Xây dựng huyện Hoa Lư trở thành điểm hấp dẫn về du lịch.

Phan Hiếu (thực hiện)
16:23, ngày 15-03-2012
Từ một huyện còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, Hoa Lư hôm nay đang từng ngày "thay da đổi thịt" và có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. 
Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Sỹ Trí, Bí thư Huyện ủy Hoa Lư về những thành tựu mà huyện đạt được trong 20 năm qua.

Phóng viên (P.V): Từ một địa phương sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, đến nay huyện Hoa Lư đã có sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, TTCN, du lịch, dịch vụ. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về kết quả này?

Đồng chí Nguyễn Sỹ Trí: Trong những năm qua, Đảng bộ, quân và dân trong toàn huyện đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, chủ động, sáng tạo phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giành được nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. 

Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, có 2 lĩnh vực có sự chuyển biến rõ nét, không chỉ mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trong huyện mà còn góp phần đem đến cho Hoa Lư một diện mạo mới đó là lĩnh vực du lịch, dịch vụ và phát triển các ngành nghề truyền thống như đá mỹ nghệ, thêu ren. Phát huy tiềm năng của huyện có nhiều lợi thế về dịch vụ, du lịch, những năm qua, Đảng bộ huyện Hoa Lư tập trung phát triển thương mại, dịch vụ du lịch. Trước năm 1992, hai khu du lịch của huyện là khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động được đầu tư, nhưng chưa nhiều. Hoạt động du lịch, dịch vụ chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong và ngoài nước. Khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở ăn uống còn hạn chế. 

Trong những năm gần đây, huyện đã tập trung đầu tư, tuyên truyền, quảng bá về du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, dịch vụ, coi hướng phát triển du lịch là hướng làm giàu của người dân trong huyện. Hoạt động du lịch không chỉ phát triển ở Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch Tam Cốc - Bích động, mà hiện nay Hoa Lư còn thu hút các nhà đầu tư đến khai thác, mở rộng thêm các khu du lịch như: Thạch Bích - Thung nắng; Linh Cốc, Hải Nham; Tràng An… tạo ra nhiều điểm đến hấp dẫn đối với du khách. 

Do vậy, hàng năm lượng khách du lịch đến Hoa Lư ngày càng tăng. Đặc biệt là những năm gần đây, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch, dịch vụ, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án về du lịch; xây dựng làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề, phát triển loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; tập trung chấn chỉnh hoạt động các khu du lịch; điều hành chặt chẽ các hoạt động dịch vụ như chở đò, chụp ảnh… 

Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh khu du lịch, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở các khu du lịch; tập trung tuyên truyền, quảng bá du lịch. Những năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Khách về tham quan du lịch ngày càng tăng. Năm 2005 đón 261.650 lượt du khách, doanh thu đạt trên 21 tỷ đồng. Năm 2009-2010 có trên 486.900 lượt khách, doanh thu trên 40 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, TTCN cũng được huyện quan tâm đẩy mạnh trên cơ sở phát huy thế mạnh, tiềm năng từ các làng nghề truyền thống là đá mỹ nghệ Ninh Vân và thêu ren Văn Lâm (Ninh Hải). Trước năm 1992, nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân phát triển chậm, dần mai một. Đá Ninh Vân được chuyển sang sử dụng nhiều vào khai thác vật liệu xây dựng và sử dụng cho một số sản phẩm khác. Làng nghề thêu ren Văn Lâm (Ninh Hải) chưa phát triển rộng. 

Những năm gần đây, huyện xác định phải tập trung thực hiện tốt việc khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống của huyện nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân các làng nghề. Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh về cơ sở vật chất, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân giai đoạn I đã và đang được đầu tư xây dựng với mức đầu tư trên 20 tỷ đồng, hiện đang tiếp tục triển khai giai đoạn II. 

Huyện quan tâm triển khai tốt công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường mới. Do vậy, nghề đá mỹ nghệ và nghề thêu ren không ngừng phát triển, mở rộng mô hình cũng như sản phẩm. Sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân hiện nay không chỉ phát triển trong huyện mà đã phát triển rộng trên nhiều tỉnh, thành trong nước và nước ngoài. Hiện nay, 2 nghề trên thu hút trên 6.000 lao động, thu nhập từ 1,5 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng.

P.V: Kết quả phát triển kinh tế - xã hội những năm qua là tiền đề quan trọng để huyện đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Xin đồng chí cho biết, những năm qua, huyện đã có sự đầu tư như thế nào để đem đến cho bộ mặt nông thôn Hoa Lư một diện mạo mới?

Đồng chí Nguyễn Sỹ Trí: Với xuất phát điểm của một địa phương còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nên cơ sở hạ tầng trên địa bàn, nhất là những công trình phục vụ dân sinh còn thiếu hoặc xuống cấp nghiêm trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và đời sống của nhân dân trong huyện như: trường học, trạm y tế, đường giao thông, hệ thống nước sạch... 

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm huy động mọi nguồn lực để đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Những năm qua, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác các nguồn lực, chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường công tác giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và đời sống. 

Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có nhiều chuyển biến và đạt kết quả khả quan. Toàn huyện đã đầu tư làm mới, sửa chữa, nâng cấp 6 trạm bơm với 20 máy, công suất 47.000m3/h; hoàn thiện 35 km đường giao thông nông thôn bằng bê tông và nhựa, 29,1 km kênh cứng; xây dựng mới 16 trường học, 5 trạm y tế xã, nâng cấp, sửa chữa Trung tâm Y tế huyện; xây dựng và sửa chữa 7 trụ sở xã, thị trấn, trụ sở Huyện uỷ, UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của huyện... 5 năm qua, trên địa bàn huyện đã có 67 công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư trên 230 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đời sống nhân dân trong huyện. 

Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện có nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng được các cấp uỷ, chính quyền, các ngành từ huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình triển khai, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng không để xảy ra điểm nóng, đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân khu vực có đất bị thu hồi đồng tình và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước về giải phóng mặt bằng. Những năm qua toàn huyện đã thu hồi trên 3.930 ha đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Những dự án được đầu tư đã góp phần đắc lực đem đến cho Hoa Lư một diện mạo mới, mang dáng dấp của một đô thị.

P.V: Xin đồng chí cho biết về hướng phát triển tới của huyện Hoa Lư sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì để góp phần cùng các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp?

Đồng chí Nguyễn Sỹ Trí: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đồng lòng, chung sức đưa những nội dung của các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2010- 2015) thành những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực. 

Đảng bộ huyện xác định những nội dung cần quan tâm thực hiện hiệu quả nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, chất lượng và hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; khai thác có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, TTCN, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ du lịch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong phát triển kinh tế; đồng thời tiếp tục thu hút, khuyến khích đẩy mạnh phát triển công nghiệp TTCN; quan tâm phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển văn hoá - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác quốc phòng - an ninh; củng cố vững chắc hệ thống chính trị, xây dựng huyện Hoa Lư ngày càng giàu đẹp, văn minh. 

Để thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra với kết quả cao hơn, toàn diện hơn, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoa Lư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị trong huyện cần quan tâm đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng thực hiện nhiệm vụ một cách toàn diện, thiết thực, cụ thể, tránh thực hiện nhiệm vụ một cách chung chung, dàn trải... 

Từ năm 2012, trong thực hiện nhiệm vụ, các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trong huyện đã đăng ký các mô hình, các khâu đột phá để chú trọng thực hiện tại cơ quan, đơn vị. Đối với các phòng, ban thuộc huyện chọn nhiệm vụ trọng tâm để tham mưu; các đoàn thể chọn mô hình để thực hiện; các xã, thị trấn chọn khâu đột phá. 

Đối với huyện Hoa Lư, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo. Trong lĩnh vực kinh tế: Tập trung sản xuất lúa chất lượng cao; xây dựng 3 xã điểm về nông thôn mới và triển khai làng nghề đá Ninh Vân giai đoạn 2 gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Nhân rộng mô hình xử lý rác thải ở Ninh An ra các xã trong huyện; đổi mới hình thức tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện các Nghị quyết; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trực quan tại trung tâm huyện và các xã, thị trấn nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn huyện.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!