Để chất lượng đảng viên đáp ứng yêu cầu của Điều lệ Đảng
Những yêu cầu cơ bản về tiêu chuẩn, chất lượng đảng viên theo Điều lệ Đảng
Thứ nhất, thể hiện đúng bản chất, mục đích và lịch sử truyền thống vẻ vang của Đảng.
Điều lệ Đảng chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”(2). Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta có truyền thống hơn 82 năm xây dựng và trưởng thành rất vẻ vang, vinh dự và tự hào. Lịch sử ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng “là cả một pho lịch sử bằng vàng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định. Chính vì vậy, tiêu chuẩn, chất lượng mỗi đảng viên của Đảng phải góp phần tạo nên giá trị, bản chất của Đảng, góp phần làm cho Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”, tạo nên những giá trị “vàng” trong “pho lịch sử bằng vàng” ấy. Mỗi đảng viên đang đứng trong hàng ngũ của Đảng phải luôn phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện sao cho xứng đáng với danh hiệu của người đảng viên, xứng đáng với niềm tin yêu, tự hào của nhân dân về hai chữ “Đảng ta”.
Thứ hai, thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Cương lĩnh và Điều lệ Đảng khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng bằng việc đề ra chủ trương, đường lối, nghị quyết và lãnh đạo Nhà nước, các tổ chức khác trong hệ thống chính trị và nhân dân tổ chức thực hiện. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đang lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Đây là sự nghiệp cách mạng hết sức to lớn, có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức từ nhiều phía. Sự nghiệp đổi mới đang đặt ra những câu hỏi lớn cho Đảng ta là: Làm thế nào để phát triển kinh tế thị trường theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào để phát triển kinh tế nhanh, bền vững đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, cải thiện môi trường sinh thái? Làm thế nào để hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ vững độc lập, tự chủ, quốc phòng, an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập nhưng không bị hòa tan?... Để giải quyết những vấn đề đó đòi hỏi Đảng ta phải có đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại đúng đắn, sáng tạo, có nội dung, phương thức lãnh đạo sát hợp, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Là thành viên của Đảng, mỗi đảng viên phải thể hiện được tính tiền phong trong nhận thức và hành động. Mỗi đảng viên phải có đủ phẩm chất và năng lực tham gia các khâu của quy trình lãnh đạo của Đảng, từ việc tham gia xây dựng chủ trương, nghị quyết, đến việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục và tổ chức thực hiện. Ở khâu nào và với phương pháp, cách thức lãnh đạo nào của Đảng, mỗi đảng viên đều phải hăng hái tham gia đóng góp trí tuệ và sức lực của mình một cách tích cực nhất. Ở đâu và lĩnh vực nào, đảng viên cũng phải xứng đáng là “người lãnh đạo” đồng thời là “người đầy tớ” thật trung thành của nhân dân.
Thứ ba, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng và nhiệm vụ của người đảng viên.
Theo quy định của Điều lệ Đảng, mỗi đảng viên phải tham gia sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở đảng nhất định và chịu sự quản lý của tổ chức đảng đó. Đây là yêu cầu, nguyên tắc bắt buộc đối với đảng viên. Điều 2 Điều lệ Đảng xác định rõ nhiệm vụ của đảng viên. Đó là những nhiệm vụ rất nặng nề, có nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng cũng rất vẻ vang. Là thành viên của Đảng, mỗi đảng viên phải chủ động, tích cực thực hiện những nhiệm vụ đó.
Thứ tư, đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, đồng thời thực hiện các nguyên tắc tự phê bình và phê bình, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mỗi đảng viên phải nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Xa rời việc thực hiện các nguyên tắc đó, hoặc thực hiện không đúng, thực hiện nửa vời các nguyên tắc đó là biểu hiện của tư tưởng cơ hội, vụ lợi, thiếu bản lĩnh, làm mất sức chiến đấu của Đảng từ bên trong.
Thứ năm, đáp ứng yêu cầu mở rộng hợp tác quốc tế và tình đồng chí thủy chung, trong sáng của những người cộng sản.
Điều lệ Đảng nhấn mạnh: “Đảng kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới”(3). Là thành viên của Đảng, trong điều kiện cụ thể, trong điều kiện, môi trường công tác và khả năng có thể, mỗi đảng viên, nhất là những đảng viên hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đối ngoại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo,... cần trau dồi kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa, đối ngoại, ngoại ngữ và tình cảm cách mạng, tình đồng chí thủy chung, trong sáng, tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ đối với các đảng bạn; đồng thời chủ động, tự tin trao đổi, đàm phán bình đẳng với các đối tác, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.
Những giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng đảng viên đáp ứng yêu cầu của Điều lệ Đảng
Một là, xây dựng những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể đối với đảng viên.
Trên cơ sở những tiêu chuẩn đảng viên mà Điều lệ Đảng quy định, các cấp ủy đảng ở các loại hình tổ chức cơ sở đảng cần cụ thể hóa tiêu chuẩn đảng viên một cách phù hợp. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng đến các yếu tố cụ thể, như: sự giác ngộ, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị; đạo đức, lối sống; thái độ và cách ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, công tác, quan hệ lợi ích; tính tiền phong gương mẫu; ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật; năng lực thực hiện nhiệm vụ; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chấp hành Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
Hai là, thực hiện tốt công tác phân công nhiệm vụ và quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát đảng viên về lập trường tư tưởng, quan điểm chính trị, ý thức chấp hành chỉ thị, nghị quyết, chấp hành các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; về hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, mối quan hệ giữa đảng viên với quần chúng, tính tiền phong gương mẫu và giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên. Bên cạnh đó, hiện nay, các cấp ủy cần căn cứ vào Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011, của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm để kiểm tra, giám sát đảng viên cho tốt.
Ba là, tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ đảng viên.
Thực tế cho thấy, nhiệm vụ của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng nhiều và khó khăn, phức tạp. Không phải cứ đứng trong hàng ngũ của Đảng, là mọi đảng viên đều có đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ ở mọi lúc, mọi nơi. Vì thế, việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên không chỉ là yêu cầu thường xuyên, lâu dài, mà còn là đòi hỏi cấp bách. Để công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên có hiệu quả, cần thực hiện tốt những việc sau:
Tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức giáo dục lý luận chính trị tại các chi bộ, đảng bộ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và những kỹ năng cơ bản để xử lý công việc. Định kỳ hằng năm, cấp ủy cơ sở cần đánh giá trình độ, năng lực thực tế của đảng viên, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị và nhu cầu, nguyện vọng học tập, bồi dưỡng của đảng viên để xác định nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng một cách thiết thực, phù hợp. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường hình thức sinh hoạt chuyên đề. Các cấp ủy chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể đề ra những chủ trương, biện pháp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ đảng viên; đồng thời nêu cao ý thức tự giáo dục cho mỗi đảng viên.
Bốn là, thực hiện tốt công tác kết nạp, đánh giá chất lượng đảng viên.
Để thực hiện tốt công tác này, các cấp ủy, tổ chức đảng cần đặc biệt chú trọng công tác tạo nguồn trong các đối tượng quần chúng, nhất là thanh niên, sinh viên, công nhân, người dân tộc thiểu số; thực hiện đúng quy trình, thủ tục, trong đó cần đặc biệt chú trọng thái độ, động cơ phấn đấu vào Đảng.
Việc đánh giá chất lượng đảng viên cần được thực hiện nghiêm túc, bám sát vào Hướng dẫn số 07-HD/TW, ngày 11-10-2011, của Ban Tổ chức Trung ương và tiêu chuẩn đảng viên đã được xác định; về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; cần coi trọng thái độ trong đánh giá, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của mỗi đảng viên.
Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Việc củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu: sắp xếp, tổ chức lại chi bộ, đảng bộ hợp lý, phù hợp với quy định của Điều lệ Đảng và đặc thù ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng./.
---------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 260
(2), (3) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 4, 6
Một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở  (14/12/2012)
Học và làm theo Bác - giải pháp quan trọng để Cục Cảnh sát Biển Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ  (14/12/2012)
Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ X thành công tốt đẹp  (14/12/2012)
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (14/12/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên