Xứng đáng với truyền thống 95 năm xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay

NGUYỄN ĐÌNH KHANG
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

18:17, ngày 03-10-2024

TCCS - Được thành lập để phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trải qua 95 năm (1929 - 2024) được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam luôn làm tốt vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, là “sợi dây” nối Đảng, Nhà nước với quần chúng công nhân, viên chức, người lao động, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang đó, góp phần vào thành công chung của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu được tôn vinh trong phong trào thi đua “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” giai đoạn 2019 - 2024 _Nguồn: nhandan.vn

Trung tâm đoàn kết của công nhân, người lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng

Ngay trong quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, Công hội đỏ - tiền thân của Công đoàn Việt Nam đã là một trong những tổ chức quần chúng trung kiên, mạnh mẽ tập hợp giai cấp công nhân, thợ thuyền rộng khắp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam (Công đoàn) thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân, người lao động Việt Nam. Các đoàn viên công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt góp phần làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Từ đây, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam trở thành người chủ đất nước và Công đoàn khẳng định vai trò là tổ chức chính trị - xã hội quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong những năm đầu đất nước giành độc lập, thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Công đoàn đã tổ chức vận động công nhân, người lao động tập trung xây dựng nhà máy, công xưởng, sản xuất vũ khí, khí tài quân sự; khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động phục vụ kháng chiến, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Xác định vị trí quan trọng của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị, năm 1957, Luật Công đoàn được ban hành, xác lập cơ sở pháp lý, “để định rõ vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức Công đoàn trong chế độ dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho giai cấp công nhân phát triển và củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Công đoàn trong công cuộc xây dựng chính quyền, kiến thiết kinh tế, phát triển văn hoá...”(1). Năm 1959, Công đoàn là tổ chức quần chúng đầu tiên được hiến định trong Hiến pháp nước ta(2), là chỗ dựa vững chắc cho Nhà nước xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, mặc dù gặp vô vàn khó khăn, gian khổ, nhưng với trách nhiệm chủ nhân của đất nước, đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động đã đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; đồng thời, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, Công đoàn được thống nhất trên phạm vi cả nước, đã tập trung tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, người lao động hăng hái thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, đi đầu trong thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng và tham gia bảo vệ Tổ quốc. Vị trí, vai trò tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị được xác lập rõ trong Hiến pháp năm 1980, khi lần đầu tiên có 1 điều riêng hiến định về tổ chức công đoàn. 

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Công đoàn đã từng bước đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với bối cảnh tình hình thực tiễn. Hoạt động công đoàn hướng mạnh về cơ sở, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo thiết thực lợi ích của đoàn viên, người lao động. Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện tin cậy của người lao động, cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước, là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với người lao động. Tổ chức công đoàn tự hào vì những đóng góp trực tiếp cụ thể hóa các nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, từng bước xây dựng đất nước giàu mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đảng và dân tộc trong gần 40 năm qua.

Phát huy truyền thống vẻ vang, xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động

Đất nước ta tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, khoa học - công nghệ phát triển. Thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, đột phá, tác động sâu rộng, đa chiều, tạo sự thay đổi lớn về lao động, việc làm và quan hệ lao động, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động; làm thay đổi môi trường hoạt động, đối tượng tập hợp và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn. Hơn lúc nào hết, tổ chức công đoàn nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Để bảo vệ người lao động từ sớm, từ xa, trên diện rộng, các cấp công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Tổ chức công đoàn ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và hiệu quả trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các tổ chức dân cử để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, Công đoàn đã thể hiện rõ, hiệu quả vai trò đại diện người lao động. Năm năm gần đây, với đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức lương tối thiểu tăng 25,34% đã góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Công đoàn tích cực nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nhà ở, nơi khám, chữa bệnh, phúc lợi xã hội dành cho công nhân, viên chức, người lao động.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, tiếp xúc, đối thoại trong xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, việc làm được các cấp, các ngành coi trọng. Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân, Diễn đàn người lao động do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, viên chức, người lao động; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động đối thoại với đoàn viên, người lao động... đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan tâm, bức xúc của công nhân, lao động. Các hoạt động này là kênh quan trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật. 

Công đoàn cơ sở thể hiện rõ vai trò trong tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, được chú trọng, có nhiều đổi mới; đã từng bước mở rộng thỏa ước lao động tập thể trong nhóm doanh nghiệp, ngành, nghề.

Cùng với đó, các cấp công đoàn đại diện cho tập thể người lao động tích cực tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động; phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát, kiến nghị giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật lao động tại doanh nghiệp. Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; cán bộ công đoàn bám sát cơ sở, tăng cường hoạt động đối thoại ở nhiều cấp, phát hiện sớm và giải quyết kịp thời tranh chấp hoặc nguy cơ tranh chấp lao động, góp phần kéo giảm số cuộc ngừng việc tập thể qua các năm. 

Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động tiếp tục được hoàn thiện, mở rộng, đồng thời triển khai nhiều mô hình mới mang đậm dấu ấn của tổ chức công đoàn. Chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân”, “Mái ấm công đoàn”, “Phúc lợi đoàn viên”... lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở. Mỗi năm, hàng chục triệu lượt người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng các chương trình, hoạt động chăm lo của Công đoàn.

Đặc biệt, ba năm đồng hành với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hàng vạn cán bộ công đoàn không quản ngại khó khăn, lăn xả vào tâm dịch, chia sẻ, hỗ trợ và chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Năm gói hỗ trợ quy mô lớn cho đoàn viên, người lao động và con của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được triển khai, với tổng số tiền gần 6 nghìn tỷ đồng cho 10 triệu lượt người lao động được thụ hưởng. Gói hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, sắp xếp lại lao động do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã giúp hơn 82 nghìn công nhân, người lao động có thêm động lực vượt qua khó khăn.

Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đoàn viên, người lao động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được Công đoàn chú trọng. Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, lao động, tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh phục vụ người lao động, như chương trình trò chơi truyền hình Giờ thứ 9+, Giải bóng đá công nhân, lao động toàn quốc... Các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn phát động, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” ngày càng thấm sâu, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Qua từng thời kỳ, số lượng công nhân, viên chức, người lao động gia nhập tổ chức công đoàn trong các thành phần kinh tế tăng dần, chất lượng được nâng lên, đóng góp trực tiếp, quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Trong 5 năm qua, Công đoàn đã kết nạp hơn 4,4 triệu đoàn viên, thành lập hơn 24 nghìn công đoàn cơ sở(3). Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách công đoàn các cấp được tập trung thực hiện theo quy định của Đảng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp được triển khai đồng bộ, thường xuyên.

Những kết quả toàn diện của hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, người lao động cả nước thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh, hiện đại của giai cấp công nhân Việt Nam, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của tổ chức công đoàn Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang thăm hỏi đời sống, việc làm công nhân lao động _Nguồn: laodong.vn

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Những năm tới, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ diễn ra phức tạp, gay gắt hơn. Trong nước, Đảng, Nhà nước tiếp tục có nhiều chủ trương, quyết sách lớn nhằm hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống.

Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028, xác định mục tiêu tổng quát là: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tổ chức công đoàn, phấn đấu xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Công đoàn xác định một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm:

Thứ nhất, tập trung thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động. Đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn. Phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của người lao động. Chú trọng tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể. Mở rộng độ bao phủ gắn với nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể. Nắm chắc tình hình công nhân, quan hệ lao động, triển khai giải pháp phòng ngừa và tham gia giải quyết hiệu quả tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, người lao động, tạo bước đột phá về tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tích cực nghiên cứu, thực hiện các mô hình chăm lo, chương trình phúc lợi dài hạn cho đoàn viên, người lao động, nhất là về nhà ở, giáo dục, y tế... Đẩy nhanh đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô, giúp đoàn viên, người lao động có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho công nhân, người lao động. Tham gia thúc đẩy bình đẳng giới; bảo vệ quyền lợi của lao động nữ và trẻ em; xây dựng gia đình công nhân, viên chức, người lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến trong đoàn viên, người lao động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần củng cố và nâng cao nhận thức về giai cấp công nhân, về Đảng, về Công đoàn, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tổ chức hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung nguồn lực nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đoàn viên, người lao động. Triển khai hiệu quả các giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Đổi mới việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước, chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, sát hợp từng đối tượng, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác. Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, cụ thể hóa nội dung các đợt thi đua gắn với việc thúc đẩy nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Thứ ba, tập trung thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên, nhất là ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, lao động khu vực phi chính thức. Nâng cao chất lượng đoàn viên công đoàn đi đôi với tăng cường công tác quản lý đoàn viên. Xây dựng cơ cấu tổ chức công đoàn các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Triển khai giải pháp thu hút tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp vào công đoàn, phối hợp với công đoàn để tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật. Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn. Triển khai các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Tham mưu, phối hợp với các cơ quan của Đảng và Nhà nước tổ chức triển khai thí điểm một số mô hình công tác tổ chức, cán bộ theo Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021, của Bộ Chính trị, “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Thứ tư, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tập hợp, đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Đảng. Đẩy mạnh hoạt động công đoàn tham gia xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên, nhất là đảng viên trong giai cấp công nhân. Tham gia thành lập và chủ động đề xuất nội dung, biện pháp nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Thứ năm, tăng cường sự chủ động của tổ chức công đoàn, tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phát huy mạnh mẽ, khẳng định vai trò nòng cốt của Công đoàn trong củng cố và phát triển liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Tiếp bước dưới ngọn cờ của Đảng, phát huy truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng và phát triển, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập, Công đoàn Việt Nam quyết tâm không ngừng đổi mới sáng tạo, đoàn kết, tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động hăng hái thi đua lao động, sản xuất, công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

------------------------------------------------

(1) Luật Công đoàn năm 1957, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, https://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=1006
(2) Hiến pháp năm 1959, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, https://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=890
Điều 10: “Nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất. Nhà nước dựa vào các cơ quan Nhà nước, tổ chức công đoàn, hợp tác xã và các tổ chức khác của nhân dân lao động để xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế”.
(3) Số liệu đoàn viên theo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: “Tính đến tháng 6-2023, cả nước có 11.072.214 đoàn viên và 123.129 công đoàn cơ sở...”.