Những điểm sáng trong công tác giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Hà Nội
TCCS - Trong những năm qua, công tác giảm nghèo, bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là một trong những động lực để thành phố tiếp tục có nhiều giải pháp, phương hướng góp phần nâng cao chất lượng an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân trên địa bàn trong giai đoạn tới.
Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội
Bằng nhiều giải pháp cụ thể, thành phố Hà Nội đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội. Để đạt được những kết quả tích cực, cùng với triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, thành phố Hà Nội đã ban hành các chính sách đặc thù về giảm nghèo, bảo đảm an sinh, với các chỉ tiêu cao hơn. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND, ngày 8-7-2019, của Hội đồng nhân dân thành phố, về “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống”. Tùy theo điều kiện, các địa phương của thành phố cũng áp dụng những chính sách đặc thù giúp người nghèo ổn định cuộc sống. Thành phố Hà Nội đang tiếp tục hướng đến những mục tiêu cao hơn trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND, về “Quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”. Với quy định mới này, công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Thủ đô sẽ có những yêu cầu mới cao hơn, nhiệm vụ đặt ra cũng nặng nề hơn.
Với chủ trương xuyên suốt là bảo đảm an sinh xã hội bền vững, Hà Nội đã hỗ trợ giảm nghèo thông qua các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, vùng núi, tạo “giá đỡ” an sinh, trao sinh kế cho người nghèo. Nhờ vậy, không chỉ ở vùng đô thị, nông thôn có những thay đổi mang tính toàn diện, mà đời sống đồng bào vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô cũng đổi thay từng ngày. Tính đến cuối năm 2020, toàn thành phố còn 4.463 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 0,21%. Thực hiện công tác giảm nghèo năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Kế hoạch giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2020, tương đương giảm 1.339 hộ nghèo trong năm 2021. Đặc biệt, đến nay thành phố có thêm 1 địa phương không còn hộ nghèo, nâng số địa phương không còn hộ nghèo là 15/30 quận, huyện (gồm: Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Đan Phượng).
Công tác bảo trợ xã hội của thành phố cũng đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Triển khai Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15-3-2021, của Chính phủ, về “Quy định chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội”, thành phố đã thực hiện chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, với mức chuẩn trợ cấp là 360.000 đồng/tháng (hệ số 1). Theo đó, tiếp tục hướng dẫn các đơn vị rà soát, lập danh sách đối tượng, ra quyết định điều chỉnh hệ số trợ cấp nuôi dưỡng cho 1.645 đối tượng từ 16 tuổi đến dưới 60 tuổi được hưởng trợ cấp từ 3,0 lên 4,0. Thành phố tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ đột xuất cho các gia đình của 08 nạn nhân bị nạn trong 02 vụ cháy với số tiền 40 triệu đồng (4 nạn nhân trong vụ cháy ngày 4-2-2021 tại phố Tam Khương, phường Khương Thượng, quận Đống Đa và 4 nạn nhân trong vụ cháy ngày 4-4-2021 tại phường Hàng Bột, quận Đống Đa).
Trong năm 2021, thành phố tiếp tục tiếp nhận 370 người lang thang xin tiền, người vô gia cư vào các trung tâm bảo trợ xã hội (trong đó, tiếp nhận 59 người tâm thần lang thang từ Bệnh viện tâm thần bàn giao). Xét duyệt, phân loại 175 hồ sơ tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội chuyển trung tâm bảo trợ xã hội ra quyết định tiếp nhận. Ban Phục vụ lễ tang thành phố thực hiện 24.074 ca hỏa táng (trong đó có 3.945 ca ngoại tỉnh), 2.945 trường hợp mai táng; đặc biệt đã thực hiện hỏa táng các trường hợp tử vong dương tính với COVID-19 bảo đảm an toàn, theo đúng quy trình, quy định của ngành y tế.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được chú trọng, tăng cường
Trong thời gian qua, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Quyết định 588/QĐ-TTg, ngày 17-5-2019, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025”, Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH, ngày 12-11-2020, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động chưa thành niên”; Thông tư số 14/2020/TT-BLĐTBXH, ngày 28-11-2020, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, về “Hướng dẫn thực hiện các quy định về chăm sóc thay thế cho trẻ em”. Đồng thời, thành phố cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trên địa bàn; tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Trên địa bàn thành phố có 1,93 triệu trẻ em, trong đó có 14.108 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em, 37.987 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề xã hội...), 873 trẻ em bị tai nạn thương tích. Đến nay, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau đạt tỷ lệ 99,3%; ước có 530/579 xã, phường, thị trấn đạt chỉ tiêu xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em và ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, thành phố đã tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong hộ nghèo năm 2021. Đặc biệt, nhằm động viên các cháu thiếu nhi đang ở trong khu cách ly tập trung để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, thành phố tổ chức trao quà cho gần 400 trẻ em thuộc diện F1 nhân Tháng hành động vì trẻ em và ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6. Tổ chức tặng quà của Ủy ban nhân dân thành phố cho 1.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em vùng dân tộc, miền núi có cố gắng trong học tập, cuộc sống và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhân dịp Tết Trung thu năm 2021. Cùng với đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ cho 2 trẻ em mồ côi do cha/mẹ mất do nhiễm COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng trong 10 tháng đầu năm 2021, thành phố tiếp tục tiếp nhận 52 thông tin vi phạm quyền trẻ em. Trong đó, có 48 thông tin đúng (17 vụ bỏ rơi, 15 vụ bạo lực, 13 vụ xâm hại tình dục, 2 vụ bạo lực dẫn đến tử vong, 1 vụ trẻ có dấu hiệu bị bóc lột - cùng người lớn lang thang xin ăn, 1 vụ hạn chế quyền học tập của trẻ em); 2 thông tin không đúng như phản ánh; 2 thông tin đang được cơ quan Công an xác minh, giải quyết. 100% trẻ em trong các vụ việc đều đã được can thiệp, tư vấn, trợ giúp theo quy định. Với những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố kịp thời phối hợp một số sở, ngành và chính quyền địa phương để bàn giải pháp can thiệp, trợ giúp các trẻ; đồng thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan có giải pháp can thiệp, trợ giúp trẻ em hiệu quả nhất.
Một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục triển khai hoạt động các dự án, mô hình theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do một số tổ chức quốc tế hỗ trợ, như Dự án nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; Mô hình chăm sóc thay thế trẻ em; Dự án hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng chống đuối nước trẻ em.
Thứ hai, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025; rà soát, điều tra hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả và phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng tại các địa phương. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và trợ giúp xã hội khẩn cấp, chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng bảo trợ xã hội.
Thứ ba, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng bảo trợ xã hội. Theo dõi sát sao tình hình thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm khi người dân gặp khó khăn do hậu quả thiên tai, hỏa hoạn hay rủi ro đều được thăm hỏi, hỗ trợ đột xuất để ổn định cuộc sống.
Thứ tư, thực hiện các giải pháp tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức, mối quan hệ xã hội, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn quyền của trẻ em. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại; giảm thiểu tai nạn, thương tích ở trẻ em. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em./.
Hà Nội: Đô thị thông minh để hội nhập quốc tế hiệu quả  (08/09/2021)
Hà Nội tập trung nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia  (05/09/2021)
Hà Nội phân vùng giãn cánh, dập dịch triệt để ở “vùng đỏ” và “vùng cam”  (03/09/2021)
- Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Marxist-Leninist thống nhất cầm quyền tại Nepal tiếp Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên