Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 20 đến 26-5-2019)
TCCSĐT - Sau gần một năm tuyên bố áp thuế nhôm, thép đối với 3 đối tác thương mại lớn của Mỹ là Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU), ngày 20-5, Tổng thống Mỹ D. Trump đã ký tuyên bố dỡ bỏ thuế nhôm, thép nhập khẩu từ Mexico và Canada. Thỏa thuận này được đánh giá sẽ mở đường và tạo thuận lợi cho việc phê chuẩn Hiệp định Mexico - Mỹ - Canada (USMCA).
Triển vọng đối với Hiệp định Mexico - Mỹ - Canada
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Mexico và Canada ký kết Hiệp định USMCA tại Buenos Aires (Argentina). Ảnh: TTXVN
Hồi tháng 6-2018, viện dẫn lý do an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với nhôm và 25% đối với thép nhập khẩu của 3 đối tác thương mại lớn của Mỹ là Canada, Mexico và EU. Và mặc dù có những bất đồng về vấn đề thuế nhưng cuối tháng 9-2018, Mỹ, Mexico và Canada cũng đã hoàn tất việc nâng cấp, hiện đại hóa Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ngày 30-11-2018, lãnh đạo ba nước chính thức ký Hiệp định USMCA, phiên bản mới của NAFTA. Sự ra đời của USMCA không chỉ vực dậy lòng tin của thị trường khu vực Bắc Mỹ mà còn mang lại hy vọng về một tương lai rõ ràng hơn cho vùng kinh tế của hơn 570 triệu dân với tổng giá trị trao đổi thương mại hơn 1.200 tỷ USD này.
Sau khi được chính phủ Mỹ, Mexico và Canada ký kết, Hiệp định USMCA cần được Quốc hội ba nước thông qua trước khi chính thức có hiệu lực. Dự kiến, việc thông qua USMCA tại Quốc hội mỗi nước có thể kéo dài tới tháng 8-2019 và hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 01-2020. Nhưng về phía Mỹ, trước một Quốc hội Mỹ đang chia rẽ, con đường phía trước của USMCA được cho là khá khó khăn. Còn về phía Canada, từ tháng 01-2019, Canada đã có các cuộc làm việc kín về mức thuế quan đánh vào nhôm, thép với giới chức chính phủ và các thành viên Quốc hội Mỹ nhưng không mang lại hiệu quả. Theo giới quan sát, Chính phủ của Thủ tướng Canada J. Trudeau khó có thể đưa USMCA ra Quốc hội để phê chuẩn nếu thuế nhôm, thép chưa được dỡ bỏ, vì các loại thuế này gây bất bình trong dân chúng. Tương tự Canada, việc phê chuẩn USMCA của Quốc hội Mexico cũng trở nên khó khăn khi gặp rào cản trong vấn đề thuế nhôm, thép với Mỹ.
Chính vì vậy, ngay khi Mỹ bãi bỏ thuế quan đánh vào các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ Canada, Bộ Tài chính Canada cho biết, Ottawa cũng chấm dứt các biện pháp thuế quan trả đũa đánh vào hàng hóa của Mỹ, quyết định có hiệu lực từ ngày 20-5. Chính phủ Mexico cũng quyết định sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng của Mỹ. Có thể thấy, việc Mỹ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu của Canada và Mexico đã trở thành rào cản lớn để Quốc hội Mỹ, Mexico và Canada phê chuẩn Hiệp định USMCA. Giới phân tích nhận định, việc Mỹ dỡ bỏ mức thuế cao áp dụng với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ Canada và Mexico đã mở đường cho triển vọng để ba nước đi đến nhất trí thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ mới.
Nhận định này không phải là không có cơ sở khi trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo giới, Thủ tướng Canada J. Trudeau cho biết với việc gạt bỏ trở ngại này, Chính phủ Canada sẽ nỗ lực hết sức để hướng đến việc thông qua USMCA. Theo người đứng đầu Canada, nước này sẽ làm việc với Mỹ về thời điểm phê chuẩn USMCA, đồng thời bày tỏ lạc quan về tiến độ làm việc của Canada. Trong khi đó, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết, quyết định dỡ bỏ thuế nhôm thép của Mỹ là một “chiến thắng” đối với Mexico. Ông nhấn mạnh, chính quyền của ông đang nỗ lực tiến tới một thỏa thuận thương mại, chứ không phải là một cuộc chiến thương mại.
Những nhiệm vụ khó khăn đối với Tổng thống đắc cử Nam Phi
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đọc diễn văn nhậm chức. Ảnh: TTXVN
Ngày 22-5, các nghị sĩ Nam Phi đã bầu lại ông C. Ramaphosa làm tổng thống nước này, hai tuần sau khi đảng Đại dân tộc Phi (ANC) cầm quyền giành thắng lợi đa số với tỷ lệ ủng hộ 57,51% trong cuộc tổng tuyển cử ngày 08-5 vừa qua.
Với việc được các nghị sĩ Nam Phi bầu lại làm tổng thống, cựu doanh nhân C. Ramaphosa, 66 tuổi, sẽ có nhiệm kỳ tổng thống đầy đủ 5 năm đầu tiên. Phát biểu trong lễ nhậm chức, Tổng thống C. Ramaphosa tuyên bố chính phủ mới sẽ hoạt động trên phương châm cốt lõi là “phục vụ nhân dân và cùng nhân dân xây dựng nên một đất nước Nam Phi giàu đẹp và bình minh của một kỷ nguyên mới đang bắt đầu đến với quốc gia Cầu vồng”. Tuy nhiên, nhiệm kỳ này được đánh giá có không ít những thách thức.
Trước hết, Tổng thống C. Ramaphosa sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ hàn gắn rạn nứt trong nội bộ đảng ANC cầm quyền, đồng thời khôi phục uy tín của đảng này liên quan đến những cáo buộc tham nhũng với cựu Tổng thống J. Zuma. Đặc biệt, trong hơn 10 năm cầm quyền từ năm 2008 đến tháng 02-2019, sự yếu kém trong khả năng điều hành và quản lý đất nước của ông J. Zuma khiến cho nền kinh tế phát triển nhất châu Phi rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế nước này bị các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá ở mức rất thấp, có thời điểm bị xếp cuối bảng trong 21 nền kinh tế mới nổi về dự báo các chỉ số tài chính, bao gồm tăng trưởng GDP, tài khoản vãng lai, mức độ rủi ro tín dụng và giá trị của thị trường chứng khoán và trái phiếu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù kinh tế Nam Phi tạm thời thoát khỏi tình trạng suy thoái liên tục từ cuối năm 2018 nhưng mức tăng trưởng GDP năm 2019 của Nam Phi chỉ đạt 1,3%, thấp hơn khá nhiều so với dự báo trước đó là 1,8% và đưa nước này vào cuối danh sách tăng trưởng kinh tế của các quốc gia nằm ở phía Nam sa mạc Sahara. Trong khi đó, kết quả của cuộc khảo sát lấy ý kiến của người dân Nam Phi cho thấy, thất nghiệp hiện được coi là vấn đề nghiêm trọng nhất của nước này. Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Nam Phi mới công bố cho thấy quý I-2019, tỷ lệ thất nghiệp tại Nam Phi đang ở mức 27,6%, tăng 0,5% so với quý cuối cùng của năm ngoái.
Trong bối cảnh nền kinh tế Nam Phi đang gặp nhiều khó khăn, việc khẩn trương đưa ra các gói kích thích tăng trưởng nhằm vực dậy nền kinh tế, áp dụng chính sách tín dụng thuế ưu đãi đối với các công ty đầu tư vào lĩnh vực tạo ra việc làm ổn định, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng trong nước và giảm thiểu nạn quan liêu cửa quyền trong các dịch vụ hành chính công liên quan đến hoạt động kinh tế, tăng cường trao đổi thương mại nội khối với các quốc gia châu Phi và giảm phí kết nối internet di động là những nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với Tổng thống C. Ramaphosa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Tổng thống C. Ramaphosa cũng cần phải nâng cao nhận thức về chống phân biệt chủng tộc, bình đẳng và chống phân biệt đối xử giữa các quan chức nhà nước, xã hội dân sự và người dân. Những ưu tiên khác như chuyển đổi xã hội, phòng chống tội phạm, bạo lực giới, tham nhũng, củng cố các thể chế nhà nước, xây dựng đoàn kết dân tộc vốn được đưa ra trong cương lĩnh tranh cử của đảng ANC cầm quyền cũng là những vấn đề cấp bách trong nhiệm kỳ của Tổng thống C. Ramaphosa.
Xung quanh cuộc khủng hoảng chính trị tại Áo
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Áo S. Kurz vừa phê chuẩn danh sách các bộ trưởng mới, thay thế vị trí của các thành viên đảng Tự do Áo (FPO) cực hữu trong nội các vừa từ chức do những bê bối liên quan đến ông Heinz-Christian Strache, nguyên Phó Thủ tướng Áo kiêm Chủ tịch đảng FPO. Những bê bối này đã kéo theo việc sụp đổ chính phủ liên minh của Thủ tướng Áo S. Kurz và đặt chính phủ Áo trước những thách thức không nhỏ.
Được ví như một cơn địa chấn trên chính trường Áo, vụ bê bối vừa qua đã làm dấy lên làn sóng kêu gọi tổ chức bầu cử sớm từ phe đối lập. Đảng Dân chủ Xã hội đối lập (SPO) mô tả đây là vụ bê bối chính trị lớn nhất của Áo thời hậu chiến, trong khi đảng Nước Áo tự do mới (NEOS) nhận định, bầu cử Quốc hội sớm là “không thể tránh khỏi” trong bối cảnh hiện nay.
Việc Thủ tướng S. Kurz quyết định không duy trì liên minh với đảng FPO được các nhà phân tích đánh giá là một lựa chọn đúng đắn, bởi nếu tiếp tục hợp tác với đảng Tự do cực hữu thì về lâu dài sẽ làm tổn hại đến uy tín của Thủ tướng S. Kurz. Hơn nữa, tổ chức bầu cử trước thời hạn có thể giúp củng cố vị thế của đảng Nhân dân mới của Thủ tướng S. Kurz, nếu cử tri Áo muốn bỏ phiếu cho những ứng cử viên trong sạch hơn.
Tuy nhiên, việc chấm dứt liên minh cầm quyền trung hữu cũng có thể khiến dư luận hiểu theo hướng Thủ tướng S. Kurz thừa nhận sai lầm trong cách tiếp cận đặc trưng của nhà lãnh đạo này, đó là hợp tác với các đảng dân túy thay vì tẩy chay hay phớt lờ ý nguyện của những cử tri ủng hộ các đảng này. Bê bối trên chính trường Áo còn cho thấy thách thức mà nhà lãnh đạo S. Kurz gặp phải trong điều hành chính phủ liên minh trung hữu, do bất đồng về chính sách cũng như khác biệt trong phong cách chính trị giữa hai đối tác trong liên minh cầm quyền.
Không những vậy, sự sụp đổ của liên minh cầm quyền tại Áo còn được xem như đòn giáng mạnh vào các đảng theo đường lối dân tộc chống người nhập cư đang nổi lên mạnh mẽ trên khắp châu Âu. Bởi đảng FPO là thành viên chính trong nhóm các đảng dân tộc chủ nghĩa, vốn đang được kỳ vọng có thể giành kết quả bất ngờ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang diễn ra.
Các nhà phân tích nhận định, lịch sử đã chứng minh, hợp tác với các đảng dân tộc chủ nghĩa để điều hành chính phủ là vô cùng khó khăn đối với các đảng trung dung. Thất bại của Thủ tướng Hà Lan M. Rutte trong việc bắt tay với lãnh đạo đảng dân túy cực hữu Vì tự do G. Wilders, chủ trương bài người nhập cư, là một ví dụ điển hình. Trong bối cảnh vụ bê bối trên chính trường Áo diễn ra vào đúng thời điểm trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Đức A. Merkel kêu gọi châu Âu chống lại các đảng cực hữu, vì bà cho rằng các phong trào dân túy muốn phá hủy các giá trị cốt lõi của châu Âu như chống tham nhũng và bảo vệ các nhóm thiểu số.
Thách thức đối với Tổng thống Indonesia trong nhiệm kỳ hai
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và ông Ma'ruf Amen xuất hiện trước người dân ở Jakarta ngày 21-5. Ảnh: TTXVN
Ngày 21-5, Ủy ban bầu cử Indonesia công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4 vừa qua, xác nhận Tổng thống đương nhiệm J. Widodo tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Chiến thắng này cho thấy sự kỳ vọng của cử tri Indonesia về một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước, đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ lớn lao đối với chính quyền của Tổng thống J. Widodo.
Trong 5 năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống J. Widodo đã có những chính sách quyết liệt nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Tổng thống J. Widodo đã triển khai một số cải cách thân thiện với thị trường như hạn chế trợ cấp giá xăng dầu, nhờ đó giúp định hạng tín nhiệm quốc gia của Indonesia được nâng lần đầu tiên sau 2 thập niên. Cùng với đó, Tổng thống J. Widodo phê chuẩn loạt dự án hạ tầng với tổng trị giá hơn 300 tỷ USD, nhờ đó tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Indonesia sau 34 năm quy hoạch đã được khai trương. Bên cạnh đó, chính phủ của Tổng thống J. Widodo đã giành quyền kiểm soát tài sản từ những công ty Freeport-McMoRan Inc., Chevron Corp. và Total SA, nhằm đưa Indonesia từ một nước xuất khẩu tài nguyên thô thành một quốc gia cung cấp hàng hóa đã qua chế biến.
Mặc dù vậy, kể từ năm 2014 đến nay, Indonesia chỉ đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm hơn 5%, thấp hơn mục tiêu 7% mà Tổng thống J. Widodo đề ra. Nguyên nhân quan trọng là bởi nước này không thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Đồng nội tệ Rupiah của Indonesia cũng đã giảm giá mạnh trong năm 2018, trong một đợt biến động của các thị trường mới nổi, rớt xuống mức thấp nhất trong 2 thập niên. Những điểm yếu này khiến nhiều nhà đầu tư rút vốn khỏi Indonesia, cộng thêm nhập khẩu xăng dầu ở mức cao, thâm hụt thương mại của nước này lên tới gần 3% GDP trong năm 2018.
Giờ sẽ là lúc ông J. Widodo bắt tay vào thực thi những lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, bao gồm giáo dục miễn phí, giá cả các mặt hàng cơ bản được giữ ở mức ổn định, tạo hàng triệu việc làm cho giới trẻ, và tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nhất là các dự án xây dựng đô thị cũng như hạ tầng kỹ thuật số, thông qua đó tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.
Bên cạnh những thách thức trong việc giải quyết các vấn đề trong nước, định hướng chính sách đối ngoại của Indonesia trong nhiệm kỳ tổng thống mới cũng là nhiệm vụ quan trọng. Là quốc gia lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, nhiệm vụ đối với Tổng thống J. Widodo là sẽ phải xác định cách thức quốc gia này điều chỉnh quan hệ với các nước trong khu vực. Ngoài ra, Indonesia cũng phải xem xét các mối lo ngại an ninh ngày càng tăng bao gồm vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, các hoạt động khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong khu vực…
Theo các nhà phân tích, không chỉ đối với các vấn đề khu vực mà Indonesia còn phải thể hiện nổi bật được vai trò đối với các vấn đề quốc tế. Khi nhiệm kỳ tổng thống mới của Indonesia được bắt đầu dự kiến vào tháng 10-2019, Indonesia đang đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo dự kiến, Tổng thống J. Widodo sẽ chủ trì các cuộc tranh luận tại Hội đồng Bảo an trong năm thứ hai Indonesia đảm nhiệm cương vị này. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang mong muốn sẽ có được một vị trí trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào cuối năm 2019... Do vậy, những nỗ lực hiện tại của Indonesia sẽ tiếp tục cần được thúc đẩy hơn nữa.
Cơ hội thúc đẩy các kế hoạch cải cách của Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ N. Modi. Ảnh: TTXVN
Không nằm ngoài dự đoán, đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng N. Modi đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lập pháp. Với kết quả này, ông N. Modi tái đắc cử Thủ tướng Ấn Độ nhiệm kỳ hai trong 5 năm tới.
Tính đến tối 23-5, Ủy ban Bầu cử Ấn Độ (IEC) cho biết, đảng BJP của Thủ tướng N. Modi khẳng định vị trí dẫn đầu với ít nhất 300/542 ghế được bầu. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1984, một đảng giành đa số mà không cần liên kết với đảng nào khác. Trong phát biểu trước các thành viên của BJP tại trụ sở đảng này, Thủ tướng N. Modi tuyên bố, thế giới sẽ phải chú ý đến Ấn Độ như một siêu cường, cũng như phải thừa nhận sức mạnh dân chủ của Ấn Độ. Cũng tại sự kiện này, Thủ tướng N. Modi cho biết, chính phủ có thể được bầu ra bởi một đa số, nhưng đất nước sẽ được điều hành trên cơ sở đồng thuận.
Kể từ khi nhậm chức năm 2014, Thủ tướng N. Modi đã cam kết thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ thông qua chính sách “Make in India”, áp dụng lập trường chính sách tiền tệ mở rộng hơn cũng như chính sách tài chính thuận lợi, nỗ lực cắt giảm nợ công, qua đó giúp tạo lực đẩy cho nền kinh tế, gia tăng cơ hội việc làm cho hàng triệu người trẻ sẽ tham gia thị trường lao động hằng năm… Không thể phủ nhận những nỗ lực này đã mang đến kết quả tích cực khi Ấn Độ được xem là một điểm sáng tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng GDP nhanh chóng từ 6,9% (năm 2013 - 2014) lên 7,9% (năm 2016 - 2017), trong khi lạm phát đang ở mức thấp nhất, dưới 4%. Trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đạt 7,1%. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Ấn Độ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 7,3% trong năm 2019 và 7,5% năm 2020, đồng thời đánh giá quốc gia Nam Á này tiếp tục là nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử năm 2019, theo Văn phòng Khảo sát quốc gia Ấn Độ (NSSO), tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong giai đoạn 2017 - 2018 tăng lên mức cao nhất trong 45 năm qua. Trong khi đó, chính phủ cũng phải hứng chịu nhiều chỉ trích và đối mặt với làn sóng biểu tình do thu nhập của nông dân giảm,… Nghiêm trọng hơn, làn sóng dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ dâng cao sau cuộc tấn công khủng bố ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hồi tháng 02-2019.
Trong bối cảnh gặp không ít bất lợi trước thềm bầu cử, đảng BJP cầm quyền đã đưa ra chiến dịch tranh cử là xây dựng Ấn Độ thành quốc gia hùng mạnh và trao quyền cho nhân dân. Do vậy, cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ khóa 17 được xem là thước đo tín nhiệm của cử tri nước này với nhà lãnh đạo N. Modi cũng như đảng BJP cầm quyền. Đây là cơ hội để Thủ tướng N. Modi tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch cải cách kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giải quyết những vấn đề khó khăn đối với khu vực nông thôn, theo đuổi các chính sách thân thiện với doanh nhân và cứng rắn về an ninh quốc gia./.
Hợp tác phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng Việt Nam - Ấn Độ  (27/05/2019)
Trở lại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ lần này, một không khí phấn khởi, tự tin và quyết tâm rất lớn đang hiện hữu từ những người lao động nơi đây  (27/05/2019)
Về nơi dòng vốn nồng đậm tình người  (27/05/2019)
Hoạt động kinh doanh hóa chất đang tạo thành công cho Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí  (27/05/2019)
Tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV  (26/05/2019)
Thủ tướng đến Stockholm, bắt đầu thăm chính thức Thụy Điển  (26/05/2019)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay