Kiên trì cải cách tăng “sức sống” cho nền kinh tế Thủ đô
TCCS - Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hà Nội đạt tăng trưởng kinh tế 3,39%, là mức tăng cao so với các địa phương khác trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kết quả trên có được nhờ hàng loạt giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khơi thông thị trường.
Không làm chậm tiến độ cải cách hành chính
Làm việc với Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố vào giữa tháng 3-2020 khi dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã hoan nghênh Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ngành thống nhất cao không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và quyết tâm thực hiện theo kịch bản với mức tăng trưởng GRDP dự kiến là 7,5%, đạt kế hoạch đề ra.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Thường trực Thành ủy chỉ đạo, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020 và kế hoạch 5 năm, 2016 - 2020.
Đồng chí yêu cầu chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố sớm ban hành kế hoạch hành động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp cấp bách, cụ thể trên các nhóm ngành hàng với quyết tâm thực hiện thắng lợi ba mục tiêu: giữ tăng trưởng GRDP theo mục tiêu; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn, nhất là về ngân sách, trong đó phải tăng cường tiết kiệm chi tiêu.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong quá trình đó, thành phố phải đặc biệt coi trọng vai trò của người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân; tránh vì tập trung quá vào chống dịch mà làm chậm tiến độ cải cách hành chính, tiến độ đầu tư của người dân và doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân thành phố cần sớm tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, cùng phối hợp thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Thực hiện những yêu cầu chỉ đạo trên, các cấp, các ngành và mỗi cán bộ chủ chốt thành phố đã nêu cao tinh thần cộng đồng trách nhiệm, sẻ chia, chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng và các nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là tiếp tục kiên trì thực hiện cải cách hành chính.
Ấn tượng với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm của Hà Nội
Đánh giá về mức tăng trưởng kinh tế của Hà Nội thời gian qua, đặc biệt với mức tăng 3,39% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu bày tỏ sự “ấn tượng” bởi đây là mức tăng cao trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, gây tác hại trên diện rộng và rất nhiều hệ lụy đối với đời sống kinh tế - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Mức tăng trưởng trên của Hà Nội đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước.
“Điều này cũng dễ hiểu bởi “sức sống” của nền kinh tế Thủ đô khá cao. Bên cạnh sự thích ứng nhanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, kết quả cũng cho thấy những giải pháp mà Hà Nội đã triển khai để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tái cơ cấu phát triển các ngành, như công nghiệp chế xuất, thương mại dịch vụ, nông nghiệp…, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt thời gian qua, đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát, đã phát huy hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, kết quả tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội thật sự là một điểm nhấn tái khẳng định khả năng ứng phó, giữ ổn định tình hình của chính quyền thành phố”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu lý giải.
Đặc biệt, vị trí của Hà Nội trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm đã cho thấy khát vọng của Thủ đô trong công cuộc đổi mới, tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, thành phố đã có những giải pháp rất kịp thời, liên tục tổ chức đối thoại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Từ đó, nhiều giải pháp đã được thành phố đưa ra, như khơi thông thị trường, kích cầu tiêu dùng, kết nối sản xuất - tiêu thụ...
Thành phố cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động một cách mạnh mẽ; chọn lĩnh vực có dư địa lớn để tập trung thu hút đầu tư, giữ đà tăng trưởng; hay quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công với nguồn vốn rất lớn, để từ đó lan tỏa, kích thích sản xuất, thu hút đầu tư tư nhân và các nguồn lực khác…
Nhận định về vai trò của cải cách hành chính đối với tăng trưởng kinh tế Thủ đô, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nêu, hiện Hà Nội giữ vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng PCI và đó là thành quả đáng ghi nhận. Thành phố giữ được vị trí này không dễ dàng, bởi quy mô, sự phức tạp, số lượng đầu việc cũng như yêu cầu về quản lý một đô thị lớn như Hà Nội đòi hỏi sự nỗ lực cũng như khả năng ứng phó, năng lực giải quyết công việc một cách nhanh nhạy, mang tính chuyên nghiệp.
“Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nên tập trung cải thiện nhanh một số tiêu chí khác, dù đang khá tốt, như chỉ số gia nhập thị trường, bởi đó là yếu tố rất quan trọng, liên hệ mật thiết đến việc tham gia thị trường của một doanh nghiệp. Nói cách khác, nhanh chậm chỉ một chút có thể là yếu tố kích đẩy một hạt nhân mới, nhưng có khi cũng làm cho một đơn vị bị loại khỏi thị trường. Ngoài ra, mỗi cơ quan chức năng cần chủ động hơn nữa để đáp ứng các nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp một cách tự giác, lấy sự kịp thời, đầy đủ và công tâm làm thước đo”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm.
Tiếp tục nhân lên “dư địa” cải cách hành chính
Kiên trì cải cách bằng hàng loạt chương trình, việc làm cụ thể, đó là tinh thần quyết tâm thực hiện của tất cả các đơn vị, sở ngành của thành phố. Các giải pháp cụ thể được đưa ra là đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tăng cường tính tương tác giữa cơ quan hành chính với người dân, doanh nghiệp; ban hành quy trình công tác theo hướng 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”, nhân rộng những sáng kiến, cách làm hay để hướng tới xây dựng chính quyền phục vụ “vì người dân, vì doanh nghiệp”...
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” ngày 27-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Quan điểm trước đây “Hà Nội không vội được đâu” giờ đã lạc hậu, đã cũ, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tháo gỡ, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển…
Trong tháng 6-2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến cải cách hành chính. Trong đó, Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 11-6-2020 nêu rõ, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 tăng ít nhất 5 bậc so với năm 2019. Còn tại Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 11-6-2020 về tiếp tục duy trì, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội, Hà Nội phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính của thành phố năm 2020 đạt kết quả cao, đứng đầu cả nước. Thành phố cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 100%; bảo đảm tỷ lệ giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 đạt từ 10% trở lên…
Trong chặng đường còn lại của năm 2020, yếu tố quan trọng nhất và cũng khó đoán định nhất, dẫn đến sự bị động trong phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục là tình hình, diễn biến của dịch COVID-19. Kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Nhiều thị trường lớn của Việt Nam chưa thể khôi phục. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế đang e ngại về khả năng duy trì mức tăng trưởng của kinh tế Hà Nội trong thời gian tới. Do đó, Thành phố càng cần nỗ lực hơn nữa, phản ứng linh hoạt trong điều hành để vượt khó và phát huy nguồn lực tổng hợp.
Người đứng đầu các cơ quan cần chú trọng công tác cải cách hành chính; nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức - những người trực tiếp giao dịch với người dân, doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp để hoàn thành tốt công việc được giao. Về phía người dân, doanh nghiệp cũng cần tích cực hưởng ứng những cải cách của thành phố, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính, không tiếp tay cho tiêu cực.
Như nhận định của các chuyên gia, “dư địa” cải cách hành chính nếu được làm tốt sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội ở mức cao hơn và ngược lại. Đó là yêu cầu, đòi hỏi Hà Nội phải kiên trì cải cách mới đáp ứng được nhu cầu bức thiết từ cuộc sống đặt ra trong giai đoạn hiện nay./.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc làm việc với Công ty Honda Việt Nam về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ô tô  (14/07/2020)
Một số kinh nghiệm từ đại hội đảng bộ cơ sở ở Hà Nội: Thành công và những bài học rút ra  (13/07/2020)
Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất đã vượt “bão” COVID-19  (07/07/2020)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam