Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 30-10 đến ngày 05-11-2017

Hồng Ngọc tổng hợp
15:09, ngày 06-11-2017
TCCSĐT - Thảo luận ở hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng có tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong hoạt động của bộ máy hành chính; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; Kiên Giang lấy ý kiến vào Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc; An Giang tìm giải pháp nâng cao hiệu quả chỉ số quản trị và hành chính công; Thanh Hóa tinh gọn bộ máy bắt đầu từ thôn, tổ dân phố; là những tin nổi bật tuần qua.

Chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”

 
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học phát biểu ý kiến.

Thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, ban hành nhiều luật nhưng luật không đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, sức ỳ của nền hành chính còn cao và có sự đùn đẩy trách nhiệm. Muốn có nền hành chính trong sạch, vững mạnh thì kỷ luật, kỷ cương hành chính phải nghiêm. Chính phủ cần có giải pháp để thúc đẩy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan. Chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cấp dưới ỳ trệ, đùn đẩy lên cấp trên.

Đại biểu Nguyễn Thái Học, Phú Yên cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã khắc phục được tình trạng nợ đọng văn bản, tuy nhiên, thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu. Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền mà việc thực thi pháp luật không nghiêm. Ban hành nhiều luật nhưng luật không đi vào cuộc sống thì cũng không có ý nghĩa.

Vấn đề kỷ luật, kỷ cương, đại biểu Học cho biết, Chính phủ vẫn cho rằng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Việc này tồn tại ở nhiều lĩnh vực như: Tổ chức cán bộ, khai thác tài nguyên, tài chính ngân sách, sử dụng đất đai… xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành. Đây chính nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho nền hành chính trì trệ, kém hiệu quả.

Về vấn đề cải cách hành chính, đại biểu Ngô Trung Thành, Đắk Lắk cũng băn khoăn về sức ỳ của nền hành chính - kẻ thù của Chính phủ kiến tạo. Đại biểu Thành cho rằng, giá như các cơ quan làm đúng và đẩy đủ trách nhiệm của mình thì chắc chắn các vụ việc đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Giá như cấp trên phát huy đầy đủ trách nhiệm của mình trong kiểm tra, thanh tra thì sự việc đâu phải đẩy lên bàn Thủ tướng và Thủ tướng không phải chỉ đạo như sự việc quán cà phê Xin chào.

Nói về giải pháp, đại biểu Thành cho biết, việc thực hiện thành công công cuộc kiến tạo không quá khó khăn nếu các cơ quan làm đúng chức trách của mình. Chính phủ cần có giải pháp để thúc đẩy tính chủ động, tự chịu trách của các cơ quan, người đứng đầu các cơ quan. Chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cấp dưới ỳ trệ, đùn đẩy lên cấp trên. Tăng cường kiểm tra để cấp dưới thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Để 'bếp lò' cải cách hành chính: đưa 'củi tươi' vào cũng phải cháy”.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư: Bỏ sổ hộ khẩu

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Theo đó, sẽ thực hiện đơn giản hóa thủ tục Cấp giấy xác nhận nhân sự của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian xác minh giải quyết thủ tục hành chính tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh sẽ được rút ngắn từ 25 ngày làm việc xuống còn 20 ngày làm việc quy định tại khoản 8 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-BCA-BNG ngày 20-8-2013.

Nghị quyết số 112/NQ-CP quy định bỏ thành phần hồ sơ “Bản sao giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người đề nghị và thân nhân ở nước ngoài” quy định tại khoản 8 Điều 1 của Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-BCA-BNG ngày 20-8-2013 của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT-BCA-BNG ngày 06-10-2009 của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở nước ngoài theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17-8-2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đồng thời, Nghị quyết bỏ yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân; giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu đối với người dưới 14 tuổi đối với thủ tục “Cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới cho công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở Công an cấp xã” quy định tại Điều 6 Thông tư số 67/2013/TT-BCA ngày 11-12-2013 của Bộ Công an.

Đối với nhóm thủ tục: đăng ký, cấp biển số xe (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh); đổi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh); cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh); thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh); đăng ký xe từ tỉnh khác chuyển đến tại Công an cấp tỉnh; đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy; đăng ký sang tên mô tô, xe gắn máy trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy; đổi giấy chứng nhận đăng ký mô tô, xe gắn máy và biển số xe tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy; cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mô tô, xe gắn máy và biển số xe tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký mô tô, xe gắn máy và biển số xe tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy, tại Điều 9 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04-4-2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, đối với chủ xe là người Việt Nam, quá trình đăng ký, cấp biển số xe không yêu cầu xuất trình “Sổ hộ khẩu” không yêu cầu giấy tờ ủy quyền đối với thân nhân trong cùng một gia đình trong hộ khẩu; đồng thời, bỏ yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân đối với người đến làm thủ tục đăng ký xe.

Về thủ tục Đăng ký tạm trú tại Công an cấp xã, Nghị quyết bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18-4-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

Kiên Giang: Lấy ý kiến vào Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc

Ngày 02-11, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức kỳ họp thứ năm (kỳ họp bất thường) để lấy ý kiến thông qua tờ trình Đề án thành lập phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên; thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang và Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.

Các đại biểu HĐND dành sự quan tâm đến Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Mục tiêu thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc nhằm xây dựng đặc khu Phú Quốc trở thành một đô thị du lịch biển đảo với môi trường sống hiện đại, xanh, thân thiện và an toàn; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại, giải trí cao cấp; trung tâm tài chính, giao thương quốc tế lớn và hiện đại của cả nước, khu vực và quốc tế; một khu vực kinh tế năng động, hiệu quả, mang đặc trưng và bản sắc riêng dựa trên lợi thế về kinh tế, chính sách đặc biệt không cạnh tranh vói các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khác trong nước, nhưng phải đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh, hấp dẫn đối với khu vực và quốc tế; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc xây dựng mô hình, cơ cấu bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả thật sự là “đặc biệt”, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; đủ sức đảm đương công việc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đặc khu Phú Quốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho tỉnh Kiên Giang và tạo sức lan tỏa, kết nối phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

Đề án xác định phấn đấu đến năm 2030, Phú Quốc sẽ là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và hiện đại của cả nước, khu vực và quốc tế; trung tâm thương mại, triển lãm - hội nghị hàng đầu của khu vực và hướng tới mở rộng thị trường toàn cầu.

Nâng cao hiệu quả chỉ số quản trị và hành chính công

Ngày 01-11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị tham vấn các giải pháp nâng cao hiệu quả chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2018 và các năm tiếp theo.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cho rằng: Tỉnh An Giang đã đề ra mục tiêu xây dựng chính quyền các cấp “liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”. Tuy nhiên, hiện chỉ số PAPI của địa phương còn thấp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia giới thiệu chung về chỉ số PAPI và xu hướng biến đổi cấp quốc gia PAPI; kinh nghiệm, các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị, hành chính công… Các đại biểu cũng tập trung làm rõ vai trò của người đứng đầu đối với việc thực hiện công khai, minh bạch; vai trò của chính quyền địa phương đối với sự tham gia của người dân cấp cơ sở và định hướng hàm ý chính sách cải thiện chỉ số PAPI tỉnh An Giang…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Ánh Tuyết, Phó Viện trưởng Viện xã hội học - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2016, tỉnh An Giang đạt 35,63 điểm (tăng 1,36 điểm so với năm 2015), xếp hạng 34/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 15 bậc so với năm 2015), xếp thứ 7/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (tăng 4 bậc so với năm 2015). Trong đó, bốn chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2015 gồm: Tiêu chí về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; chỉ số công khai minh bạch; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công. Hai chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2015 là: Trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.

Do đó, An Giang cần tăng cường các giải pháp để công khai minh bạch; phát huy dân chủ, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, như vậy chỉ số PAPI mới thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Bộ chỉ số PAPI gồm 6 chỉ số nội dung, 22 chỉ số nội dung thành phần và hơn 90 chỉ tiêu thành phần. Đây là công cụ đo lường khách quan, dựa trên trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hoạt động của các cấp chính quyền.

Thanh Hóa: Tinh gọn bộ máy bắt đầu từ thôn, tổ dân phố

Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều thôn, tổ dân phố và số người hoạt động không chuyên trách. Toàn tỉnh có 5.971 thôn, tổ dân phố. Bình quân mỗi thôn, tổ dân phố có 10 người hoạt động không chuyên trách, đảm nhận các chức danh như: Bí thư chi bộ, trưởng thôn (hoặc tổ trưởng tổ dân phố), trưởng ban công tác mặt trận, thôn đội trưởng, tổ viên bảo vệ an ninh trật tự thôn (hoặc tổ dân phố), nhân viên y tế thôn... Ngoài những người hoạt động không chuyên trách, ở thôn, tổ dân phố còn có khuyến nông viên, bí thư chi đoàn, chi hội trưởng các hội: Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân và nhiều trưởng các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp như: Chữ Thập đỏ, Khuyến học, Người cao tuổi... đang được hưởng hỗ trợ một phần phụ cấp từ đóng góp của cộng đồng dân cư. Kinh phí ngân sách chi trả hằng năm cho thôn, tổ dân phố đã lên tới 396 tỷ đồng, gồm kinh phí chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách là 320 tỷ đồng, khoán hoạt động là 47 tỷ đồng (mỗi thôn, tổ dân phố được khoán 8 triệu đồng/năm), hỗ trợ thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là 29 tỷ đồng (mỗi thôn, tổ dân phố được hỗ trợ 5 triệu đồng/năm).

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, toàn tỉnh Thanh Hóa có tới 62,5% tổng số thôn, tổ dân phố chưa đạt tiêu chí dân số theo quy định. Trong đó có nhiều thôn, tổ dân phố có quy mô quá nhỏ, số hộ dân quá ít, nhưng vẫn được bố trí số cán bộ hoạt động không chuyên trách và trưởng các đoàn thể, trưởng các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp như những thôn, tổ dân phố có quy mô lớn.

Số lượng thôn, tổ dân phố quá nhiều làm cho bộ máy ở cấp xã cồng kềnh, số lượng người hoạt động không chuyên trách và trưởng các đoàn thể, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân ở cơ sở rất lớn. Việc chia tách làng truyền thống thành nhiều thôn nhỏ trong các thập niên gần đây đã làm mất đi bản sắc văn hóa, và truyền thống lịch sử của cộng đồng dân cư đã được bồi đắp, hun đúc, hình thành từ ngàn xưa.

Vì vậy, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về lãnh đạo thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu được tỉnh Thanh Hóa xác định là trong 2 năm 2017 - 2018, thực hiện sáp nhập từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố, tương đương với 20% tổng số thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Tại các thôn, tổ dân phố được sáp nhập cũng sẽ thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ và Trưởng thôn, tổ dân phố nhằm làm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Hoàn thành mục tiêu nêu trên cũng đồng nghĩa với việc Thanh Hóa sẽ giảm được trên 10.000 nhân sự đang làm việc tại các thôn, tổ dân phố.

Để thực hiện việc sáp nhập, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai các bước khá bài bản từ việc xây dựng đề án sáp nhập đến quyết định phê duyệt đề án sáp nhập. Chỉ thị số 12-CT/TU đã xác định các yêu cầu: Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố phải phù hợp với thực trạng, đặc điểm, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc của mỗi địa phương; đảm bảo thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân; khuyến khích sáp nhập các thôn để thành lập thôn, tổ dân phố mới mà trước đây là làng truyền thống ở các địa phương. Tại khu vực miền núi, do đặc thù địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt nên khoảng cách từ nơi dân cư xa nhất đến trung tâm thôn là dưới 3 km, tại đồng bằng là dưới 1,5 km.

Trước khi thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Quá trình sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch. Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh trước ngày 30-6-2018./.