Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 21 đến 27-01-2013

Đức Toàn tổng hợp
22:18, ngày 28-01-2013
TCCSĐT - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý nội dung điều chỉnh Hiệp định tài trợ của Dự án "Cải cách Quản lý tài chính công" và gia hạn thời gian thực hiện dự án thêm 8 tháng đến ngày 31-10-2013.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm phê duyệt việc gia hạn và điều chỉnh dự án; có các biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai để bảo đảm hoàn thành dự án theo thời gian được gia hạn.

Mục tiêu của Dự án "Cải cách Quản lý tài chính công" là hỗ trợ thực hiện công cuộc cải cách nền kinh tế nói chung và cải cách hệ thống quản lý tài chính nói riêng.

Dự án được triển khai trên phạm vi cả nước với ba lĩnh vực quan trọng liên quan trực tiếp đến hệ thống tài chính bao gồm: quản lý ngân sách nhà nước, giám sát và quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý nợ quốc gia. Đây là một chiến lược phát triển ngành tài chính nhằm đổi mới căn bản công tác quản lý tài chính công, xây dựng nền tài chính quốc gia đủ mạnh bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Mục tiêu cụ thể của dự án là tập trung hiện đại hoá công tác quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước từ việc lập kế hoạch, thực hiện, báo cáo giải trình ngân sách, quyết toán ngân sách ở từng cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời, nâng cao năng lực điều hành, giám sát chi tiêu ngân sách ở tất cả các ngành, cấp, các đơn vị trong cả nước, nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công, tăng cường năng lực quản lý nợ công và giám sát rủi ro về nợ của các doanh nghiệp nhà nước.

Đẩy lùi sự trì trệ

Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015" đã được nhiều đơn vị triển khai khá nghiêm túc, tạo sự chuyển biến trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Tuy nhiên, để Chương trình 08 đạt các mục tiêu đề ra đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức (CBCC) có nhận thức đúng đắn về công tác này.

Nội dung của Chương trình số 08-CTr/TU về cơ bản đã bám sát với các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác CCHC, vì vậy, các đơn vị thực hiện chương trình cũng đồng thời bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ việc triển khai Chương trình 08, công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại các quận, huyện, thị xã đã chuẩn với quy trình thẩm định của cơ quan tư pháp; chất lượng báo cáo thẩm định của các phòng tư pháp ngày càng được nâng cao; 98% dự thảo văn bản được thông qua ngay từ lần đầu trình, rất ít trường hợp phải chỉnh sửa do sai sót về kỹ thuật, thể thức văn bản.

Thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo chương trình giao, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND thành phố xây dựng đề án về cơ chế "một cửa liên thông" đối với các nhóm thủ tục thuộc những lĩnh vực trên. Đến nay, hầu hết đều đang trong quá trình xây dựng hoặc trình UBND thành phố ký ban hành quy trình liên thông theo thẩm quyền. Nhiều đơn vị như UBND thị xã Sơn Tây, huyện Đông Anh, quận Long Biên, quận Thanh Xuân… đã quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí công chức làm công tác CCHC nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Hiện 100% cán bộ "một cửa" của các đơn vị này đều là cán bộ chuyên trách bộ phận "một cửa" và có trình độ đại học.

Điểm nổi bật là nhiều đơn vị đã quan tâm đầu tư hiện đại hóa hành chính. Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 sang tiêu chuẩn ISO 9001:2008; đồng thời, cung cấp thông tin về lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường trên cổng giao tiếp điện tử để người dân tìm hiểu. Sở đã xây dựng cơ sở dữ liệu về danh mục hồ sơ, phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ với khoảng 50.000 hồ sơ để phục vụ tra cứu. Tương tự, Cục Thuế Hà Nội triển khai 30 phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động quản lý người nộp thuế; 97% CBCC Cục Thuế Hà Nội và 80% CBCC chi cục thuế sử dụng máy tính, các phần mềm ứng dụng phục vụ nộp thuế. Đặc biệt, Sở Thông tin - Truyền thông đang xây dựng mô hình khung về thực hiện "cơ quan điện tử", xây dựng quy định bắt buộc CBCC phải thực hiện tin học hóa trong tác nghiệp hành chính và đề án triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Các quận, huyện: Long Biên, Tây Hồ, Từ Liêm, Chương Mỹ và Thạch Thất đang xây dựng và triển khai thực hiện đề án mô hình điểm về cơ quan điện tử.

Dù đã đạt nhiều kết quả, song đáng tiếc vẫn còn sự trì trệ ở một số đơn vị, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các mục tiêu của Chương trình 08. Ban Chỉ đạo chương trình đã giao 30 nhiệm vụ, đề án, kế hoạch chuyên đề cho 20 cơ quan chủ trì. Theo đó, mỗi nhiệm vụ cụ thể đều do một thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp chủ trì hoặc chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, do cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trực tiếp thực hiện và có thời hạn cụ thể. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 8 đề án chưa xây dựng xong. Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh: Năm 2012, thành phố tập trung xây dựng các kế hoạch, đề án, đã có chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động nhưng điều rất rõ là CCHC vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra trong năm.

Các chỉ tiêu cụ thể đặt ra trong Chương trình số 08-CTr/TU là 100% các sở, ban, ngành, các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện áp dụng hệ thống ISO trong quản lý hành chính nhà nước theo mô hình, quy trình thống nhất; đến năm 2013 hoàn thành việc đánh giá, cấp lại chứng chỉ ISO cho các đơn vị theo phiên bản ISO 9001:2008; đến năm 2015, 100% các xã, phường, thị trấn hoàn thành việc triển khai, áp dụng và cấp chứng chỉ ISO 9001:2008; cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân, doanh nghiệp... Để đạt được mục tiêu đó, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để đôn đốc cũng như khen thưởng và phê bình kịp thời nhằm đẩy lùi được sự trì trệ trong công tác CCHC.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ định hướng công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành Hải quan

Năm 2012, công tác cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan đã đạt được những kết quả nổi bật. Ngành đã triển khai Dự án xây dựng Hệ thống thông quan tự động (VNACCS), Hệ thống thông tin tình báo (VCIS) và đặc biệt là đưa vào thực hiện thủ tục hải quan điện tử chính thức trên phạm vi toàn quốc. Đầu năm 2013, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã đưa ra ý kiến chỉ đạo, định hướng cho công tác cải cách, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam trong năm.

Trong những năm qua, trước đòi hỏi của quá trình hội nhập cùng với sự tích cực, chủ động của Tổng cục Hải quan, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ tích cực của các bộ, ngành liên quan, ngành Hải quan đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong lĩnh vực cải cách và hiện đại hóa.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhận định, năm 2012 đánh dấu những nỗ lực vượt bậc của toàn ngành Hải quan trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Về cải cách hành chính, năm 2012, ngành tập trung rà soát 13 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến tạm nhập, tái xuất; hàng hoá trung chuyển; doanh nghiệp ưu tiên, thủ tục hải quan điện tử, đã kiến nghị đơn giản hóa 10 TTHC trong số 28 TTHC được rà soát, tiết kiệm 31% chi phí tuân thủ TTHC, vượt chi tiêu yêu cầu đề ra.

Về công tác hiện đại hóa, ngành Hải quan đã tiếp tục triển khai sâu rộng thủ tục hải quan điện tử, hoàn thiện về cơ sở pháp lý và mức độ tự động hóa. Đến nay, thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai đến 21/34 cục hải quan tỉnh, thành phố, (101 chi cục). Dự kiến, năm 2013 sẽ “phủ sóng” 13 cục hải quan còn lại. Trong năm 2012, ngành Hải quan cũng đã triển khai cơ chế hải quan một cửa quốc gia, tiếp nhận Dự án thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.... Cho đến nay, dự án VNACC/VCIS đã hoàn thành thiết kế chi tiết hệ thống và đang được thực hiện đúng lộ trình, có thể áp dụng vào tháng 1-2014.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo ngành Hải quan, để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách hết sức nặng nề, với dự toán thu được Quốc hội giao năm 2013 là 237.500 tỷ đồng, trong năm 2013 và các năm tiếp theo, ngành Hải quan phải tập trung nguồn lực để tiếp tục công cuộc cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính theo 3 định hướng lớn:

Một là, mở rộng thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên cả chiều sâu và chiều rộng. Cụ thể là tăng mức độ tự động trong tiếp nhận và xử lý dữ liệu khai báo, mở rộng phạm vi thực hiện thủ tục hải quan điện tử tới tất cả Cục Hải quan tỉnh, thành phố, vừa tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất, nhập khẩu, vừa là bước tập dượt quan trọng cho việc vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS trong tương lai.

Hai là, tích cực triển khai Dự án VNACCS/VCIS theo đúng lộ trình. Đây là một dự án có quy mô lớn, tác động đến hầu hết các lĩnh vực của ngành Hải quan. Không những vậy, nó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các hệ thống thuộc ngành Tài chính, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các bộ, ngành sẽ trực tiếp tham gia vào cơ chế một cửa quốc gia. Đối với ngành Hải quan, cần tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tái thiết kế quy trình nghiệp vụ, rà soát bố trí lại nhân lực, đào tạo sử dụng hệ thống cũng như đào tạo nâng cao năng lực trong các lĩnh vực nghiệp vụ…

Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu triển khai hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ sẽ cùng Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn chỉnh phương án sửa đổi Luật Hải quan, nhằm xây dựng một đạo luật đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về Hải quan trong tình hình mới và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Tuyển dụng công chức xã, phường phải phù hợp chuyên ngành

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình với tỉnh Nam Định ngày 20-1, Sở Nội vụ tỉnh Nam Định nêu kiến nghị: Đối với vấn đề tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn chỉ nên quy định người thi tuyển tốt nghiệp đại học phù hợp với chuyên ngành về công tác. Riêng đối với Nam Định, được quy định thêm là tốt nghiệp đại học hệ chính quy.

Ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định, cho biết trong năm 2012, ngành Nội vụ tỉnh đã quan tâm toàn diện đến tất cả lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao và chủ động đề xuất những giải pháp đảm bảo các yêu cầu về thời gian, hiệu quả và chất lượng. Tuy nhiên, ngành Nội vụ tỉnh còn một số tồn tại, trong đó chủ yếu là công tác cải cách hành chính còn nhiều nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu; hoạt động của bộ phận giao dịch hành chính một cửa ở một số địa phương, đơn vị chưa thực sự có hiệu quả, còn hình thức.

Xây dựng cơ chế phù hợp để gỡ khó cho doanh nghiệp

"Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, bình ổn thị trường trên địa bàn…" - đó là những mục tiêu mà ngành Công Thương Thủ đô đặt ra cho năm 2013.

Doanh nghiệp và thị trường: Đối tượng hỗ trợ quan trọng nhất

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013 Sở Công Thương Hà Nội ngày 16-01, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết: Trong bối cảnh kinh tế năm 2012 rất nhiều thách thức, doanh nghiệp và thị trường luôn là hai đối tượng quan trọng nhất khi Sở xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Sở đã chủ trì tổ chức 15 cuộc đối thoại với khoảng 1.000 lượt doanh nghiệp trên địa bàn. Hàng loạt vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan… đã được tổng hợp, đề xuất với lãnh đạo thành phố, bộ, ngành để tháo gỡ. Năm 2012 cũng là năm Sở thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, mở rộng không chỉ hệ thống cố định mà còn tăng cường những chuyến lưu động đưa hàng bình ổn giá về các huyện, khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu của người dân nông thôn và kích cầu tiêu dùng. Kết quả, các doanh nghiệp đã triển khai được 450 chuyến bán hàng, trong đó 397 chuyến lưu động, qua đó nhiều doanh nghiệp còn xác định được địa điểm, thời gian tổ chức bán hàng thường xuyên…

Năm 2013, ngành Công Thương Hà Nội phấn đấu đạt giá trị tăng thêm 7,5 - 7,8%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ tăng 20%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm ngoái. Sở sẽ tập trung triển khai thành lập và mở rộng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố ngay khi Quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được phê duyệt; kêu gọi thu hút đầu tư các ngành theo quy hoạch lấp đầy các khu công nghiệp Phú Nghĩa, Đông Anh, 6 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định…

Để phát triển thị trường hàng hóa, Sở tăng cường đầu tư hạ tầng thương mại gồm: 1 trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, 1 trung tâm bán buôn cấp vùng, 19 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các huyện và thị xã, 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm cấp vùng và 1 chợ đầu mối chuyên doanh… Bên cạnh đó, Sở cũng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ trình độ cao và nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu…

Tháo gỡ từng khó khăn cụ thể

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, năm 2012, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng cả nước vẫn nỗ lực về đích có tăng trưởng, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương Thủ đô. Trước mắt còn nhiều thách thức, Sở cần tập trung tháo gỡ cho những khó khăn cụ thể của doanh nghiệp như vốn, thị trường… Với 58 sản phẩm công nghiệp chủ lực đã được lựa chọn để có chương trình hỗ trợ riêng, tới đây, Sở nên có giải pháp phát triển thương hiệu mạnh hơn nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Thực tế thị trường Hà Nội rất phức tạp, nên công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được lực lượng chức năng tích cực vào cuộc hơn nữa. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cán bộ quản lý thị trường tuyệt đối không chủ quan, tăng cường kiểm soát kịp thời thị trường, tránh tạo ra sốt giá ảo, gây bất lợi cho người dân. "Sở Công Thương Hà Nội cần thực hiện nhiều chương trình với các hình thức phong phú để kích cầu" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu giao ngành Công Thương năm 2013 cùng thành phố tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm: phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và thân thiện môi trường; di chuyển cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm cao khỏi nội đô; đẩy mạnh chức năng các khu công nghệ cao bằng cách huy động vốn không chỉ trong nước; tạo đà phát triển mạnh trong thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ chất lượng cao, nhằm tạo bộ mặt Thủ đô văn minh thương mại, bảo vệ người tiêu dùng; đảm bảo chất lượng hệ thống điện; tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh phong trào thi đua.

Góc nhìn cải cách: Thước đo “một cửa”

Bộ Nội vụ cho biết, 98% trong số 700 đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước đã triển khai thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; 2% đơn vị chưa triển khai là các huyện đảo hoặc mới thành lập.

Như vậy, từ cấp huyện, gần như cả nước đã áp dụng cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Chưa kể, 42/63 tỉnh, thành phố còn triển khai cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" hiện đại; 9 tỉnh, thành phố trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai mô hình "chất lượng cao" ở tất cả đơn vị hành chính cấp huyện…

Tuy nhiên, như nhận xét của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chúng ta mới đạt được kết quả bước đầu". Lý do là người dân còn phàn nàn, kêu ca trong nhiều lĩnh vực. Thực tế, không phải nơi nào cũng quan tâm thích đáng cho bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông". Thay vì giao cho người am hiểu pháp luật, có nơi, người tiếp nhận hồ sơ không khác nhân viên văn thư.

Thậm chí, cán bộ tiếp nhận hồ sơ ở "một cửa" còn cố tình hành dân; dù thừa biết hồ sơ dân nộp thiếu nhiều thủ tục, nhưng không hướng dẫn cặn kẽ. Nói là "một cửa" nhưng không ít nơi có "nhiều khóa". Người dân đến "một cửa" để rồi lại phải lần mò tìm cán bộ giải quyết trực tiếp mới xong… Điều này khác hẳn ở những nơi "một cửa", "một cửa liên thông" được lòng dân. Những nơi như vậy, cán bộ là người được lựa chọn kỹ, được tạo điều kiện làm việc và dĩ nhiên được giám sát chặt chẽ. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện theo dõi bộ phận này bằng camera và đường dây nóng kết nối trực tiếp; khi xảy ra vi phạm lập tức can thiệp, xử lý trách nhiệm.

"Một cửa", "một cửa liên thông" là mô hình được coi có tính chất đột phá trong công tác cải cách hành chính và đã được "phủ sóng" gần như khắp cả nước. Song xem xét hiệu quả của mô hình này thì không thể chỉ nhìn vào những con số có tính chất thống kê. Dư luận, đánh giá của người dân về hoạt động thực tế của "một cửa", "một cửa liên thông" mới chính là thước đo thực chất.

Thí điểm giao dịch điện tử theo Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư liên tịch về việc thí điểm triển khai giao dịch điện tử theo Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia đối với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải.

Theo đó, Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia là một hệ thống tích hợp gồm Cổng thông tin Hải quan một cửa quốc gia, hệ thống thông quan của cơ quan Hải quan, các hệ thống cấp phép của Bộ Công Thương, hệ thống thông tin của Bộ Giao thông Vận tải và một số hệ thống công nghệ thông tin khác.

Các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương có chức năng cấp phép các thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sẽ cấp giấy phép, giấy chứng nhận cho người khai rồi gửi giấy phép, giấy chứng nhận hoặc kết quả xử lý khác tới cơ quan Hải quan thông qua Cổng thông tin Hải quan một cửa quốc gia.

Cảng vụ Hàng hải là nơi ra quyết định cuối cùng đối với việc cho phép tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Cơ quan Hải quan ra quyết định cuối cùng về việc thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trên cơ sở giấy phép và các kết quả xử lý của các bộ được chuyển tới hệ thống thông quan của cơ quan Hải quan thông qua Cổng thông tin Hải quan một cửa quốc gia.

Chứng từ hành chính được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính một cửa trên Cổng thông tin Hải quan một cửa quốc gia gồm: Tờ khai hải quan điện tử, Quyết định thông quan, giải phóng hàng, hoặc đưa hàng hóa về bảo quản, kết quả xử lý khác của cơ quan hải quan; Thông báo tàu đến/rời cảng, quá cảnh; Lệnh điều động, giấy phép rời cảng, giấy phép quá cảnh, kết quả xử lý khác của Cảng vụ Hàng hải; Đăng ký nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô- zôn; Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; Giấy phép nhập khẩu tự động xe mô-tô phân khối lớn…

Chứng từ hành chính hải quan một cửa phải có chữ ký số của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các thủ tục hành chính một cửa (trong trường hợp người khai đăng ký sử dụng chữ ký số). Chữ ký số sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính một cửa là chữ ký số công cộng cấp cho tổ chức đã được Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan Hải quan xác nhận tương thích với các hệ thống xử lý chuyên ngành được tích hợp với Cổng thông tin Hải quan một cửa.

Chứng từ hành chính hải quan một cửa có giá trị như chứng từ giấy

Dự kiến Thông tư liên tịch trên sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2013. Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký tại Cổng thông tin Hải quan một cửa quốc gia là có thể thực hiện được các thủ tục hành chính, không phải vất vả tìm tới nhiều đầu mối cơ quan quản lý như trước kia, giảm thiểu tiêu cực có thể xảy ra khi phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức.

Hà Nội sẽ cung cấp dịch vụ công trực tuyến

“Xây dựng lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến được cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa kịp thời”. Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng UBND TP. Hà Nội giao cho Sở Thông tin truyền thông chỉ đạo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội thực hiện - ông Hoa Thanh Hải, Giám đốc Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội cho biết tại lễ tổng kết công tác 2012, triển khai nhiệm vụ 2013, sáng 23-1. Cũng theo ông Hoa Thanh Hải, trong năm 2013, Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội sẽ hoàn thiện chuyên trang tiếng Anh, trong đó, chú trọng những thông tin đối ngoại của thành phố và các thủ tục hành chính. Các chương trình giao lưu, đối thoại trực tuyến giữa chính quyền với công dân cũng là một nội dung được Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội quan tâm trong năm 2013./.