TCCSĐT - Thí điểm tập sự nữ thứ trưởng dưới 40 tuổi; Công bố chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân năm 2018; Bảo hiểm xã hội Việt Nam đi đầu quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính; Liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú; Bình Thuận đẩy mạnh thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy; Kiên Giang xây dựng đề án hợp nhất các cơ quan, tổ chức, nhất thể hóa các chức danh;… là những tin nổi bật tuần qua.

Sẽ thí điểm tập sự nữ thứ trưởng dưới 40 tuổi

Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ đã xây dựng Đề án thí điểm thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý, Bộ đã tiếp thu, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị về Đề án này.

Thực hiện ý kiến của Ban Bí thư về việc triển khai thực hiện Đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng", sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Tổ chức Trung ương, tháng 5-2017, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 2424/BNV-CCVC gửi các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án. Có 14 cơ quan Trung ương và 22 địa phương thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

Tổng hợp báo cáo của 12 cơ quan Trung ương, có 8 cơ quan đã tổ chức thi tuyển với 29 vị trí; trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 4 vị trí, Bộ Nội vụ 6 vị trí, Bộ Tài chính 3 vị trí, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 vị trí, Bộ Tư pháp 3 vị trí, Tòa án nhân dân tối cao 4 vị trí, Ban Tổ chức Trung ương 6 vị trí và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 1 vị trí. Có 4 cơ quan đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai thực hiện gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và Ban Kinh tế Trung ương.

Báo cáo của 8 địa phương cho thấy, có 5 tỉnh đã tổ chức thực hiện thí điểm thi tuyển, với 23 vị trí, gồm Hòa Bình 1 vị trí, Ninh Bình 7 vị trí, Thừa Thiên Huế 1 vị trí, Lào Cai 5 vị trí và Quảng Ninh 9 vị trí; 3 địa phương là Vĩnh Phúc, Quảng Bình và thành phố Hải Phòng đã xây dựng xong kế hoạch và đang triển khai thực hiện.

Trên cơ sở các báo cáo của bộ, ngành, địa phương về thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thí điểm để hướng dẫn, điều chỉnh những bất cập trong công tác thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý để thống nhất thực hiện - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ đã xây dựng Đề án thí điểm thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý theo hướng làm rõ quyền hạn và mối quan hệ của người tập sự với lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi thực tập; làm rõ giá trị pháp lý của các quyết định quản lý của tập sự khi được người đứng đầu giao nhiệm vụ tổ chức, điều hành; các nội dung tập sự cần được xây dựng thành bản mô tả công việc làm căn cứ để xây dựng các tiêu chí đánh giá kết quả tập sự. Đồng thời, bổ sung quy trình, thủ tục bổ nhiệm người tập sự; làm rõ về việc đưa ra khỏi quy hoạch đối với người không đạt yêu cầu tập sự, không hoàn thành chế độ tập sự; bổ sung làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch - tập sự - thí điểm thi tuyển chọn lãnh đạo để có sự gắn kết giữa các Đề án, bảo đảm sự thống nhất liên thông.

Bộ Nội vụ đã tiếp thu, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị về Đề án này. Theo đó, đối tượng thực hiện thí điểm tập sự lãnh đạo, quản lý được thực hiện với các chức danh quản lý, lãnh đạo cấp phó: Thứ trưởng và tương đương; phó tổng cục trưởng; phó cục trưởng; phó vụ trưởng và tương đương; phó giám đốc sở và tương đương.

Tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện tập sự bao gồm nam dưới 45 và nữ dưới 40 tuổi; thuộc diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có 3 năm liên tiếp tính đến thời điểm xem xét thực hiện tập sự lãnh đạo quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; đơn vị có nhu cầu bổ sung chức danh lãnh đạo, quản lý; được người đứng đầu đề nghị, cấp ủy thống nhất thông qua.

Công bố chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân năm 2018

Ngày 19-10, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính trong Công an nhân dân năm 2018 và sơ kết công tác xây dựng, áp dụng và duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2013 - 2018 theo hình thức trực tuyến tại hai điểm cầu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là năm thứ ba Bộ Công an tổ chức xác định Chỉ số cải cách hành chính trong toàn lực lượng. Kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 đã ghi nhận những nỗ lực của toàn lực lượng Công an nhân dân trong cải cách hành chính; giá trị trung bình trong công tác cải cách hành chính của Công an các đơn vị, địa phương ở mức cao (85,56%), tăng 3,54 % so với năm 2017. Trong đó, 8 địa phương có chỉ số cải cách hành chính đạt kết quả xuất sắc; 55 đơn vị, địa phương đạt kết quả tốt; 10 đơn vị, địa phương đạt kết quả khá và 3 đơn vị ở mức hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Công an cũng đánh giá kết quả sau 5 năm xây dựng, áp dụng và duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong Công an nhân dân; đánh giá kết quả khảo sát thí điểm sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong Công an nhân dân năm 2018. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn người dân được khảo sát đều cảm thấy hài lòng về quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công tại Công an các đơn vị, địa phương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương quán triệt với Công an các đơn vị, địa phương một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, theo đó, với mô hình tổ chức mới, Công an các đơn vị, địa phương phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính với cải cách tư pháp, thực hiện các quy chế dân chủ và công tác xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật trong Công an nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác cải cách hành chính.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành để phục vụ người dân

Ngày 18-10, kiểm tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho biết cơ quan này là một trong những đơn vị sớm nhất, đi đầu quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia bảo hiểm xã hội kết nối chia sẻ.

Ngành bảo hiểm xã hội đã cập nhật sổ, thẻ, quản lý thu, giám sát chi trả với 63 tỉnh, thành và trên 709 huyện, thành thị, với 82 triệu thẻ bảo hiểm y tế và hơn 4,2 triệu hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội hưu trí. Thời gian thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội đã giảm từ 335 giờ xuống còn 45 giờ, từ 115 bộ thủ tục hành chính nay còn 28 bộ thủ tục. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, đó là tạo ra sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành, mang tính chất phục vụ người đóng bảo hiểm, kiểm soát các cơ sở khám chữa bệnh tránh tình trạng lợi dụng, tạo bước quản trị tốt.

Bộ trưởng đánh giá cao tư tưởng cải cách, biện pháp cải cách, hiệu quả cải cách của Bảo hiểm xã hội Việt Nam bằng các chỉ số rõ ràng, tác động rõ rệt tới kinh tế - xã hội của đất nước. Cách chi trả cũng rất rõ, tiện lợi, kịp thời. Bộ trưởng cho biết, trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia, có cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng được cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội trong khi cơ sở dữ liệu về dân cư chưa có, đó là điều rất đáng ghi nhận.

Tổ trưởng Tổ công tác lưu ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo toàn cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội bởi đây là dữ liệu của quốc gia, tài sản của đất nước, quản lý chặt chẽ hệ thống bảo mật, các hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết 28-NQ/TW cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, có lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục cải cách hành chính, có nhiều dịch vụ công trực tuyến với người dân.

Bộ trưởng cũng nhắc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuẩn hóa số liệu, số hóa 82 triệu thẻ định danh của người dân; có giải pháp xử lý việc mất cân đối trong quỹ bảo hiểm y tế, giám định chi trả đúng người, đúng đối tượng; phát hiện sớm, xử lý kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Báo cáo với Tổ công tác, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, đến nay, cơ quan này cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2020 về ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, bảo hiểm xã hội là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018.

Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân với 6 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ (thẻ) tham gia bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẵn sàng chia sẻ dữ liệu này với các cơ quan khác vào cuối năm nay, tiến tới tích hợp, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư của quốc gia, riêng với ngành thuế, hai bên đang trao đổi rất thường xuyên. Thời gian tới, bảo hiểm xã hội sẽ điện tử hóa thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thậm chí người dân chỉ cần dấu vân tay, không cần sử dụng thẻ, là có thể sử dụng các dịch vụ của bảo hiểm y tế.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định về chia sẻ, kết nối thông tin giữa các bộ, ngành; tiến tới sử dụng dữ liệu điện tử để thực hiện giao dịch điện tử ở mức độ 4; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến việc quản lý tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời thống nhất các tiêu thức quản lý giữa các bộ, ngành. Ông cũng bày tỏ mong muốn cơ sở dữ liệu của Văn phòng Chính phủ kết nối được với dữ liệu bảo hiểm xã hội; Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm theo hướng: giảm thủ tục hành chính liên quan đến đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giao đầy đủ chức năng thanh tra đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ngành bảo hiểm xã hội.

Liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ trong quy trình liên thông. Trường hợp hồ sơ chưa đúng, chưa đủ theo quy định thì hướng dẫn bằng phiếu (theo mẫu quy định) cụ thể một lần, đầy đủ để công dân bổ sung, hoàn chỉnh.

Ủy ban nhân dân và Công an cấp xã, Ủy ban nhân dân và Công an cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trong việc giải quyết từng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình và cùng phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện liên thông các thủ tục hành chính.

Ủy ban nhân dân cấp xã là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính liên thông. Trường hợp hồ sơ quá hạn giải quyết, cơ quan có trách nhiệm phải có văn bản gửi Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân cấp xã và văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức của cơ quan ghi rõ lý do quá hạn và thời hạn trả kết quả. Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo thời hạn trả kết quả và chuyển văn bản xin lỗi của cơ quan làm quá hạn giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức.

Bình Thuận đẩy mạnh thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy

Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh cho biết: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” tại tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, so với yêu cầu, tiến độ vẫn còn chậm, nhiều cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa chủ động, quyết tâm và chỉ đạo thực hiện; còn trông chờ vào chỉ đạo của cấp trên; sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy các cấp có nơi chưa quan tâm đúng mức.

Để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW theo đúng tiến độ đề ra, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV-2018.

Theo đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẩn trương hoàn thành một số công việc: Đối với việc sáp nhập Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cần nghiên cứu kinh nghiệm một số địa phương đã làm, đồng thời làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh để xử lý những bất cập, vướng mắc; hoàn chỉnh Đề án hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh; hoàn chỉnh các Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của Huyện ủy Đức Linh…

Ban Dân vận Tỉnh ủy rà soát, đề xuất các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tập trung cho cơ sở, từng bước khắc phục “hành chính hóa” hoạt động và “công chức hóa” cán bộ; đồng thời hướng dẫn cấp ủy cấp huyện thực hiện. Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Sở Nội vụ dưới sự chủ trì của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thống nhất đề xuất mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.

Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy chủ động xây dựng phương án Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo triển khai sắp xếp các phòng, ban chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp mình theo hướng tập trung cho cơ sở; chủ động sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp thuộc trách nhiệm của địa phương, chú ý quá trình từ xây dựng kế hoạch đến triển khai thực hiện chính thức phải làm tốt công tác tư tưởng trong nội bộ và giải quyết tốt chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức.

Kiên Giang xây dựng đề án hợp nhất các cơ quan, tổ chức, nhất thể hóa các chức danh

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, đến nay tỉnh Kiên Giang đã có 6 sở, ngành thực hiện xong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; một số địa phương đã bố trí kiêm nhiệm chức danh có chức năng tương đồng.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải còn 6 phòng (giảm 1 phòng), Sở Tài chính còn 6 phòng (giảm 2 phòng), Sở Kế hoạch và Đầu tư còn 6 phòng (giảm 3 phòng), Sở Xây dựng còn 6 phòng (giảm 2 phòng), Sở Tư pháp còn 7 phòng (giảm 1 phòng), Thanh tra tỉnh còn 5 phòng (giảm 2 phòng).

Tỉnh ủy phân công Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh; thí điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở thị xã Hà Tiên và huyện Phú Quốc; Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ ở hai huyện U Minh Thượng và Vĩnh Thuận; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra ở ba huyện, thị là U Minh Thượng, An Minh và thị xã Hà Tiên. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đã giải thể Phòng Dân tộc và Phòng Y tế...

Cùng với đó, Kiên Giang quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tỉnh đã giải thể 7 đơn vị sự nghiệp gồm: Ban Quản lý dự án lấn biển xây dựng Khu đô thị mới thành phố Rạch Giá (Sở Xây dựng); cảng Hòn Chông và Đoạn Quản lý giao thông thủy bộ (Sở Giao thông Vận tải); 4 trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND các huyện. Tỉnh sáp nhập 8 ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng thuộc các sở, ngành tỉnh thành 3 ban quản lý dự án là Ban Quản lý dự án xây dựng chuyên ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn, giao thông và công nghiệp; sáp nhập Trường Cao đẳng cộng đồng và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thành Trường Cao đẳng Kiên Giang; thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập 6 trung tâm thuộc Sở Y tế gồm: Y tế dự phòng, phòng chống các bệnh xã hội, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông giáo dục sức khỏe, bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tỉnh ủy Kiên Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đạt kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của một số tổ chức được điều chỉnh, bổ sung, cơ bản khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Các đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp, cung ứng dịch vụ công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kiên Giang phấn đấu trong quý IV-2018, hoàn thành việc xây dựng đề án hợp nhất các cơ quan, tổ chức và nhất thể hóa các chức danh; phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy./.