Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25-02 đến ngày 03-3-2019

Minh Huệ tổng hợp
21:47, ngày 04-03-2019
TCCSĐT - Tổ công tác của Thủ tướng sẽ kiểm tra 2-3 cơ quan mỗi tháng; Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành từ ngày 20-3-2019; Thêm 34 nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; Đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hải Dương; Bình Thuận tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ; là những tin nổi bật tuần qua.

Tổ công tác của Thủ tướng sẽ kiểm tra 2-3 cơ quan mỗi tháng

Tổ công tác của Thủ tướng vừa ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2019. Theo đó, tổ công tác sẽ tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến xây dựng thể chế; kiểm tra các vấn về mang tính cấp bách mà người dân, doanh nghiệp và xã hội đang bức xúc…

Các yêu cầu đặt ra là bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đề cao tính kỷ luật, trách nhiệm của mỗi thành viên Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 1642 của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Kế hoạch của Tổ công tác nhấn mạnh: “Hoạt động của Tổ công tác bảo đảm thực chất, đem lại hiệu quả cụ thể, có tác động tích cực đến thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước”.

Đối tượng kiểm tra là các bộ, cơ quan, địa phương có nhiều nhiệm vụ giao còn nợ đọng hoặc có nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm cả tái kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương đã kiểm tra nhưng vẫn còn tình trạng nhiệm vụ giao quá hạn chưa được thực hiện. Cùng với đó là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ trong tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn; phát triển sản xuất kinh doanh bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành và mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước.

Về nội dung, sẽ tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến xây dựng thể chế; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để việc thực hiện các nhiệm vụ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Cụ thể là việc thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế…; các nhiệm vụ giao liên quan đến đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân; các nhiệm vụ giao liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng 4.0, như cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

Cũng nằm trong nội dung kiểm tra là việc chậm triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện nhiệm vụ giao không triệt để, không đạt yêu cầu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…

Tổ công tác cũng sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra các các bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong việc hiện các quy định về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ giao về bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, tập trung kiểm tra việc sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phẩn hóa, thoái vốn gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; tập trung tìm kiếm các giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm, bảo đảm đạt các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh như đã giao.

“Tập trung kiểm tra các bộ, cơ quan địa phương trong việc thực thi cơ chế, chính sách, các cam kết mà tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và gia nhập thị trường. Kiểm tra các vấn về mang tính cấp bách mà người dân, doanh nghiệp và xã hội đang bức xúc; kiểm tra những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và trách nhiệm cụ thể của bộ, cơ quan, địa phương đối với những vướng mắc, khó khăn này để có giải pháp tháo gỡ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp”, Kế hoạch của Tổ công tác nêu rõ.

Dự kiến, mỗi tháng Tổ công tác sẽ kiểm tra từ 2 đến 3 bộ, cơ quan, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Còn Thường trực Tổ công tác căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao của bộ, cơ quan, địa phương và yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đối tượng, nội dung kiểm tra cụ thể từng tháng để Tổ công tác xem xét, quyết định tại phiên họp Tổ thường kỳ hàng tháng.

Tổ công tác sẽ báo cáo kết quả kiểm tra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ của tháng. Trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo kết quả kiểm tra của Tổ công tác trình tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Tổ công tác sẽ có Kết luận của Tổ tổ công tác gửi các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra.

Trong 3 năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đã hoạt động rất tích cực, hiệu quả, đã tiến hành 61 cuộc kiểm tra. Ở thời điểm Tổ công tác được thành lập, tình trạng nợ quá hạn nhiệm vụ chiếm tỷ lệ cao, tới 25%, trong đó có nhiều nhiệm vụ quan trọng bị chậm. Đến năm 2018, tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,15%, giảm 0,23% so với năm 2017 và giảm 23,85% so với trước khi Tổ công tác được thành lập.

Hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ giao.

Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành

Nghị định số 12/2019/NĐ-CP ngày 01-02-2019 của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 20-03-2019. Cụ thể, bãi bỏ toàn bộ 9 văn bản quy phạm pháp luật sau:

1- Nghị định số 48/1999/NĐ-CP ngày 08-7-1999 của Chính phủ quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài.

2- Nghị định số 50/2001/NĐ-CP ngày 16-8-2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3- Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14-9-2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm thi hành án.

4- Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30-9-2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự.

5- Nghị định số 10/2006/NĐ-CP ngày 17-01-2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra công tác dân tộc.

6- Nghị định số 30/2006/NĐ-CP ngày 29-3-2006 của Chính phủ về thống kê khoa học và công nghệ.

7- Nghị định số 134/2007/NĐ-CP ngày 15-8-2007 của Chính phủ quy định về đơn vị đo lường chính thức.

8- Nghị định số 14/2011/NĐ-CP ngày 16-02-2011 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan.

9- Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31-12-2008 của Chính phủ về thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng đối với dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.

Ngoài ra, Nghị định cũng bãi bỏ Điều 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 21, 22, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 24 Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07-5-2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị.

Thêm 34 nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử

Ngày 01-02-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2017/NĐ-CP ngày 25-01-2017 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Về danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử: Công dân Trung Quốc, có mã ICAO là CHN (không áp dụng với công dân mang hộ chiếu phổ thông điện tử) đã được quy định tại Nghị định số 07/2017/NĐ-CP, nay được sửa đổi, bao gồm cả công dân Trung Quốc mang hộ chiếu Hong Kong, hộ chiếu Macau.

Ngoài ra, Nghị định bổ sung công dân của 34 nước được thí điểm cấp thị thực điện tử, gồm: Iceland, Áo, Bồ Đào Nha, Bỉ, Bosnia và Hercegovina, Macedonia, Công quốc Andorra, Công quốc Liechtenstein, Công quốc Monaco, Croatia, Estonia, Georgia, Latvia, Lithuania, Malta, Moldova, Montenegro, Slovenia, Thụy Sỹ, San Marino, Serbia, Đảo Síp, Qatar, Fiji, Micronesia, Nauru, Palau, Papua New Guinea, Quần đảo Marshall, Quần đảo Solomon, Vanuatu, Samoa, Brazil, Mexico.

Như vậy, tính đến nay, Việt Nam áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước.

Đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hải Dương

Ngày 28-02, tỉnh Hải Dương khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Trung tâm đặt tại tầng 1, Thư viện tỉnh Hải Dương, đường Tôn Đức Thắng, thành phố Hải Dương.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hải Dương là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương. Trung tâm là đầu mối tập trung hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết, chuyển hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; theo dõi, giám sát, công khai, minh bạch hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp thông tin dịch vụ và thủ tục hành chính gắn với việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức. 1.443 thủ tục hành chính của 16 sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết tại đây.

Trung tâm được thành lập và đưa vào hoạt động nhằm tăng tính liên thông, minh bạch, giảm bớt phiền hà, thời gian, công sức cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, từng bước cải thiện Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương thời gian tới.

Phát biểu tại Lễ khai trương, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm nâng cao hơn nữa trách nhiệm công vụ trong giải quyết các thủ tục hành chính; không để xảy ra tình trạng ách tắc trong công việc. Các sở, ngành liên quan cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những trường hợp vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành liên quan đối với hiệu quả hoạt động của Trung tâm.

Bình Thuận quyết tâm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ

Chiều 28-02, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức sơ kết một năm thực hiện Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 30-01-2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Sau một năm triển khai, đến nay việc thực hiện Nghị quyết số 18 tại tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số kết quả quan trọng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương để chỉ đạo kịp thời việc xây dựng các kế hoạch, biện pháp thực hiện theo mục tiêu, yêu cầu đề ra, vừa thể hiện tinh thần quyết tâm trong thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, vừa chú trọng bảo đảm tính pháp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để bảo đảm hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy sau sắp xếp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn huyện đảo Phú Quý để triển khai thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Huyện ủy và Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện; bố trí Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Qúy; sáp nhập các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện Phú Qúy theo hướng tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Qúy đã triển khai, sắp xếp bố trí cán bộ, công chức theo Đề án đã được phê duyệt và tổ chức bộ máy mới đã đi vào hoạt động từ ngày 01-01-2019.

10/10 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đã thực hiện việc bố trí Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện từ tháng 6-2018.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã xem xét, thông qua đề án sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đầu mối bên trong tại các sở, cơ quan ngang sở gồm 19 đơn vị. Sau khi sắp xếp, số lượng Chi cục thuộc sở giảm 4/17 chi cục và số lượng phòng thuộc sở giảm 29/128 phòng. Đối với cấp huyện, từ đầu năm 2019 sẽ đồng loạt thực hiện việc sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo hướng tinh gọn đầu mối, giảm số lượng phòng theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Qua đó, dự kiến sẽ giảm từ 122 cơ quan xuống còn 95 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 82-KH/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả, các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế.

Đối với các Đề án đã được phê duyệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đề án sắp xếp tổ chức bộ máy đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: theo dõi sát, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc nhất là cơ chế, chính sách, bố trí sử dụng cán bộ, công chức để hướng dẫn, đề xuất tham mưu tháo gỡ giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện Đề án./.