TCCSĐT - Ngày 16-11-2016, tại Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức buổi họp báo nhằm tuyên truyền về Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu một chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh.

Là một tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01-01-1997, Vĩnh Phúc có vị trí chiến lược trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, có truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, tạo nên một sắc thái văn hóa đặc trưng, đa dạng và phong phú. Trong thời kỳ đổi mới, quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, với những chủ trương, chính sách đúng, phù hợp thực tiễn, Vĩnh Phúc đã tích cực vươn lên, đạt được nhiều thành tích quan trọng và to lớn trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Từ một tỉnh thuần nông, khi mới tái lập khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, thu ngân sách chỉ đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng, thu nhập đầu người đạt khoảng 140USD/năm, bằng 48% bình quân chung của cả nước, đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và có đóng góp cho ngân sách trung ương. Thu ngân sách tăng đều qua các năm, từ chỗ còn phụ thuộc vào ngân sách trung ương, đến năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương. Năm 2014, thu ngân sách của tỉnh vượt qua mốc 20 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước về số thu và thứ 2 cả nước về thu nội địa; năm 2015 đạt trên 25 nghìn tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2016 đạt trên 22 nghìn tỷ đồng, bằng 87% dự toán năm. Đặc biệt, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực do môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc luôn được đánh giá cao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành. Tính lũy kế đến thời điểm tháng 11-2016, Vĩnh Phúc đã thu hút được 856 dự án đầu tư, trong đó có 227 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký là 3,4 tỷ USD; 629 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với số vốn đăng ký là 49,2 nghìn tỷ đồng.

Cùng với sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, diện mạo Vĩnh Phúc cũng có nhiều thay đổi. Thành phố Vĩnh Yên trở thành đô thị loại II, thị xã Phúc Yên trở thành đô thị loại III, 20 xã và thị trấn trong tỉnh được công nhận là đô thị loại V. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tính đến hết năm 2015, Vĩnh Phúc đã có 2 huyện (Yên Lạc, Bình Xuyên) và 68/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 60,7%); dự kiến đến hết năm 2016 toàn tỉnh có thêm 24 - 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh những thành tựu nổi bật về kinh tế, trong 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc cũng đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa - xã hội. Hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh tiếp tục được củng cố, tăng cường, ngày càng trong sạch, vững mạnh. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Để ghi nhận những thành tích vẻ vang trong 20 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở Vĩnh Phúc, tiêu biểu là Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2007), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2010), Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần 2, năm 2015) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Hướng tới lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc tổ chức nhiều hoạt động, nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, nổi bật như: Festival âm nhạc Á - Âu; Hội thảo khoa học “Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và hiện đại”; Hội nghị xúc tiến đầu tư; Hội chợ, triển lãm thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; Hội trại thanh thiếu niên; Hội diễn ca múa nhạc không chuyên cấp tỉnh; Lễ khởi công, gắn biển các công trình chào mừng 20 năm tái lập tỉnh; chỉnh trang, xây dựng hệ thống điện trang trí đô thị Vĩnh Yên; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tri ân gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh…/.