Quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam
tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

ĐỖ THÙY DƯƠNG
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

00:40, ngày 11-10-2019

TCCS - Trong những năm gần đây, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành trung tâm địa - chiến lược mới của thế giới, đi đầu về xu thế liên kết kinh tế khu vực; tuy nhiên, nơi đây cũng là điểm hội tụ nhiều bất trắc, khó lường, mang đến cả cơ hội lẫn thách thức đối với các quốc gia trong khu vực, đòi hỏi các quốc gia phải có những quyết sách nhanh nhạy và bản lĩnh hơn trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong bối cảnh đó, các chính đảng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát huy vị trí, vai trò không chỉ trên chính trường của mỗi nước, mà còn trong đời sống chính trị quốc tế ở khu vực. Các mối quan hệ đối ngoại - quan hệ đối ngoại đảng - với các chính đảng, diễn đàn chính trị quốc tế và chính khách nước ngoài, đã được Đảng Cộng sản Việt Nam triển khai ngay từ khi Đảng ra đời. Trải qua hơn 30 năm đổi mới, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế, đối ngoại đảng đã góp phần quan trọng bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tối ưu hóa lợi ích của đất nước.

 

Quá trình phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về đối ngoại đảng và chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, là hạt nhân lãnh đạo cả hệ thống chính trị của đất nước và lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, mọi mặt công tác đối ngoại. Đối ngoại đảng thống nhất với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân ở mục tiêu thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; tuy nhiên đối ngoại đảng có tính độc lập tương đối về phương thức triển khai các hoạt động và quan hệ mở ra với hàng nghìn chính đảng, chính khách cũng như các tổ chức, diễn đàn chính trị quốc tế.

Thành tựu của quan hệ đối ngoại đảng trong hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là kể từ Đại hội XI (năm 2011) đến nay, là kết quả của quá trình đổi mới tư duy về đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có cả quá trình phát triển nhận thức về đối ngoại đảng và chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại đảng.

Nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa VI, ngày 20-5-1988, về Nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới đã khẳng định: “lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế”(1). Nghị quyết đánh dấu bước chuyển chiến lược về tư duy đối ngoại, đặc biệt là tư duy về lợi ích, mục tiêu và nhiệm vụ đối ngoại của Việt Nam nói chung, trong đó có đối ngoại đảng nói riêng. Tiếp đến, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX (tháng 7-2003) được coi là tài liệu thứ hai có tầm chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, nêu nhận thức mới về “đối tượng” và “đối tác”(2) và xác định nguyên tắc, phương thức đối ngoại với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị cũng như trình độ phát triển. Theo đó, việc xác định đối tượng, đối tác tùy theo tình huống, hoàn cảnh, thời điểm cụ thể một cách biện chứng, linh hoạt chứ không dễ dãi và cũng không cứng nhắc, sơ hở(3).

Tiếp nối đường lối đối ngoại từ Đại hội VI đến Đại hội X, Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh các yêu cầu: “Phát triển quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; mở rộng tham gia các cơ chế, diễn đàn đa phương ở khu vực và thế giới”(4)Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định: “Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”(5).

Trong giai đoạn này, dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển nhận thức, tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về mở rộng các mối quan hệ đối ngoại với các chính đảng và các diễn đàn đa phương chính đảng là Kết luận số 73-TB/TW, ngày 8-2-2012, của Bộ Chính trị khóa XI, về Tăng cường quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới. Kết luận xác định tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả quan hệ đối ngoại của Đảng để tạo nền tảng chính trị cho quan hệ ổn định, bền vững giữa Việt Nam và các nước, tiếp tục tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thế giới, các chính đảng, tổ chức, chính giới các nước và bạn bè quốc tế với sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo thế chủ động trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế, thực hiện lợi ích quốc gia, dân tộc(6). Một năm sau đó, Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị khóa XI, về hội nhập quốc tế đã nêu định hướng: “Chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tích cực và nâng cao hiệu quả tham gia các diễn đàn các chính đảng”(7). Tại Đại hội XII (tháng 1-2016), một lần nữa Đảng ta nhấn mạnh yêu cầu “Mở rộng, làm sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(8); “Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(9).

Có thể khẳng định, việc đổi mới tư duy, nhận thức và thế giới quan về đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam là tiền đề quan trọng cho việc xác định các mục tiêu đối ngoại, xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung và là cơ sở để phát triển, mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng nói riêng, trong đó có quan hệ đối với các chính đảng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thực tiễn triển khai quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng trong khu vực

Trên cơ sở các mục tiêu, nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo của các Nghị quyết của Đảng về việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đặc biệt kể từ khi triển khai Kết luận số 73-TB/TW, ngày 8-2-2012, của Bộ Chính trị khóa XI về Tăng cường quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới, Đảng ta đã phát triển quan hệ đối ngoại với các chính đảng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên cả hai tư cách: là một đảng cộng sản và là đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang có quan hệ với 45 đảng ở 20 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương(10). Quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng trong khu vực giai đoạn qua được triển khai chủ động, có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Một là, đối với các đảng cộng sản, các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới trong khu vực, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động thúc đẩy quan hệ, nhằm góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố nền tảng chính trị và giữ vai trò định hướng chiến lược. Với Đảng Nhân dân cách mạng Lào, quan hệ giữa hai Đảng không ngừng được nâng cao trên cơ sở triển khai hiệu quả nhiều cơ chế hợp tác quan trọng ở cấp cao nhất và giữa các ban Đảng của hai bên; các hình thức thăm nội bộ, trao đổi lý luận, kinh nghiệm, thực tiễn, các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được triển khai linh hoạt, đa dạng, thể hiện sự tin cậy chính trị và quyết tâm của hai bên trong việc vun đắp, củng cố quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội, tháng 11-2017 _Ảnh: TTXVN

Với Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan hệ giữa hai Đảng đóng vai trò quan trọng, định hướng và dẫn dắt sự phát triển ổn định quan hệ hai nước. Các cơ chế hợp tác kênh đảng giữa hai nước, như Cuộc gặp đại diện hai Bộ Chính trị; Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng; Hội thảo lý luận; Cơ chế hợp tác giữa các ban tham mưu của hai Đảng; Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ... góp phần gia tăng tin cậy chính trị giữa hai nước, kiểm soát và xử lý bất đồng.


Thực hiện chương trình hợp tác giữa hai đảng về nghiên cứu lý luận, ngày 21-7-2019, tại thành phố Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, hội thảo lý luận lần thứ XV giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc với chủ đề: "Một số vấn đề có tính quy luật trong quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, làm Trưởng đoàn.

Với Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, quan hệ kênh đảng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố nền tảng chính trị cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, thông qua các cơ chế thường niên, đặc biệt là hội đàm cấp cao và các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng.

Hai là, đối với các đảng cầm quyền, tham chính và các đảng tiềm năng ở các nước trong khu vực, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ với nhiều đột phá mới, tạo cơ sở chính trị và động lực để thúc đẩy mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước. Đồng thời, thông qua các mối quan hệ đối ngoại này, quan hệ đối ngoại đảng góp phần tăng cường tuyên truyền, tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác của các nước, các chính đảng và chính giới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ năm 2011 đến nay, trong số 19 chuyến thăm tới 20 nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có 7 chuyến thăm tới 8 nước trong khu vực (không tính Lào, Trung Quốc, Cam-pu-chia), bao gồm: Xin-ga-po, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các chuyến thăm này là hoạt động thực tiễn ở cấp cao nhất nhằm tạo động lực và tiền đề đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác ngày càng đi vào hợp tác thực chất và toàn diện, trong đó điển hình nhất là chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm cùng Tổng thống Hoa kỳ B. Obama trong chuyến thăm lịch sử tới Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (năm 2015) _Nguồn: AFP

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ. Đối với Mỹ, việc đón Tổng Bí thư của một đảng cộng sản nước ngoài là một sự kiện hiếm có trong lịch sử. Tính lịch sử của chuyến thăm còn thể hiện ở những nội dung trao đổi, những điểm rất mới trong quan hệ Việt Nam - Mỹ. Những điểm này tiếp tục tạo ra dấu ấn lịch sử, bước ngoặt lịch sử trong quan hệ song phương(11).

Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng triển khai nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao tới các nước trong khu vực, thúc đẩy quan hệ với nhiều đảng cầm quyền, mở rộng quan hệ với các đảng tham chính, ký các thỏa thuận hợp tác... tạo ra “phông” quan hệ rộng của đối ngoại đảng.

Ba là, với các đảng cộng sản và công nhân, cánh tả, các đảng và phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quan hệ thực chất, có trọng tâm, trọng điểm(12). Trong bối cảnh các đảng cộng sản, công nhân trong khu vực còn khó khăn nhiều mặt, Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng việc cử đoàn, gửi điện mừng đại hội và các sự kiện quan trọng của mỗi đảng, trao đổi đoàn thăm song phương(13), tiếp xúc, gặp gỡ và phối hợp tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và quản lý đất nước về các vấn đề của thời đại. Với một số đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam thúc đẩy quan hệ thông qua tăng cường hội thảo lý luận(14), trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, tham dự các hoạt động của các đảng bạn, chủ động đón đoàn vào thăm Việt Nam. Trong quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam, các đảng cộng sản và công nhân ở khu vực coi những thành tựu đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn trong bảo vệ chủ nghĩa Mác  - Lê-nin, góp phần cổ vũ các đảng bạn trong cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội; đồng thời cũng có nhiều hành động thiết thực ủng hộ quan điểm, chủ trương của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia - dân tộc.

Bốn là, tại các diễn đàn đa phương chính đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia Hội nghị quốc tế các chính đảng ở châu Á (ICAPP)(15) ngay từ khi hội nghị này được thành lập và tham dự tất cả các hội nghị toàn thể, có nhiều sáng kiến và đóng góp thiết thực vào việc thực hiện những mục tiêu, dự án ưu tiên của ICAPP. Với uy tín, vị thế và sự tham gia ngày càng tích cực trên trường quốc tế và trong khuôn khổ ICAPP, Đảng Cộng sản Việt Nam được bầu làm Ủy viên Ban Thường trực ICAPP (tháng 9-2004) và liên tục được bầu lại trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Tháng 4-2013, Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên đăng cai và tổ chức rất thành công Cuộc họp lần thứ 19 của Ủy ban Thường trực ICAPP. Điều này thể hiện sự tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, theo đúng phương châm của đối ngoại đa phương Việt Nam “chủ động tham gia đóng góp, xây dựng, định hình luật chơi chung”, góp phần nâng cao uy tín của Đảng với tư cách là thành viên có trách nhiệm trong ICAPP(16).

Đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương phát biểu tại Hội nghị toàn thể lần thứ 10 Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) tại Nga, năm 2018 _Ảnh: TTXVN

Với những kết quả triển khai quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian qua, có thể rút ra một vài nhận xét sau:

Thứ nhất, đối ngoại đảng là một trong ba kênh(17) của đối ngoại Việt Nam, có tính độc lập tương đối và khác biệt về phương thức triển khai nhưng thống nhất ở mục tiêu “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”(18). Các hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng, nhất là các chuyến thăm quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các nước lớn, các nước quan trọng trong khu vực, và các hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam ở nhiều kênh và nhiều hình thức khác nhau có ý nghĩa quyết định trong việc tạo đột phá và thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác, tạo cục diện quốc tế thuận lợi cho Việt Nam trong việc triển khai hai định hướng chiến lược đối ngoại là “Kiên trì chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại; là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” và “Giữ vững cân bằng chiến lược giữa các nước lớn trong quan hệ với Việt Nam”(19).

Thứ hai, quan hệ đối ngoại đảng trong khu vực thời gian qua đã phát huy được thế mạnh đặc thù, đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại. Quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng trong khu vực đã góp phần tạo mới và củng cố nền tảng chính trị cho quan hệ ổn định, bền vững giữa Việt Nam với các nước ở các cấp độ khác nhau.

Đối với các nước có cùng hệ thống chính trị, đối ngoại đảng góp phần tăng cường sự tin cậy, tạo nền tảng chính trị quan trọng, định hướng tổng thể sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với nước bạn. Quan hệ truyền thống giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là kênh quan trọng nhất để vun đắp, phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đóng vai trò cốt lõi không chỉ trong việc khai thông bình thường hóa trong những năm 90 của thế kỷ XX, mà còn giữ cho mối quan hệ hợp tác và giao lưu kênh Đảng ổn định trong mọi hoàn cảnh và trực tiếp tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn tại giữa hai nước do lịch sử để lại hoặc những vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước(20).

Với các nước khác trong khu vực có nhiều đảng tham chính, việc Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với các chính đảng trong cùng một nước luôn được thực hiện công khai(21). Đơn cử như, ở Ấn Độ, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ truyền thống tốt đẹp với cả Đảng Nhân dân (BJP) cầm quyền, Đảng Quốc đại (NP), Đảng Cộng sản (CPI) và Đảng Cộng sản Mác-xít (CPI-M). Ở Nhật Bản, Đảng ta có quan hệ với cả Đảng Cộng sản (CP), Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, Đảng Dân chủ (DP). Đối với Mỹ, kể từ khi bình thường hóa quan hệ (năm 1995), hầu hết các đoàn cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm đều gặp gỡ lãnh đạo Đảng Cộng sản Mỹ và cử đại diện tham dự các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Mỹ... Nhìn chung, các chính đảng ở các nước dù theo những khuynh hướng chính trị khác nhau và có thể đối lập nhau, nhưng vẫn thống nhất trong lập trường đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam.

Thứ ba, quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là quan hệ với các đảng cầm quyền, cho thấy không gian quan hệ của Đảng ta đã được mở rộng và hướng tới tương xứng với tiềm năng, vị thế, vai trò của đất nước. Nếu như trước kia, sự khác biệt về ý thức hệ, chế độ chính trị còn là rào cản lớn trong quan hệ giữa Đảng ta với các chính đảng và các nước trong khu vực, giờ đây các mối quan hệ này góp phần làm cho các nước hiểu rõ và coi trọng vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cộng sản và là đảng duy nhất cầm quyền. Chuyến thăm lịch sử tới Hợp chúng quốc Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015 là minh chứng rõ nét về điều đó.

Thứ tư, kết quả hoạt động đối ngoại đảng sẽ trở thành cơ sở thực tiễn để Đảng Cộng sản Việt Nam đúc kết thành lý luận, tiếp tục đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới tư duy của Đảng, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại. Thông qua thực tiễn triển khai quan hệ đối ngoại với các chính đảng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ và kịp thời về những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực; nhận diện được các xu hướng lớn đang chi phối cục diện quan hệ quốc tế ở khu vực này, tham khảo kinh nghiệm lãnh đạo, quản trị đất nước của các đảng cầm quyền ở các nước trong khu vực, từ đó nâng cao và không ngừng hoàn thiện năng lực lãnh đạo và hoạch định chính sách đối ngoại của mình.

Với quan điểm “ủng hộ một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển thịnh vượng, được kết nối bằng những liên kết kinh tế và các quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi trong và ngoài khu vực, có các thỏa thuận và cơ chế bảo đảm an ninh chung, an toàn và tự do hàng hải, hàng không..., trong đó việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh  - chính trị đang hình thành ở châu Á - Thái Bình Dương là phù hợp và có lợi cho hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới”(22), và với những kết quả đạt được khi triển khai quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng trong khu vực châu Á  - Thái Bình Dương thời gian qua có thể khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng cường và quan hệ đối ngoại với các chính đảng trong khu vực theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế./.

-------------------------

(1) Nguyễn Cơ Thạch: “Những chuyển biến trên thế giới và tư duy mới của chúng ta”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 1 (tháng 1-1990), tr. 7

(2) Chapman, Nicholas: “Mechanisms of Vietnam’s Multidirectional Foreign Policy”, in: Journal of Current Southeast Asian Affairs, 36, 2, 2017, p. 33

(3) Phạm Quang Minh: “Chính sách đối ngoại của Việt Nam sau 30 năm Đổi mới”, Tạp chí Đối ngoại, số 87+88 (tháng 1+2-2017), tr. 14

(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 237, 84

(6) Hoàng Bình Quân: “Đối ngoại đảng góp phần vào thành tựu to lớn trong công cuộc Đổi mới”, Tạp chí Đối ngoại, số 75+76 (tháng 1+2-2016), tr. 12

(7)  http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/bng_vietnam/nr080212094156/ns130709211917

(8), (9)  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 154, 156

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam đang có quan hệ ở các mức độ khác nhau với 245 đảng ở 111 nước trên thế giới

(11)  http://nghiencuuquocte.org/2015/07/22/dang-sau-chuyen-tham-my-nguyen-phu-trong-p1/#more-9366

(12) Hiện Đảng Cộng sản Việt Nam đang có quan hệ với 15 đảng cộng sản, cánh tả, đối lập trong khu vực

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam cử đoàn ra và đón đoàn đảng bạn vào của các đảng: Đảng Cộng sản Ấn Độ, Đảng Cộng sản Ấn Độ - Mác-xít, Đảng Cộng sản Băng-la-đét, Đảng Cộng sản Xri Lan-ca, Đảng Cộng sản Nê-pan Mác-xít - Lê-nin-nít...

(14) Đến năm 2018, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành trao đổi lý luận với Đảng Cộng sản Nhật Bản 8 lần

(15) ICAPP được hình thành vào tháng 9-2000 với sự tham gia của các đảng lớn hoặc đảng cầm quyền của các nước trong khu vực; hướng đến mục tiêu tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa các chính đảng ở châu Á; tạo nhận thức chính trị chung giữa các đảng về những vấn đề khu vực thông qua vai trò của các chính đảng trên chính trường các nước. ICAPP có 2 diễn đàn chính thức là: Hội nghị toàn thể và cuộc họp của Ủy ban thường trực. Đến tháng 4-2019, ICAPP đã tổ chức 10 hội nghị toàn thể và 32 cuộc họp Ủy ban Thường trực

(16) Đỗ Thùy Dương: “Thành tựu đối ngoại đa phương: Khẳng định vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế”, Tạp chí Cộng sản, số 891, tháng 1-2017, tr. 77

(17) Đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân

(18)  Xem:  http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/29421802-nhung-diem-moi-va-nhung-noi-dung-cot-loi-cua-duong-loi-doi-ngoai-trong-van-kien-dai-hoi-xii-cua-dang.html

(19) Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên): Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 619 - 620

(20) Nguyễn Vinh Quang: “Quan hệ Đảng đóng vai trò cốt lõi trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc 25 năm qua”, Tạp chí Đối ngoại, số 87+88, tháng 1+2/2017, tr. 20 – 22

(21)  https://baoquocte.vn/doi-ngoai-dang-2015-vi-mo-va-thiet-thuc-27241.html

(22) Nguyễn Phú Trọng: “Quan hệ Việt Nam  - Hoa Kỳ phát triển tích cực trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 3 (102), tháng 9-2015, tr. 12