Tác động của quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đến an ninh - quốc phòng Việt Nam

Bùi Đức Anh Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
22:37, ngày 25-10-2016

TCCS - Thời gian qua, quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tác động đến Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có an ninh - quốc phòng. Để phát huy những tác động tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của quan hệ kinh tế đối với quốc phòng, yêu cầu hàng đầu đặt ra là cần nhận diện được những nhân tố chi phối đến sự tác động đó.

Những tác động hai chiều đến an ninh - quốc phòng

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có chung đường biên giới. Đặc điểm tự nhiên này không chỉ tạo thuận lợi cho quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc phát huy lợi thế về địa hình, thế mạnh của mỗi nền kinh tế, mà còn tạo điều kiện để quan hệ kinh tế hai nước có thể mở rộng thông qua các hình thức nội dung hợp tác liên quan đến biên giới, như thương mại biên giới, du lịch biên giới hay hình thành Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới...

Thời gian qua, quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là về thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), du lịch..., góp phần phát triển tiềm lực kinh tế của đất nước. Nhiều công trình với sự tham gia của đối tác Trung Quốc đã được triển khai, hoặc đưa vào sử dụng. Một số công trình giao thông đường bộ, cảng biển, kết nối các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc với các tỉnh biên giới và các tỉnh nội địa Việt Nam không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn có vai trò tích cực đối với quốc phòng. Quan hệ kinh tế biên giới được khai thông góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, sự hình thành và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc hay việc xúc tiến xây dựng ba khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa hai nước đi kèm với chính sách trích nguồn thu có được trở lại đầu tư đã góp phần thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới.

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh trong thời gian qua là một thực tế. Tuy nhiên, cũng có một thực tế nữa là việc triển khai một số dự án, khu công nghiệp vừa qua cho thấy, chúng ta cần chú trọng, quan tâm hơn nữa đến yêu cầu gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh.

Một là, cán cân thương mại không cân bằng, trong đó Việt Nam luôn nhập siêu với mức lớn từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng năm 2015, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc ước tính đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014(1). Đối với thương mại, đầu ra và đầu vào của một số mặt hàng chủ lực, như nông sản, dệt may, da giày, cao su... phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc. Tình trạng này khiến xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, bị động khi Trung Quốc thực hiện chính sách biên mậu linh hoạt, “thất thường” cũng như khiến chúng ta khó tận dụng dược cơ hội khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi được thông qua.

Trong đầu tư, các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc trúng tổng thầu EPC tại Việt Nam đều có giá trị lớn (nhiều nghiên cứu chỉ ra, 90% hợp đồng xây dựng, trong đó có các dự án năng lượng là do Trung Quốc thắng thầu), đặt Việt Nam vào tình trạng phụ thuộc vào các nhà thầu Trung Quốc cả về tiến độ và công nghệ. Trong khi đó, có nhiều dự án triển khai chậm, công nghệ lạc hậu, chắp vá dẫn tới “chết yểu” hoặc “sống dở, chết dở”, “hầu hết các dự án vốn vay Trung Quốc đều đội vốn công trình và kéo dài thời gian”. Theo một tính toán, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc tới hơn 80% vào nền kinh tế Trung Quốc, trong khi lý thuyết kinh tế thế giới cho rằng để giữ nền kinh tế độc lập, tỷ lệ này không nên vượt quá 30%(2).

Hai là, yếu tố an ninh quốc phòng trong bố trí một số khu kinh tế, dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài chưa được chú trọng hoặc chưa được quan tâm thường xuyên và đúng mức. Thực tế cho thấy, một số dự án có đối tác là các nhà đầu tư Trung Quốc được triển khai ở vị trí quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh, ảnh hưởng trực tiếp đến thế trận khu vực phòng thủ. Quản lý nhà nước đối với số công nhân sang làm việc tại các dự án của Trung Quốc ở Việt Nam còn nhiều lỏng lẻo.

Ba là, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, thực phẩm bẩn cùng những hàng hóa có những giá trị phản văn hóa, như phim ảnh, băng hình đồi trụy... qua biên giới vẫn tiếp diễn. Các hoạt động mua bán theo kiểu “nâng rồi dìm giá” với những “mặt hàng không tưởng”, như sừng trâu, móng bò, hoa thanh long... của một số tiểu thương Trung Quốc, xét cả về trước mắt và lâu dài, đều ảnh hưởng xấu đến sản xuất, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, ảnh hưởng gây tổn hại sức khỏe, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân; ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa dân tộc và tình hình an ninh, ổn định, trật tự an toàn xã hội - những nhân tố quan trọng tạo thành sức mạnh quốc phòng toàn dân.

Các nhóm giải pháp cơ bản

Để quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc phát triển bền vững, giữ vững tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh - quốc phòng, cần quan tâm hơn nữa tới một số nội dung sau:

Một là, quán triệt và kiên quyết triển khai trên thực tế đường lối “Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; các dự án phát triển kinh tế, xã hội trong các khu vực phòng thủ phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, nhất là ở những vị trí trọng yếu, chiến lược”(3), “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước”(4), được Đại hội XII của Đảng đề ra. Đây là điều cần luôn được xác định là nguyên tắc hàng đầu khi xem xét các dự án, các khu công nghiệp,... có yếu tố nước ngoài.

Hai là, hướng nhân tố quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc vào việc phát huy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của nó đến quốc phòng nhằm duy trì sự ổn định và phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, từng bước đưa quan hệ này đi vào thực chất và chiều sâu, đồng thời nhanh chóng khắc phục những hạn chế, bất cập. Để đạt được mục đích này, cần thực hiện những giải pháp cụ thể, như tăng cường sự đồng thuận cả về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về vai trò, tác động của quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đối với nền kinh tế cũng như đối với quốc phòng; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nội dung hợp tác với Trung Quốc cả ở phương diện song phương và đa phương, cả ở cấp nhà nước và cấp địa phương; đẩy mạnh xây dựng và đưa vào vận hành ba khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới cũng như thực hiện các nội dung trong chương trình “hai hành lang, một vành đai kinh tế”; tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, chú trọng thiết lập các kênh thông tin để tìm hiểu và nắm bắt thị trường, đối tác Trung Quốc, trong đó coi trọng tìm kiếm thị trường nhỏ, tìm hiểu phân khúc thị trường đối với những mặt hàng của Việt Nam có sức cạnh tranh, có sự “khác biệt” và “độc đáo”. Đối với thương mại biên giới, nên thiết lập kênh thông tin chuyên biệt để nắm bắt kịp thời chính sách mậu dịch biên giới linh hoạt nhưng bất thường của phía Trung Quốc để chủ động, ứng phó kịp thời; tiếp tục nâng cao sức mạnh của nền kinh tế, đặc biệt là năng lực cạnh tranh trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung thực hiện tốt ba đột phá chiến lược để xóa đi ba điểm nghẽn: thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng; quán triệt và thực hiện có hiệu quả những định hướng và giải pháp hội nhập kinh tế quốc tế trong Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 40/QĐ-TTg cùng các chiến lược phát triển kinh tế cụ thể khác như: Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...; hoàn thiện chính sách đầu tư ra nước ngoài, có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhà nước mở đường, đầu tư sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh các giải pháp nhằm phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, cần khẩn trương tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng nhập siêu, tiến tới cân bằng trong thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, như phát triển công nghiệp phụ trợ; tăng cường quản lý nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu tiểu ngạch; ngăn chặn luồng hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam; chủ động ứng phó với xu hướng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ...

Ba là, hướng nhân tố quốc phòng Việt Nam vào phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đến quốc phòng. Trước hết, nâng cao nhận thức cho các chủ thể quốc phòng, nhất là lực lượng vũ trang về tác động của quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc nhằm tạo sự đồng thuận về nhận thức và trách nhiệm, từ đó chủ động khai thác, phát huy hiệu quả nhất những tác động tích cực đồng thời hạn chế, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến quốc phòng.

Quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa việc kết hợp kinh tế với quốc phòng trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc để bảo đảm mọi hoạt động kinh tế của quan hệ kinh tế này đều góp phần củng cố quốc phòng, đồng thời mọi hoạt động quốc phòng không những không cản trở mà còn thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước phát triển. Vấn đề mấu chốt đặt ra là cần “luật hóa chi tiết” đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với kết hợp kinh tế với quốc phòng nói chung và kết hợp trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc nói riêng.

Bốn là, hướng môi trường trong và ngoài nước vào phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đến quốc phòng. Tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước, một mặt, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư Trung Quốc khi đầu tư vào Việt Nam; mặt khác, hạn chế bảo vệ những lợi ích chính đáng của Việt Nam và các nhà đầu tư Việt Nam trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Chủ động nắm bắt tình hình thế giới, đặc biệt là tình hình Trung Quốc và khu vực để có thể dự báo những tác động, ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế nói chung và quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc nói riêng, đồng thời nhanh nhạy điều chỉnh chính sách và quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc theo hướng có lợi nhất cho sự phát triển.

Kiên quyết và kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và quy tắc ứng xử của khu vực.

Khai thác đặc trưng về địa hình “núi liền núi, sông liền sông” để mở rộng, nâng cao hiệu quả các hình thức quan hệ kinh tế với Trung Quốc; kết hợp phát triển các hoạt động kinh tế Việt Nam - Trung Quốc ở khu vực biên giới với xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh để biên phòng luôn xứng với vai trò quan trọng hàng đầu trong xây dựng và bảo vệ môi trường hòa bình, thuận lợi cho đất nước phát triển.

Tóm lại, phát huy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đến quốc phòng là yêu cầu tất yếu, cấp bách trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhận diện đầy đủ những nhân tố chi phối đến sự tác động đó sẽ là “chìa khóa”, là “cái gốc” để xem xét, nhận định, đánh giá và đưa ra các giải pháp phù hợp có tính khả thi nhằm phát huy cao nhất vai trò của quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đối với quốc phòng - an ninh của đất nước./.

-------------------------------------------

(1) Nhìn lại quan hệ Việt - Trung năm 2015 và dự báo năm 2016, Tạp chí Kinh tế Trung Quốc, số 3 (175), tr. 31

(2) Nguyễn Quang Thuấn, Mazyrin V.M (2016): Con đường củng cố an ninh và hợp tác ở Đông Nam Á, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr. 444

(3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 312, 155