Hà Nội phấn đấu 100% huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
TCCS - Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021- 2025” đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới không chỉ mang lại diện mạo mới văn minh, hiện đại cho khu vực nông thôn của Thủ đô mà còn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Ngày 17-3-2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025”. Chương trình đề ra mục tiêu, xây dựng nông thôn mới thiết thực hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa; cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Ngày 6-12-2023, tại Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Đề án đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, 100% số huyện trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP được thành phố đánh giá, phân hạng. Đề án xác định mục tiêu, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; lao động qua đào tạo đạt từ 75 - 80%; lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55 - 60%; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt trên 95%. Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ danh hiệu thôn, làng văn hóa đạt 65%; gia đình được công nhận giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt từ 86 - 88%... Song song với đó, đề án đề xuất mục tiêu tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100% và tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải đạt 100%. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016 -2020). Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giao Ủy ban nhân dân thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã, huyện đạt mục tiêu của thành phố theo Chương trình số 04-CTr/TU.
Sau thời gian triển khai thực hiện, Chương trình số 04-CTr/TU đã mang lại diện mạo mới văn minh, hiện đại cho khu vực nông thôn Thủ đô. Trước hết, phải kể đến sự gia tăng nhanh chóng của hệ thống các cụm, điểm, khu công nghiệp tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn. Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống tiếp tục được đầu tư, phát triển. Nhận thức của người dân nông thôn về phát triển kinh tế nông nghiệp có sự thay đổi đáng kể. Quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường được chú trọng. Sự đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp góp phần đưa chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên. Nhiều địa phương đã có mức sống gần hơn với khu vực đô thị. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn ở Thủ đô Hà Nội.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã có 186 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu đề ra của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Ngoài ra, trong tháng 6-2024, thành phố thẩm định thêm 2 xã đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với chỉ tiêu về OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), thành phố đã có 545 sản phẩm đạt chỉ tiêu OCOP, so với 400 sản phẩm theo kế hoạch. Số hộ nghèo hiện chỉ còn 676 hộ, chiếm 0,03%, trong đó, 7/18 huyện, thị xã là Sơn Tây, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì đã không có hộ nghèo. Như vậy, thành phố đã hoàn thành trước 1 năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy. Thành phố Hà Nội đã đáp ứng được 2 quy định đầu tiên trong số 8 điều kiện cần theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đó là có 100% số huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội cũng gặp những khó khăn, nhất là tiêu chí trường học đối với các địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bởi hầu hết các địa phương đang trong quá trình triển khai hoặc chuẩn bị đầu tư, nâng cấp, cải tạo trường để công nhận lại hoặc nâng chuẩn quốc gia. Trong khi yêu cầu đối với huyện nông thôn mới nâng cao thì toàn bộ các trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Bên cạnh đó, việc triển khai đấu nối hệ thống cấp nước sạch tập trung còn chậm. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế. Cấp ủy, chính quyền một số cơ sở còn chưa thực sự chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng các tiêu chí; việc huy động các nguồn lực của người dân và doanh nghiệp chưa nhiều.
Từ nay đến cuối năm 2025, Hà Nội sẽ tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch. Để đạt được mục tiêu đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng cường và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, giúp mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ lợi ích, xác định vai trò chủ thể, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác tuyên truyền về kết quả xây dựng nông thôn mới, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", từ đó thôi thúc khát vọng cống hiến của mỗi người dân, mỗi gia đình về đóng góp nguồn lực, ý tưởng cho công tác xây dựng nông thôn mới.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động, linh hoạt, làm đâu chắc đấy đối với từng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Các huyện, thị xã cần chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu đề ra. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng về xây dựng nông thôn mới và duy trì, nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động tuyên truyền để nâng cao hiệu quả, góp phần giữ vững và phát huy các tiêu chí cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải đáp những thắc mắc của người dân để từ đó tự nguyện tham gia thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh./.
Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Mô  (19/11/2024)
Huyện Kim Sơn phát huy vai trò của đồng bào các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới  (16/11/2024)
Bà Rịa - Vũng Tàu: Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2025  (12/11/2024)
- Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới
- Bất ngờ chiến lược trong quan hệ quốc tế và một số hàm ý chính sách
- Một số suy nghĩ về công tác cán bộ của Đảng trong tình hình mới
- Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay
- Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng ở nước ta hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX