chiến, đã phong tặng, truy tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 20.334 mẹ; tặng thưởng Huân chương Độc lập cho 8.500 gia đình có người hy sinh trong kháng chiến. Phong trào thi đua trên các lĩnh vực đã tôn vinh 380 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 73 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Một số hạn chế, yếu kém cần được khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua còn một số hạn chế sau:
Một là, một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu chưa thật sự quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua. Vì vậy, phong trào chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn mang tính hình thức. Một số phong trào thi đua chưa xác định rõ mục tiêu, tiêu chí thi đua cụ thể, nhiều nơi còn lúng túng trong đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức. Việc kiểm tra, đôn đốc và sơ kết, tổng kết chưa thường xuyên, kịp thời.
Hai là, công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Các cơ quan truyền thông chưa thường xuyên dành thời lượng tương xứng để giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Một số nơi chưa quan tâm, tạo điều kiện để các điển hình được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Ba là, việc tăng cường khen thưởng cho cá nhân người lao động, người trực tiếp sản xuất, tập thể nhỏ chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương. Trong khen thưởng, cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu.
Bốn là, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy và chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, chủ yếu là đề nghị khen thưởng. Đội ngũ công chức làm công tác thi đua, khen thưởng biến động nhiều, chất lượng đề xuất, tham mưu còn hạn chế.
Một số bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức phong trào thi đua yêu nước thời gian qua
Thứ nhất, phong trào thi đua chỉ phát huy được sức mạnh to lớn khi cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu nhận thức rõ và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cùng phối hợp tổ chức; cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong phong trào; các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Kiên trì quan điểm “cả hệ thống chính trị làm công tác thi đua, khen thưởng”.
Thứ hai, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn liền với lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua có nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí càng rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế thì hiệu quả phong trào thi đua càng cao.
Thứ ba, nơi nào tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng ổn định, có năng lực trình độ, nhiệt tình, tận tụy với công việc, thông thạo chuyên môn, nghiệp vụ để giải quyết thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra thì nơi đó, công tác thi đua, khen thưởng được duy trì thường xuyên và được quan tâm đúng mức.
Thứ tư, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu học tập những cách làm hay, mô hình mới thì sẽ đem lại hiệu quả cao, thiết thực.
Thứ năm, thực hiện nghiêm túc sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua; gắn kết thi đua với khen thưởng. Công tác khen thưởng phải chính xác, công bằng, công khai và kịp thời, có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương, theo đúng quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Một số giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới
Trong 5 năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, chúng ta cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua trên một số nội dung sau:
Trước mắt, tổ chức thật tốt Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Sau Đại hội, các ban, bộ, ngành, địa phương cần phổ biến, tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện tốt những nội dung đã được trao đổi, đề ra tại Đại hội, nhất là phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để hưởng ứng phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại Đại hội.
Hai là, tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, trọng tâm là Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7-4-2014, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tác dụng to lớn của công tác thi đua, khen thưởng, coi thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân và thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và của các ban, bộ, ngành, địa phương.
Bốn là, phong trào thi đua cần tập trung về cơ sở và được tổ chức phát động với những hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí thi đua cụ thể. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết. Qua các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng kịp thời. Kết hợp tổ chức phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025, phong trào thi đua thường xuyên hằng năm với tổ chức các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề để hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, chương trình/đề án trọng điểm, những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc mà dư luận và nhân dân quan tâm. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương thức tổ chức các phong trào thi đua hiện nay. Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phát hiện, biểu dương, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong toàn xã hội.
Năm là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả và đột phá để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Sáu là, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, tạo không khí phấn khởi, đồng thuận trong toàn xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới./.
--------------------------
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 773
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 23, tr. 474
(3) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 35, tr. 234
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 407
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 4  (18/10/2020)
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (12/10/2020)
Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội: Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại  (04/10/2020)
Đại hội thi đua yêu nước Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025  (19/09/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển