TCCS - Tai nạn giao thông là một vấn nạn nhức nhối ở Việt Nam và được xem là một nhiệm vụ quan trọng cần giải quyết trong quá trình phát triển đất nước. Trong điều kiện Việt Nam, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, tránh tai nạn giao thông được xác định là nhiệm vụ hàng đầu nhưng cần có những định hướng rõ ràng; đổi mới mang tính căn cơ, bài bản.

Tuyên tuyền phòng, tránh TNGT cần trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an toàn giao thông_Nguồn: csgt.vn

Hiện nay, trung bình hằng năm ở Việt Nam có khoảng 8.000 người chết, 15.000 người bị thương khi tham gia giao thông. Nghĩa là mỗi ngày có hơn 20 người ra khỏi nhà và không thể trở về. Thiệt hại về mặt kinh tế ước tính từ 5 - 12 tỷ USD nhưng thiệt hại về tinh thần là vô cùng to lớn và không thể đong đếm. Đáng lưu ý là, có đến hơn 75% số nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) là những người trẻ tuổi - học sinh, sinh viên, lao động chính của gia đình. Họ thuộc độ tuổi từ 17 - 25, là những người mới bắt đầu thực sự bước chân vào cuộc sống với rất nhiều mối quan hệ liên quan về người thân, vợ chồng, cha mẹ, con cái,…

Các vụ, việc vi phạm về giao thông, TNGT ở Việt Nam chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người lái xe còn kém, kỹ năng lái xe còn yếu, chạy xe quá tốc độ, chở quá tải, chở quá số người quy định, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu giao thông. Theo thống kê, nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu gây ra TNGT ở nước ta lại xuất phát từ chính người tham gia giao thông, với hơn 80% số vụ, việc. Trong số đó có 22,9% là do chạy quá tốc độ quy định, 14% là do tránh vượt sai quy định, 3,8% do say rượu bia lái xe...

Với đặc thù hệ thống chính trị của Việt Nam, công tác tuyên truyền được xem là nhiệm vụ hàng đầu, giải pháp quan trọng mang tính quyết định của nhiều lĩnh vực hoạt động, nhất là đối với việc giáo dục tư tưởng, nhận thức. Trong khi đó, thực tiễn tình hình TNGT cho thấy phần lớn nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp là do ý thức, nhận thức của người tham gia còn kém. Do đó, tuyên tuyền phòng, tránh TNGT cần trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT). Để tuyên truyền phòng, tránh TNGT cần chú ý một số nội dung cơ bản sau:

Xác định rõ chủ thể tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền

Trong công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền phòng, tránh TNGT nói riêng hiện nay đang có tình trạng coi chủ thể tuyên truyền là ngành tuyên giáo và cơ quan chức năng trực tiếp quản lý lĩnh vực nhiệm vụ các cấp; còn đối tượng tuyên truyền là nhân dân. Đây là cách nhìn sai lầm, là nguyên nhân cơ bản khiến công tác tuyên truyền không đạt hiệu quả, dần xa rời thực tế.

Cần nhận thức rõ, trong tuyên truyền nói chung, tuyên truyền phòng, tránh TNGT nói riêng, có nhiều nhóm chủ thể tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền đan xen. Đồng thời cần thấy rõ việc xác định chủ thể tuyên truyền, đối tượng tuyên tuyền, bối cảnh tuyên tuyền giáo dục phòng, tránh TNGT sẽ quyết định nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện của công tác này.

Về chủ thể tuyên truyền cần xác định rõ 3 nhóm: Chủ thể lãnh đạo, quản lý tuyên truyền; chủ thể trực tiếp tuyên truyền; chủ thể tham gia tuyên truyền.

Với đặc thù về hệ thống chính trị của Việt Nam, lãnh đạo, quản lý công tác tuyên truyền giáo dục phòng, tránh TNGT là cấp ủy, chính quyền, ủy ban an toàn giao thông các cấp các cấp. Tuy nhiên, hiện nay Đảng, Nhà nước yêu cầu người đứng đầu phải là người chịu trách nhiệm, người lãnh đạo chính của công tác tuyên truyền, bao gồm tuyên truyền giáo dục phòng, tránh TNGT. Người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp có nhiệm vụ tạo mọi điều kiện để lãnh đạo, quản lý hiệu quả tuyên truyền giáo dục phòng, tránh TNGT.

Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và người đứng đầu có trách nhiệm đề ra quan điểm, phương hướng, tuyên truyền giáo dục phòng, tránh TNGT cho đối tượng tuyên truyền của cấp mình; cụ thể hóa những quan điểm, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cấp trên thành các hướng dẫn, quy định, kế hoạch hoạt động.

Chủ thể trực tiếp tuyên truyền là những người trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền phòng, tránh TNGT. Đó là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, lực lượng chức năng, những công dân ưu tú, những người có uy tín trong cộng đồng.

Chủ thể tham gia tuyên truyền phòng, tránh TNGT bao gồm các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, đoàn thanh niên, các tổ chức hội,…  Đặc biệt hiện nay cần nhấn mạnh vai trò của toàn dân, của cộng đồng trong tuyên truyền phòng, tránh TNGT, khơi thông và phát huy sức mạnh của dư luận xã hội, của văn hóa, đạo đức cộng đồng trong đánh giá các hành vi tham gia giao thông.

Đối tượng tuyên truyền là toàn bộ những người tham gia giao thông. Trong đối tượng tuyên truyền cần lưu ý hai nội dung: 1- Đối tượng tuyên truyền phòng, tránh TNGT là rất rộng nhưng bao gồm nhiều nhóm xã hội khác nhau, với nhu cầu, khả năng tiếp nhận khác nhau; 2- Đối tượng tuyên truyền cũng bao gồm cả những nhóm thuộc chủ thể tuyên truyền. Vai trò “kép” này thể hiện ở chỗ, bản thân họ là người tuyên truyền song cũng cần được tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết và phát triển kỹ năng, khả năng thực hiện nhiệm vụ. Đây là điều mà công tác tuyên tuyền nói chung vẫn đang thiếu sót.

Xây dựng thông điệp, nội dung tuyên truyền phù hợp

Căn cứ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tuyên truyền phòng, tránh TNGT; các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của các cấp ủy, chính quyền về phòng, tránh TNGT, có thể xây dựng những nội dung chính là: 1- Vị trí, tầm quan trọng của tuyên truyền phòng, tránh TNGT. Từ đó có nhu cầu có ý thức, tự giác phòng, tránh TNGT; tự phát sinh nhu cầu trang bị kỹ năng, kiến thức tham gia ATGT. 2- Hệ thống văn bản về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về ATGT. Mục đích là làm cho đối tượng tuyên truyền nhận thức, hiểu biết và được trang bị đầy đủ và tự giác chấp hành các yêu cầu, quy định về ATGT, phòng, tránh TNGT. 3- Vụ việc điển hình trong phòng, tránh TNGT. Gương điển hình tiên tiến trong phòng, tránh TNGT là những cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực thi nhiệm vụ bảo đảm ATGT, phòng, tránh TNGT. Đồng thời với nêu gương, cũng phải lên án, phê phán những biểu hiện chủ quan, ý thức kém, lơ là, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật, gây các thiệt hại về sức khỏe, sinh mạng, tài sản của người khác.

Nội dung tuyên truyền phải thực sự phù hợp, thiết thực. Cần chú trọng tính thuyết phục, tính phù hợp, tính hấp dẫn với đặc điểm đối tượng tuyên truyền, với những đặc điểm kinh tế - xã hội, tâm lý xã hội đặc thù.

Đổi mới phương thức tuyên truyền

Hiện nay, tuyên truyền nói chung và tuyên truyền phòng, tránh TNGT có nhiều bất cập do phương thức tuyên truyền vừa không khai thác, phát huy hết thế mạnh truyền thống, vừa chậm đổi mới theo kịp sự phát triển hiện nay. Sự phát triển ngày càng nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật, trình độ dân trí của người dân ngày càng nâng cao cũng đòi hỏi hình thức, phương pháp tuyên truyền cần có sự đổi mới. Trong đó cần chú trọng: Một là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như tuyên truyền qua lớp học, hội thi, trò chơi, hội thảo, diễn đàn,…, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông mới, như truyền thông xã hội, cổng thông tin, các ứng dụng trên các thiết bị di động - những hình thức truyền thông đang ngày càng có nhiều người tiếp cận. Hai là, sử dụng linh hoạt, kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, tăng cường sử dụng các phương pháp mang tính tương tác cao, như đối thoại, đàm thoại, thảo luận nhóm… Đặc biệt chú trọng phương pháp nêu gương, tích cực xây dựng các gương điển hình tiên tiến.

Về kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả và các giải pháp mang tính hỗ trợ, điều kiện

Nội dung kiểm tra, đánh giá cần toàn diện trên tất cả các yếu tố cấu thành hoạt động tuyên truyền phòng, tránh TNGT từ chủ thể, đối tượng, đến nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện tuyên truyền và hiệu quả tuyên truyền (được đo bằng thực trạng tình hình TNGT). Cần xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, các nguồn lực phục vụ tuyên truyền phòng, tránh TNGT. Cần có sự đầu tư thỏa đảng cho công tác tuyên truyền, từ phục vụ diễn thuyết, hội trường, đến tuyên truyền thông qua internet, mạng xã hội, tin nhắn trực tiếp,… Đó đều là những chi phí cần thiết, hợp lý nhằm giúp công tác tuyên truyền phòng, tránh TNGT ngày càng đạt hiệu quả cao./.