Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 27-11 đến ngày 03-12-2017

Hồng Ngọc tổng hợp
23:45, ngày 05-12-2017
TCCSĐT - Doanh nghiệp tốn 15.000 tỷ đồng mỗi năm vì thủ tục hành chính; Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ làm việc tại tỉnh Trà Vinh; Bình Thuận đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; trên 97% thủ tục hành chính ở Hà Nội được thực hiện theo "một cửa", "một cửa liên thông"; Tiền Giang xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là những tin nổi bật tuần qua.

Doanh nghiệp tốn 15.000 tỷ đồng mỗi năm vì thủ tục hành chính

Con số này được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn chứng, để nói về thủ tục hành chính đang làm giảm khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp “Tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Tại hội nghị lần đầu tiên này, các doanh nghiệp tiếp tục phản ánh chuyện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đánh giá của ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Ban nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân, thời gian qua, Ban đã thực thi một cuộc khảo sát với 2 câu hỏi cơ bản: Rào cản cụ thể nào cản trở hoạt động doanh nghiệp và đánh giá của doanh nghiệp đối với nỗ lực gỡ vướng các rào cản đó của các cơ quan Chính phủ.

Kết quả khảo sát với khoảng 100 doanh nghiệp tham gia cho thấy 73% doanh nghiệp quan tâm tới yếu tố thủ tục hành chính rườm rà; 6% doanh nghiệp đánh giá thái độ khối công quyền khi ứng xử với doanh nghiệp, có 46% doanh nghiệp quan tâm yếu tố chồng chéo quản lý, các vấn đề khác cũng được quan tâm nhưng ở mức thấp hơn.

Ông Trương Gia Bình cho biết tới 73% doanh nghiệp cho rằng vướng mắc phần lớn liên quan 4 vấn đề, gồm nhập khẩu với quá nhiều thủ tục, giao đất, yếu tố cấp thẻ APEC và các thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Khó khăn thủ tục tiếp cận thông tin thông qua khối cơ quan nhà nước vẫn là chuyện doanh nghiệp bức xúc nhiều nhất. Ngoài ra, việc hình sự hóa các vấn đề kinh tế cũng được nhiều doanh nghiệp lo ngại. Một số doanh nghiệp còn thông tin việc cán bộ có biểu hiện gây khó khăn, lợi ích cục bộ, nhũng nhiễu.

Theo đánh giá của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nhìn chung, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia và đánh giá cao trọng tâm cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, trong đó việc hội nhập quốc tế là một điều kiện nền tảng đã thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề chồng chéo, rào cản chia sẻ thông tin, tiếp cận thông tin qua cán bộ… vẫn còn lớn.

“Vừa qua tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các cơ quan liên bộ và nhận thấy riêng trong lĩnh vực nhập khẩu, các doanh nghiệp 1 năm tiêu tốn thêm 15.000 tỷ đồng chi phí kiểm tra chuyên ngành. Điều này cho thấy những rào cản cần tháo gỡ vẫn còn nhiều”, Bộ trưởng Dũng nói.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ làm việc tại tỉnh Trà Vinh

Ngày 01-12, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã làm việc với tỉnh Trà Vinh về tình hình thực hiện cải cách hành chính năm 2017 .

Tại buổi làm việc, đại diện đoàn công tác đánh giá cao sự quyết liệt của hệ thống chính trị tỉnh Trà Vinh đã thực hiện đầy đủ và kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ trong công tác cải cách hành chính, qua đó đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điển hình là hơn 1.500 thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã được giảm 1/2 thời gian so với quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Trà Vinh vẫn còn những hạn chế trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, triển khai đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế, niêm yết thủ tục hành chính công khai... Thời gian tới, tỉnh cần tập trung đồng bộ và xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện chỉ số cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hiệu quả nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Đồng thời, phải nâng cao hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về phương thức tiếp xúc các thủ tục hành chính; trong đó chú trọng mô hình dịch vụ hành chính công trực tuyến. Đối với các kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ.

Những hạn chế trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Trà Vinh đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Dũng nhìn nhận và cho biết sẽ tập trung khắc phục trong thời gian tới. Tỉnh Trà Vinh kiến nghị với Đoàn công tác nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét sửa đổi một số nội dung của các Nghị định cho phù hợp hơn với tình hình địa phương.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình, năm 2017, UBND tỉnh Trà Vinh đã sửa đổi, bổ sung, công bố nhiều thủ tục hành chính nhằm cập nhật kịp thời các quy định mới. Đến nay, tỉnh Trà Vinh có tổng số 1.738 thủ tục hành chính. Hiện 1.565 thủ tục hành chính đã được cắt giảm 1/2 thời gian, 94 thủ tục cắt giảm 1/3 thời gian so với quy định; 727 thủ tục hành chính giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích. Toàn tỉnh có 19 sở, ban, ngành tỉnh, 9 huyện, thị xã, thành phố và 106/106 xã, phường, thị trấn đã thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa; 7 cơ quan, đơn vị thực hiện theo cơ chế một cửa liên thôn với 115 thủ tục hành chính được áp dụng.

Tỉnh thực hiện cải cách tổ chức bộ máy như: sáp nhập 5 bệnh viện đa khoa cấp huyện vào trung tâm y tế huyện; hợp nhất Trung tâm Thể dục thể thao và Trung tâm bơi lặn thành Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao; hợp nhất Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và Trường Năng khiếu thể dục thể thao thành Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và thể thao; sáp nhập Đoàn Cải lương Ánh Hồng vào Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Bình Thuận: Đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp

Ngày 01-12, UBND tỉnh Bình Thuận đã công bố thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh. Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Thuận được thành lập trên cơ sở giải thể Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện nay đang thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bình Thuận.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Thuận là đầu mối tập trung thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan cấp tỉnh đối với tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, Trung tâm còn có nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân tìm hiểu, tiếp cận môi trường đầu tư của tỉnh và thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết: công tác cải cách hành chính luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá để đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Thuận được thành lập nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Với quyết tâm chính trị cao nhất, tỉnh Bình Thuận đưa Trung tâm Hành chính công vào hoạt động đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân trong tỉnh, từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đúng theo phương châm hoạt động của trung tâm là “Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công”.

Hà Nội: Trên 97% thủ tục hành chính được thực hiện theo "một cửa", "một cửa liên thông"

Tại phiên họp đầu tiên của Kỳ họp thứ tư HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, năm qua, cải cách hành chính tiếp tục được Hà Nội xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, và đã được tập trung tăng cường trong suốt cả năm.

Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2017, "Năm Kỷ cương hành chính” đã được tổ chức, triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung tại các cơ quan, đơn vị, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ.

Thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 26 ngày 05-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư.

Thành phố cũng chú trọng cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, trong đó, dịch vụ hành chính công (Par Index) năm 2016 của Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh, thành, tăng 6 bậc so với năm trước.

Thành phố đã đẩy mạnh việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các sở, ban, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nâng cao hiệu quả hoạt động. Kết quả đáng kể là đã hoàn thành sắp xếp 70 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc thành 5 Ban Quản lý dự án chuyên ngành thuộc thành phố, 3 Ban Quản lý dự án duy tu trực thuộc Sở, 3 Ban Quản lý dự án giữ nguyên theo đặc thù và 30 Ban Quản lý dự án khu vực thuộc quận, huyện, thị xã (tổng cộng giảm 29 đơn vị). Đồng thời, hoàn thành sáp nhập 3 quỹ (Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất và Quỹ Bảo vệ môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành 1 Quỹ để tập trung các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động; đã phê duyệt xong đề án vị trí việc làm các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (chỉ còn 3 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện do chờ thông tư hướng dẫn về mô hình tổ chức).

Bên cạnh đó, Thành phố đã duy trì thực hiện công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, chuyển nhận văn bản trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hoàn thành và duy trì kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép gửi, nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội; đã ban hành 22 quyết định công bố thủ tục hành chính, thực hiện ủy quyền cho một số sở, ban, ngành thực hiện giải quyết một số thủ tục hành chính trên các lĩnh vực. Đặc biệt, tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đạt 97,33%, trong đó: Khối sở, cơ quan tương đương sở đạt 99,98%, UBND cấp huyện đạt 95%, UBND cấp xã đạt 97%. Thành phố đã triển khai hệ thống phần mềm dùng chung lĩnh vực tư pháp - hộ tịch tới 584 xã, phường, thị trấn, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến qua mạng đạt 93%.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ, trong đó đến nay, hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã có 5.273 cán bộ, công chức được cấp tài khoản với trên 5,2 triệu lượt truy cập.

Năm 2017 tại Hà Nội, số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng tại các cơ quan nhà nước là 225.173/239.480 hồ sơ, đạt tỷ lệ trên 94%. Thành phố cũng đã triển khai đồng bộ 81 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tới các quận, phường nội thành và 10 sở, trong đó, 16 dịch vụ công trực tuyến mức được triển khai đến cấp xã, cấp huyện toàn thành phố, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến mức lên 391, đạt 20,4% tổng số dịch vụ công của cơ quan hành chính. Hiện đang tập trung thực hiện 375 thủ tục tiếp theo để đưa vào vận hành trong năm 2017, phấn đấu đến hết năm nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức sẽ đạt 55%.

Tiền Giang: Xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ngày 04-12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cho biết: Xác định cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, Tỉnh ủy Tiền Giang đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2030. Công tác cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ đã được duyệt, Tiền Giang đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó chú trọng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo chất lượng, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, có đủ năng lực quản lý điều hành, thực thi công vụ…

Tỉnh ủy Tiền Giang yêu cầu các cấp, ngành, tổ chức đảng đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, xem đây là giải pháp quan trọng trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt các quy định, hướng dẫn của Trung ương về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, nắm vững quan điểm, phương châm, nội dung và vị trí quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh, từ thực tiễn địa phương, Tiền Giang kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm tổng kết việc thực hiện các chủ trương thí điểm một số nội dung trong công tác cán bộ. Qua đó, sửa đổi, ban hành các chủ trương, chính sách mới thực hiện chung cho cả hệ thống chính trị; triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt những chủ trương, giải pháp về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), Tiền Giang đã cụ thể hóa và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ, đảm bảo quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và chủ trương của Đảng, trong đó tập trung đánh giá thực chất về đội ngũ cán bộ, quan tâm qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp; mạnh dạn bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ trẻ, đủ tiêu chuẩn, có đạo đức và năng lực…

Trong 5 năm qua Tiền Giang đã cử đào tạo, bồi dưỡng 66.197 lượt cán bộ, trong đó đào tạo 8.733 lượt cán bộ, 5.946 lượt cán bộ được đào tạo về chính trị; 57.464 lượt cán bộ được bồi dưỡng về chuyên môn, chức danh, bồi dưỡng cán bộ nguồn…Nhiệm kỳ 2010 – 2015, toàn tỉnh luân chuyển 180 trường hợp; nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã luân chuyển 34 cán bộ. Công tác luân chuyển cán bộ được tỉnh quan tâm và cán bộ được luân chuyển cũng phát huy tốt vai trò, vị trí, năng lực trên cương vị mới, có trách nhiệm, tinh thần kỷ luật cao./.