Huyện Kim Sơn phát huy vai trò của đồng bào các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới
TCCS - Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo, quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và không ngừng tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Kim Sơn là huyện ven biển phía Nam của tỉnh Ninh Bình, có diện tích tự nhiên là 239,78km2, gồm 23 xã, 2 thị trấn, dân số hơn 191.000 người; có 2 tôn giáo là Phật giáo và Công giáo, tỷ lệ đồng bào các tôn giáo chiếm 52,29% dân số, trong đó Công giáo là 47,07% dân số. Những năm qua, thực hiện tốt phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn huyện luôn chấp hành mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
Huyện Kim Sơn có xuất phát điểm thấp khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bình quân các xã chỉ đạt 4 tiêu chí. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người là 11,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015) là 16,46%; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, kinh tế phát triển chưa bền vững, nguồn lực đầu tư còn hạn chế…
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và các sở, ban, ngành của tỉnh, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện chủ đề công tác hằng năm của Tỉnh ủy Ninh Bình, Huyện ủy Kim Sơn. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”.
Các cấp, các ngành của tỉnh cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vận động các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xứ, họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về an ninh, trật tự”… Các tổ chức tôn giáo nêu cao vai trò, trách nhiệm trong đời sống xã hội, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội; chủ động, tích cực trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng bào các tôn giáo còn tham gia xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương…
Trong 12 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, nhân dân trên địa bàn huyện Kim Sơn đã đóng góp hơn 130 tỷ đồng, gần 100.000 ngày công lao động, hiến 89,9ha đất, cải tạo vườn, ao,… để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi, thể thao, dồn điền, đổi thửa, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng, xây dựng đường cây xanh, hơn 250km đường hoa. Từ nguồn đóng góp, ủng hộ của nhân dân và sự đầu tư của Nhà nước, nhiều hạng mục công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao, như hệ thống đường bê-tông giao thông nông thôn, kênh, mương thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc. Trong đó, đồng bào Công giáo đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động và hàng chục tỷ đồng để xây dựng, cải tạo đường giao thông nông thôn, tiêu biểu như: khu dân cư Dũng Thúy, xứ Như Sơn, xã Xuân Chính hiến 600m2 đất, bà con trong giáo họ đóng góp trên 500 triệu đồng và hơn 1.300 ngày công lao động, tháo dỡ trên 100m tường bao; bà con giáo xứ Như Sơn và xứ Xuân Hồi, xã Xuân Chính hiến 750m2 đất, đóng góp trên 300 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn; bà con giáo họ Thành Đức, xứ Cách Tâm và giáo họ trị sở xứ Mông Hưu đóng góp xây dựng được 2 nhà văn hóa thôn, với tổng số tiền là 600 triệu đồng; bà con giáo dân xứ Dục Đức ở xóm 6 và xóm 7, xã Kim Định cùng nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng để thực hiện bê-tông hóa tuyến đường liên xã dài 200m và xây dựng cây cầu liên thôn trị giá 50 triệu đồng; bà con giáo xứ Khiết Kỷ hiến hơn 100m2 đất làm đường giao thông...
Các chức sắc, tín đồ tôn giáo và nhân dân còn chung tay xây dựng được 28 nhà “Đại đoàn kết”, với số tiền trên 1,5 tỷ đồng; trong đó, có 16 nhà ấm tình đoàn kết lương - giáo với kinh phí hỗ trợ trên 700 triệu đồng.
Phong trào lao động, sản xuất trong đồng bào các tôn giáo được duy trì, có nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi. Đặc biệt, ở các địa phương có tỷ lệ đồng bào Công giáo cao, như Xuân Chính, Chất Bình, bà con tiến hành trồng một số loại cây thuốc nam đem lại giá trị kinh tế cao. Kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển ổn định, bà con có điều kiện tham gia tích cực hơn vào các phong trào, các cuộc vận động, được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở ghi nhận, biểu dương.
Từ năm 2016 đến nay, huyện Kim Sơn có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định so với mặt bằng chung của tỉnh Ninh Bình, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) các ngành kinh tế của huyện năm 2021 đạt 8.930 tỷ đồng, năm 2022 ước đạt 9.660 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt tỷ lệ 7,1%/năm; năm 2022 đạt tỷ lệ 8,2% (trong đó, nông, lâm, thủy sản tăng 1,7%, công nghiệp - xây dựng tăng 9,3%, dịch vụ tăng 12,6%). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 25 triệu đồng (năm 2015) lên 49,98 triệu đồng (năm 2020) và trên 57,2 triệu đồng (năm 2022); tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 11,71% (năm 2015) xuống còn 2,8% (năm 2020) và 1,24% (năm 2022), phấn đấu năm 2025 giảm xuống dưới 1%.
Hiện nay, huyện có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%; 9/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (các xã: Thượng Kiệm, Lưu Phương, Quang Thiện, Yên Lộc, Đồng Hướng, Hồi Ninh, Kim Chính, Tân Thành, Kim Đông); 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Đồng Hướng); 91 thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch đề ra. Kết quả này cũng ghi nhận sự vào cuộc tích cực của đồng bào các tôn giáo trên địa bàn huyện trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò của đồng bào các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Kim Sơn thời gian qua còn có những khó khăn, hạn chế. Sự tham gia của các tín đồ, chức sắc, chức việc tôn giáo trong xây dựng kế hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới ở một số xã còn chưa thật chủ động và cụ thể. Việc xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước ở một số địa phương chưa kịp thời, chưa cập nhật đầy đủ những nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo để phù hợp với thực tế và quy định pháp luật…
Để phát huy có hiệu quả vai trò của đồng bào các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Kim Sơn thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:
1- Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giúp họ nắm được nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từ đó tích cực hưởng ứng tham gia.
2- Trong quá trình xây dựng kế hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền cần tăng cường thực hiện công khai, minh bạch và lấy ý kiến đóng góp của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo. Qua đó, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân nói chung, đồng bào các tôn giáo nói riêng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
3- Phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong tham gia ý kiến với Mặt trận Tổ quốc về công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương. Tích cực triển khai các hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, quy hoạch xây dựng nông thôn mới,…
4- Xây dựng, bổ sung nội quy, quy ước về bảo đảm an ninh, trật tự ở các chùa, xứ, họ đạo. Vận động nhân dân tự giác chấp hành pháp luật, tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ môi trường... Đồng thời, tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo được sinh hoạt tôn giáo thuận lợi, đúng pháp luật. Củng cố mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; tạo được được sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo.
5- Phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của đồng bào các tôn giáo. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cần quan tâm, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân nói chung, đồng bào các tôn giáo nói riêng. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo điều kiện để đồng bào tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho bản thân, gia đình, đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Từ đó, giúp đồng bào hiểu sâu sắc rằng, mình chính là những người được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình xây dựng nông thôn mới, thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương./.
Mô hình phát triển du lịch xanh tỉnh Ninh Bình  (15/11/2024)
Bà Rịa - Vũng Tàu: Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2025  (12/11/2024)
- Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024
- Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà 67
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay