Chủ nghĩa tư bản toàn cầu trong tiến trình phát triển của nhân loại: Sự ra đời, đặc điểm và những bản chất mâu thuẫn cố hữu

PGS, TS NGUYỄN VIẾT THẢO
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

11:46, ngày 30-09-2023

TCCS - Sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, một mặt, dựa trên tính sinh động, linh hoạt, ở năng lực điều chỉnh, thích nghi với hoàn cảnh mới; mặt khác, những giới hạn, mâu thuẫn, bất cập nội tại của chủ nghĩa tư bản ngày càng bộc lộ rõ. Chưa bao giờ chủ nghĩa tư bản có quy mô toàn cầu và ưu thế như hiện nay, “Tuy nhiên chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra”(1). Nhân dân thế giới vẫn luôn quyết liệt đi tìm những phương án thay thế chủ nghĩa tư bản.

Quá trình hình thành và đặc trưng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu

Từ cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn phát triển mới, được gọi là thời kỳ chủ nghĩa tư bản toàn cầu (global capitalism) với những đặc trưng mang tính toàn cầu; là sản phẩm của xu thế toàn cầu hóa gắn với lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất có trình độ xã hội hóa ở quy mô toàn cầu; mặt khác, sự bùng nổ mạng lưới các công ty xuyên quốc gia và internet tạo ra nền tảng to lớn để chủ nghĩa tư bản thực hiện tham vọng lũng đoạn, khống chế toàn cầu(1). Bên cạnh đó, chủ nghĩa tư bản toàn cầu ra đời còn dựa trên sự hậu thuẫn từ nhiều biến cố chính trị, như sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, sự sụp đổ của bức tường Béc-lin, sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa Liên Xô và các nước Đông Âu; sự phá sản của các phương án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội do các chính quyền cánh tả, tiến bộ, cách mạng triển khai ở đông đảo các nước thuộc Thế giới thứ ba,...

Năm 1989, chương trình Đồng thuận Oa-sinh-tơn (Washington Concensus) được ký kết giữa Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Mỹ nhằm thống nhất 10 chính sách kinh tế vĩ mô áp dụng trên phạm vi toàn cầu, trong đó nhấn mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư, thả nổi tỷ giá tiền tệ, tư nhân hóa, giảm can thiệp của nhà nước quốc gia,... Đến năm 1995, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời, thay thế Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), chính thức xác lập thị trường tự do toàn cầu đối với sự lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ, hình thành chuỗi giá trị toàn cầu. Đây được xem như những sự kiện đánh dấu bước chuyển của chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa tư bản toàn cầu, với những đặc trưng là tư bản xuyên quốc gia, quyền lực nhà nước tư bản xuyên quốc gia và giai cấp tư sản toàn cầu(3); đồng thời, quá trình quốc tế hóa, toàn cầu hóa kinh tế kéo theo sự ra đời của hàng loạt công ty độc quyền xuyên quốc gia hoạt động như hệ thống quyền lực kiểm soát nền sản xuất, kinh doanh toàn cầu.

Mặt khác, điều kiện tiên quyết để tư bản xuyên quốc gia hoạt động thuận lợi là hạn chế, bãi bỏ mọi hàng rào, ranh giới trong hệ thống thị trường toàn cầu; bởi vậy, họ luôn giương cao lá cờ tự do hóa kinh tế, thương mại, đầu tư, phi điều tiết nhà nước. Những thập niên qua, tư bản xuyên quốc gia ngày càng lan rộng, trở thành yếu tố hữu cơ trong nền kinh tế của nhiều nước phát triển, đang phát triển và chậm phát triển; có đóng góp không thể phủ nhận cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, dân tộc.

Đến cuối năm 1998, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, đại diện của hơn 600 tập đoàn xuyên quốc gia đến từ 67 nước đã ký Hiệp định Đầu tư đa phương (MAI), chính thức tạo lập khung khổ thể chế mở đường cho tư bản xuyên quốc gia hoạt động trên phạm vi toàn thế giới. Đến nay, hàng loạt hệ thống hiệp định tự do thương mại, đầu tư do chính phủ các nước ban hành, nhất là các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới tạo ra nhiều thuận lợi cho tư bản nước ngoài xuất hiện tràn ngập thị trường quốc nội; từ đó, nền kinh tế thế giới dần chuyển mình thành nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ không chỉ được mở rộng về lượng, mà còn biến đổi về chất theo hướng hội nhập, nhất thể hóa xuyên quốc gia, hình thành chuỗi giá trị toàn cầu mang đặc điểm mới của toàn bộ nền sản xuất, kinh doanh trên thế giới ngày nay.

Về quyền lực nhà nước tư bản xuyên quốc gia:

Nhà nước tư bản xuyên quốc gia là loại hình và phương thức thực hiện quyền lực nhà nước tư bản vượt qua biên giới quốc gia (dù không thành lập chính phủ xuyên quốc gia), chi phối các quá trình an ninh và phát triển trên thế giới. Trong nhiều trường hợp, quyền lực nhà nước tư bản xuyên quốc gia được thực hiện dưới vỏ bọc các hoạt động quản trị toàn cầu (global governance) trong bối cảnh không có chính phủ toàn cầu (global government), biểu hiện ở hệ thống định chế, thể chế, luật pháp quốc tế cùng các chuẩn mực, tiêu chuẩn, tiêu chí ngày càng chặt chẽ, tinh vi được thực hiện trên phạm vi toàn cầu thông qua hàng loạt công ước, hiệp định, hiệp ước quốc tế,... Những năm gần đây, các thế lực tư bản toàn cầu chủ động đề xướng khung khổ chung cho nguồn hàng hóa công toàn cầu (global public good), chính sách công toàn cầu (global public policy), xã hội dân sự toàn cầu (global civil society), xã hội quốc tế (international society),...

Về giai cấp tư sản toàn cầu:

Hệ quả tất yếu của sự phát triển, lớn mạnh của hệ thống tư bản xuyên quốc gia là giai cấp tư sản toàn cầu. Họ không còn là sản phẩm thuần túy của nền sản xuất quốc gia, mà trở thành một giai cấp mang tính toàn cầu, đánh dấu bước tiến mới từ giai cấp “tự nó” thành giai cấp “vì nó” trong giai đoạn hiện nay.

Nhìn chung, giai đoạn phát triển mới mang lại cho chủ nghĩa tư bản nhiều thành công, sức mạnh và vị thế, như sự tăng trưởng trong sản xuất, ngoại thương, đầu tư toàn cầu, phát triển khoa học - công nghệ hiện đại, sức mạnh hệ thống được củng cố trước các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, phiên bản “chủ nghĩa tư bản toàn cầu” đang làm trầm trọng hơn những mâu thuẫn nội tại trong lòng chủ nghĩa tư bản mà trong suốt trên dưới 300 năm qua vẫn là những hạn chế lịch sử không thể vượt qua! Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã sáng suốt nhận định: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra”(4).

Về bản chất, chủ nghĩa tư bản vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công _Nguồn: shutterstock.com

Những vấn đề của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hiện nay

Thực tế, mầm mống bất ổn, suy sụp của chủ nghĩa tư bản toàn cầu luôn hiện hữu, như cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á (năm 1997 - 1998) tác động, làm xuất hiện sự tháo chạy rối loạn của các dòng tư bản xuyên quốc gia; phong trào chống toàn cầu hóa làm rung chuyển thành phố Xi-a-tơn (Seattle - Mỹ) (tháng 11-1999) nhằm phản đối gay gắt cuộc họp bộ trưởng thương mại các thành viên WTO trở thành phong trào xuyên quốc gia thể hiện sự phê phán toàn cầu đối với kiểu toàn cầu hóa từ trên xuống (do các tập đoàn tư bản độc quyền và các ông chủ tư bản chi phối), đồng thời kêu gọi một kiểu toàn cầu hóa từ dưới lên, công bằng hơn, dân chủ hơn, bao trùm hơn. Đến năm 2001, kinh tế thế giới rơi vào cuộc đại suy thoái, tiếp đó, năm 2008, thế giới tiếp tục phải hứng chịu cuộc đại khủng hoảng kinh tế do chủ nghĩa tư bản toàn cầu gây ra và đến nay vẫn chưa thật sự kết thúc.

Trước sự tan rã của Liên Xô (năm 1991), các thế lực tư bản toàn cầu hoan hỷ tung hô luận thuyết của Ph. Phư-kư-i-a-ma (F. Fukuyama) rằng chủ nghĩa tư bản là đích đến của lịch sử loài người. Nhưng chính lịch sử chứng minh một hiện thực khác hẳn! Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu là một tất yếu do chính cái lô-gíc nội tại đã tạo ra nó gây ra; điều này được chính các nhân vật tinh hoa của thế giới tư bản cảnh báo một cách gay gắt từ rất sớm, trong đó có Giáo sư Giép-ph-rây Xách-sơ (Jeffrey Sachs) của Đại học Cô-lum-bi-a (Columbia - Mỹ), nhà tư vấn thường trực của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); Giáo sư Pôn C-rắc-man (Paul Krugman) của Đại học P-rin-xơ-tơn (Princeton - Mỹ), một trong những tác giả soạn thảo Đồng thuận Oa-sinh-tơn; Cô-phi An-nan (Kofi Annan) - Tổng Thư ký Liên hợp quốc; Giô-dép X-tíc-lít-z (Joseph Stigliz) - người đạt Giải thưởng No-ben Kinh tế năm 2001,... Nhìn chung, khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu được biểu hiện qua 4 nội dung: 1- Sự mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng trong bối cảnh tích lũy tư bản khổng lồ tạo ra nền siêu sản xuất đối lập với một thị trường có sức mua suy giảm; 2- Phân cực xã hội ngày càng lớn và trên phạm vi toàn cầu; 3- Tính chính danh và quyền lực chính trị của nhà nước tư sản bị phê phán, bác bỏ một cách gay gắt, quyết liệt; 4- Tính bền vững của sự phát triển không được bảo đảm.

Về mâu thuẫn cung - cầu:

Đây là mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản trong mọi giai đoạn phát triển, được quyết định bởi quy luật bóc lột giá trị thặng dư từ phương thức sản xuất và chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa. Trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, mâu thuẫn này có một số biểu hiện mới, như nền siêu sản xuất tư bản chủ nghĩa được mở rộng trên phạm vi toàn thế giới, thu hút hàng trăm triệu lao động vốn là nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức,... vào thị trường lao động và thị trường tiêu thụ do tư bản xuyên quốc gia chi phối; mặt khác, nguồn lao động giá rẻ tạo điều kiện cho nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, vốn đã có quy mô rất lớn, ngày càng “phình to” hơn. Bên cạnh đó, việc áp dụng tư liệu sản xuất và dây chuyền công nghệ hiện đại đã đẩy hàng loạt đội ngũ lao động vào đội quân thất nghiệp (chiếm tỷ lệ 1/3 tổng lượng lao động thế giới năm 1999); khối lượng hàng hóa khổng lồ được sản xuất hằng năm ngày càng dư thừa, không chỉ gây ra khủng hoảng, mà còn gây rối loạn cả hệ thống tư bản toàn cầu.

Trong tình hình đó, các nhà đầu tư tư bản toàn cầu lao vào các thị trường đầu tư mới, đầy cám dỗ và rủi ro, như đầu cơ tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản,... Tuy vậy, nền kinh tế ảo (virtual economy) hình thành từ giao dịch tài chính thuần túy gắn với giá trị gia tăng của hệ thống cổ phiếu tạo ra lớn hơn gấp nhiều lần nền kinh tế thực (real economy) do nền sản xuất hàng hóa tạo ra. Trước kia, chủ nghĩa tư bản thường giải quyết khủng hoảng cung - cầu bằng việc mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua chiến tranh xâm chiếm lãnh thổ nhằm tạo ra ngoại vi cứu cánh cho nền sản xuất hoặc dùng các đòn bẩy vĩ mô theo công thức Kên-xơ (Keynes), kích thích lượng cầu mới phù hợp với từng quốc gia; tuy nhiên, các giải pháp, chính sách trên không còn dư địa để triển khai, đẩy chủ nghĩa tư bản toàn cầu rơi vào khủng hoảng và phải đối mặt với những thách thức chưa có lời giải, lối thoát.

Về vấn đề phân cực xã hội trên phạm vi toàn cầu:

Hiện nay, khi loài người sản xuất ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ chưa từng có, có thể bảo đảm dư dật lương thực, thực phẩm cho toàn bộ dân số thế giới, nhưng như một nghịch lý, danh sách quốc gia kém phát triển nhất vẫn ở con số lớn. Trong khi đó, ngoại trừ vài trường hợp của các quốc gia công nghiệp hóa mới (NICs), tuyệt đại đa số quốc gia đang phát triển vẫn xoay xở trong bẫy thu nhập trung bình; thế giới vẫn còn khoảng 900 triệu người nghèo đói cùng cực; tuổi thọ bình quân của người dân các nước công nghiệp phát triển hiện nay cao hơn 32 năm so với người dân các nước châu Phi (Nam Xa-ha-ra).

Mặt khác, bình quân tỷ suất chiếm đoạt lợi nhuận trong các nước tư bản phát triển là 300% (có những nơi lên tới 700% - 800%), nên “nhà nước phúc lợi”, “chủ nghĩa tư bản nhân dân” và “chủ nghĩa tư bản xã hội”,... không phải là biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, xóa bỏ nghèo khổ, mà chỉ nhằm duy trì sự nghèo khổ trong trật tự. Bên cạnh đó, khoảng 60% GDP toàn cầu nằm trong tay 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới; khoảng cách giữa 1% giới siêu giàu và 99% còn lại của thế giới ngày càng có xu hướng tăng; 82% của cải trên thế giới được tạo ra rơi vào túi 1% số người giàu nhất thế giới - những người đang sở hữu lượng tài sản gấp hơn 2 lần tổng tài sản của 6,9 tỷ người còn lại. Năm 2022, khoảng 207 triệu người thất nghiệp, tăng 21 triệu người so với năm 2019; ngay trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vẫn còn 773 triệu người không biết đọc, biết viết(5). Thực tế, xã hội tư bản hiện đại luôn có từ 15% - 20% dân cư nghèo khổ, cho dù họ luôn tuyên bố “tấn công” vào nghèo đói, điều này chứng minh mô hình cơ cấu tự nhiên của xã hội tư bản không thể giảm nghèo, mà chỉ để chịu đựng cảnh nghèo túng(6). Nhìn rộng hơn, sự giàu sang của một nhóm người hay một số quốc gia phải được đánh đổi bằng sự bần cùng của nhóm người, quốc gia khác - đây là một nghịch lý đáng sợ bậc nhất mà chủ nghĩa tư bản toàn cầu tạo ra cho thế giới đương đại.

Về mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chủ nghĩa tư bản:

Như một tất yếu của phương thức phát triển phân cực, loại trừ nhau, mâu thuẫn, xung đột trong xã hội tư bản lan rộng toàn thế giới; chiến tranh nổ ra nhiều nơi; quyền lực chính trị của nhà nước tư sản bị phê phán, bác bỏ ngày càng gay gắt, quyết liệt. Những hành động phản kháng xuất hiện ở khắp các quốc gia tư bản chủ nghĩa, điển hình là Mùa Xuân Ả rập (năm 2011), khi hàng triệu người xuống đường và bằng bạo lực chính trị lật đổ chính quyền ở Tuy-ni-di, Ai Cập, An-giê-ri, Yê-men, Ma-rốc và các quốc gia Ả-rập khác, làm dấy lên phong trào chống đối dân sự chưa có tiền lệ trong nền chính trị đương đại(7); đặc biệt, họ chống đối không chỉ vì đói nghèo thuần túy, mà trước hết là vì bất công xã hội. Những cuộc khủng hoảng, xung đột vũ trang, bất ổn triền miên ở các vùng Trung Đông, Trung Á, Ban-căng, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Đông Nam Á,... tuy khác nhau, nhưng nguồn gốc chung đều bắt nguồn từ chính cảnh đình trệ kinh tế kéo dài suốt hai thập niên đầu thế kỷ XXI và bất công xã hội ngày càng trầm trọng trên quy mô toàn cầu(8).

Biểu tình nhằm phản đối chính sách tăng thuế và tăng giá xăng của chính phủ Pháp biến thành bạo loạn trên đại lộ Champs Élysées, thủ đô Paris (Pháp) _Nguồn: Reuters

Chủ nghĩa tư bản toàn cầu trở về với bản chất bóc lột, hiếu chiến

Tình trạng bất ổn, xung đột của xã hội tư bản là hệ quả tất yếu của tình trạng siêu bóc lột và mô hình phát triển loại trừ nhau do chủ nghĩa tư bản toàn cầu gây ra; là bản chất của đối kháng giai cấp giữa công nhân và tư sản, giữa lao động và tư bản; đồng thời, cũng là hệ quả của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo, chủ nghĩa A-pác-thai,... được đẩy lên quy mô toàn cầu. Để kiểm soát các lực lượng đối lập đông đảo này, các nhà nước tư sản ngày càng tăng cường sức mạnh bạo lực và các biện pháp trấn áp chứa vỏ bọc tinh vi, tạo ra hình ảnh của nhà nước kiểm soát xã hội (state of social control), một thứ “chủ nghĩa phát xít thân thiện” (friendly fascism)(9).

Sau sự kiện 11-9-2001, chủ nghĩa tư bản toàn cầu do Mỹ đứng đầu ráo riết đẩy mạnh đường lối chính trị cực đoan, thể chế hóa nhiều hình thức trấn áp xã hội và huy động tổng lực cho chiến tranh phòng tình huống cần thiết (chính quyền Mỹ và các thế lực tư bản toàn cầu nói chung công khai tuyên bố áp dụng mô hình nhà nước kiểm soát xã hội, tăng cường bạo lực vũ trang trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội). Các cuộc chiến tranh ở không gian Nam Tư cũ, Cô-xô-vô, I-rắc, Áp-ga-nít-x-tan, Xi-ri... và các cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu - Đại Tây Dương đều nhằm mục đích tạo lập, củng cố thị trường độc quyền cho các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia; đồng thời, tạo động lực nuôi dưỡng các tổ hợp công nghiệp quân sự khổng lồ của tư bản toàn cầu, hòng tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh mới, dưới sự dẫn dắt của siêu cường Mỹ nhằm hóa giải “nguy cơ Trung Quốc cộng sản”(10).

Kể từ khi xảy ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại U-crai-na (24-2-2022), các thế lực tư bản toàn cầu ráo riết cố kết triển khai các hành động tập thể một cách rất lợi hại, cùng nhau thực hiện 11 gói trừng phạt Liên bang Nga, cố tình chia tách thế giới, quyết tâm mở rộng EU, NATO. Mặt khác, chủ nghĩa tư bản toàn cầu tiếp tục cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc; bao vây, cấm vận Cu-ba trong suốt hơn 60 năm qua; thù địch chống Bắc Triều Tiên, Vê-nê-zu-ê-la, I-ran,...; ủng hộ các thế lực cực hữu, phản động tiến hành các hoạt động cực đoan, phát xít mới chống phá phong trào đấu tranh của các lực lượng cánh tả, dân chủ, cách mạng trên thế giới. Tuy vậy, điều này phản ánh quyền lực của tư bản toàn cầu đang bị phê phán gay gắt, quyết liệt.

Bên cạnh đó, họ cố gắng thể chế hóa các hình thức huy động bạo lực, chạy đua vũ trang, triển khai chiến tranh trên phạm vi toàn cầu dưới vỏ bọc chiến tranh chống khủng bố quốc tế, chống buôn bán ma túy, chống “trục ma quỷ”.... Thực chất, chiến tranh được sử dụng như giải pháp cứu cánh cho nền sản xuất tư bản toàn cầu đang bị ế thừa, tạo thị trường mới cho tư bản đầu tư ra nước ngoài; đồng thời, nhân danh bảo vệ dân chủ và tự do, quyền lực nhà nước tư bản toàn cầu muốn tìm kiếm sự đồng thuận xã hội trong từng quốc gia cũng như trên toàn thế giới. Quy mô ngân sách quân sự thế giới liên tục vượt qua các kỷ lục, để đạt mức 1740 tỷ USD năm 2022 (riêng nước Mỹ đạt khoảng 877 tỷ USD); chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2022, đạt 2,24 nghìn tỷ USD(11). Như vậy, bản chất hiếu chiến, đối kháng của chủ nghĩa tư bản đế quốc không hề thay đổi.

Lực lượng đối lập được phương Tây hậu thuẫn biểu tình chống chính phủ đụng độ với cảnh sát chống bạo động trong ở Caracas, Venezuela (năm 2017) _Nguồn: nytimes.com

Tương lai của một chủ nghĩa tư bản toàn cầu đầy bất công, mâu thuẫn

Nền sản xuất - kinh doanh của thế giới hiện nay nói chung và của chủ nghĩa tư bản nói riêng đều vận động như chuỗi giá trị toàn cầu, do đó phải tổ chức một nền kinh tế toàn thế giới phù hợp với lô-gíc của nền sản xuất được quốc tế hóa cao độ; đồng thời, hoạt động quản trị, điều hành phải bảo đảm lợi ích của toàn hệ thống, nhưng không chà đạp lợi ích cục bộ của từng tập đoàn, nhà tư bản, thực thể kinh tế,... Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt một số kết quả, nhưng chủ nghĩa tư bản toàn  cầu cơ bản không đáp ứng được đòi hỏi khách quan của thực tiễn bởi lợi ích của từng bộ phận tư bản vẫn thắng thế trước hệ thống tư bản toàn cầu. Những rạn nứt, bất đồng liên miên giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây; tình trạng bế tắc của chương trình nhất thể hóa châu Âu do Liên minh châu Âu (EU) triển khai và việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) (năm 2017),... thể hiện giới hạn sức mạnh của chủ nghĩa tư bản toàn cầu trước nhiều vấn đề sinh tử; mặt khác, thượng tầng kiến trúc tư bản toàn cầu không xuất hiện ngẫu nhiên, mà là hệ quả tất yếu của đời sống kinh tế - xã hội ngày càng bất công, loại trừ nhau, phi nhân tính,... do chính tư bản toàn cầu tạo ra và có thể nói, chưa bao giờ tình hình thế giới lại mong manh, phức tạp và nguy hiểm như bây giờ(12).

Ngay từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, khái niệm “phát triển bền vững” được các lực lượng tiên phong trong cuộc chiến bảo vệ môi trường sinh thái nêu ra như một đòi hỏi cấp bách vì sự sống còn của nhân loại, cũng là tiếng phê phán đối với nền văn minh tư bản, nền sản xuất - tiêu dùng vô độ của xã hội tư bản chủ nghĩa. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, khái niệm phát triển bền vững được mở rộng thành phạm trù và mô hình phát triển chung cho toàn thế giới với 3 trụ cột cần được bảo đảm: 1- Nền kinh tế bền vững không chạy theo tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá, thay vào đó là nhấn mạnh hiệu quả sản xuất - kinh doanh, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và lao động; 2- Một xã hội bền vững, ổn định, nhân văn và ngày càng công bằng; 3- Một hệ sinh thái bền vững bảo đảm con người có cuộc sống ôn hòa, yêu bình với thiên nhiên,... Năm 2015, Liên hợp quốc đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, được cụ thể hóa thành 169 tiêu chí cụ thể và khuyến cáo các chính phủ trên thế giới cùng nhau hoàn thành vào năm 2030(13). Như vậy, nội hàm rộng lớn và tiến bộ của phát triển bền vững không thể dung hợp với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên bóc lột lao động và chế độ tư bản chủ nghĩa dựa trên sự thống trị của tư bản đối với toàn xã hội. Hiện nay, thực tiễn đời sống đã minh chứng: Chủ nghĩa tư bản không thể là tương lai của loài người!./.

-----------------------------

(1)  Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 17
(2) Xem: Nguyễn Hoàng Giáp: “Chủ nghĩa tư bản trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 22-4-2010, https://tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/2000/chu-nghia-tu-ban-trong-boi-canhtoan-cau-hoa.aspx
(3) Xem: William Robinson: A Theory of Global Capitalism: Production, Class, and State in a Transnational World (Tạm dịch: Một lý thuyết về chủ nghĩa tư bản toàn cầu: Sản xuất, giai cấp và nhà nước trong thế giới xuyên quốc gia), Johns Hopkin University Press, United States, 2004, tr. 125 - 136
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 68
(5) Xem: Nabil Ahmed: Inequality Kills: The unparalleled action needed to combat unprecedented inequality in the wake of COVID-19 (Tạm dịch: Sự chết chóc từ bất công: Hành động then chốt cần thiết để chống lại sự bất bình đẳng chưa từng có tiền lệ hậu đại dịch COVID-19), OXFAM, United Kingdom, tháng 1-2022, https://oxfamilibrary.openrepository.com/bitstream/handle/10546/621341/bp-inequality-kills-170122-en.pdf
(6) Xem: Edwad Greenberg: Chủ nghĩa tư bản và nền chính trị Mỹ, MF. Sharper Inc, New York, 1987, tr. 48
(7) Xem: Lê Thế Mẫu: ““Mùa xuân A-rập”: hai năm nhìn lại”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 7-2-2013, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/20111/%E2%80%9Cmua-xuan-a-rap%E2%80%9D--hai-nam-nhin-lai.aspx
(8) Xem: George Freeman: The Storm Before the Calm (Tạm dịch: Bình yên sau cơn bão), N. Y. Press, USA, 2020, tr. 54
(9) Xem: Bertram Gross: Fiendly fascism, The new face of power in America (Tạm dịch: Chủ nghĩa phát xít hiếu chiến: Diện mạo mới của nước Mỹ), University of Pensylvania, USA, 1982
(10) Xem: “Michael R. Pompeo Remarks at the Richard Nixon Presidential Library and Museum: “Communist China and the Free World’s Future”” (Tạm dịch: Bộ trưởng Michael R. Pompeo phát biểu tại Thư viện và bảo tàng Tổng thống Richard Nixon: “Trung Quốc Cộng sản và tương lai của thế giới tự do”), U.S. Embassy San Salvador, ngày 23-7-2020, https://sv.usembassy.gov/secretary-michael-r-pompeo-remarks-at-the-richard-nixon-presidential-library-and-museum-communist-china-and-the-free-worlds-future/
(11) Xem: “Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022”, Báo điện tử Vietnamplus, ngày 24-4-2023, https://www.vietnamplus.vn/chi-tieu-quoc-phong-toan-cau-tang-len-muc-cao-ky-luc-trong-nam-2022/858838.vnp-
(12) Xem: Michael E. Porter, Klaus Schwab và Peter K. CorneliusThe global competitiveness report 2002 - 2003 (Tạm dịch: Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2002 - 2003), World Economic Forum, New York, 2003, tr. 21
(13) Xem: UNDP: “What are the Sustainable Development Goals?” (Tạm dịch: Những mục tiêu trong phát triển bền vững là gì?), năm 2015, https://www.undp.org/sustainable-development-goals?