Đảng Cộng sản Việt Nam độc lập, tự chủ, sáng tạo lãnh đạo đất nước vững bước đi lên
TCCSĐT - Độc lập, tự chủ và sáng tạo vừa là truyền thống, vừa là bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là bài học xuyên suốt lịch sử lãnh đạo và đấu tranh của Đảng - một nhân tố bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lịch sử là đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Từ lúc mới ra đời (03-02-1930), với tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, Đảng ta đã xác định được Chính cương, Sách lược vắn tắt - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng - một cách đúng đắn. Cương lĩnh chỉ rõ con đường cách mạng Việt Nam: “Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng, để đi tới xã hội cộng sản”(1). Đồng thời, còn chỉ rõ nhiệm vụ, mục tiêu, lực lượng, phương pháp cách mạng, công tác xây dựng Đảng… Với Cương lĩnh cách mạng triệt để, Đảng ta đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc; giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phù hợp thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế chung của thời đại.
Đường lối của Đảng vừa được vạch ra đã có sự hấp dẫn, lôi kéo hàng triệu quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng, xóa bỏ triệt để xu hướng dân tộc cải lương tư sản và chủ nghĩa dân tộc phiêu lưu tiểu tư sản. Đảng ta đã huy động được các lực lượng yêu nước của dân tộc; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế; tạo cơ sở vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa cách mạng tiến lên. Sức mạnh này đã được tập hợp, tôi luyện qua các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo từ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 đến cuộc vận động dân chủ 1936 -1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945. Khi quân Nhật đầu hàng đồng minh, với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, Đảng đã phát động toàn dân đứng lên, từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được coi là một trong những điển hình sáng tạo về khoa học và nghệ thuật khởi nghĩa của Đảng ta. Đây là thắng lợi của sự chủ động chuẩn bị lực lượng, của nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ và kiên quyết hành động. Thành công của Cách mạng Tháng Tám không phải là giành “khoảng trống quyền lực” như quan điểm của một số học giả nước ngoài, mà là kết quả của quá trình chuẩn bị mọi mặt của Đảng từ tổ chức, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang đến chủ động đón thời cơ khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, khi quân đội Pháp bạc nhược.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền dân chủ nhân dân vừa được thành lập, cách mạng nước ta gặp nhiều khó khăn, thử thách, tình hình đất nước như “ngàn cân treo trên sợi tóc”. Nhưng, với bản lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, sáng suốt chèo lái, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh tới bến bờ vinh quang. Những chủ trương của Đảng vừa cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là giữ vững chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng mọi mặt để đối phó với chiến tranh xâm lược.
Để bảo vệ thành quả của cách mạng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta lại phải tiếp tục chiến đấu 30 năm với hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy hy sinh gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Bằng đường lối cách mạng đúng đắn và tài thao lược của mình, với khối đại đoàn kết dân tộc và ý chí đấu tranh quật cường, “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta chiến đấu anh dũng lần lượt đánh bại những kẻ thù sừng sỏ nhất của thế kỷ XX mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tiếp đến là cuộc tổng tiến công nỗi dậy mùa xuân năm 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hoàn toàn thắng lợi, thu giang sơn về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân ta được sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của bầu bạn quốc tế. Đảng và nhân dân ta coi đó là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhưng thời kỳ đó cũng xảy ra sự bất đồng giữa các nước anh em, một số nước có những toan tính đối với cách mạng Việt Nam, gây cho cách mạng nước ta nhiều khó khăn, phức tạp, cản trở lớn. Với bản lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo, đứng vững trên lập trường Mác-xít Lê-nin-nít, kết hợp sự khôn ngoan về chính trị với sự dày dạn trong kinh nghiệm, Đảng ta đã sáng suốt, có tầm nhìn xa, trông rộng, khả năng ứng phó nhạy bén, kịp thời, khắc phục có hiệu quả mọi chướng ngại để giành thắng lợi cho cách mạng Việt Nam, góp phần củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế. Nếu không độc lập, tự chủ và sáng tạo thì chúng ta không thể đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau năm 1975, Đảng ta với tinh thần độc lập, tự chủ động viên ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh toàn dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước với quy mô rộng lớn. Chỉ trong 4 năm chúng ta đã tìm ra được hướng đi mới với Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV (8-1979) khuyến khích sản xuất bung ra. Tận dụng mọi khả năng về lao động, tài nguyên và năng lực sản xuất của các ngành kinh tế, quốc phòng, văn hóa để sản xuất hàng tiêu dùng. Đây được coi là sự mở đầu của công cuộc đổi mới nói chung và đổi mới tư duy nói riêng.
Thực tiễn các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã trải qua hàng chục năm thực hiện cơ chế và mô hình cũ, để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Trung Quốc thực hiện cải cách, mở cửa, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tiến hành cải tổ. Trong khi Trung Quốc có sự vươn lên mạnh mẽ, thì những sai lầm về đường lối và cách làm đã khiến công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu ngày càng khó khăn, khủng hoảng toàn diện. Tình hình đó đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, song với tinh thần sáng tạo và ý thức độc lập, tự chủ, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt lên trên mọi thử thách để giành thắng lợi.
Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng càng được thể hiện nổi bật trong sự nghiệp đổi mới từ năm 1986 đến nay. Chúng ta không dập khuôn máy móc theo mô hình cải tổ, cải cách của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới; sáng tạo tìm bước đi riêng để đưa công cuộc đổi mới của nước ta phát triển đúng hướng và có hiệu quả. Thắng lợi của công cuộc đổi mới chính là thắng lợi của đường lối đổi mới mang tính độc lập, tự chủ, sáng tạo rất cao của Đảng ta. Đảng ta kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, nắm vững nguyên tắc, đồng thời nhạy bén nắm bắt cái mới, không chỉ dừng lại ở việc xác định đường lối, Đảng ta đặc biệt quan tâm thể chế hoá và cụ thể hoá đường lối thành pháp luật và chính sách; bình tĩnh và chủ động vượt qua những thách thức nặng nề, những chấn động chính trị thế giới, trước sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu để bảo đảm cho đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa đứng vững và phát triển.
Thực tiễn chặng đường lịch sử 85 năm liên tục chiến đấu, hy sinh và giành thắng lợi vẻ vang của Đảng đã khẳng định độc lập, tự chủ và sáng tạo là tinh thần tiêu biểu chi phối toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng ta. Đúng như Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã chỉ rõ: “Cách mạng chỉ giành được thắng lợi khi chúng ta kiên định mục tiêu, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, đổi mới, sáng tạo”(2).
Hiện nay, bên cạnh những cơ hội lớn, đất nước ta và Đảng ta đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gay gắt. Vì vậy, để giữ vững và phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng, cần đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng thật sự vững mạnh, xem đó là nhiệm vụ then chốt, là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Theo đó, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, luôn kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo, thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra.
Hai là, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc thật sự dân chủ, thiết thực, nói đi đôi với làm. Kiên quyết đấu tranh phòng ngừa và khắc phục có hiệu quả sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác. Ra sức rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ba là, trong năm 2015, các cấp ủy Đảng cần quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị “về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”(3). Chỉ thị này nhấn mạnh việc phát huy dân chủ đi đôi với việc giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Theo đó, báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp cần đánh giá đúng thực trạng, tình hình thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ 2010 - 2015, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, nhất là các giải pháp khắc phục một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Công tác nhân sự cấp uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020 phải được thực hiện trên cơ sở quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các địa phương, ngành, lĩnh vực nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo; tiến hành đồng thời với chuẩn bị nhân sự lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và nhân sự lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội, phải lãnh đạo thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và công tác tư tưởng trong đảng bộ; tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân./.
----------------------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 2
(2) Đỗ Mười, “Diễn văn kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Báo Nhân dân, ngày 20-05-1995
(3) Bộ Chính trị, Chỉ thị 36-CT/TW “Về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” ngày 30-5-2014
Quảng Bình cần khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế để phát triển  (06/02/2015)
Công tác xây dựng Đảng qua gần 30 năm đổi mới: Nhận thức lý luận và vấn đề thực tiễn  (06/02/2015)
Công tác xây dựng Đảng qua gần 30 năm đổi mới: Nhận thức lý luận và vấn đề thực tiễn  (06/02/2015)
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo Tổ quốc  (06/02/2015)
Ủy ban châu Âu nâng mức dự báo tăng trưởng của Eurozone  (06/02/2015)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm