Khai thông các “điểm nghẽn” để văn hóa thật sự trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững đất nước

GS, TS. PHẠM HỒNG TUNG
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội

11:53, ngày 20-03-2020

TCCS - Văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước. Nước ta tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế cùng thời điểm thế giới bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển bền vững đất nước, chúng ta cần phải xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam, nhất là thế hệ thanh niên... Và việc khai thông các “điểm nghẽn” trong công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa có vai trò hết sức quan trọng.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, ngày 9-6-2014 tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII và căn cứ vào đòi hỏi của thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh mới của khu vực và thế giới, Nghị quyết số 33-NQ/TW khẳng định vị trí, tầm quan trọng chiến lược của sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Nghị quyết cũng chỉ ra mục tiêu chung của sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế của đất nước là: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước (Trong ảnh: Lễ hội truyền thống đền Thái Vi, tỉnh Ninh Bình) _Ảnh: Tư liệu

Có thể xem Nghị quyết số 33-NQ/TW chính là đường lối văn hóa của Đảng trong chặng đường tiếp theo của công cuộc đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Đây một mặt là sự kế thừa đường lối văn hóa của Đảng được tập trung trình bày trong bản Đề cương Văn hóa Việt Nam (năm 1943)(1) với các phương châm dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa và trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 với phương châm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mặt khác, Nghị quyết số 33-NQ/TW là bước phát triển mới, có tính đột phá trong đường lối văn hóa của Đảng, phù hợp với đòi hỏi của thời đại và của sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Với việc khẳng định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” và “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”, Nghị quyết này đánh dấu một tầm vóc mới trong nhận thức lý luận của Đảng về văn hóa, thể hiện tầm nhìn thời đại và tính khoa học, tính thực tiễn của đường lối, bảo đảm chính sách phát triển văn hóa gắn với phát triển con người và với sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, kể từ sau khi ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW đến nay, chỉ trong thời gian ngắn, tình hình thế giới và Việt Nam có những biến chuyển mau lẹ. Quá trình vận dụng những quan điểm của Nghị quyết vào thực tiễn phát triển văn hóa những năm qua đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, song cũng làm bộc lộ rõ hơn nhiều vấn đề, thách thức mới. Bài viết tập trung phân tích một số vấn đề cơ bản, cấp bách nhất đang đặt ra trong thực tiễn hiện nay và sẽ tiếp tục là những vấn đề quan trọng nhất của sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian từ nay đến khoảng giữa thế kỷ XXI.

Hiện nay có hai câu hỏi cơ bản đang được đặt ra là: Có thể lãnh đạo được văn hóa không? Có thể quản lý được văn hóa không? Câu trả lời là: Có thể và cần thiết phải lãnh đạo và quản lý văn hóa. Vấn đề là lãnh đạo và quản lý văn hóa như thế nào mà thôi!

Cho đến nay, tùy theo quan điểm và cách tiếp cận, đã có hàng nghìn định nghĩa về văn hóa được nêu ra. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(2). Hiểu theo cách nào thì văn hóa cũng cần phải được lãnh đạo và quản lý. Nhưng trước khi đặt vấn đề lãnh đạo, quản lý văn hóa thế nào thì cần phải bàn về một số đặc điểm và cấu trúc của văn hóa.

Trong nghiên cứu về văn hóa và trong thực tiễn công tác quản lý văn hóa, cho đến nay chủ yếu người ta mới phân chia văn hóa và di sản văn hóa thành hai bộ phận hoặc hai dạng thức: Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần hay văn hóa vật thể (tangible culture) và văn hóa phi vật thể (intangible culture). Cả hai cách phân loại/phân chia nói trên chỉ có tính tương đối mà thôi, bởi các bộ phận và các loại hình đó thường lồng ghép vào trong nhau, với độ chồng lấp khó xác định.

Tuy nhiên, từ một cách tiếp cận khác, chúng ta có thể hình dung, dù ở mức độ sơ giản nhất về một cấu trúc tầng bậc của thực thể/chỉnh thể văn hóa. Trong nhân cách văn hóa của mỗi cá nhân hay mỗi cộng đồng người, đóng vai trò quan trọng nhất là các giá trị (values) và hệ giá trị (value systems). Nhưng tự bản thân nó, các giá trị, ví dụ như lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, lòng nhân ái,... không trực tiếp bộc lộ ra bên ngoài theo bất kỳ một hình thức nhất quán nào, mà trái lại, nó phải được chuyển tải thông qua các tiêu chí, quy phạm đạo đức (moral norms), thông qua các xu hướng hay lựa chọn lối sống (preferences of life or ways of life). Đến lượt nó, các lối sống lại phải được bộc lộ thông qua các hoạt động sống hay là các hoạt động văn hóa. Các hoạt động này lại được cấu thành bởi các hành vi, các ứng xử văn hóa.

Có thể biểu đạt cấu trúc chung của văn hóa thông qua một mô hình giản lược như sau:

Trong mô hình cấu trúc như trên, có thể thấy hệ giá trị, đạo đức lối sống là ba thành tố có tính nền tảng trong nhân cách văn hóa của cá nhân và cộng đồng, đồng thời là những yếu tố tương đối ổn định nhất. Trong khi đó, đời sống văn hóahành vi, ứng xử văn hóa là “phần nổi”, là cái được biểu hiện ra bên ngoài trong các đối thoại văn hóa liên nhân cách và trong tương tác xã hội. Hai thành tố này luôn luôn đa dạng, phong phú và dễ biến đổi nhất.

Vì hai nhóm thành tố trên có vai trò, vị trí và đặc điểm khác nhau, cho nên nội dung, mục đích và phương thức lãnh đạo đối với chúng cũng khác nhau. Có nhiều phương thức và mô hình lãnh đạo khác nhau, song tựu chung lại có hai phương thức chính là gây ảnh hưởngcưỡng chế và sự kết hợp giữa hai phương thức đó.

Lãnh đạo bằng phương thức gây ảnh hưởng là phương thức được các nhà lãnh đạo và các tổ chức có uy tín lớn thường vận dụng. Theo đó, nhân tố lãnh đạo sử dụng các biện pháp, như tuyên truyền, thuyết phục, nêu gương,... nhằm làm cho nhân tố được lãnh đạo thấu hiểu, tin cậy và tự nguyện làm theo những chỉ bảo, yêu cầu hay khuyến nghị của nhân tố lãnh đạo. Phương thức lãnh đạo này, một khi đã phát huy tác dụng, thì sẽ đưa lại hiệu quả rất to lớn, tích cực và bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện được phương thức lãnh đạo này thì đòi hỏi nhân tố lãnh đạo phải có uy tín lớn, kiên trì và phải thực thi được một cách hết sức khéo léo các biện pháp/hoạt động tuyên truyền, thuyết phục, nêu gương,... nâng tầm các biện pháp/hoạt động này đến mức nghệ thuật để thu phục nhân tâm.

Trong khi đó, lãnh đạo bằng phương thức cưỡng chế lại là phương thức lãnh đạo được sử dụng phổ biến bởi các chỉ huy quân sự và các thủ lĩnh độc tài. Theo đó, nhân tố lãnh đạo/chỉ huy sẽ dùng quyền uy và vũ lực (nếu cần) ra mệnh lệnh và buộc nhân tố được/bị lãnh đạo phải tuân theo ý chí của nhân tố lãnh đạo và thực hiện những yêu cầu của nhân tố đó vô điều kiện. Phương thức lãnh đạo này đơn giản và luôn đạt hiệu quả cao trong những điều kiện xác định, khi mà nhân tố lãnh đạo có thể chi phối hoàn toàn nhân tố được/bị lãnh đạo. Nhưng nếu điều kiện này không được thỏa mãn thì có thể phương thức lãnh đạo này sẽ thất bại nhanh chóng và hoàn toàn.

Văn hóa là một chỉnh thể với cấu trúc phân tầng thì chỉ có thể được lãnh đạo trên cơ sở phối hợp sử dụng linh hoạt và khoa học hai phương thức lãnh đạo nói trên. Đối với các thành tố nền tảng, nhưng trừu tượng và tiềm ẩn, như hệ giá trị, đạo đứclối sống, thì phương thức lãnh đạo phù hợp là gây ảnh hưởng, trực tiếp và gián tiếp. Đối với ba thành tố văn hóa này tuyệt đối không thể áp dụng phương thức, giải pháp và các công cụ lãnh đạo mang tính cưỡng chế, mệnh lệnh, áp đặt. Và vì thế, các thành tố này không thuộc phạm vi của hoạt động quản lý văn hóa.

Trong khi đó, hai thành tố đời sống văn hóahành vi, ứng xử văn hóa cần được lãnh đạo chủ yếu theo phương thức cưỡng chế trên cơ sở có hướng dẫn và các giải pháp quản lý khác. Có thể nói, đây chính là phạm vi của công tác quản lý văn hóa của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sự phân biệt về tính chất và loại hình, nội dung giải pháp và các công cụ lãnh đạo và quản lý văn hóa đối với các thành tố trong cấu trúc văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc nhầm lẫn trong lựa chọn phương thức lãnh đạo, quản lý để áp dụng cho từng đối tượng sẽ khiến cho công tác lãnh đạo, quản lý không đạt được hiệu quả như mong đợi, thậm chí kém hiệu quả, phản tác dụng.

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cả 5 thành tố cơ bản trong cấu trúc văn hóa nói trên là vai trò nổi bật của dư luận xã hội và truyền thông. Điều này ngày càng nghiệm đúng hơn, nhất là trong xã hội kết nối cao do kết quả của toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phóng viên tác nghiệp tại một lễ hội văn hóa truyền thống _Ảnh: Tư liệu

Truyền thông đại chúng, nhất là truyền thông công nghệ cao có vai trò và tác động xã hội rất to lớn trong việc thông tin, gây ảnh hưởng, định hướng giá trị, đạo đức và lối sống. Thông qua truyền thông, việc vinh danh cái tốt, cái thiện, cái văn minh và cái đẹp cũng như việc lên án cái xấu, cái ác, cái “lệch chuẩn” sẽ được thực hiện thường xuyên liên tục, do đó sẽ có hiệu quả tác động cao, bền vững, rộng khắp. Công tác hướng dẫn việc tổ chức đời sống văn hóa, các hoạt động và ứng xử văn hóa cũng có thể thông qua truyền thông hiện đại mà triển khai có hiệu quả hơn; việc phổ biến, hướng dẫn và giám sát thực thi pháp luật và các chế định bắt buộc khác cũng rất hiệu quả. Trái lại, bản thân truyền thông đại chúng cũng là một địa hạt rất quan trọng của đời sống văn hóa, do vậy, nếu không được quản lý tốt, hiệu quả thì chính các phương tiện truyền thông, đặc biệt là in-tơ-nét, mạng xã hội, điện thoại thông minh,... sẽ là những môi trường, những phương tiện lây lan mạnh mẽ các hoạt động, sản phẩm văn hóa “đen”, tiêu cực, phản động, kích động thù hằn xã hội, tôn giáo, kỳ thị văn hóa, bạo loạn chính trị...

Dư luận xã hội cũng vừa là một hợp phần của đời sống văn hóa, vừa là một phương tiện lãnh đạo và quản lý văn hóa có hiệu quả tác động mạnh, cả theo chiều hướng tốt và xấu. Trong một xã hội lành mạnh, được quản lý, lãnh đạo tốt thì dư luận xã hội sẽ đồng thuận và thúc đẩy các hành vi, ứng xử văn hóa tốt đẹp, lành mạnh. Trái lại, dư luận xã hội cũng có thể cổ vũ, làm lây lan nhanh chóng hơn những xu hướng, hành vi văn hóa lệch lạc, không tốt. Điều này đã từng xảy ra trong nhiều xã hội, một khi dư luận xã hội bị ảnh hưởng, thao túng bởi các thế lực nào đó.

Tuy nhiên, giữa lãnh đạo và quản lý cũng có sự phân biệt tương đối với nhau theo nguyên tắc: lãnh đạo là “làm việc đúng” (doing the right things) còn quản lý là “làm cho công việc trở nên đúng” (doing the things right). Mặt khác, trong quản lý cũng có lãnh đạo (lãnh đạo công tác quản lý) và trong lãnh đạo cũng có quản lý (quản lý công tác lãnh đạo). Do sự “chồng lấn” về đặc điểm, tính chất và phạm vi công việc nên trong thực tiễn công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa ở nước ta cho đến nay đang ở trong tình trạng khá lúng túng, vừa chồng chéo, vừa sơ hở, còn thiếu sót, kém hiệu quả. Thực tế này xuất phát từ chỗ chưa phân biệt được vị trí, tính chất, đặc thù của từng thành tố trong cấu trúc văn hóa, do đó chưa có sự lựa chọn phương thức, giải pháp và phương tiện lãnh đạo và quản lý đúng đắn, phù hợp.

Để đổi mới căn bản công tác lãnh đạo và quản lý sự nghiệp phát triển văn hóa ở nước ta theo hướng khoa học, thực tiễn và hiệu quả, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, chú ý đến công tác lãnh đạo văn hóa bằng phương thức gây ảnh hưởng để trên cơ sở đó tác động đến định hướng giá trị văn hóa, đạo đức xã hội và định hướng lựa chọn các lối sống tích cực và lành mạnh. Trong phương thức lãnh đạo này cần đặc biệt chú trọng đến vai trò của các công tác giáo dục văn hóa, tuyên truyền văn hóa và nhất là các hoạt động nêu gương. Cần phải nhấn mạnh rằng: Do trong một thời gian dài chúng ta đã buông lỏng, xem nhẹ và thực hiện chưa đúng các hoạt động giáo dục và tuyên truyền văn hóa nên đã khiến cho hệ giá trị và nền tảng đạo đức xã hội bị xáo trộn, biến đổi theo chiều hướng không tốt; nhiều xu hướng lối sống không lành mạnh lây lan, làm ô nhiễm đời sống văn hóa. Đó chính là những cái gốc sinh ra nhiều hiện tượng, hành vi văn hóa không lành mạnh, lệch chuẩn.

Hai là, xác định rõ phạm vi của công tác quản lý văn hóa, chủ yếu tập trung ở các “địa hạt” đời sống văn hóa và hành vi, ứng xử văn hóa. Trên cơ sở đó áp dụng triệt để phương thức lãnh đạo có tính cưỡng chế đối với các “địa hạt” này. Cơ sở quan trọng nhất của phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa có tính cưỡng chế chính là hệ thống quy định bắt buộc, bao gồm từ các đạo luật cho tới các văn bản hướng dẫn, các quy tắc ứng xử, quy ước cộng đồng. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chế định bắt buộc này phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của quy trình ra quyết định. Đó chính là thực hiện chức năng “kiến tạo” của nhà nước. Khi đã có các chế định bắt buộc thì phải có chế tài thực hiện nghiêm khắc, bảo đảm không có chỗ cho việc thương lượng, tranh luận trên luật pháp. Tuyệt đối từ bỏ tư duy “quản - cấm - buông” như vừa qua: Cái gì không quản được thì cấm, cấm không được thì buông, “trả về cho cộng đồng”.

Ba là, phát huy vai trò tích cực của truyền thông đại chúng, nhất là truyền thông công nghệ cao, và dư luận xã hội trong lãnh đạo, quản lý văn hóa. Truyền thông hiện đại và dư luận xã hội là những công cụ đặc biệt hữu hiệu trong việc gây ảnh hưởng, giáo dục, định hướng và giám sát thực hiện các chế định bắt buộc. Tuy nhiên, đây cũng là những “con dao hai lưỡi”. Nếu không được lãnh đạo, quản lý tốt thì rất dễ phản tác dụng. Công tác lãnh đạo, quản lý truyền thông, vì vậy, phải được đặt ở tầm mức cao nhất trong công tác lãnh đạo và quản lý sự nghiệp văn hóa ở nước ta trong thời gian tới.

Trao truyền giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau _Ảnh: Quang Dũng

Bốn là, vấn đề mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển văn hóa. Đây là một trong những vấn đề cơ bản nhất của công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa hiện nay. Đối với mỗi di sản văn hóa, cần phải nghiên cứu thật cẩn trọng, phân tích, đánh giá từng bộ phận cấu thành, trên cơ sở đó xác định những thành tố nào, những giá trị nào cần được bảo tồn toàn vẹn, nguyên bản, thành tố nào, giá trị nào cần được bảo tồn theo nguyên tắc kế thừa hoặc phát triển; thực hiện nghiêm chỉnh Luật Di sản văn hóa và các điều ước quốc tế, các quy định và hướng dẫn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO); hỗ trợ, nâng cao năng lực và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cộng đồng nhân dân địa phương chính là chủ nhân trực tiếp của các di sản, đời sống của họ gắn với đời sống di sản. Khi di sản được bảo tồn và phát huy giá trị đúng đắn, có hiệu quả thì cộng đồng địa phương chính là một trong những đối tượng được thụ hưởng đầu tiên. Tuy nhiên, để phát huy được vai trò của cộng đồng địa phương cần nâng cao năng lực và trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản của địa phương; tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là hành lang pháp lý, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ và các cơ quan quản lý nhà nước, tránh hiện tượng buông lỏng quản lý, khoán trắng cho địa phương, cộng đồng, hoặc quản lý chặt theo kiểu quan liêu, hành chính máy móc, hoặc khi không quản lý được thì cấm.

Năm là, tiếp thu ảnh hưởng văn hóa của thế giới và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống. Theo đó, thứ nhất, cần tích cực, chủ động, kiên trì xây dựng hành trang văn hóa hội nhập cho dân tộc, nhất là cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Việc này phải được xem là một trong những nội dung cốt lõi của công tác giáo dục, tuyên truyền, lãnh đạo và quản lý văn hóa, thông tin, truyền thông và của toàn xã hội. Thứ hai, phát triển thành công công nghiệp văn hóa, bao gồm cả công nghiệp giải trí chính là “chìa khóa” thành công của sự nghiệp chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa ở nước ta hiện nay. Thông qua đó, các giá trị văn hóa ưu tú của dân tộc sẽ được phát huy và thực sự trở thành một yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm và năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Đất nước ta có tài nguyên di sản văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc, vì vậy cần phát triển nhanh công nghiệp văn hóa để khai thác và phát huy thế mạnh này. Đồng thời, thông qua đó “chiếm lại” và “thống trị” thị trường các sản phẩm dịch vụ văn hóa trong nước, chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Thứ ba, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành và quản lý văn hóa để một mặt đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy quá trình chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa. Mặt khác, tăng cường kỷ cương, hiệu quả công tác quản lý, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, kiên quyết ngăn chặn sự du nhập những yếu tố văn hóa tiêu cực, phản tiến bộ, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc./.

------------------------------

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr.  316 - 321
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 431