Phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh

GS, TS. NGUYỄN TRỌNG CHUẨN
Phó Chủ tịch Hội Triết học

13:39, ngày 28-01-2022

TCCS - Truyền thống trọng dụng nhân tài của cha ông ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và nâng lên tầm cao mới. Trong điều kiện hiện nay, việc phát hiện, thu hút và trọng dụng người tài cả trong và ngoài Đảng là nhiệm vụ rất quan trọng và phải trở thành “quốc sách”, thành chủ trương, chính sách nhất quán, có hiệu quả cao để tăng cường sức mạnh của đất nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và nâng tầm việc trọng dụng nhân tài của ông cha ta

Ông cha ta luôn có ý thức tìm kiếm người tài năng phục vụ cho nước nhà. Chiếu cầu hiền năm 1429 của Lê Lợi có ghi: “muốn thịnh trị tất phải được người hiền, được người hiền phải do ở tiến cử. Cho nên, người làm vua phải lấy việc ấy làm đầu(1).

Triều vua Lê Thánh Tông cũng lưu truyền lịch sử về ý thức trọng dụng nhân tài, với lời văn bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội do Thân Nhân Trung soạn (năm 1484): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Truyền thống “chăm lo việc gây dựng nhân tài”, “tiến cử người hiền tài”, quý trọng và trọng dụng nhân tài lâu đời của dân tộc ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển trong điều kiện vô cùng khó khăn của đất nước sau gần một trăm năm dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Ngay từ trước khi chuẩn bị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc), với đối tượng là những thanh niên ưu tú, rồi sau đó đưa về nước hoạt động tuyên truyền, tổ chức quần chúng, làm hạt nhân cho phong trào cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền, làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiếp đó là vừa tiến hành hai cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ suốt 30 năm, vừa xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng đến việc phát hiện, thu hút, tập hợp và trọng dụng nhiều nhân tài, cả trong Đảng và ngoài Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3-1964) _Nguồn: TTXVN

Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(2). Đặc biệt, Người đã chỉ thị cho các địa phương trong cả nước phải kịp thời báo cáo cho Chính phủ về người tài ở địa phương mình. Một năm sau, ngày 20-11-1946, Người lại viết: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân... muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết... Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”(3). Đó là việc làm rất cần kíp và thiết thực khi nước nhà vừa mới giành lại được độc lập đang rất thiếu cán bộ, thiếu nhân tài hầu như ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở rằng, trong mọi công việc của đất nước “phải trọng nhân tài”(4). Điều đặc biệt hơn cả là, Người phải rất tin tưởng nên mới khẳng định rằng, trong dân chúng có “rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gụi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”(5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về trọng dụng người tài; và Người đã rất thành công trong việc này. Bên cạnh nhiều bậc trí thức, học giả nổi tiếng, chức sắc tôn giáo đã nhiệt tình tham gia cách mạng; thì ngay cả như quan lại bậc cao của chế độ cũ (các ông Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn...) cũng đã được Bác Hồ cảm hóa và vận động tham gia chính quyền cách mạng. Người đã cảm hóa, lôi cuốn, thuyết phục một số trí thức nổi tiếng cả về tài và đức, học vị cao, lúc bấy giờ đang có mức thu nhập được nhiều người mơ ước, điều kiện làm việc rất tốt, gia đình sống sung túc ở nước ngoài nhưng vẫn tình nguyện trở về nước “đồng cam cộng khổ” với nhân dân tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết đất nước với tất cả khả năng chuyên môn của họ. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”(6).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều trí thức nổi tiếng trên mọi lĩnh vực, như Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa), Lê Văn Thiêm, Lương Định Của, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Nguyễn Khắc Viện, Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Vũ Ðình Tụng, Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Võ Quý Huân, Vũ Trọng Khánh, Ðặng Văn Ngữ, Trịnh Ðình Thảo, Trần Đức Thảo, Ngụy Như Kon Tum... đã mang hết tài năng phục vụ đất nước. Trong số các vị đáng kính ấy, nhiều người không phải là đảng viên nhưng đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho công cuộc kháng chiến cứu nước và kiến thiết đất nước; không ít người phấn đấu về sau trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Công lao của họ đã được Tổ quốc, được Đảng, nhân dân trân trọng và đời đời ghi nhận. Ngày nay, ở nhiều nơi trên khắp cả nước đã có những đường phố, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu khoa học,... mang tên của các trí thức nổi tiếng ấy.

Tiêu chí đánh giá và biện pháp sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tài là người vừa có tài lại vừa có đức, là người biết đem cái tài ấy ra làm những việc ích nước, lợi dân, chứ không phải là để thu vén lợi ích cho bản thân hay cho gia đình. Vì vậy, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu người có tài mà không có đức thì là người vô dụng, cho nên đức phải là cái gốc. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(7). Dù nhấn mạnh mặt đức nhưng Người cũng khẳng định, nếu có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Điều đó có nghĩa rằng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tàiđức phải gắn bó chặt chẽ với nhau ở người được gọi là nhân tài.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng, tháng 1-2021 _Ảnh: Tư liệu

Trong thực tế, trừ một số ngoại lệ rất ít ỏi là những người bẩm sinh đã có một số kỹ năng đặc biệt nào đó, nhưng kỹ năng đó có ích gì cho xã hội thì vẫn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố; còn phần lớn nhân tài có được là nhờ sự phát hiện, đầu tư, chăm sóc của xã hội, lại phải trải qua một quá trình kiên trì rèn luyện và học tập lâu dài của bản thân thì mới thành nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”(8). Bởi vậy, người dù có tài thì tài năng ấy vẫn có thể bị mai một nếu không được bồi dưỡng, nâng niu, chăm sóc, sử dụng đúng cách; cũng như không kích thích được khả năng sáng tạo của họ. Nhân loại đã đúc kết rất đúng rằng, nhân tài là người “biết đứng trên vai của các thế hệ trước” hoặc là người biết “đứng trên vai của những người khổng lồ”. Nói cách khác, nhân tài là người biết tiếp thu, chọn lọc, kế thừa, biết làm giàu trí tuệ của mình bằng trí tuệ, tài năng của những người khác.

Tuy có những cách hiểu và cách định nghĩa khác nhau về nhân tài, nhưng tựu trung lại thì những giá trị cốt lõi về nhân tài là không thay đổi. Chắc chắn rằng, nhân tài phải là người có trí tuệ uyên thâm, uyên bác và tài năng hơn hẳn mọi người ở một lĩnh vực nào đó. Đó phải là người có tầm nhìn xa, trông rộng, bao quát; có khả năng nắm bắt được các mối quan hệ, hiểu được xu thế của thời đại và các quy luật vận động của xã hội; phân tích, nhận định nhạy bén và đánh giá đúng tình thế để có những quyết định chính xác và kịp thời nhất trong các hoạt động và trong đời sống xã hội; tham gia giải quyết tốt, có hiệu quả những vấn đề quan trọng được đặt ra, mà đến thời điểm đó chưa có ai giải quyết được.

Nhân tài có nhiều mức độ khác nhau và thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Có nhân tài là vĩ nhân, là lãnh tụ kiệt xuất trong lĩnh vực chính trị, có vai trò mở đường cho sự phát triển của một chế độ xã hội, một đất nước, một thời đại lịch sử. Có nhân tài là người uyên bác, là người phát minh khoa học ở tầm quốc gia hay ở trình độ quốc tế. Cũng có người là nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hoặc lĩnh vực an ninh, quân sự. Có những nhân tài có khả năng giải quyết các vấn đề cấp thiết do đời sống xã hội đặt ra ở những thời điểm cực kỳ khó khăn, giúp thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nói tóm lại, nhân tài có thể xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội thuộc về các lĩnh vực sản xuất vật chất hoặc lĩnh vực sáng tạo các sản phẩm tinh thần,... Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, khi đã phát hiện được người tài rồi thì phải dùng người đúng chỗ, đúng việc; “phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”; cho nên đừng bao giờ “bảo thợ rèn đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao”(9).

Đặc biệt, khi dùng người tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa rất chú trọng đến tài năng trong công việc, vừa lấy thước đo tinh thần vì dân, vì nước của họ để đánh giá và giao việc cho họ. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không hẹp hòi, không câu nệ ai đó được trọng dụng đã là đảng viên hay chưa là đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cảnh báo những người có trách nhiệm lãnh đạo, muốn “tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo... bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài(10).

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong điều kiện hiện nay

Cần luôn ghi nhớ sự đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng trong dân chúng có “rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Xin đừng nghĩ rằng, đánh giá đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đúng ở giai đoạn đất nước vừa mới giành được độc lập, lúc Đảng và Nhà nước ta còn rất thiếu cán bộ. Dường như đã có một thời gian dài, chúng ta lãng quên hoặc coi nhẹ sự đánh giá và cũng là lời căn dặn đó của Bác, nên chưa thật sự quan tâm đến việc phát hiện, thu hút nhân tài, nhất là việc trọng dụng nhân tài ngoài Đảng.

Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót trong vấn đề lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài của chúng ta thời gian qua. Cũng phải thừa nhận rằng, cho đến nay việc phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài, cả trong Đảng và ngoài Đảng, chưa thành quốc sách hay thành chiến lược quốc gia. Đúng như Đại hội XIII của Đảng nhận định, chúng ta vẫn còn “Thiếu cơ chế, chính sách tuyển chọn và trọng dụng người tài”(11); “Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài”(12); “Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm cả ở khu vực nhà nước và khu vực tư nhân”(13). Những đánh giá đó cũng đúng với việc thu hút và trọng dụng nhân tài cả trong Đảng và ngoài Đảng, khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước. Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng yêu cầu phải “đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”(14).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp đại diện trí thức, nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản _Ảnh: TTXVN

Đối với nhân tài là người ngoài Đảng thì các chính sách, cơ chế tuyển chọn và trọng dụng họ lại càng thiếu sót nhiều hơn nữa. Vì vậy, đây thực sự  là một sự lãng phí rất lớn. Lịch sử nước nhà từ xưa đến nay cho thấy rõ, và được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, để không lãng phí người tài thì xã hội cần phải kiên quyết phê phán, phải loại trừ cho bằng được một loại tư tưởng, là bệnh hẹp hòi, bởi cũng “vì bệnh hẹp hòi [ấy] mà không biết dùng nhân tài”(15). Để có thể trọng dụng nhân tài, cùng với việc phải khắc phục bệnh hẹp hòi, còn phải khắc phục bệnh định kiến, đố kỵ với người tài làm thui chột các tài năng. Hơn lúc nào hết, hiện nay, trong xã hội ta, cần thực hành dân chủ một cách thực chất để người tài được thể hiện, xuất hiện, khẳng định mình. Muốn phát hiện, tuyển chọn được người có biểu hiện tài năng, hoặc người đã thể hiện tài năng thật sự, thì phải dân chủ, công khai, công minh, tránh vị nể, tránh nhầm lẫn người tài với những người cơ hội, xu nịnh, ngoan ngoãn, dễ bảo nhưng bất tài. Khác với loại người này, những người tài thường là những người thẳng thắn, trung thực, mạnh dạn bày tỏ ý kiến riêng của mình mà không sợ uy quyền. Cho nên, muốn cho người tài hoặc nhân tài mang hết tài năng ra phụng sự dân tộc, phục vụ Tổ quốc và nhân dân thì rất cần xác định rõ những tiêu chí về tài năng, đức độ một cách thật cụ thể; phải lượng hóa được những tiêu chí đó để có căn cứ, có cơ sở rõ ràng trong việc tiến cử, giới thiệu, chọn lựa và trọng dụng người tài, nhất là người tài ngoài Đảng.

Về mặt này cần nghiên cứu, học tập cha ông ta trong việc định ra chế độ tiến cử người tài, khen thưởng xứng đáng người có công tiến cử đúng người tài; có chính sách khen thưởng những cá nhân, tổ chức đã có công phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tốt và sử dụng đúng nhân tài mang lại hiệu quả cao. Mặt khác, cần xử phạt nghiêm khắc những người lợi dụng việc tiến cử người tài để “cài cắm”, sắp xếp, bố trí, thu nạp người thân hoặc lợi dụng mọi cơ hội để ăn đút lót, thu lợi cá nhân. Phải khắc phục cho bằng được “thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”(16). Muốn phát hiện, thu hút và trọng dụng người tài, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh việc khắc phục bệnh hẹp hòi, còn phải khắc phục bệnh địa phương chủ nghĩaóc bè phái. Óc bè phái là loại bệnh “ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”(17).

Mọi cá nhân và tổ chức, nhất là các tổ chức đảng và các cấp chính quyền đều có quyền, và đặc biệt là có nghĩa vụ, trách nhiệm phát hiện, giới thiệu một cách trung thực người có tài, có đức để hỗ trợ cán bộ tổ chức và ban tổ chức cấp ủy các cấp, kể cả Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ. Thiết nghĩ, chỉ riêng các cơ quan chuyên trách làm công tác tổ chức - cán bộ thì khó nắm bắt được hết người tài của cả nước, “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Cho nên, người tài phải được phát hiện, được giới thiệu từ cơ sở, đơn vị, địa phương, từ các ngành, nghề và từ các bộ, ban, ngành trung ương. Dựa vào sự giới thiệu đó, các cơ quan chuyên trách làm công tác tổ chức - cán bộ phải có cách riêng để xác minh, đánh giá, kiểm định một cách trung thực và chính xác theo bộ tiêu chí đã được ban hành, nhằm tránh những sai sót đáng tiếc, tránh bỏ sót người tài và tránh để lọt vào bộ máy những kẻ bất tài nhưng giỏi luồn lách. Những người có trách nhiệm trong việc lựa chọn nhân tài phải tránh “Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực”(18).

Sau khi phát hiện được nhân tài, xác định được người có tài cả trong Đảng và ngoài Đảng thuộc các lĩnh vực khác nhau, thì các bộ phận có trách nhiệm liên quan phải tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng, chăm sóc, bồi đắp, phát triển và hoàn thiện các năng lực và phẩm chất của nhân tài. Chỉ có những người lãnh đạo thật sự tài năng, công tâm, trung thực, trân trọng tài năng mới sử dụng được người tài, kể cả người tài trong Đảng hay người tài ngoài Đảng. Cũng chỉ như vậy, người tài mới yên tâm hiến dâng tất cả trí tuệ, tài năng của mình cho sự nghiệp mà họ đeo đuổi, hết lòng phụng sự cho đất nước, phục vụ nhân dân.

Thời gian qua, việc thực hiện các nguyên tắc và quy chế của công tác cán bộ là do trách nhiệm tập thể, nhưng phải thẳng thắn mà nói rằng, không hiếm hiện tượng có các cá nhân đã lợi dụng quy trình công tác cán bộ và vai trò tập thể một cách rất tinh vi để “cài cắm”, sắp xếp, bố trí người quen, người thân, người nhà vào những chỗ quan trọng để tạo nên “nhóm lợi ích”. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Đảng và Nhà nước ta phải có những quy định, chế tài nghiêm ngặt để ngăn chặn, xử lý những sai phạm, kiên quyết không để lọt vào bộ máy Đảng, Nhà nước những người bất tài, kém đức, suy thoái. Cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt để nhân tài phát huy hết năng lực bản thân và cống hiến tài năng cho công cuộc phát triển đất nước; đồng thời, xử lý thật nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập nhân tài.

Đặc biệt, chúng ta cũng cần ủng hộ, động viên, khuyến khích những người Việt Nam có tài năng thật sự trong một lĩnh vực nào đó, cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, tự giới thiệu mình cho tổ chức, để tổ chức xem xét, đánh giá, tuyển chọn, bố trí công việc thích hợp. Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, song chúng ta chưa làm tốt việc thu hút các nhân tài ngoài Đảng đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài. Có rất nhiều nhân tài nổi tiếng ngoài Đảng thuộc nhiều ngành khoa học, công nghệ cao và nhiều lĩnh vực quan trọng khác nhau, hiện đang làm việc ở các nước phát triển. Điều đáng nói nhất là, nhiều người trong số họ được cử đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng khi thành tài lại không về nước làm việc. Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá lại chính sách, cơ chế trong việc tuyển chọn, sử dụng, tạo môi trường, điều kiện làm việc cho người ngoài Đảng cũng như số lưu học sinh được cử đi học bằng ngân sách nói trên. Chắc chắn là, nếu có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài cùng với cách tuyển dụng dân chủ, minh bạch, thật sự trân trọng tài năng, có môi trường xã hội thuận lợi, có chế độ đãi ngộ xứng đáng thì sẽ thu hút được những người tài năng ngoài Đảng, nhờ đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước trong kỷ nguyên công nghệ số và trí tuệ nhân tạo mà chúng ta mới bắt đầu bước vào và đang rất cần những tài năng.

Việc phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài là nhiệm vụ rất quan trọng và phải trở thành “quốc sách”, thành chủ trương, chính sách nhất quán, có hiệu quả cao để tăng cường sức mạnh của đất nước _Ảnh: TTXVN

Muôn phát hiện được người tài, muốn có đội ngũ trí thức tinh hoa giỏi, muốn người tài phát huy hết khả năng phục vụ Tổ quốc thì điều cốt lõi là phải có chính sách phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài thật tốt. Chính sách ở đây không chỉ là chính sách đãi ngộ vật chất hay tiền lương, mặc dù không thể thiếu chúng. Đặc biệt là khi hệ thống bậc lương hiện nay rất không khuyến khích những người làm việc tốt, chưa nói gì đến người tài hay nhân tài. Vấn đề quan trọng hơn là, Đảng và Nhà nước ta cần phải tạo điều kiện, môi trường làm việc thật tốt, phương pháp quản trị tiên tiến để phát huy tối đa thế mạnh của mỗi người.

Trong điều kiện cạnh tranh nhân tài diễn ra rất gay gắt giữa các nước, hiện nay, việc phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài là nhiệm vụ rất quan trọng và phải trở thành “quốc sách”, thành chủ trương, chính sách nhất quán, có hiệu quả cao để tăng cường sức mạnh của đất nước, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, chủ trương phải “trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng”(19) do Đại hội XIII của Đảng đề ra là hết sức đúng đắn và kịp thời. Khi chủ trương này được thực hiện nghiêm chỉnh và hiệu quả, nhất định sẽ góp phần thiết thực để đưa nước ta đạt được mục tiêu: “Đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(20)./.

----------------

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006, t. II, tr. 98
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 114, 504
(4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 313, 315 - 316, 275
(7), (8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 292, 320, 314
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 281
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.##II, tr. 75
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 83
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 76
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 231
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 278
(16), (17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 90 - 91, 93 - 94, 318
(19), (20) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 167, 36