Để Hà Nội tiếp tục trở thành “điểm đến” hấp dẫn của các nước trên thế giới trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng
TCCS - Với đặc thù là Thủ đô - nơi đặt các cơ quan “đầu não” của hệ thống chính trị cả nước, trong nhiều năm qua, Hà Nội được định vị là trung tâm chính trị của cả nước. Trước xu thế hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, Hà Nội đang nỗ lực phát huy mọi nguồn lực và thế mạnh để phát triển toàn diện hơn về mọi mặt, nhằm nâng cao vai trò và vị thế, tiếp tục trở thành một “điểm đến” hấp dẫn của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sức sống của Thủ đô nghìn năm văn hiến
Hà Nội có thể không có vị trí địa - chiến lược như Thủ đô Singapore (Singapore) - nơi kết nối các tuyến giao thương hàng hải và hàng không của khu vực, hay Thủ đô Bangkok (Thái Lan) - nơi có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển và nhận được nhiều sự ưu đãi của Chính phủ Thái Lan trong nhiều thập niên, nhưng Hà Nội lại có những lợi thế riêng hết sức đặc biệt, vừa thâu thái những giá trị bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến, vừa mang nét hiện đại của một thành phố đang hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thứ nhất, Hà Nội - vùng đất địa linh nhân kiệt, có “thế rồng cuộn hổ ngồi”, “tiện hướng nhìn sông dựa núi”, hàng nghìn năm trước đã được ông cha ta chọn là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu toan nghiệp lớn, từ kinh đô Cổ Loa của nhà nước Âu Lạc cách đây hơn 2.000 năm, đến kinh đô Thăng Long của Nhà nước Đại Việt 1.000 năm trước và ngày nay là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Hà Nội trở thành nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên.
Thứ hai, mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng và phẩm chất cao đẹp, Hà Nội đã làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội, được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Trong lịch sử, với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất, Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh 4 lần gửi thư khen thưởng, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương “Hà Nội lập công to xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của cả nước”; được Nhà nước ba lần tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”; lực lượng vũ trang Hà Nội hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Bước sang thiên niên kỷ mới, Thủ đô Hà Nội càng khởi sắc và vươn lên từng ngày với những đô thị mới kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Thứ ba, Hà Nội hội tụ những tinh hoa văn hóa giàu có, độc đáo và đa dạng, được hình thành qua nhiều thế kỷ, là nền tảng cơ sở tạo dựng nên đất nước Việt Nam từ quá khứ đến hiện đại. Giá trị văn hóa, lịch sử là những giá trị vô giá, trường tồn cùng thời gian, tạo nên nét riêng của một thành phố. Với nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao trên nhiều phương diện, Hà Nội được biết đến là thành phố có đủ điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Với 5.922 di tích, trong đó có: 1 di sản văn hóa thế giới (Hoàng Thành Thăng Long); 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại; 1 di sản tư liệu thế giới; 19 di tích quốc gia đặc biệt và trên 1.000 di tích cấp quốc gia. Hệ thống di sản văn hóa phong phú là điểm tựa để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, là động lực để thổi bùng lên ngọn lửa của sức sáng tạo và đổi mới đối với cộng đồng sáng tạo của Thủ đô và cả nước.
Thứ tư, Hà Nội có nguồn tài nguyên quan trọng là con người. Bên cạnh những phẩm chất đặc trưng của người Việt Nam, như cần cù, chịu khó, bền bỉ, người Hà Nội được biết đến với nét thanh lịch, tinh tế, linh hoạt, cởi mở và cầu thị, luôn sẵn sàng đổi mới. Đây là nguồn “sức mạnh mềm” to lớn của Hà Nội, là động lực của sự phát triển, gắn kết truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, Hà Nội có hệ thống trường đại học, cao đẳng tập trung trên địa bàn lớn nhất cả nước nên có lợi thế trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thuận lợi đáp ứng những xu hướng phát triển mới của thời đại như nền kinh tế tri thức, chuyển đổi số. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của người dân Hà Nội, mặc dù chịu ảnh hưởng do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,79% - gấp 1,29 lần so với cùng kỳ năm 2021; cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 56,8% dự toán năm 2022; kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022 đạt 6.908 triệu USD, tăng 18,8% - gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (8,1%); kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2022 đạt 16.400 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021 (20,7%); vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,8% - cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (8,4%) (1)…
Thứ năm, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống của cả nước, trở thành lợi thế quan trọng trong phát triển du lịch. Trong số 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Mạng lưới làng nghề thủ công rộng khắp cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ chính là tiềm năng, lợi thế để đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội, trở thành điểm đến thu hút đối với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo đà cho sức sáng tạo vươn xa. Nhờ làm tốt công tác quảng bá, năm 2019, thành phố đón gần 29 triệu lượt khách, trong đó số lượng khách quốc tế đạt 7,1 triệu lượt. Ngay sau khi khống chế thành công đại dịch COVID-19, Hà Nội cũng nhanh chóng thực hiện nhiều chương trình kích cầu du lịch và đã liên tục nhận được sự xếp hạng, đánh giá cao của nhiều tổ chức du lịch và truyền thông quốc tế nên đã tạo được sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 10,62 triệu lượt khách. So với kế hoạch đặt ra từ đầu năm 2022, ngành du lịch Thủ đô đã hoàn thành mục tiêu đón khách du lịch đến Hà Nội. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 31,9 nghìn tỷ đồng. Trang web Trip Advisor xếp hạng Hà Nội trong danh sách top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Á và 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất thế giới. Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn Hà Nội là 1 trong 3 điểm đến của Việt Nam vào top 100 nơi tuyệt vời nhất thế giới. Cơ quan phân tích Deep Knowledge Analytics (DKA) xếp Hà Nội vào danh sách 50 thành phố ứng phó với đại dịch COVID-19 tốt nhất thế giới. Mới đây nhất, Hà Nội được CNN bình chọn là một trong 12 điểm đến lý tưởng nhất thế giới cho mùa thu năm 2022, còn World Travel Awards (Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2022) đã vinh danh Hà Nội là điểm đến thành phố hàng đầu châu Á về du lịch ngắn ngày (2).
Bên cạnh đó, với hình ảnh là thành phố có bề dày, văn hóa, Hà Nội đã trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế khẳng định thương hiệu và vị thế của Thủ đô, như Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Trong phát triển du lịch, Hà Nội đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn với hơn 3.000 cơ sở lưu trú và các tiện ích đạt tiêu chuẩn quốc tế có mức chi phí hợp lý.
Tranh thủ cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng
Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn thành phố, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Hà Nội đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh nhằm khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, phát huy các lợi thế để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Khi hội nhập và hợp tác đa phương đã trở thành xu hướng chủ đạo của thế giới, Hà Nội đã có nhiều bước đi đột phá hòa mình vào dòng chảy của thời đại và nắm bắt những cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại.
Với phương châm sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước, đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng, đóng góp hiệu quả vào công tác đối ngoại quốc gia. Các cuộc thăm viếng, tiếp đón, làm việc với các đoàn khách quốc tế của lãnh đạo thành phố đã trở thành hoạt động thường xuyên, ước tính gần 250 lượt/năm.
Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại một cách chủ động, có trọng tâm, đối ngoại phục vụ kinh tế, tạo kết quả đột phá về thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, phát triển kinh tế xã hội, từng bước tạo dấu ấn riêng của Hà Nội; tích cực và chủ động tiếp xúc với các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, đoàn ngoại giao và cơ quan thương vụ nước ngoài tại Hà Nội nhằm tăng cường tuyên truyền quảng bá về môi trường, chính sách ưu đãi đầu tư, lộ trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Hà Nội.
Hà Nội cũng tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm của Thủ đô. Có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, như cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI, nhất là các chỉ số thành phần còn thấp, trọng tâm là trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng...; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu, như tổ chức thành công hơn 10 đoàn doanh nghiệp tham gia xúc tiến tại nước ngoài, tập trung vào các thị trường xuất khẩu Hà Nội có lợi thế, các thị trường tiềm năng; tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư như Hội nghị Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển; Hội nghị Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á lần thứ 16 (CPTA-16)…
Nhờ nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của đảng bộ, chính quyền của Thủ đô trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ cho việc thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh Thủ đô được minh chứng cụ thể bằng những con số ấn tượng. Theo số liệu thống kê của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2022, Hà Nội thu hút 992,3 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 3 cả nước và đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, Hà Nội đăng ký cấp mới 226 dự án với số vốn đạt 141,3 triệu USD, tăng 19,4%; có 122 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 374,6 triệu USD, tăng 16%; 258 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 476,4 triệu USD. Riêng trong tháng 8, có 36 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 16,4 triệu USD. Bên cạnh đó, có 19 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 1,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 23 lượt, đạt 5,1 triệu USD (3).
Hướng đến hiện thực hóa khát vọng vươn tầm thành phố kết nối toàn cầu
Nghị quyết Ðại hội lần thứ XVII Ðảng bộ thành phố Hà Nội năm 2020 đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh phấn đấu đến năm 2045, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế. Để thực hiện mục tiêu này, đồng thời để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới, Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khác nhau.
Tuy nhiên, mục tiêu này càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống của xã hội không chỉ ở nước ta mà toàn bộ khu vực cũng như trên thế giới. Thế nhưng, trong thách thức, những cơ hội vẫn luôn được tìm thấy để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của đất nước và hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Một là, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Hà Nội mang tính đặc thù, không chỉ là đối ngoại với tư cách một thành phố, mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước. Theo đó, Hà Nội cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thông qua tăng cường phát huy vai trò là trung tâm đầu não chính trị cả nước để đăng cai các sự kiện quan trọng ở khu vực và quốc tế, củng cố lòng tin của bạn bè quốc tế đối với sự ổn định chính trị và con đường phát triển đúng đắn của Việt Nam.
Hai là, để mở rộng quan hệ và tăng cường hợp tác thực chất hơn nữa với các đối tác, Hà Nội cần đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành dịch vụ, đồng thời cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hẹp khoảng cách với các thành phố lớn khác ở khu vực như, Bangkok (Thái Lan), Singapore (Singapore). Đại dịch COVID-19 mặc dù đã tác động nặng nề đến kinh tế Hà Nội với sự gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng nội địa..., nhưng cũng mở ra cơ hội cho một số ngành kinh tế dịch vụ phát triển mạnh, bao gồm thương mại điện tử, công nghệ thông tin... Hà Nội đã có kế hoạch tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, với những nhiệm vụ quan trọng như tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025, nâng tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (hiện tại khoảng 25%); Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định rõ các sản phẩm công nghiệp chủ lực, nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực lên 40% - 45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, phát triển 8 - 10 nhóm ngành sản phẩm chủ lực, phấn đấu có khoảng 10% số lượng doanh nghiệp công nghiệp lọt vào tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Thành phố cũng tái cơ cấu đầu tư công, thu hút các nguồn lực kinh tế tư nhân, từ khu vực FDI. Tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Việc đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành dịch vụ, góp phần nâng dần tỷ trọng đóng góp của dịch vụ trong GRDP lên khoảng 65% - 65,5% vào năm 2025 với tốc độ tăng bình quân 8% - 8,5%/năm là tiền đề giúp phát triển đa dạng các ngành công nghiệp cũng như đồng bộ hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, logistic, qua đó đưa Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á.
Ba là, Hà Nội cần xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho chuyển đổi số nhằm đáp ứng xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở khu vực và toàn cầu, gia tăng sức cạnh tranh, qua đó đưa Hà Nội trở thành một “điểm sáng” trong mắt các nhà đầu tư ở khu vực và toàn cầu. Trước hết, thành phố cần quán triệt nhận thức về chuyển đổi số ở cấp ủy, chính quyền, tiếp đó là nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước thành phố, doanh nghiệp và người dân..., trong đó người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần xác định xây dựng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, thành phố cần chú trọng các hoạt động thực hành khoa học - công nghệ vào hệ thống giáo dục; có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các trường đại học, cao đẳng, trung cấp triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về công nghệ thông tin và chuyển đổi số; áp dụng các công cụ chuyển đổi số trong hoạt động giảng dạy, quản trị giáo dục...
Bốn là, trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Hà Nội cần có tư duy mở hơn, xóa bỏ ranh giới giữa các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nhà nước để tận dụng các nguồn lực xã hội, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh góp phần phát triển chung của toàn thành phố. Hà Nội cần phát huy giá trị hữu hình và giá trị vô hình, điều này cần được cụ thể hóa bằng những hoạt động, sự kiện để người dân và du khách có những trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực cụ thể, như du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, truyền hình phát thanh, thời trang, điện ảnh, thiết kế, quảng cáo, các trò chơi giải trí...
Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nhiều cơ hội để Hà Nội phát triển và nâng cao vị thế quốc tế, đồng thời cũng đem lại nhiều thách thức như làm gia tăng cạnh tranh từ bên ngoài. Song với những lợi thế và ý chí quyết tâm của thành phố Hà Nội, sự hỗ trợ và quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước, chính sách đúng đắn trong việc chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng hội nhập quốc tế; chủ động nắm bắt những cơ hội, Hà Nội sẽ phát huy mọi nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô, hiện thực hóa tầm nhìn đưa Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, điểm đến của các nước khu vực./.
--------------------
(1) Xem: Hạ Nguyên: “Những chỉ số kinh tế của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm”, Báo Lao động điện tử, ngày 29-6-2022, https://laodong.vn/kinh-doanh/nhung-chi-so-kinh-te-cua-ha-noi-trong-6-thang-dau-nam-1061883.ldo
(2) Xem: Bích Vân: “Sức hút mới từ du lịch Hà Nội”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 8-10-2022, https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/suc-hut-moi-tu-du-lich-ha-noi-310919.html
(3) Xem: CTV: “Hà Nội thu hút vốn đầu tư nước ngoài”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 23-9-2022, https://dangcongsan.vn/thong-tin-kinh-te/ha-noi-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-620594.html
Thành phố Hà Nội đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính  (10/10/2022)
Thúc đẩy ngoại giao văn hóa trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước  (09/10/2022)
Thành phố Hà Nội tiên phong trong thực hiện phân cấp, ủy quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính  (07/10/2022)
Đẩy mạnh hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19  (06/10/2022)
Tiếp tục phát huy sức trẻ của thanh niên Thủ đô  (05/10/2022)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên