TCCSĐT - Đương kim Tổng thống Venezuela N. Maduro đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 20-5-2018 và tiếp tục lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này thêm 6 năm nữa. Chiến thắng này cho thấy người dân Venezuela đã ghi nhận những nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước hiện nay, đồng thời tiếp tục đặt niềm tin vào liên minh cánh tả Mặt trận Tổ quốc mở rộng.

Người dân Venezuela tiếp tục đặt niềm tin vào liên minh cánh tả cầm quyền

 
 Tổng thống Venezuela N. Maduro. Ảnh: TTXVN

Cuộc bầu cử tổng thống Venezuela lần này diễn ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về chính trị và kinh tế. Do vậy, sự ủng hộ của người dân đối với liên minh cánh tả Mặt trận Tổ quốc mở rộng đã cho thấy những nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước hiện nay đã được người dân ghi nhận. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn cả về chính trị và kinh tế, Chính phủ Venezuela vẫn quyết tâm thực hiện các chương trình xã hội lớn cải thiện đời sống của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp người nghèo. Tổng thống N. Maduro cũng cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu của “Kế hoạch Tổ quốc” và chương trình hành động của chính phủ để củng cố các chương trình giáo dục và y tế miễn phí và chất lượng, tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nhà cho người nghèo, đồng thời đẩy mạnh cuộc cách mạng kinh tế, làm thất bại những âm mưu phá hoại nền kinh tế của các thế lực thù địch. Những cam kết này là cơ sở để đại đa số người dân tin tưởng vào hướng đi đúng đắn của cách mạng Bolivar vì lợi ích và tương lai của một đất nước Venezuela độc lập, chủ quyền và tự chủ. Trong khi đó, phe đối lập vẫn không thể tìm được tiếng nói chung và tỏ ra yếu thế sau khi Liên minh MUD đối lập tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử lần này.

Thực tế, đã có thời điểm các đảng đối lập tham gia cuộc bầu cử lần này dự định tập hợp lực lượng để đưa ra một ứng cử viên duy nhất tranh cử với đương kim Tổng thống N. Maduro, song do những bất đồng nội bộ, những khác biệt về quan điểm khiến họ không thể đạt được sự đồng thuận. Và việc này cũng phần nào đem lại lợi thế cho lực lượng cánh tả bởi số phiếu ủng hộ phe đối lập bị phân tán cho cả 3 ứng cử viên.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này của đương kim Tổng thống N. Maduro đã một lần nữa minh chứng cho thấy cho dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song người dân Venezuela vẫn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào những điều mà cố Tổng thống Hugo Chavez đã lựa chọn, xây dựng một đất nước bình đẳng, vì lợi ích của mọi tầng lớp trong xã hội.

Bước đi ngoại giao tích cực trong quan hệ Pháp - Nga

 
 Tổng thống Pháp E. Macron tiếp đón Tổng thống Nga V. Putin tại cung điện Versailles (Pháp) năm 2017. Ảnh: AFP

Trong hai ngày 24 và 25-5-2018, Tổng thống Pháp E. Macron đã thực hiện chuyến thăm chính thức Nga theo lời mời của người đồng cấp Nga V. Putin. Chuyến thăm được hy vọng là sẽ tiếp tục mở ra cơ hội cải thiện mối quan hệ giữa hai nước, vốn đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, đặc biệt là sau chiến dịch tấn công Syria của Mỹ, Anh và Pháp hồi tháng 4.

Tại cuộc gặp ở St.Petersburg, một trong những vấn đề trọng tâm được hai nhà lãnh đạo Nga, Pháp thảo luận là tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), theo đó, hai nước khẳng định lập trường chung là cần phải duy trì JCPOA. Về vấn đề Syria, hai bên chú trọng giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài 7 năm qua tại quốc gia Trung Đông này, nhất trí rằng cần phải thúc đẩy lập hiến pháp mới của Syria, tạo điều kiện ổn định cho khu vực… Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Pháp E. Macron cũng đã thảo luận về quan hệ song phương và nhiều vấn đề quốc tế nổi bật khác.

Chuyến thăm Nga lần này của Tổng thống Pháp E. Macron tiếp tục được coi là bước tiến ngoại giao nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước. Nhất là khi, ngày 12-3 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố gia hạn thêm 6 tháng các lệnh trừng phạt đối với Nga, liên quan tới việc bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga và cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine. Đặc biệt, ngày 14-4, với lý do đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học mà Mỹ cho rằng chính quyền Syria là chủ mưu, liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã khởi động một chiến dịch không kích nhằm vào các căn cứ quân sự của Syria. Động thái này đã khiến Nga chỉ trích Mỹ và các đồng minh bất chấp luật pháp quốc tế khi xâm lược một quốc gia có chủ quyền. Hàng loạt diễn biến này đã đẩy quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây nói chung và Pháp nói riêng lên nấc thang căng thẳng.

Các nhà phân tích cho rằng, đối với Nga, cải thiện quan hệ với EU thông qua việc khai thông bế tắc với Pháp là điều cần thiết khi chính Paris cũng mong muốn Moscow đối thoại với châu Âu vì lợi ích của cả hai bên. Còn với Pháp, với việc thành công trong việc giải quyết các vấn đề này, Tổng thống E. Macron sẽ ngày càng khẳng định được uy tín. Với những ý nghĩa đó, chuyến thăm Nga của Tổng thống E. Macron ngoài vai trò thúc đẩy hợp tác song phương còn cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước cũng sẽ mở ra triển vọng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp của khu vực và thế giới.

EU lo ngại khi Italy thành lập chính phủ có quan điểm chống nhập cư và hoài nghi châu Âu

 
 Thủ tướng Italy G. Conte Ảnh: cnbc.com

Tổng thống Italy S. Mattarella đã chính thức chỉ định Giáo sư luật G. Conte làm Thủ tướng nước này, đồng thời đứng ra thành lập chính phủ, theo đề cử của liên minh Phong trào 5 Sao (M5S) và Liên đoàn phương Bắc (LN). Động thái này đã tháo gỡ được thế bế tắc chính trị ở Italy kéo dài trong hơn hai tháng rưỡi qua tiếp sau cuộc tổng tuyển cử ngày 4-3-2018, song cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với EU.

Với việc ông G. Conte được chỉ định làm Thủ tướng Italy theo đề cử của đảng M5S và Liên đoàn LN, thế bế tắc chính trị ở nước này đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, một chính phủ liên minh của hai đảng M5S và Liên đoàn LN đều có quan điểm dân túy, chống nhập cư và hoài nghi châu Âu đang khiến EU lo ngại. Ủy ban châu Âu cảnh cáo Italy cần phải thận trọng khi quốc gia Nam Âu này trở thành nước thành viên sáng lập EU đầu tiên có chính phủ theo quan điểm hoài nghi châu Âu.

Theo các nhà hoạch định chính sách châu Âu, sự trỗi dậy của Phong trào 5 Sao và Liên đoàn Phương Bắc đã đi ngược lại những nền tảng đã được hình thành từ trước ở Italy, giữa lúc nước này vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm qua, khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao kỷ lục, kèm theo đó là làn sóng hàng trăm nghìn người di cư đổ vào quốc gia “cửa ngõ” EU. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách châu Âu lo ngại rằng, liên minh cầm quyền mới của Italy có thể cản trở quá trình hội nhập sâu rộng hơn của Eurozone và có thể tạo ra giai đoạn khủng hoảng tiếp theo của Eurozone nếu liên minh này đưa ra chính sách cắt giảm thuế và tăng chi tiêu. Ngoài ra, Italy có thể tạo ra tình thế khó khăn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn đang áp dụng chương trình mua trái phiếu để xử lý khoản nợ công lớn của nước này. Trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng, nợ công của Italy là quá lớn để có thể được giải cứu bằng quỹ cứu trợ tài chính của Eurozone, ECB có thể phải đối mặt với khó khăn, đó là thực hiện thắt chặt chính sách để rồi dẫn đến nguy cơ Italy bị vỡ nợ và gây ra một cuộc khủng hoảng mới cho Eurozone, hay cần duy trì chính sách nới lỏng để giúp Italy có tiền trả nợ. Tất cả những lo ngại này sẽ là thế khó mà EU phải đối mặt trong thời gian tới.

Thúc đẩy quan hệ Đức - Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn

 
 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Đức A. Merkel. Ảnh: vov.vn

Nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Đức A. Merkel đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 24 đến 25-5-2018. Chuyến thăm của bà A. Merkel lần này được cho là tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác nhau, nhằm tạo xung lực mới đưa quan hệ Trung Quốc - Đức phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại mới.

Trong những năm gần đây, quan hệ Trung Quốc - Đức phát triển tốt đẹp, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2014. Hai nước thường xuyên có các cuộc trao đổi cấp cao, hợp tác thực chất hiệu quả và giao lưu trao đổi nhân dân nổi bật. Sự điều phối và hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế và khu vực ngày càng trở nên chặt chẽ hơn.

Tháng 3-2018, khi bà A. Merkel một lần nữa được bầu làm Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng. Hai nhà lãnh đạo cũng thường xuyên duy trì liên lạc khá chặt chẽ, và truyền thống này đã được tiếp tục trong năm nay khi Thủ tướng A. Merkel đã có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc và trở thành nhà lãnh đạo trong EU công du Trung Quốc nhiều nhất. Điều này cho thấy, trong chính sách đối ngoại của Đức, Trung Quốc là đối tác quan trọng bậc nhất của nước này.

Trong khi đó, về phía Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã có chuyến thăm Đức vào tháng 5 và tháng 7-2017. Những chuyến thăm lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo Đức và Trung Quốc đã thể hiện rõ mối quan hệ Đối tác chiến lược chung nhiều lợi ích đã được hai bên khẳng định trong nhiều năm qua.

Về quan hệ thương mại song phương, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức, với kim ngạch năm 2017 đạt khoảng 218,74 tỷ USD. Theo số liệu do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố tháng 3-2018, Đức là nước đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc nhiều nhất trong EU, và cũng là nước chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc nhiều nhất châu Âu. Tính đến cuối năm 2017, Trung Quốc đã phê duyệt tổng số 9.781 dự án đầu tư của các công ty Đức tại Trung Quốc, với số tiền đầu tư lên tới 29,72 tỷ USD. Trong bối cảnh chính quyền Mỹ thúc đẩy các chính sách bảo hộ như thời gian qua thì sự hợp tác Đức - Trung càng trở nên quan trọng hơn với cả hai nước.

Dư luận quốc tế cho rằng, sự hiện diện của Thủ tướng A. Merkel tại Bắc Kinh một lần nữa khẳng định việc Đức và Trung Quốc tăng cường hợp tác sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho hai nước, cũng như cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung đạt nhiều tiến triển

 
 Quang cảnh cuộc đàm phán. Ảnh: TTXVN

Vòng đàm phán thứ hai nhằm giải quyết những bất đồng thương mại gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua đã kết thúc với việc hai nước nhất trí từ bỏ chiến tranh thương mại và rút lại các lời đe dọa áp thuế. Diễn biến tích cực của vòng đàm phán này được cho là sẽ giúp tạm đẩy lùi nguy cơ “chiến tranh” thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuyên bố chung của hai nước nêu rõ, hai bên đã đạt được sự đồng thuận đối với các biện pháp hiệu quả nhằm giảm đáng kể thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ với Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc cũng như nhu cầu phát triển kinh tế chất lượng cao, Trung Quốc sẽ tăng cường đáng kể việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng và việc làm tại Mỹ. Cũng theo tuyên bố chung, hai nước sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang liên quan tới mức thuế quan và nhất trí giải quyết những mối lo ngại về thương mại “một cách chủ động”.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang khi ngày 22-3, Tổng thống Mỹ D. Trump công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn để đòi lại sự công bằng trong hoạt động thương mại giữa hai nước. Mỹ cho rằng Washington đang chịu thua thiệt do Trung Quốc “cưỡng ép” các công ty và doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ. Về phía Trung Quốc, mặc dù khẳng định không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi ngày 05-4, Tổng thống D. Trump đã đe dọa áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá lên tới 150 tỷ USD, khiến Bắc Kinh đe dọa đánh thuế trả đũa vào hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ. Những diễn biến căng thẳng trong quan hệ thương mại này làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại không chỉ gây nên những tổn thất nặng nề cho cả hai bên mà còn làm ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới.

Trước thềm vòng đàm phán thứ hai, các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ đề xuất Tổng thống Mỹ D. Trump một gói nhượng bộ thương mại và tăng mua hàng hóa Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc khoảng 200 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại trên cơ sở bền vững sẽ đòi hỏi sự thay đổi lớn trong cấu trúc thương mại giữa hai nước, bởi thâm hụt hàng hóa của Mỹ đã lên tới 375 tỷ USD năm 2017. Ngay cả khi Trung Quốc đồng ý giảm một nửa mức thâm hụt thương mại năm 2017 với Mỹ, thì điều này cũng khó có thể hiện thực hóa ở cả hai nước. Theo các chuyên gia, muốn thỏa mãn yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc cần phải nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ mỗi năm. Thế nhưng, nghịch lý là những thứ mà Mỹ muốn bán cho Trung Quốc chỉ đem lại nguồn thu không đáng kể so với con số 200 tỷ USD, trong khi những sản phẩm công nghệ đắt tiền mà Trung Quốc muốn mua thì Mỹ lại không muốn bán.

Những nguyên nhân khách quan và chủ quan từ cả Mỹ và Trung Quốc khiến tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chưa thể chấm dứt trong “một sớm một chiều”. Tuy nhiên, kết quả vòng đàm phán thương mại thứ hai giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy không bên nào muốn đẩy tranh chấp hiện nay thành một cuộc chiến thương mại khó phân thắng bại mà cả hai bên đều thiệt hại./.