Hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển - động lực cho phát triển của các tỉnh duyên hải miền Trung
TCCS - Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển luôn là nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia, khu vực trên thế giới. Đặc biệt, với một quốc gia biển như Việt Nam và khu vực có rất nhiều lợi thế về kinh tế biển như các tỉnh duyên hải miền Trung, một trong những động lực bảo đảm phát triển bền vững là hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển.
Xu thế tất yếu của hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển
Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của đại dương, trong đó các quốc gia có biển đều quan tâm đến biển và coi trọng xây dựng chính sách, chiến lược biển. Thực tiễn các nước trên thế giới cho thấy, nhiều nước đã xây dựng và thực thi chiến lược kinh tế biển nhằm khai thác và quản lý các nguồn lực từ biển. Khu vực Biển Đông, trong đó có các vùng biển của Việt Nam, có vị trí địa - kinh tế và địa - chính trị hết sức quan trọng trong thế trận kinh tế và bàn cờ chính trị của nhiều cường quốc trên thế giới và các quốc gia khu vực.
Trong thời đại ngày nay, hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế cũng như phát triển kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do vậy, không thể phát triển nhanh và bền vững nếu nằm ngoài xu thế này trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Trong đó, hợp tác quốc tế về kinh tế nói chung, về phát triển kinh tế biển nói riêng đang thu hút sự quan tâm của tất cả các quốc gia, nhất là đối với những quốc gia biển. Hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển về bản chất là sự liên kết, phối hợp giữa các chủ thể kinh tế trong nước với đối tác nước ngoài trên cơ sở những cam kết, thỏa thuận theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, được các bên tham gia thỏa thuận và cam kết thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu và lợi ích kinh tế đã xác định của mỗi bên. Hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển có nội dung hết sức phong phú, đa dạng tùy thuộc vào sự phát triển của lực lượng sản xuất gắn với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.
Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển. Kinh tế biển đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước. Việc mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển được coi là xu thế tất yếu đối với nước ta hiện nay. Điều này được đặc biệt nhấn mạnh trong đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách điều hành của Chính phủ, như: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Quyết định 647/QĐ-TTg, ngày 18-5-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030”…
Mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng trên mọi lĩnh vực, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở phát huy nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực, không chỉ nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng về biển, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, mà còn bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, xây dựng vùng biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng pháp luật Việt Nam và các chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế. Hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển để đưa Việt Nam vào thế chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam trong việc tham gia các tổ chức quốc tế và thực hiện các điều ước quốc tế.
Đối với các tỉnh duyên hải miền Trung, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển là một yêu cầu khách quan, cả trước mắt và lâu dài. Đây là phương thức hiệu quả để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng được kinh nghiệm quản lý... nhằm phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững, đưa kinh tế biển thực sự trở thành ngành mũi nhọn của các tỉnh duyên hải miền Trung, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nhận diện tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi, thời cơ để phát triển kinh tế biển các tỉnh duyên hải miền Trung
Về tiềm năng, thế mạnh
Vùng duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố), với chiều dài đường bờ biển 1.900km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Không chỉ vậy, các tỉnh duyên hải miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, nằm trên tuyến đường chiến lược giao thông đường thủy quốc tế năng động nhất thế giới. Việc sở hữu vị trí địa lý tiếp giáp với biển, điều kiện tự nhiên là “mặt tiền”, “hành lang” nhìn ra biển, tạo đà thuận lợi cho sự giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa... phục vụ cho sự phát triển và hợp tác quốc tế về kinh tế biển của các tỉnh duyên hải miền Trung. Đối với các tỉnh miền Trung, tiềm năng phát triển kinh tế hàng hải, kinh tế du lịch, kinh tế thủy sản là những thế mạnh để thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế về kinh tế biển. Vị trí địa lý vùng biển này cùng với điều kiện địa lý đã tạo cho các tỉnh duyên hải miền Trung nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển với các cảng biển lớn, như Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô, Nha Trang, Cam Ranh…, trong đó có nhiều cảng nước sâu với công suất hàng hóa thông qua cảng hàng chục triệu tấn/năm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển về vận tải biển và dịch vụ cảng biển. Khu vực này còn có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia và khu vực, kết nối hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây của Việt Nam và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Đặc biệt, với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, phong phú, có giá trị đa dạng sinh học cao, hội tụ không gian biển giao thoa với đời sống văn hóa ven biển tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng vùng, miền, là lợi thế rất lớn của các tỉnh duyên hải miền Trung so với các địa phương khác về tài nguyên khoáng sản cũng như phát triển du lịch biển, đảo.
Việc hình thành và phát triển các khu du lịch biển miền Trung được đánh giá cao với những bãi biển và vịnh đẹp hàng đầu thế giới, như bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phú Quốc (Kiên Giang), Eo Gió (Bình Định), vịnh Nha Trang, Lăng Cô... đã tạo nên những thương hiệu của du lịch Việt Nam trong những năm qua. Gần đây, các thương hiệu du lịch biển miền Trung gắn với những tên tuổi, như: Resort tại Phan Thiết, chuỗi không gian nghỉ dưỡng biển Sơn Trà - Điện Ngọc - Cửa Đại… đã làm tăng thêm các sản phẩm du lịch biển miền Trung Việt Nam, vừa mang tính hội nhập quốc tế, vừa mang đậm văn hóa đặc trưng vùng, miền. Vùng biển khu vực miền Trung cũng có tiềm năng rất lớn trong khai thác hải sản bởi diện tích ngư trường rộng lớn, mức đa dạng sinh học cao hơn so với các vùng biển khác của Việt Nam. Đây được coi là những tiềm năng, lợi thế to lớn của khu vực miền Trung.
Về điều kiện thuận lợi và khó khăn, thách thức
Thứ nhất, với nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế biển, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững; trong đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế được xem là một trong những nội dung quan trọng. Trong những năm qua, một số thành tựu trong quản lý, bảo vệ, khai thác biển được ghi nhận, nhất là việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, phát triển kinh tế biển.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Trong đó nêu rõ: “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển;... nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo”..., “nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”(1), phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển kinh tế biển.
Thứ hai, tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của nước ta vào khu vực và thế giới đã tạo tiền đề thuận lợi cho hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, cùng chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế, nền kinh tế nước ta đã từng bước hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh và đưa lên một tầm cao hơn bằng việc tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định thương mại đa phương và song phương, trong đó có nhiều lĩnh vực trực tiếp liên quan đến các ngành kinh tế biển, kéo theo sự phát triển của các quan hệ hợp tác quốc tế trong các ngành kinh tế biển; thị trường hàng hóa, dịch vụ biển được mở rộng, các đối tác nước ngoài có điều kiện thuận lợi hơn để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngành kinh tế biển của nước ta nói chung, của các tỉnh miền Trung nói riêng. Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thuận lợi đó, hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển ở các tỉnh duyên hải miền Trung đã được thúc đẩy mạnh mẽ, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng kinh tế biển, tạo cơ sở, tiền đề vững chắc cho kinh tế biển nước ta nói chung, kinh tế biển các tỉnh duyên hải miền Trung nói riêng có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi thế, vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế biển Việt Nam nói chung, các tỉnh duyên hải miền Trung nói riêng. Đó là, tư duy, nhận thức về phát triển bền vững biển, hướng ra biển chưa đầy đủ, toàn diện, chưa thật sự vươn tầm quốc tế. Vùng duyên hải miền Trung có lợi thế rất lớn về biển, song, biển vẫn chưa thực sự được coi là lợi thế cốt lõi của vùng. Xác định được lợi thế của biển và kinh tế biển nhưng phải nhận diện rõ các lợi thế cốt lõi để tập trung phát triển, tạo ra các đột phá về mặt chiến lược. Trên thực tế, nước ta vẫn chưa phát huy tối đa tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới của các địa phương có biển, chưa tạo được chuỗi kết nối giữa các địa phương có biển và các địa phương không có biển; chưa tạo dựng được một trung tâm kinh tế biển mang tầm khu vực. Sự gắn kết giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh; giữa kinh tế với bảo vệ môi trường có lúc, có nơi chưa thực sự chặt chẽ. Chưa bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển với công tác bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển. Việc khai thác tài nguyên biển hiện nay trong vùng đang quá mức; các dân cư ven biển ngày càng gia tăng các hoạt động kinh tế biển đã dẫn tới sự suy giảm, cạn kiệt nhiều nguồn lợi từ biển. Chất lượng môi trường biển đang tiếp tục có dấu hiệu xuống cấp, chịu nhiều thách thức và các mối đe dọa trầm trọng. Nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ về biển chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu; trình độ, năng lực khoa học - công nghệ, năng lực điều tra cơ bản về biển còn hạn chế, chưa thực sự là nhân tố then chốt trong phát triển bền vững biển....
Trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình khu vực, thế giới đã và đang tác động mạnh mẽ đến hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển. Những năm qua, hợp tác quốc tế về biển của nước ta nói chung, ở các tỉnh duyên hải miền Trung nói riêng chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ không gian chiến lược của các nước lớn và các nước trong khu vực. Yêu cầu khách quan hiện nay đòi hỏi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có lợi ích liên quan phải đẩy mạnh hợp tác với tầm nhìn chiến lược, tích cực chủ động tìm kiếm các phương thức hợp tác, giao lưu trên biển để góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải, nhất là ở khu vực Biển Đông, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó có các lĩnh vực kinh tế biển.
Có thể thấy, môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông, đặc biệt là môi trường an ninh, tự do, an toàn hàng hải cùng với xu thế hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực nhằm giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đã tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động hợp tác quốc tế để cùng khai thác các nguồn lợi kinh tế biển. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới đã và đang tác động đến hiệu quả hợp tác quốc tế về kinh tế biển của Việt Nam nói chung, các tỉnh miền Trung nói riêng. Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển, lợi ích quốc gia giữa các nước diễn biến phức tạp hơn, đe dọa sự ổn định, hòa bình và phát triển của thế giới và khu vực. Một số nước tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển nhằm tìm kiếm lợi ích quốc gia, khiến tình hình khu vực, thế giới ngày càng căng thẳng, tạo ra những thách thức về an ninh trên biển. Thực tế cho thấy, bất cứ sự bất ổn nào trong vùng biển chung đều tác động rất lớn đến phát triển và hợp tác giữa các nước trong khu vực. Tình hình đó không chỉ đe dọa đến chủ quyền biển, đảo của nước ta, mà còn khiến các đối tác nước ngoài e ngại khi hợp tác đầu tư phát triển kinh tế biển.
Sự khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng ảnh hưởng tới hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển khi các luồng đầu tư nước ngoài đã và sẽ dịch chuyển sang những quốc gia, khu vực kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nhằm tránh rủi ro phụ thuộc vào một thị trường. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia trong khu vực và thế giới, trong đó có Việt Nam phải tập trung các nguồn lực để vượt qua khủng hoảng, nên phần nào hạn chế mở rộng đầu tư, hợp tác sản xuất, kinh doanh ra nước ngoài. Trong bối cảnh đó, cần nhận thức rõ những tiềm năng, thế mạnh, cũng như những khó khăn, rào cản trong phát triển kinh tế biển của các tỉnh duyên hải miền Trung, từ đó phát huy mọi nguồn lực, lợi thế, khai thông và vượt qua những “điểm nghẽn” để tạo ra những đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Để tiếp tục khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế biển nói riêng ở các tỉnh duyên hải miền Trung, cần quán triệt một số quan điểm chủ đạo sau:
Một là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển cần quán triệt và góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là quan điểm có vị trí hết sức quan trọng, xuyên suốt quá trình hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển, khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững.
Hai là, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên gắn chặt với bảo vệ môi trường biển. Thực tiễn cho thấy, mục đích của hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển là nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của địa phương để mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn. Tuy nhiên, không phải thực hiện bằng mọi giá mục tiêu đó mà làm tổn hại đến chất lượng môi trường sống mà tự nhiên đã ban tặng cho các tỉnh duyên hải miền Trung. Vì vậy, việc khai thác tiềm năng, lợi thế trong hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển ở các tỉnh duyên hải miền Trung cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, hướng tới mục tiêu chất lượng, hiệu quả gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn tài nguyên môi trường biển.
Ba là, quá trình hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển cần được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của khu vực duyên hải miền Trung. Phát triển kinh tế cần phải được gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm thúc đẩy sự phát triển theo chiều sâu, mang lại hiệu quả cao hơn, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với mô hình phát triển theo bề rộng.
Bốn là, đẩy mạnh quá trình liên kết kinh tế biển giữa các địa phương như một yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu hiện nay. Sự hợp tác liên kết không chỉ giới hạn khép kín trong nội bộ khu vực duyên hải miền Trung, mà cần mở rộng phạm vi không gian lãnh thổ giữa các vùng trong cả nước, hướng đến liên kết với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mỗi địa phương vùng duyên hải miền Trung có các đặc thù, tiềm năng, lợi thế riêng biệt, nổi trội. Do vậy, trên cơ sở định vị và phát huy những lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh để tập trung phát triển, cần có chiến lược phát triển hợp tác liên kết kinh tế biển nội vùng, liên vùng, liên quốc gia một cách hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, cũng như của mỗi địa phương.
Năm là, hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển. Đối với cả nước nói chung, vùng duyên hải miền Trung nói riêng, đây là yêu cầu mang tính nguyên tắc trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; đòi hỏi kết hợp phát triển kinh tế với triển khai tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh phù hợp với đặc điểm của một địa bàn xung yếu chiến lược. Trên cơ sở đó, khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển, ven biển, kết hợp với quốc phòng - an ninh, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội, bảo vệ và giữ vững chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn chặt với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế, tạo ra thế và lực đủ sức bảo vệ, làm chủ vùng biển, đảo của cả nước, trong đó có các tỉnh miền Trung.
Sáu là, tăng cường các hoạt động an ninh đối ngoại, phòng ngừa nguy cơ nảy sinh xung đột trên các vùng biển. Thực hiện linh hoạt, mềm dẻo và có sách lược, chiến lược chủ động, xử lý kịp thời, kiên quyết, khôn khéo các tình huống tranh chấp trên biển. Xây dựng các tỉnh ven biển miền Trung trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia trên biển và hải đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển ở các tỉnh duyên hải miền Trung./.
---------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t I, tr. 125
Tiềm năng, cơ hội, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung hiện nay  (23/11/2022)
Phát triển bền vững các ngành công nghiệp và du lịch gắn với biển ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay  (23/11/2022)
Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận hiện nay  (11/11/2022)
Phát triển bền vững kinh tế biển ở tỉnh Quảng Bình: Kết quả và giải pháp trong thời gian tới  (30/09/2022)
- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng ở nước ta hiện nay
- Chính sách đối ngoại của Pháp trong bối cảnh mới
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong ứng phó với biến đổi khí hậu
- Đảng bộ Quân khu 5 với phương hướng, giải pháp trọng tâm để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Di cư lao động của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và đề xuất giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam