TCCSĐT - Ngày 27-10-2016, Hội nghị toàn thể lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 6) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã ra thông cáo báo chí sau 4 ngày họp tại Thủ đô Bắc Kinh.

ICC kêu gọi đối thoại với các nước châu Phi muốn chấm dứt quy chế thành viên

 

Chủ tịch Hội đồng các quốc gia thành viên Quy chế Rome, Bộ trưởng Tư pháp Senegal Sidiki Kaba. Ảnh: AFP

Ngày 24-10-2016, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở La Hay (Hà Lan) đã kêu gọi các nước thành viên tìm kiếm sự đồng thuận với các quốc gia châu Phi muốn rút khỏi ICC, đồng thời nhấn mạnh thông báo của Nam Phi và Burundi về việc rút khỏi “Quy chế Rome” - tên gọi của hiệp ước về thành lập ICC - sẽ chỉ có hiệu lực sau một năm kể từ khi chính thức được gửi lên Liên hợp quốc. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi ICC của Nam Phi. Tổng Thư ký Liên hợp quốc hy vọng Nam Phi sẽ xem xét lại quyết định này. Trong khi đó, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia châu Phi là thành viên ICC cùng với Nam Phi rút khỏi tòa án này, xem đây là hành động cần thiết thực hiện một nghị quyết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh AU mới đây ở Thủ đô Kigali của Rwanda.

Tuần trước, Nam Phi tuyên bố đã chính thức gửi văn bản lên Liên hợp quốc thông báo rút khỏi ICC sau những tranh cãi liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir tới Nam Phi hồi năm ngoái. Theo Quy chế Rome, là một nước thành viên ICC, Nam Phi có nghĩa vụ bắt giữ ông al-Bashir, người đang bị ICC truy nã với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, chống lại loài người và tội diệt chủng. Tuy nhiên, Nam Phi đã không thực hiện việc này và ông al-Bashir rời khỏi nước này sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh AU. Đầu tháng này, Hạ viện Burundi cũng đã bỏ phiếu nhất trí thông qua việc rút khỏi ICC sau khi Liên hợp quốc khởi động cuộc điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền tại quốc gia này. Kenya và Namibia cũng cảnh báo sẽ rút khỏi tòa án này. Nếu Nam Phi chính thức rút khỏi ICC, nước này sẽ là quốc gia đầu tiên ra khỏi thể chế tòa án quốc tế này và dư luận quốc tế lo ngại nhiều quốc gia khác ở châu Phi theo Pretoria rời khỏi ICC.

Các nước châu Á - Thái Bình Dương đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo

 

Những tấm pin năng lượng Mặt Trời. Ảnh minh họa. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc phát triển nguồn năng lượng sạch đang được các nước trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quan tâm nhằm giảm ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện đời sống của người dân, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Theo bài viết với tựa đề: “Các nước châu Á - Thái Bình Dương đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo” của tác giả Shamshad Akhtar - Trợ lý cấp cao Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương - đăng trên “Jakarta Toàn cầu”, trong năm 2015, các nước khu vực này đã đầu tư tổng cộng 160 tỷ USD cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển năng lượng sạch. Hiện có một loạt phương pháp tiếp cận, lựa chọn phát triển các nguồn năng lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó nguồn năng lượng mặt trời với lợi thế chi phí thấp và khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ phục vụ sản xuất, tiêu dùng đến các công trình quân sự, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các nguồn năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển hệ thống lưới điện mini, hệ thống hybrid, khí sinh học và các hệ thống thủy điện loại nhỏ tùy thuộc vào nguồn lực cũng như kinh phí của từng địa phương.

Cũng theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo sẽ phát triển nhanh trong 5 năm tới bởi chi phí thấp và các chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng này. Báo cáo thường niên về năng lượng xanh công bố ngày 25-10-2016 của IEA cho biết sản lượng điện từ năng lượng tái tạo sẽ đạt khoảng 825 GW đến năm 2021, tăng 42% so với báo cáo năm 2015, và tăng 13% so với dự báo trước đó của IEA.

Hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ra thông cáo báo chí

 

Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã/VOV

Ngày 27-10-2016, Hội nghị toàn thể lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 6) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã ra thông cáo báo chí sau 4 ngày họp tại Thủ đô Bắc Kinh. Tại Hội nghị trên, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia hệ thống lãnh đạo tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm, kêu gọi “các đảng viên thống nhất xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân”. Thông cáo cũng kêu gọi các đảng viên nâng cao ý thức để duy trì sự đoàn kết, toàn vẹn chính trị, làm theo sự lãnh đạo của đảng trong vai trò là nòng cốt của ban lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, và hành động phù hợp với đường lối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị cũng đã cam kết bài trừ tham nhũng, chấm dứt tệ mua bán chức quyền hoặc gian lận lá phiếu. Các đại biểu khẳng định việc đòi hỏi một chức quyền, ân huệ hoặc cách đối xử đặc biệt là những hành động không được phép trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thông cáo nhấn mạnh việc mặc cả với các tổ chức đảng để có được sự thăng tiến hoặc không tuân thủ các quyết định của tổ chức đảng đều bị cấm; việc lựa chọn và bổ nhiệm các quan chức không thể bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp từ bên ngoài.

Tại Hội nghị này, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua 2 văn kiện về quy định của Đảng, bao gồm các quy chuẩn về đời sống chính trị nội bộ đảng trong tình hình mới và điều lệ về giám sát nội bộ Đảng. Thông cáo cũng cho biết Đại hội lần thứ XIX của CPC sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm 2017 tại Thủ đô Bắc Kinh. Đây sẽ là một sự kiện có ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Hội nghị Iberia - Mỹ Latinh kêu gọi về hòa bình và đối thoại

 

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (giữa), Tổng thống Guatemala Jimmy Morales (trái) và Tổng Thư ký Iberia - Mỹ Latinh Rebeca Gryspan tại Hội nghị. Ảnh: AP/TTXVN

Ngày 29-10-2016, Hội nghị thượng đỉnh Iberia - Mỹ Latinh lần thứ XXV, tiến hành tại Cartagena, Colombia, đã ra lời kêu gọi ủng hộ tiến trình hòa bình tại Colombia và đề nghị Anh đàm phán với Argentina về vấn đề chủ quyền quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands. Tổng thống nước chủ nhà Juan Manuel Santos khẳng định Chính phủ Colombia và nhóm Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đang đạt bước tiến cụ thể trong cuộc họp sơ bộ tại La Habana nhằm tìm kiếm đồng thuận trong việc sửa đổi thỏa thuận hòa bình được ký kết ngày 26-9, nhưng không được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 02-10. Ông M. Santos cho biết các nhà đàm phán của chính phủ cũng đã gặp gỡ đại diện của các lực lượng phản đối thỏa thuận tại Thủ đô Bogota với mục đích tiếp tục duy trì tiến trình hòa bình, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, trong đó có 22 nước thành viên của Diễn đàn Iberia - Mỹ Latinh, đối với thỏa thuận này.

Hội nghị cũng đã ra thông cáo kêu gọi Chính phủ Anh đàm phán với Argentina nhằm tìm ra giải pháp trực tiếp và hòa bình về chủ quyền của quần đảo Malvinas/Falklands mà hai bên đang tranh chấp, theo tinh thần của nghị quyết Liên hợp quốc liên quan tới vấn đề này. Bên cạnh đó, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đề xuất mỗi nước thành viên đóng góp cho việc thành lập một quỹ viện trợ chung của khối cho Haiti, nước vừa hứng chịu cơn bão Matthew mạnh nhất thập kỷ với hơn 600 người chết và thiệt hại vật chất ước tính 1,89 tỷ USD./.