Nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về kinh tế trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản

Phạm Việt Dũng Trưởng Ban Kinh tế, Tạp chí Cộng sản
20:55, ngày 12-08-2015

TCCSĐT - Các bài viết về kinh tế trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản trong suốt 85 năm qua luôn được xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ của Tạp chí; từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, qua đó thiết thực góp phần vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng đến mục tiêu cao nhất là “Xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Một số vấn đề chủ yếu về lĩnh vực kinh tế trên Tạp chí Cộng sản

Các bài viết về lĩnh vực kinh tế trên Tạp chí Cộng sản trong những năm qua, đặc biệt từ khi thực hiện đổi mới đến nay đều phân tích những vấn đề lý luận, gắn với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong lĩnh vực kinh tế và đề xuất giải pháp, kiến nghị cho công tác lý luận cũng như công tác quản lý, điều hành và giải quyết những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra. Nội dung các bài viết tập trung vào các vấn đề chính sau:

Thứ nhất, những vấn đề lý luận về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Làm rõ vấn đề lý luận về nền kinh tế thị trường, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về cơ sở khoa học của việc kết hợp nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò điều tiết và giữ vững định hướng phát triển của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường; về những vấn đề cần giải quyết trong quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa…

Thứ hai, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phân tích những nội dung cơ bản, các bước thực hiện, phương thức tiến hành của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; những nội dung cụ thể, như thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành, cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, cơ cấu vùng kinh tế, cơ cấu về khai thác lợi thế so sánh, cơ cấu thành phần kinh tế...).

Thứ ba, các thành phần kinh tế và chế độ sở hữu trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đề cập đến nhiều khía cạnh và phân tích các vấn đề có liên quan, như kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, chính sách thuế khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần… Đặc biệt, nhiều bài bàn luận về vị trí, vai trò của kinh tế nhà nước, về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Thứ tư, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Phân tích vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ nhiều khía cạnh, như vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế; nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ nghĩa xã hội; độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế; độc lập tự chủ và toàn cầu hóa kinh tế quốc tế...

Thứ năm, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, như thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về hội nhập, thương mại, các vụ kiện thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, năng lực cạnh tranh cả ba cấp độ, các ngành và các địa phương, doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XI, các bài viết về kinh tế còn tuyên truyền một số chủ đề sau:

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tháng 10-2011, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đặt ra nhiệm vụ phải cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ngay sau Hội nghị, đã có một loạt bài viết làm rõ tính cấp thiết và các giải pháp để cơ cấu lại hiệu quả trên 3 lĩnh vực trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công.

Góp phần vào công tác tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn của Đảng qua 30 năm đổi mới. Trong năm 2014, Tạp chí Cộng sản có nhiều bài viết tổng kết các mặt, từ lý luận đến thực tiễn hoạt động kinh tế của Việt Nam kể từ năm 1986 đến nay, qua đó góp phần vào quá trình tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn của Đảng qua 30 năm đổi mới và quá trình soạn thảo các văn kiện cho Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về kinh tế trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản trong thời gian tới

Chúng ta đang chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng và bước sang nhiệm kỳ mới. Tình hình mới đặt ra nhiều vấn đề và yêu cầu mới đối với các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng trong đó có Tạp chí Cộng sản. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, tuyên truyền về kinh tế của Tạp chí Cộng sản trong thời gian tới, cần tập trung vào những phương hướng chính sau đây:

Một là, nắm vững đường lối phát triển kinh tế của Đảng, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện đường lối phát triển kinh tế đúng đắn sẽ mở đường tạo cho sự tăng trưởng kinh tế được bền vững. Để làm được điều đó, phải có nhiều bài viết làm sáng rõ chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là phương hướng chung, phương hướng tổng quát, đòi hỏi nghiên cứu kỹ, làm sáng rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn của từng điểm, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội, trên cơ sở đó các cấp, các ngành, các địa phương chủ động, sáng tạo vận dụng một cách có hiệu quả vào quá trình phát triển của đất nước.

Hai là, nghiên cứu, tuyên truyền các nội dung, bước đi, lộ trình và biện pháp phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn nước ta. Để tránh các nguy cơ chệch hướng, bảo đảm tính định hướng và phát triển bền vững, trong thời gian tới cần đi sâu nghiên cứu, tuyên truyền giúp bạn đọc hiểu rõ: đâu là những nội dung, đâu là các nhiệm vụ, đâu là những nguyên tắc của quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để làm tốt nhiệm vụ này, Tạp chí Cộng sản cần có những chuyên đề, hệ thống bài viết sâu về các nội dung, các nhiệm vụ, các nguyên tắc cho quá trình phát triển của nước ta hiện nay.

Đặc biệt, bên cạnh các bài nghiên cứu, tuyên truyền về quá trình và con đường phát triển kinh tế trong 30 năm đổi mới, cần tập trung làm rõ chủ trương đổi mới và con đường phát triển kinh tế của Đảng là đúng đắn, là tất yếu trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu tuyên truyền về các hình thức, các bước đi, sự cân nhắc, xác định lộ trình phát triển để thấy sự thận trọng, những thành tựu và hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế của nước ta.

Ba là, gắn việc tuyên truyền với nghiên cứu, đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế và quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Chọn đúng vấn đề cần nghiên cứu, đề xuất được các giải pháp, hoặc nêu lên các gợi ý nghiên cứu, các khuyến nghị để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế của đất nước. Chọn được cách thể hiện để thu hút và mở rộng đối tượng độc giả đến với các thông tin, quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế. Phát huy hiệu quả, thế mạnh của từng loại ấn phẩm, tạo thành sức mạnh chung trong nghiên cứu, tuyên truyền về kinh tế để các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản trở thành kênh thông tin hữu ích, tin cậy đối với độc giả. Ngoài ra, còn phải biết lắng nghe, thu hút ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, người dân đóng góp sáng kiến, phản hồi những vấn đề đã và đang đặt ra trong thực tế. Chính những ý kiến phản hồi này mới có giá trị thực tế to lớn, làm nền tảng cơ bản cho những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh và có hiệu quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Bốn là, đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức chuyển tải, tuyên truyền về kinh tế đáp ứng các đối tượng độc giả. Đây là một yêu cầu quan trọng nhưng khó, bởi mỗi đối tượng độc giả khác nhau có một yêu cầu khác nhau, một kỳ vọng khác nhau vào các ấn phẩm này. Cũng cùng một nội dung, một bài viết, nhưng cán bộ nghiên cứu nhận xét tính lý luận, nghiên cứu của bài viết chưa cao, vì muốn tìm thấy những thông tin sâu, để từ đó có thể nghiên cứu, đưa ra những dự báo, đề xuất. Trong khi đó, những cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ sở lại cho rằng, bài viết có tính lý luận quá cao so với trình độ của cán bộ cơ sở, vì thế khó đọc. Cán bộ địa phương cơ sở muốn tìm những vấn đề mình đang gặp phải và lời giải trực tiếp. Ngoài ra, trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nhưng vẫn giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa, có rất nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa thể có lời giải nếu không qua nghiên cứu, trao đổi. Do vậy, có thể có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau là việc bình thường và cần thiết. Điều này vừa bảo đảm tính dân chủ trong nghiên cứu khoa học, tranh thủ nguồn chất xám tư vấn trong nghiên cứu hội nhập kinh tế quốc tế, vừa tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, nghiên cứu, trình bày, bảo vệ các quan điểm của mình một cách có tổ chức, có trách nhiệm.

Trên cơ sở phương hướng đó, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về kinh tế trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản. Cụ thể:

Thứ nhất, củng cố và nâng cao nhận thức trong tuyên truyền về kinh tế. Trong 85 năm xây dựng và trưởng thành, những thành tựu mà chúng ta đạt được là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm cần bảo vệ và phát huy. Với chức năng của mình, Tạp chí Cộng sản luôn là kênh thông tin quan trọng, nhạy cảm và có sức lan tỏa nhanh, chuyển tải được tiếng nói của Đảng, Nhà nước tới người dân và ngược lại. Do vậy, việc tham gia tuyên truyền, phản biện, tổng kết thực tiễn các mô hình, chính sách về kinh tế trên các ấn phẩm là vô cùng cần thiết và là trách nhiệm chung của Tạp chí.

Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho các biên tập viên về kinh tế. Tuyên truyền về kinh tế là một trong những lĩnh vực chuyên sâu, đòi hỏi nhà báo phải thâm nhập vào lĩnh vực kinh tế để tìm hiểu, nghiên cứu và phát hiện những vấn đề đang đặt ra, làm rõ và đưa lên công luận. Để có được những bài báo chất lượng, ngoài tâm huyết, kỹ năng nghề nghiệp thì những kiến thức về lĩnh vực kinh tế cũng rất quan trọng. Bởi có hiểu biết sâu, rộng thì những bài báo mới có chất lượng và ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội.

Thứ ba, tổ chức tọa đàm, hội thảo, liên kết, phối hợp nghiên cứu giữa Tạp chí Cộng sản với các bộ, ngành, địa phương. Hội thảo, tọa đàm, các hoạt động nghiên cứu khoa học... là cơ hội tốt để các cơ quan trung ương và địa phương phối hợp nhằm thực hiện có hiệu quả và mở rộng xã hội hóa công tác nghiên cứu, tuyên truyền, đặc biệt các lĩnh vực liên quan đến kinh tế. Chất lượng, hiệu quả các cuộc hội thảo tùy thuộc vào sự chuẩn bị công phu, chu đáo, khoa học của đơn vị tổ chức. Qua các cuộc phối hợp này, có thể chọn được nhiều bài viết hay để tuyên truyền trên các ấn phẩm của Tạp chí và các cơ quan truyền thông khác. Khi các vấn đề đặt ra được tuyên truyền thành chủ đề trên nhiều tờ báo thì hiệu quả tuyên truyền sẽ tăng lên rất nhiều. Sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và với các cơ quan báo chí khác của Đảng không chỉ làm sâu thêm, hoàn chỉnh thêm những nội dung tuyên truyền mà còn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, cập nhật thông tin, kết hợp lý luận và thực tiễn…

Thực tế cho thấy, các cuộc hội thảo nếu được tổ chức nghiêm túc, công phu, thu hút được các nhà nghiên cứu, khoa học, những người hoạt động thực tiễn, để trên cùng diễn đàn hội thảo có thể thu thập được thông tin về một vấn đề từ cách nhìn của những người trong cuộc, xuất phát từ lĩnh vực hoạt động của mình. Qua những cuộc hội thảo đã tổ chức, có thể thấy, những người làm thực tế thường có những cách nhìn, ý tưởng rất sắc sảo, đặc biệt qua đó góp phần vào xây dựng, hình thành các ý tưởng, các mô hình tổng kết mới, sáng tạo. Đây cũng là dịp để Tạp chí tăng cường mối quan hệ thân thiết với độc giả, với cộng tác viên, những người vừa góp phần làm nên ấn phẩm, vừa là người tiêu thụ, góp ý, xây dựng ấn phẩm.

Và cuối cùng, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản cần có cơ chế khuyến khích thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực này bởi việc cổ vũ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của nước nhà là công việc cấp bách, cần được công khai, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với đó, cần tính toán lộ trình dài hạn trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ biên tập viên nói chung và biên tập viên viết về kinh tế nói riêng. Bởi đội ngũ biên tập viên là nhân tố cơ bản và quan trọng nhất, chính họ là người vạch ra kế hoạch hằng năm, từng quý, từng tháng và chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch đó. Chính họ là người chịu trách nhiệm tổ chức, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên, góp ý với cộng tác viên về đề tài và nội dung thể hiện trong từng bài, biên tập bài do cộng tác viên gửi đến, đồng thời họ cũng trực tiếp tham gia viết bài./.