Triển khai thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở ở tỉnh Hải Dương - Một số kết quả và giải pháp

Phạm Quỳnh Trang Học viện Chính trị khu vực I
23:20, ngày 06-07-2018

TCCSĐT - Trải qua hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh 34), tỉnh Hải Dương đã triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả nhất định. Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả tích cực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Một số kết quả đạt được trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở

Ngay sau khi Pháp lệnh 34 chính thức có hiệu lực, tháng 9-2008, tỉnh Hải Dương đã tổ chức hội nghị triển khai Pháp lệnh 34 tới các cấp lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành trên địa bàn. Việc triển khai Pháp lệnh 34 trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia. Qua 10 năm triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện, Hải Dương ban hành 28.932 văn bản chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong hệ thống ngành dọc từ tỉnh đến cơ sở; biên soạn và phát hành trên 15.000 cuốn tài liệu triển khai Pháp lệnh 34 đến các chi bộ, các thôn, khu dân cư. Cấp ủy các cấp luôn quan tâm, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ năm 2007 đến nay, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp thường xuyên được bổ sung, kiện toàn. Hiện nay, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh gồm 22 thành viên, do đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban; tổ thư ký giúp việc gồm 9 đồng chí; Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo… Nhìn chung, ban chỉ đạo các cấp duy trì hoạt động khá nền nếp theo quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để thực hiện nhiệm vụ.

Nhờ đó, quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh 34 ở tỉnh Hải Dương có nhiều thuận lợi và đạt được những kết quả bước đầu. Cụ thể là:

- Về những nội dung công khai:

Những nội dung cần công khai trước nhân dân theo quy định của Pháp lệnh, như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những dự án đầu tư, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc tổ chức bình xét hộ nghèo,… được thực hiện khá tốt. Theo báo cáo, có trên 85% số ý kiến cho rằng, chính quyền đã thực hiện thông báo công khai các nội dung theo quy định. Các nội dung được nhân dân đánh giá cao nhất là việc bình xét hộ nghèo đạt 85,4%; giải quyết chế độ cho đối tượng chính sách đạt 78,7%; chủ trương, kế hoạch vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo đạt 84,3%; việc thu, chi ngân sách 74,8%; công khai về bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình, dự án tại địa phương đạt 72,9 %; nội dung điều chỉnh địa giới hành chính xã và các đơn vị hành chính liên quan đến xã, phường, thị trấn đạt 49,1%.

Các hình thức công khai phổ biến được áp dụng, đó là: thông báo trên hệ thống truyền thanh; công khai thông báo các cuộc họp thôn, khu dân cư, tổ dân phố; thông qua các kỳ họp của hội đồng nhân dân… Việc thực hiện công khai cho nhân dân biết theo đúng quy định của Pháp lệnh tạo điều kiện để nhân dân được biết, được bàn trên thực tế. Dân chủ không còn hình thức và xa lạ với nhân dân, từ đó, tạo động lực để nhân dân phát huy sáng kiến, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Có thể kể đến một số trường hợp tiêu biểu như: Tổ dân vận ở thôn Lai Xá, xã Thanh Thủy (huyện Thanh Hà) với mô hình “Vận động nhân dân góp sức làm đường giao thông nội đồng” với tổng số 2,8km đường đạt tiêu chí; Tổ dân vận phường Tứ Minh, phường Cẩm Thượng với mô hình “Tổ Phụ nữ nhà trọ” thu hút trên 200 nữ công nhân lao động tham gia, góp phần tạo môi trường sống tốt đẹp, thể hiện sự quan tâm của địa phương với đời sống tinh thần của nữ công nhân thuê trọ; Tổ dân vận huyện Thanh Miện với mô hình “Vận động nhân dân chuyển đổi 200,47ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm”…

- Về những nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp:

Đó là những nội dung liên quan đến chủ trương, mức đóng góp của nhân dân. Mức đóng góp này phục vụ cho công việc chung và công trình phúc lợi ở địa phương, như: nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, nội đồng,… Các địa phương đã thành lập Ban giám sát các công trình từ nguồn vốn do dân tự nguyện đóng góp. Nhân dân các xã, phường, thị trấn đã bàn bạc dân chủ, tự nguyện đóng góp lên tới 2.077,4 tỷ đồng, bao gồm ủng hộ bằng tiền, hiến đất, ngày công lao động; xây mới 5.082 ngôi nhà đoàn kết, sửa chữa 997 ngôi nhà với tổng số tiền 47,8 tỷ đồng; xây dựng các loại quỹ trên 300 tỷ đồng; trên 70% số thôn, làng, khu dân cư có hệ thống điện chiếu sáng, đường giao thông… Hình thức để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp chủ yếu thông qua các cuộc họp cử tri đại diện hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố. Biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc phát phiếu lấy ý kiến nhân dân, số người tán thành đạt trên 80%.

- Về những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định:

Những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đó là xây dựng hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; bầu, bãi nhiệm thành viên Ban Thanh tra nhân dân gắn với Ban giám sát đầu tư của cộng đồng… rất cần sự bàn bạc, nhất trí của người dân. Đến nay, 100% các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều xây dựng được quy ước làng, khu dân cư. Những quy ước, hương ước này được nhiều địa phương kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Qua khảo sát tại một số cơ sở, 100% ý kiến nhân dân cho rằng, được bàn bạc, tham gia ý kiến vào việc xây dựng quy ước, hương ước của làng, thôn, khu dân cư… là một giá trị dân chủ trong lịch sử dân tộc được Hải Dương kế thừa, phát triển tốt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn ở Hải Dương được thực hiện nghiêm túc, nhân dân đi bầu với tỷ lệ cao, từ 90% đến 100%. Bên cạnh đó, 100% các xã, phường, thị trấn thành lập Ban Thanh tra nhân dân, thực hiện chức năng giám sát đầu tư cộng đồng. Nhiệm kỳ 2015 - 2017, toàn tỉnh bầu được 2.390 thành viên thanh tra nhân dân, trong dó có 857 người là đảng viên, chiếm 36%; số thành viên là nữ có 426 người, chiếm 18%; số thành viên tái cử có 1.744 người, chiếm 73%; số thành viên mới tham gia lần đầu là 646; có 1.390/1.469 thôn, khu dân cư bầu bằng hình thức biểu quyết giơ tay, còn lại bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Có 205 ban thanh tra nhân dân có từ 7 - 10 thành viên và 60 ban thanh tra nhân dân có từ 01 - 15 thành viên. Có 252 trưởng ban thanh tra nhân dân là phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã kiêm nhiệm và các ban thanh tra nhân dân đều được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, phường, thị trấn quyết định công nhận.

- Về những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi các cơ quan có thẩm quyền quyết định:

Theo báo cáo, có hàng ngàn cuộc họp thôn, khu dân cư, nhiều ý kiến đóng góp tích cực của nhân dân thông qua 1.497 tổ dân vận thôn, khu dân cư với sự tham gia của 13.260 thành viên là bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhân dân. Nhân dân có nhiều sáng kiến hay, thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trên 80% số cán bộ xã, phường, thị trấn cho biết, chính quyền địa phương tổ chức cho nhân dân tham gia ý kiến về những nội dung theo quy định.

- Về những nội dung nhân dân giám sát:

Nhân dân không chỉ được biết, được bàn, được làm, còn được tham gia kiểm tra, giám sát các công việc của cộng đồng. Năm 2014, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương tổ chức giám sát việc thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 18 xã thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Năm 2015, tổ chức giám sát hoạt động công chứng, chứng thực tại 20 đơn vị thuộc 6 huyện, thành phố, thị xã; giám sát việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn 4 huyện và 8 xã; tổ chức 15 lớp tập huấn về kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho 3.324 cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp và cán bộ chuyên trách các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp theo chuyên đề. Năm 2016, tập trung giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Trong hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34, được sự giúp sức, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền các địa phương cơ sở, hoạt động của các ban thanh tra nhân dân thực sự được phát huy và đạt kết quả cụ thể. Các ban thanh tra nhân dân cấp xã đã phát hiện và kiến nghị với chính quyền 20.896 vụ/việc, được chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 19.359 vụ/việc (đạt 92,6%), trong đó có 4.788 vụ/việc vi phạm về đất đai, đã thu hồi 255.095m2 đất; 931 vụ/việc vi phạm về kinh tế, đã thu hồi cho tập thể và cá nhân trên 6 tỷ đồng; 4.392 vụ/việc về an ninh trật tự, 3.817 vụ/việc về văn hóa xã hội và 5.431 vụ/việc thuộc các lĩnh vực khác. Hình thức phản ánh của các ban thanh tra nhân dân với chính quyền chủ yếu thông qua các văn bản đề nghị và các văn bản này được đưa ra trao đổi trong các cuộc họp giao ban giữa cấp ủy, chính quyền với các ban, ngành, đoàn thể, các ý kiến đều được chính quyền quan tâm xem xét, giải quyết. Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực tham gia công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết và giám sát việc giải quyết. Trong 10 năm qua đã tiếp 22.167 lần với 33.763 lượt người trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận 10.050 đơn; chuyển các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết 9.039 đơn; được các cơ quan xem xét giải quyết 8.488 đơn (đạt 94%); có 8.074 thông báo kết quả giải quyết (khiếu nại 1.210, tố cáo 526, kiến nghị 6.338), đạt 95%...

- Thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân:

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông báo số 1222-TB/TU về thí điểm tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, toàn tỉnh có 27 đơn vị tổ chức Hội nghị điểm tiếp xúc đối thoại, trong đó cấp tỉnh tổ chức 01 cuộc, cấp huyện tổ chức 03 cuộc, cấp xã tổ chức 23 cuộc. Ngày 15-01-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 1363-QÐ/TU, ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân”. Giai đoạn 2014 - 2016, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đối thoại 05 cuộc; cấp huyện 18 cuộc; cấp xã tổ chức 428 cuộc, trong đó có các cuộc đối thoại theo chuyên đề và các cuộc đối thoại toàn diện về các lĩnh vực.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở

Trong quá trình triển khai thực hiện, Hải Dương gặp một khó khăn và số hạn chế. Việc thực hiện Pháp lệnh 34 ở một số nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức. Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên đã ban hành, nhưng chậm được cụ thể hóa, hoặc thực hiện thiếu nghiêm túc. Các ban thanh tra nhân dân chưa thực sự chủ động và tích cực trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch. Trình độ, năng lực của một số thành viên ban thanh tra nhân dân chưa cao… Công tác tư tưởng, vận động tuyên truyền chưa diễn ra thường xuyên, hình thức thực hiện chưa phong phú và chưa đi được vào chiều sâu; chưa tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng về vai trò, vị trí của nhân dân đối với việc mở rộng dân chủ và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này nằm ở trình độ, nhận thức của nhân dân chưa đồng đều, nhận thức trong việc thực hiện dân chủ ở mức độ khác nhau. Các văn bản của cấp trên hướng dẫn việc triển khai thực hiện Pháp lệnh 34 chưa kịp thời, chưa tạo sự đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp. Một số địa phương còn lúng túng trong việc giải quyết những vụ, việc vi phạm xảy ra, cũng như việc xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các quy định về quy chế dân chủ. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc sát sao, còn tình trạng nể nang, e ngại, né tránh trong giải quyết các vấn đề phức tạp. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hầu hết các xã, phường, thị trấn không có kinh phí cho hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, vì vậy khó khăn trong việc triển khai.

Nhằm thực hiện hiệu quả Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, khắc phục được những vướng mắc nêu trên, cần có những giải pháp sau:

Thứ nhất, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải gắn chặt hơn nữa với các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở cơ sở. Cần có các chính sách, biện pháp thiết thực nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; hướng dẫn chuyển giao công nghệ để nhân dân tham gia sản xuất xã hội; nâng cao đời sống nhân dân; kết hợp chặt chẽ đồng bộ và thống nhất giữa 5 nhà trong sản xuất. Việc mở rộng dân chủ, thực hiện tốt Pháp lệnh 34 cần phải gắn chặt với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng ở cơ sở.

Thứ hai, thực hiện quy chế dân chủ phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực chủ động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây chính là các cơ quan được nhân dân tin tưởng, trao quyền lực của mình, vì vậy, cần có kế hoạch, phương án thật tốt để quy chế dân chủ ở cơ sở thực sự đi vào cuộc sống. Kiện toàn kịp thời ban chỉ đạo, xây dựng các chương trình hành động, phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cấp chính quyền từ trên xuống, với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và nhân dân để mọi thông tin, văn bản quy chế ban hành được kịp thời đến được với người dân và được triển khai hiệu quả. Cần nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức được phân công giúp việc cấp ủy, ban chỉ đạo theo dõi việc thực hiện quy chế dân chủ.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của các chủ thể về vị trí, vai trò của pháp lệnh. Cần hiểu các chủ thể ở đây là cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Cả hai chủ thể này đều phải nhìn nhận được một cách đúng đắn về vị trí, vai trò của Pháp lệnh 34 đối với quá trình mở rộng dân chủ trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng, đối với sự nghiệp xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung, có như vậy việc thực hiện Pháp lệnh 34 mới thực sự đạt kết quả. Để nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp cần tiếp tục quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, để các cán bộ của Đảng và Nhà nước thực sự là những người gần dân, thân dân và vì dân. Gắn việc thực hiện Pháp lệnh 34 với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để cán bộ, đảng viên thực sự vững mạnh về tư tưởng chính trị, đạo đức, ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy sáng kiến tập thể nhằm phối hợp nhiều biện pháp tuyên truyền mới, tăng tính hiệu quả và khả thi, thực hiện tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân… để người dân hiểu được vai trò, tầm quan trọng của Pháp lệnh 34 đối với việc mở rộng quyền dân chủ của cá nhân. Thực hiện nghiêm túc các buổi tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải đáp các thắc mắc, giải quyết những kiến nghị của các tầng lớp nhân dân./.