Huyện Dầu Tiếng khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển
TCCS - Dầu Tiếng là một huyện phía bắc, cách trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương khoảng 50km. Dầu Tiếng có nhiều tiềm năng, cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ có những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, năm 2023, huyện Dầu Tiếng đã cơ bản hoàn thành 35/38 chỉ tiêu, trong đó có 18 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Theo đó, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của huyện vượt kế hoạch, đạt 80,5 triệu đồng/người/năm.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện Dầu Tiếng đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Để làm được điều đó, trước hết cần phải có sự kết nối giao thông liên vùng, tạo thuận lợi cho giao thương. Trên địa bàn huyện hiện có 7 tuyến đường ĐT do tỉnh quản lý. Năm 2020, tỉnh đã đầu tư cầu, đường kết nối giữa tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Dương, hiện đang mở rộng đường ĐT744 từ 4 làn lên tới 6 làn xe. Đặc biệt, huyện nỗ lực tập trung các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu để tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thu được nhiều kết quả khả quan, trở thành phong trào rộng khắp toàn huyện. Huyện Dầu Tiếng được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Dương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Trong thời gian qua, huyện Dầu Tiếng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình Mỗi xã một sản phẩm, ... Huyện luôn tạo điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ phương thức làm nông nghiệp truyền thống, kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất và thu nhập. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo động lực cho nông nghiệp và nông thôn phát triển. Nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái và hiệu quả; khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi, truy xuất được nguồn gốc nông sản. Đến nay, toàn huyện có 253 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tổng đàn gia súc 215.560 con, đàn gia cầm 3,8 triệu con.
Dầu Tiếng chú trọng huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, du lịch, thương mại phù hợp với tình hình điều kiện của địa phương. Theo đó, việc phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Hiện nay, thương mại dịch vụ trên địa bàn phát triển mạnh tập trung ở thị trấn và trung tâm các xã với lĩnh vực kinh doanh như bán buôn, bán lẻ hàng hóa, ăn uống, du lịch... Những năm gần đây, hạ tầng thương mại trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Chợ được đầu tư mới, các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, cửa hàng buôn bán ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Theo kế hoạch, huyện sẽ tập trung ưu tiên đầu tư kho bãi hàng hóa, kho chuyên dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại thu hút, dự trữ, trung chuyển các nguồn hàng. Đồng thời mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị tại thị trấn Dầu Tiếng, các xã Thanh Tuyền, Long Hòa, Minh Hòa và tập trung nâng cấp các chợ, đặc biệt là chợ nông thôn để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân một cách đầy đủ. Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị. Phát triển dịch vụ vận chuyển đường thủy; dịch vụ logistics thông qua hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư, phát triển hệ thống cảng hàng hóa, cảng thủy nội địa trên sông Sài Gòn.
Ngoài ra, huyện tiếp tục phối hợp với các ngành của tỉnh, các chủ đầu tư thực hiện tốt dự án khu du lịch sinh thái Núi Cậu, xã Định Thành; dự án các cảng hàng hóa, cảng bến thủy nội địa tại xã Thanh An, Thanh Tuyền; thực hiện tốt đề án phát triển vùng cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Dầu Tiếng để đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại, du lịch. Đồng thời, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực từ ngân sách, nguồn lực xã hội hóa nhằm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, phục vụ phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Xây dựng các tour, tuyến du lịch bao gồm cả đường bộ và đường thủy, kết nối tuyến du lịch liên tỉnh nhằm thu hút du khách lưu lại lâu hơn; phấn đấu đến năm 2025 phục vụ trên 1 triệu lượt khách/năm.
Huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau. Ưu tiên các dự án đầu tư được khuyến khích phát triển, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng khoa học công nghệ hiện đại, đi vào chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tăng cường công tác giới thiệu việc làm, giúp đỡ nhân dân tại các đô thị tham gia lao động tại các khu công nghiệp, như: Rạch Bắp mở rộng, Bàu Bàng mở rộng; tiếp tục mời gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp Long Tân, An Lập, Thanh An, Định Hiệp…
Ngày 8-4-2024, tại xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp An Lập. Cụm công nghiệp An Lập có diện tích 75ha, tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng, dự kiến xây dựng và hoàn hiện hạ tầng vào tháng 1-2025 để đón các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đây là cụm công nghiệp thứ 2 của huyện Dầu Tiếng sau Cụm công nghiệp Thanh An và là dự án đầu tư quan trọng góp phần thúc đẩy công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Dầu Tiếng nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung. Cụm công nghiệp An Lập được khởi công xây dựng nhằm mục tiêu thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác; đồng thời đón đầu xu hướng di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía nam của tỉnh đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra, huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực. Huyện chú trọng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp An Lập, Long Tân, tiếp tục lập thủ tục đưa các cụm công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh; triển khai kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện đầu tư mới các chợ theo kế hoạch. Cùng với đó huyện kêu gọi đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, các dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Đặc biệt, huyện đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chung các xã, quy hoạch khu chức năng, xây dựng đề án để thực hiện, nhanh chóng đưa các quy hoạch vào cuộc sống, góp phần xây dựng Dầu Tiếng ngày càng giàu đẹp hơn./.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hiện nay: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn  (05/07/2024)
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng phát triển bền vững  (28/11/2023)
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư  (27/11/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên