Dự báo đúng thời cơ - một yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng
20:20, ngày 21-04-2020
TCCS - Với bản chất là một Đảng cách mạng, đoàn kết, trí tuệ, khoa học và thực tiễn quá trình đảm trách sứ mệnh lịch sử cao cả của mình trước nhân dân, trải qua 90 năm hoạt động, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, nội dung, tính chất của mỗi cuộc cách mạng rất khác nhau, nhưng Đảng ta đã thường xuyên, liên tục đưa ra các chỉ báo có hệ thống, đầy đủ các cứ luận khoa học và lãnh đạo toàn dân thực hiện đúng đắn các chỉ báo đó, đem lại thắng lợi làm nức lòng người.
Vào những năm 20 - 30 của thế kỷ trước, trên đất nước ta đã có hàng loạt đảng phái chính trị ra đời và hoạt động, như đảng Lập hiến của giới đại địa chủ và tư sản; Việt Nam Quốc dân đảng của giới tiểu tư sản; Thanh niên Cao vọng đảng (đảng Thanh niên); Tân Việt đảng, một đảng cách mạng dân tộc của những trí thức yêu nước... Các đảng phái này đã lần lượt chấm dứt hoạt động và tiêu vong, đó là sự đào thải khách quan của lịch sử. Bởi vì, không đảng phái nào cũng nói đúng tiếng nói của nhân dân là khẩn thiết trút bỏ ách áp bức, nô dịch, đè đầu, cưỡi cổ của thực dân, phong kiến. Duy nhất chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930 bằng Cương lĩnh đầu tiên và bằng hành động của mình đã đáp ứng nguyện vọng lớn lao, cao cả và khẩn cấp của nhân dân ta: “Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng”(1), công nông là gốc cách mạng, hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông. Đảng lãnh đạo cùng toàn dân đứng lên làm cách mạng, giành lại phẩm giá và quyền sống làm người cho nhân dân. Vì thế, ngay lập tức nhân dân hưởng ứng, lựa chọn, gửi gắm “số phận” của mình cùng vận mệnh đất nước cho Đảng và một lòng đi theo Đảng.
Có thể điểm lại những chỉ báo đại diện nhất trong từng giai đoạn lịch sử của Đảng ta từ khi thành lập đến nay:
1- Những năm cuối thập niên 30, đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, bằng sự phân tích tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và cục diện tình hình thế giới, Đảng ta đã dự báo chính xác thời cơ khởi nghĩa và thành công của cách mạng Việt Nam. Lịch sử đất nước trong giai đoạn này dày đặc các sự kiện, các biến cố quan trọng, trong đó có bốn sự kiện rất đáng lưu ý.
Một là, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa I do đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập họp tại Pắc Bó (Cao Bằng) từ ngày 10-5 đến ngày 19-5-1941. Hội nghị bàn nhiều vấn đề hệ trọng của cách mạng, trong đó có hai điều dự báo kỳ diệu: Đảng “có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”(2); “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”(3). Bốn năm sau, vào năm 1945, tình hình thế giới và trong nước diễn ra hoàn toàn đúng như thế.
Hai là, Hội nghị Thường vụ Trung ương họp ở Võng La, Đông Anh, Phúc Yên (nay thuộc Hà Nội) từ ngày 25-9 đến ngày 28-9-1943 đã chỉ rõ hai thời cơ khởi nghĩa: “Rồi đây, những thắng lợi của Liên Xô, sự tan rã của phát xít quốc tế và sự cùng khổ của nhân dân các nước phát xít sẽ thúc đẩy cho cách mạng bùng nổ tại nhiều nước”, toàn bộ công tác của Đảng phải nhằm vào chỗ chuẩn bị khởi nghĩa để một khi cơ hội đến, kịp thời đưa quần chúng nhân dân ra chiến đấu. Một thời cơ khác, đó là khi “quân Anh - Mỹ - Trung Quốc sẽ vào Đông Dương diệt Nhật”(4). Dự báo được thời cơ khởi nghĩa (chuyện nghìn năm có một) đã là điều không đơn giản, nhưng dự báo đúng thời điểm xuất hiện, hình thái xuất hiện của thời cơ lại càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Vậy mà Đảng ta đã dự báo rất chính xác. Trong thư gửi đồng bào tháng 10-1944, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”(5). Tiên đoán này đã được đồng chí Tố Hữu thể hiện một cách chuẩn xác trong bài thơ Xuân đến đầu năm 1945: Hỡi người bạn! Vui lên đi Ất Dậu / Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công.
Ba là, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng họp ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) từ tối ngày 9-3 đến 12-3-1945, xuất phát từ nhận định tình hình thực tiễn đã ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị này là bản cương lĩnh hành động gấp rút chuẩn bị mọi mặt tiến tới Tổng khởi nghĩa. Chỉ thị nêu rõ, “Phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa” và “sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện”(6). Sau Hội nghị này, hàng loạt cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở các địa phương và giành được thắng lợi.
Bốn là, Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 13-8-1945) và Quốc dân Đại hội Tân Trào (Tuyên Quang) diễn ra trong các ngày 15 và 16-8-1945. Xuất phát từ tình hình Chiến tranh thế giới thứ hai đang đi đến giai đoạn kết thúc; ngày 2-5, Liên Xô đánh chiếm Béc-lin, tiêu diệt phát-xít Đức tận hang ổ của chúng; ngày 8-5, phát-xít Đức đầu hàng không điều kiện; ở châu Á, phát-xít Nhật đang lao nhanh tới thảm bại hoàn toàn..., Hội nghị nhận định: “cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”(7) và quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Hội nghị đã đề ra ba nguyên tắc hành động: Tập trung, thống nhất, kịp thời và quyết định những chủ trương lớn để chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa “quân sự và chính trị phải phối hợp”; “làm tan rã tinh thần quân địch và dụ chúng hàng trước khi đánh”; “nơi nào cần và ăn chắc thì đánh”(8), không kể thành phố hay thôn quê. Trước giờ phút quyết định, đồng chí Hồ Chí Minh - Lãnh tụ của Đảng và dân tộc ta - Người tượng trưng cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân ta đã khẳng định: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do”(9). Người kêu gọi đồng bào cả nước: “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(10). Ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và 11 giờ đêm hôm đó, Ủy ban đã ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa.
Cả nước ta sôi sục khí thế cách mạng. Bốn tỉnh giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất là Bắc Giang, Hải Dương, Tuyên Quang và Hà Tĩnh. Song, cuộc Tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi có tính quyết định khi các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19-8), ở Huế (ngày 23-8) và Sài Gòn (ngày 25-8) hoàn toàn thắng lợi. Tổng khởi nghĩa đã diễn ra đúng như chỉ báo của Đảng: Quân sự và chính trị phối hợp hài hòa, làm cho địch tan rã từng mảng và đầu hàng cách mạng; đánh chiếm trước những nơi chắc thắng, không kể là thành thị hay nông thôn. Khởi nghĩa đã diễn ra theo những quá trình rất sinh động và linh hoạt. Ở 28 tỉnh, phần lớn là ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, khởi nghĩa nổ ra từ xã lên huyện, rồi lên tỉnh; 24 tỉnh thuộc Nam Kỳ và Trung Kỳ, khởi nghĩa nổ ra ở tỉnh trước, rồi kết thúc thắng lợi ở huyện và xã; 7 tỉnh, khởi nghĩa nổ ra đồng thời ở tỉnh, huyện và xã.
Dự báo đúng thời cơ, chỉ báo đúng thời điểm, phát động toàn dân khởi nghĩa, hành động mau lẹ, kịp thời, kiên quyết và quả cảm trong những giờ phút quyết định của lịch sử là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.
2- Khi thực dân Pháp có dã tâm gây chiến tranh hòng cướp nước ta một lần nữa, tương quan lực lượng quân sự chênh lệch quá lớn, bất lợi cho ta; nhưng bằng những luận cứ khoa học và thực tiễn, Đảng ta đã chỉ báo ngay từ những ngày đầu rằng, “Kháng chiến nhất định thắng lợi”(11) và ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Với sự phân tích tình hình địch, ta một cách khoa học, trải qua ba giai đoạn, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc kháng chiến và giành được những thắng lợi quan trọng có tính chất cột mốc:
- Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947: Ngay từ đầu quân ta đã bắn rơi máy bay chỉ huy của giặc, tên quan 5 Lăm-be, Tổng tham mưu phó quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và Bộ tham mưu chiến dịch của chúng bị tiêu diệt. Binh đoàn Com-muy-nan phải bỏ Đầm Hồng (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) rút về Hà Nội; Binh đoàn Bo-phơ-re đến được Bắc Kạn thì tiêu hao hết lực lượng; Binh đoàn Xô-va-nhac bị ta bao vây giữa núi rừng trùng điệp, đến ngày 19-11-1947 phải tháo lui. Quân và dân ta chặn đánh các ngả rút lui của địch; nhiều đoàn ca-nô, tàu chiến của chúng bị ta bắn chìm trên sông Lô, 18 máy bay bị hạ, nhiều đoàn xe địch bị đốt cháy trên đường số 4; 3.300 tên địch bỏ xác, 3.900 tên khác bị thương, 227 tên ra hàng... Việt Bắc trở thành mồ chôn quân thù(12).
- Chiến thắng biên giới Thu - Đông năm 1950: Trước khi bước vào chiến dịch này, trên khắp đất nước một loạt chiến dịch đã được mở ra trong năm 1949 (Hạ Lào, Tây Bắc, Hòa Bình, Gia Lai, Mỹ Tho, Dầu Tiếng, Bến Cát...). Tháng 9-1950, ta lần lượt đánh chiếm thị trấn Đông Khê, tiêu diệt một tiểu đoàn lính Âu - Phi, một trung đội pháo địch, tiêu diệt toàn bộ 2 binh đoàn Âu - Phi Lơ-pa và Sác-tông, diệt 3.000 tên, bắt sống 1.700 tên cùng toàn bộ Ban chỉ huy binh đoàn... Thắng lợi của chiến dịch biên giới đã phá tan kế hoạch “Khóa cửa biên giới” của Rơ-ve, giải phóng 35 vạn dân, 4.500km2 đất đai, 6 thị xã, thị trấn (Cao Bằng, Thất Khê, Đông Khê, Na Sầm, Đồng Đăng và Lạng Sơn).
- Thực hiện cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong cuộc tiến công này, ta đã tiêu diệt 11,2 vạn tên địch trên các chiến trường, thu 19 nghìn súng các loại, phá hủy 177 máy bay, 81 đại bác. Riêng mặt trận Điện Biên Phủ, ta diệt và bắt sống 1,6 vạn tên, trong đó có 1 tướng, 16 tá, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí của địch. Với những thắng lợi to lớn đó của chúng ta, ngày 20-7-1954, tại Giơ-ne-vơ, Chính phủ Pháp buộc phải ký kết Hiệp định đình chiến với Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ lâu dài, gian khổ đã kết thúc thắng lợi vẻ vang. Chỉ báo của Đảng “kháng chiến nhất định thắng lợi” đã trở thành hiện thực sống động.
Các thế hệ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi đọc lại những trang sử hào hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp đều vô cùng thú vị về những chỉ báo khoa học này. Bởi vì trong điều kiện chính quyền non trẻ vừa mới ra đời, nạn đói năm 1945 do đế quốc - phát-xít gây ra cướp đi 2 triệu sinh mạng, hậu quả còn nghiêm trọng thì tiếp đến là lũ lụt lớn đã làm vỡ đê ở 9 tỉnh Bắc Bộ; sau lũ lụt lại đến hạn hán, 50% ruộng đất bị bỏ hoang; sản xuất công nghiệp bị đình đốn vì địch phá hủy, hàng vạn công nhân mất việc làm... Trong rối ren và khó khăn chồng chất như thế mà nhìn tường tận được đường đi, nước bước và tin tưởng chắc chắn sẽ chiến thắng trong tương lai là một sự kỳ diệu đến kinh ngạc. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân sinh quan cách mạng khoa học và thực tiễn mới có được cái nhìn sáng suốt, thấu đáo như thế.
3 - Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam nước ta, hất cẳng Pháp hòng biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Một lần nữa, nhân dân ta phải đứng lên giải phóng đất nước. Nhưng từ những ngày đầu của cuộc chiến đấu, Đảng ta đã chỉ báo “... Cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới: đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch, và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”(13). Cách đánh (nghệ thuật chiến thắng) là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Dưới sự lãnh đạo tài trí của Đảng, kết hợp nhuần nhuyễn ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, nhân dân ta đã trải qua năm chặng đường chiến thắng trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam:
- Làm phá sản chiến lược Ai-xen-hao, một hình thức điển hình của chủ nghĩa thực dân mới trong những năm 1954 - 1960 và kết thúc thắng lợi của phong trào Đồng khởi cuối năm 1959 đầu năm 1960.
- Đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ trong những năm 1960 - 1963 bằng một loạt chiến thắng có tầm vóc lịch sử (Ấp Bắc tháng 1-1963; Bình Giã tháng 12-1964; Ba Gia, Bà Rá; Núi Thành tháng 5-1965; Vạn Tường tháng 8-1965... làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Xta-lây Tay-lơ và kế hoạch Giôn-xơn - Mắc Na-ma-ra).
- Đánh bại “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ trong những năm 1965-1968 với những chiến thắng ở một trình độ quân sự đỉnh cao. Đó là chiến thắng mùa khô 1965 - 1966, ta đánh bại “Chiến dịch 5 mũi tên” của địch nhằm tấn công vào cửa ngõ Tây Bắc và Đông Bắc Sài Gòn, vào Nam Phú Yên, Nam Quảng Ngãi và Bắc Bình Định; chiến thắng mùa khô 1966 - 1967, phá tan 3 cuộc hành quân lớn của Mỹ (Át-tơn Bo-rơ với 3 vạn quân đánh vào khu Dương Minh Châu; Xê-đa-phôn với 3 lữ đoàn đánh vào Bến Súc; Gian-xơn Xi-ti với 4,5 vạn quân, 1.000 xe tăng, thiết giáp và cơ giới đánh vào Bắc Tây Ninh); và sau đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân - dân miền Nam Tết Mậu Thân năm 1968 đánh vào 64 thành phố, thị xã, huyện lỵ, chi khu quân sự, cùng hàng trăm sân bay, kho tàng, khu hậu cần dự trữ chiến lược của địch. Hàng triệu quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ với mức độ khác nhau.
- Làm thất bại hoàn toàn “Học thuyết Ních-xơn” thể hiện trong kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” vào những năm 1969 - 1973 với những chiến thắng vang dội, đặc biệt là những chiến thắng trong năm 1972 (ở miền Nam nửa triệu quân ngụy phải loại khỏi vòng chiến, hơn 50% số sư đoàn, gần 70% số trung đoàn và lữ đoàn ngụy bị tiêu diệt hoặc bị đánh thiệt hại nặng; địa phương quân và phòng vệ dân sự tan rã từng mảng; ở miền Bắc, quân và dân ta đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Trong 12 ngày đêm, chúng ta đã bắn hạ 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 pháo đài bay B52 và 5 F111 cánh cụp, cánh xòe). Ngày 27-1-1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam với những điều, khoản bảo đảm các yêu cầu cơ bản của ta. Ngày 29-3-1973, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ, toàn bộ quân viễn chinh Mỹ và chư hầu phải rút hết về nước.
- Đánh bại quân xâm lược Mỹ và tay sai âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng và vùng tranh chấp trong những năm 1973 - 1975. Bằng cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với chủ trương, biện pháp của Bộ Chính trị “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” tiến vào giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa, chúng ta đã thực hiện trọn vẹn lời Bác chỉ dẫn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Từ những chỉ báo chuẩn xác của Đảng về mục tiêu chiến đấu, về chiến lược, chiến thuật tiến công, chúng ta đã đánh bại một đối phương có tiềm lực kinh tế rất mạnh, có lực lượng quân sự khổng lồ và có những phương tiện chiến tranh hiện đại bậc nhất thế giới. Với chiến thắng trọn vẹn của công cuộc chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã hoàn thành vẻ vang cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước.
Với chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước, những gì thuộc về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới; giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển và hải đảo.
4 - Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, những chỉ báo đúng đắn của Đảng trong sự nghiệp đổi mới là nhân tố đầu tiên đưa đất nước ta đến những thành tựu mới, tạo đà phát triển đi lên. Đổi mới ở nước ta hay cải cách, cải tổ ở các nước, điều hết sức quan trọng là phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa “đổi mới kinh tế” và “đổi mới chính trị”. Nếu xác định không chuẩn xác mối quan hệ này thì chính đây là một nguy cơ cho đổi mới. Thực tiễn ở một số nước cho thấy, khi đã lầm lỡ, chọn bước đi sai, xác định mối quan hệ này không đúng thì chẳng những không cải tổ được gì mà còn đẩy lùi đất nước đến bờ vực thẳm và sụp đổ. Sau khi đất nước tan rã, năm 1992 một nhân chứng của Liên Xô trước đây, ngài Rư-scốp (nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã viết trong hồi ký của mình “Cải tổ: Lịch sử của những sự phản bội” rằng, bước vào cải tổ, những vấn đề tư tưởng, chính trị, dân chủ không thể nào tiêu hóa được trong cái dạ dày kinh tế rách nát... Câu nói đó như một kết luận từ thực tiễn, không thể cải tổ chính trị trước khi cải tổ kinh tế.
Ở nước ta, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã chỉ báo mạch lạc và hành động đúng đắn, dứt khoát: “Trong quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, chúng ta tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị. Không thể tiến hành cải cách hệ thống chính trị một cách vội vã khi chưa đủ căn cứ, mở rộng dân chủ không có giới hạn, không có mục tiêu cụ thể và không đi đôi với tập trung thì dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, gây thiệt hại cho sự nghiệp đổi mới”(14). Thực tiễn ngày càng chứng minh chỉ báo trên đây của Đảng ta có độ chính xác “tuyệt đối”. Bản “thiết kế” về đường lối đổi mới của Đảng và do chính Đảng lãnh đạo, Nhà nước và nhân dân thực thi ngày càng đem lại hiệu quả lớn lao, vĩ đại.
Dự báo chiến lược là một công việc có tầm quan trọng hàng đầu trong lãnh đạo và quản lý. Ở mỗi một lĩnh vực, công việc này đã khó, nhưng dự báo có tính chất chỉ dẫn, chỉ báo cho vận mệnh của cả một quốc gia, một dân tộc trong mỗi chặng đường, mỗi cuộc cách mạng càng khó gấp bội lần. Với sứ mệnh cao cả mà nhân dân ta tin tưởng giao phó, Đảng ta đã tập trung mọi sức lực, trí tuệ, vận dụng nhuần nhuyễn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các khoa học khác, đã đưa ra các chỉ báo đúng đắn, chính xác cho mỗi giai đoạn cách mạng và toàn bộ công cuộc cách mạng. Đó cũng chính là cơ sở, là căn cứ vững chắc của kết luận: Đảng ta - Người thiết kế, kiến tạo, Người tổ chức mọi thành công - thắng lợi của đất nước./.
--------------------------
(1) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 16
(2) Văn kiện Đảng Toàn tập: Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 131 – 132
(3), (4) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tr. 100, 314
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 505 - 506
(6), (7), (8) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 367, 424, 429
(9) Võ Nguyên Giáp: Hồi ký Những năm tháng không thể nào quên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1974, tr. 10
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 3, tr. 554
(11) Trường Chinh: Phát triển theo Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng, ngày 22-12-1946
(12) Tư liệu các cuộc chiến tranh từ Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Sách giáo khoa Mác-Lê-nin, Hà Nội, 1983, t. I, 1984, t. II
(13) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2002, t. 20, tr. 85
(14) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, Hà Nội, 2007, t. 49, tr. 745