Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý đầu tư xây dựng đô thị trung tâm, đô thị lịch sử với kiến tạo các đô thị vệ tinh, hình thành không gian phát triển mới, thúc đẩy đô thị hóa bền vững ở Thủ đô Hà Nội

ĐINH TIẾN DŨNG
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

13:13, ngày 06-07-2023

TCCS - Phát triển bền vững là xu thế, yêu cầu tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm sự ổn định, thịnh vượng toàn xã hội. Phát triển bền vững tại các thành phố lớn của Việt Nam chính là thúc đẩy đô thị hóa bền vững trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa các mặt: cấu trúc không gian đô thị, kết cấu hạ tầng đô thị, dân cư đô thị, kinh tế đô thị, xã hội đô thị, môi trường sinh thái đô thị, quản lý đô thị đáp ứng được nhu cầu phát triển mới của hiện tại mà không làm ảnh hưởng các nhu cầu phát triển của tương lai cũng như bảo tồn được các nét văn hóa lịch sử riêng có của đô thị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, động viên người dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội _Ảnh: TTXVN

Tình hình quản lý quy hoạch, phát triển đô thị ở Thủ đô Hà Nội

Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đánh giá tình hình đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đô thị hóa và phát triển đô thị đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bước đầu hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết cũng chỉ ra một số hạn chế về quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị; tỷ lệ đô thị hóa còn chậm; chất lượng đô thị hóa chưa cao; quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới; kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường..., trong đó có sự nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, Nghị quyết đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; xây dựng và thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc Trung ương, các đô thị trung tâm vùng trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị.

Hà Nội có bề dày lịch sử từ khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ thành Hoa Lư về Đại La, đổi tên là thành Thăng Long, trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, quy mô đô thị từ khi còn nhỏ hẹp đã có nhiều lần điều chỉnh địa giới, quy hoạch để đáp ứng sự phát triển của một trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hiện nay, Hà Nội là một trong những thủ đô có lịch sử hình thành lâu đời và diện tích lớn trên thế giới; là một trung tâm quan trọng nhất của đất nước, có sức hút và tác động phát triển rộng lớn đối với quốc gia và khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Ngày 29-5-2008, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12, “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, theo đó, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của tỉnh Hà Tây được hợp nhất vào thành phố Hà Nội; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của huyện Mê Linh, của 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được chuyển về thành phố Hà Nội với quy mô diện tích tăng gấp 3,63 lần (từ 921,8km2 lên thành 3.344,7km2), gồm 30 quận, huyện, thị xã, với hơn 1.350 làng nghề truyền thống, 5.922 di tích lịch sử; nhiều di sản văn hóa đặc sắc của văn hóa Thăng Long, 36 phố phường, khu phố cổ, phố cũ, khu vực văn hóa xứ Đoài, và nhiều vùng văn hóa khác...; tất cả tiềm năng đó, là điều kiện để Thủ đô thực hiện công tác quy hoạch, tái cơ cấu không gian kinh tế - xã hội, tạo tiền đề, nền tảng để phát triển đồng bộ, bền vững.

Ngày 26-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg, “Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”; theo đó, Hà Nội với vai trò là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mục tiêu: xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi. Theo đó đã hoạch định Thủ đô phát triển theo mô hình cấu trúc “chùm đô thị”, gồm 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (tỷ lệ đất đô thị chiếm khoảng 30%, tỷ lệ nông thôn chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố); đồng thời, thống nhất, đồng bộ triển khai theo định hướng Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 768/QĐ-TTg, ngày 6-5-2016. Đây là những công cụ hết sức quan trọng để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội theo hướng hiện đại, bền vững.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (trong đó, lĩnh vực phát triển đô thị có: Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 17-3-2021, “Về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình số 05-CTr/TU, ngày 17-3-2021, về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025”). Theo đó, một số công tác trọng tâm đã được đẩy mạnh, nhất là công tác triển khai lập quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển đô thị đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Thủ đô. Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường, kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện và hiện đại hóa, vấn đề nhà ở cho nhân dân được cải thiện đã tạo diện mạo mới cho Thủ đô; đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Một số giải pháp quản lý đầu tư xây dựng đô thị trung tâm, đô thị lịch sử với kiến tạo các đô thị vệ tinh, hình thành không gian phát triển mới, thúc đẩy đô thị hóa bền vững

Cho đến nay, sau gần 15 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Luật Thủ đô; Thành ủy đã xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 6-1-2012, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”. Ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày 26-8-2022, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị; trong đó, để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết, đã đặt ra một số quan điểm, mục tiêu và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. 

Hai là, phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hòa, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước.

Bốn là, phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía bắc và cả nước. Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ quy hoạch phát triển nhà ở cao tầng, quy mô dân số khu vực đô thị trung tâm mở rộng tới vành đai 4, hạn chế phát triển nhà ở cao tầng và giảm dân số khu vực nội đô lịch sử (tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Phấn đấu đến năm 2025, thành phố có từ 3 đến 5 huyện và đến năm 2030 có thêm từ 1 đến 2 huyện phát triển thành quận. Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả, bền vững các công trình, không gian lịch sử văn hóa tại khu vực nội đô lịch sử. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Trong đó, nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 16-7-2011, xây dựng “Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”; lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch 2017, bảo đảm tuân thủ đúng định hướng Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị; theo đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị, đồng thời tiếp tục kế thừa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt để phát triển mô hình cấu trúc chùm đô thị, gồm một đô thị trung tâm, đô thị lõi và các đô thị vệ tinh (trong đó, bổ sung định hướng phát triển thành phố thuộc Thủ đô), đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia, theo cấu trúc chính như sau:

Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên, được quy hoạch, phát triển ổn định dựa trên trục cảnh quan trung tâm sông Hồng là trục xanh, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông.

Du khách tham quan ngôi nhà cổ số 87 phố Mã Mây (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) - một trong những ngôi nhà cổ mang kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa được cấp bằng di sản cấp quốc gia _Ảnh: TTXVN

Khu vực nội đô lịch sử (đô thị lõi) giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ... Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, đào tạo, cơ sở y tế không phù hợp ra bên ngoài. Bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học.

Các đô thị vệ tinh, bao gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26-7-2011; trong đó, nghiên cứu điều chỉnh cấu trúc theo định hướng Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, phát triển “Thành phố thuộc Thủ đô” tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) bảo đảm kết nối với hai tỉnh, thành phố lân cận phía bắc (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) để hình thành “Trung tâm của 3 trung tâm” - 3 cụm động lực phát triển kinh tế vùng theo định hướng Quy hoạch vùng Thủ đô (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh); phát triển “Thành phố thuộc Thủ đô” tại khu vực phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) hình thành định hướng đô thị có tính chất khoa học - công nghệ, giáo dục, đào tạo và dịch vụ kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc. Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhiều lĩnh vực, như nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ..., tạo sự liên kết ổn định, bền vững.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, Hà Nội xác định xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh. Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; trong đó chú trọng phân bổ, ưu tiên hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công - tư (PPP), gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Thủ đô.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý đô thị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt ùn tắc giao thông. Khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn lực về tài nguyên, nhất là đất đai; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước ở các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ - sông Đáy, sông Tô Lịch; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch.

Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ đầu tư xây dựng phát triển theo định hướng quy hoạch; xây dựng Chương trình phát triển đô thị; tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, hiện đại; đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; xây dựng, cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện 7 tuyến đường vành đai, 11 đường xuyên tâm: quốc lộ 1A, 1B, quốc lộ 6, quốc lộ 32, vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5 và vành đai 3, vành đai 3,5 và vành đai 4, vành đai 5...; phát triển hệ thống giao thông huyết mạch có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng; phấn đấu hoàn thành đường vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc nhằm sớm tạo động lực lan tỏa, kết nối, phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong khu vực, trong vùng và thúc đẩy các trục liên kết các khu vực trong cả nước.

Trong đó, đặc biệt, Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô dài 112,8km, đi qua Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh (Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thông qua chủ trương triển khai dự án tại Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 20-9-2021; Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 56/2022/QH15, ngày 16-6-2022, “Về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội), coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên để tập trung lãnh đạo nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản của Thủ đô Hà Nội hiện nay, tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh; mở rộng không gian phát triển cho thành phố Hà Nội, tạo sức hút giãn mật độ dân cư ra ngoài khu vực trung tâm, từ đó định hướng và phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có, bảo đảm liên kết vùng, tạo thuận lợi lan tỏa, kết nối, phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc. Đây là một trong những giải pháp của thành phố nhằm thúc đẩy đô thị hóa nhanh, bền vững.

Toàn cảnh nút giao nối đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng _Nguồn: zing.vn

Để đồng bộ với một số giải pháp nêu trên, thành phố kiến nghị với Trung ương một số nội dung như sau:

1- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, làm cơ sở để Thành phố có định hướng, cập nhật, tích hợp thống nhất trong điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng xây dựng các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư ưu tiên có lợi cho liên kết vùng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, các dự án phát triển hạ tầng khung, bảo đảm kết nối đồng bộ.

2- Các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với thành phố, sớm thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành theo Quyết định số 130/QĐ-TTg, ngày 23-1-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về biện pháp, lộ trình di dời, và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội”.

3- Sớm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng bảo đảm thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo; cụ thể là: Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Điều chỉnh về quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị, Luật Điều chỉnh về không gian ngầm; sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở,... tập trung nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện pháp luật liên quan đến đất đai, cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng, quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất, đấu thầu, đấu giá; đặc biệt cần có cơ chế lựa chọn nhà đầu tư có năng lực vượt trội, đáp ứng được việc phát triển các khu đô thị thông minh, mang tính đột phá. Trên cơ sở tổng kết, bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô với nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, khai thác thế mạnh của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô./.