TCCS - Nhờ chủ động phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc là 1 trong 10 chi nhánh của cả nước được Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương khen thưởng.

Vốn chính sách đã tạo đà giúp hàng nghìn hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống _ Ảnh: Nguyễn Việt

Xác định nguồn vốn tín dụng là “trợ lực” để khôi phục và phát triển kinh tế, nhất là sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác củng cố, nâng cao chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn.

Ngân hàng cũng rà soát nhu cầu vay vốn của các hộ dân, doanh nghiệp, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn; cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; thực hiện thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động...

Qua đó, đưa tổng nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3.357,6 tỷ đồng, tăng 337 tỷ đồng so với đầu năm; tổng dư nợ đạt 3.548,3 tỷ đồng, đạt 85,6% kế hoạch năm, doanh số cho vay đạt 724,5 tỷ đồng với trên 16.400 khách hàng được vay vốn; tỷ lệ nợ quá hạn được kiểm soát ở mức dưới 0,2%.

Thực hiện cho vay các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân vốn vay cho 382 khách hàng là học sinh, sinh viên; 52 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay giải quyết việc làm đối với 2.286 lao động; triển khai xóa nợ 29 món vay với số tiền 376 triệu đồng, khoanh nợ đối với 35 món vay với số tiền hơn 1 tỷ đồng cho khách hàng gặp khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn mới của các đối tượng để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Cùng với đó, thường xuyên phân tích nợ, đôn đốc thu hồi các khoản nợ quá hạn, giữ tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 0,2%; nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động của các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của người vay, việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ lãi suất 2% giai đoạn 2022 - 2023 theo quy định./.

Nguyễn Việt (tổng hợp)