Giảm nghèo bền vững theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
TCCS - Đói nghèo là một vấn đề có tính toàn cầu. Đối với Việt Nam, đói nghèo gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững. Xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu chính đáng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, việc thực thi chính sách giảm nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều có vai trò quan trọng.
Giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều
Chuẩn nghèo là tiêu chí đo lường nhằm xác định người nghèo (hoặc không nghèo) để được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước nhằm bảo đảm công bằng trong thực hiện các chính sách giảm nghèo. Trước năm 2015, Việt Nam đánh giá hộ nghèo chủ yếu thông qua thu nhập dưới mức chuẩn nghèo do Chính phủ quy định. Với chuẩn đó, nhiều hộ dân được thoát nghèo nhưng mức thu nhập vẫn nằm ở cận chuẩn nghèo, khiến tỷ lệ tái nghèo cao. Ngày 15-9-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1614/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 được xây dựng theo hướng: sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiêu chí đo lường nghèo được xây dựng dựa trên cơ sở: 1- Các tiêu chí về thu nhập, bao gồm: chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập, chuẩn nghèo về thu nhập, chuẩn mức sống trung bình về thu nhập; 2- Mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 15-3-2021, quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Đây là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, nghị định quy định các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 gồm: 1- Tiêu chí thu nhập; 2- Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số) gồm: việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Điều này cho thấy, nước ta đang từng bước chuyển đổi tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã đưa ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều có tính bao trùm hướng tới sự bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Đặc biệt, từ ngày 1-1-2022 đến ngày 31-12-2025, chuẩn nghèo mới với mức thu nhập cao hơn và chú ý đến nhiều chiều hơn được áp dụng. Theo đó, tiêu chí về thu nhập được nâng lên, ở khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng và khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng. Tăng chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: từ 5 chiều lên 6 chiều, bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình… Cùng với đó, cách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu, tập trung triển khai đồng bộ các dự án bảo đảm 3 yếu tố: đa chiều, bao trùm và bền vững. Theo đó, chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư trực tiếp vào con người, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.
Quyết tâm giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của vùng đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng châu thổ rộng và phì nhiêu, được hình thành cách đây khoảng 7.000 năm do sự bồi lắng của phù sa từ sông Mê công và dòng bùn cát ven biển tạo nên với tổng diện tích tự nhiên là 40.921,7km2, chiếm 12% diện tích cả nước và là nơi sinh sống của 17.422.600 triệu người dân(1). Trong giai đoạn 2016 - 2020, khu vực đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Quyết định số 59/QĐ-TTg, ngày 19-11-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020” đã đạt được những thành tựu đáng kể theo tiêu chí về thu nhập và các mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ cơ bản xã hội (về y tế, giáo dục, thông tin, nhà ở, nước sạch và vệ sinh).
Về giáo dục và đào tạo: Trình độ giáo dục của người lớn trên toàn khu vực ngày càng được cải thiện. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo có người trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 30 tuổi tham gia các khóa đào tạo đang học hoặc đã tốt nghiệp trung học cơ sở; đang học hoặc đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề; được doanh nghiệp tuyển dụng và chứng nhận đào tạo nghề tại chỗ (hình thức vừa học vừa làm) được tăng lên. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo được miễn, giảm học phí, có trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi. Mức hỗ trợ chi phí học tập cho khoảng 2,5 triệu học sinh, sinh viên theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 1-12-2015, của Chính phủ ước tính khoảng 5.730 tỷ đồng, giúp tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng. Cụ thể, theo Báo cáo số 217/BC-UBND, ngày 14-8-2020, của Ủy Ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, “Về việc đánh giá tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo nghề cho 4.264 học viên nghèo, cận nghèo với kinh phí trên 7.604 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 177.426 lao động có việc làm trong nước và 8.290 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 tăng 2,01 lần so với năm 2015. Báo cáo số 34/BC-SLĐTBXH, ngày 28-2-2023, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, “Về việc đánh giá thực trạng công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” cho thấy, tỉnh Vĩnh Long, đã đào tạo nghề cho 7.964 lao động thuộc hộ nghèo; 5.949 lao động thuộc hộ cận nghèo với kinh phí là 3,967 tỷ đồng, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động theo Đề án hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 103 học viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với kinh phí 179,7 triệu đồng đã giải quyết cho 5.911 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giải quyết việc làm. Miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; vận động xã hội hóa để hỗ trợ học bổng, hỗ trợ sách giáo khoa, mua bảo hiểm y tế, xe đạp, đồng phục, bàn ghế và các hỗ trợ khác cho 42.731 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 48.833 tỷ đồng.
Về nhà ở: Hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, chất lượng nhà là 19,1%, diện tích nhà là 5,0%, đặc biệt số lượng hộ nghèo thiếu hụt chỉ số chất lượng nhà ở giảm từ 40 - 50%, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững(2). Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo Quyết định số 28/QĐ-TTg, ngày 1-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 3.400 tỷ đồng (giai đoạn 2016 - 2017). Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước hỗ trợ 1.049 tỷ đồng để mua sắm nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống người nghèo. Tại tỉnh Đồng Tháp, theo Báo cáo số 302/KH-UBND, ngày 26-8-2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã hỗ trợ về nhà ở xây dựng và sửa chữa 8.127 căn nhà cho hộ nghèo và cận nghèo, riêng năm 2022 “hỗ trợ xây mới 79 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn”. Theo Báo cáo số 34/BC-SLĐTBXH, ngày 28-2-2023, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, “Về việc đánh giá thực trạng công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 9.887 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gồm nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015”, nhà hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer; đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã vận động xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, với tổng số tiền 341,170 tỷ đồng.
Về nước sạch, vệ sinh và y tế: Số lượng hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ nguồn nước sạch trong sinh hoạt (gồm: nước máy, giếng khoan, giếng đào nước khe/mó được bảo vệ và nước mưa, nước đóng chai bình) và không sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (gồm: tự hoại, bán tự hoại, thấm dội nước (suilabh), cải tiến có ống thông hơi (VIP), có bệ ngồi, hai ngăn) đã được giảm mạnh sau 4 năm công bố các chỉ số đo lường, nhà tiêu hợp vệ sinh là 20,1%, chỉ số nước hợp vệ sinh giảm từ 40 - 50%(3). Người từ đủ 6 tuổi trở lên hiện đã được mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, người thuộc hộ cận nghèo, hộ nông dân, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình đạt 83,2%, khám, chữa bệnh là 0,7%. Tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ về nước sạch, nhà ở, vệ sinh môi trường… với số tiền 955.000 triệu đồng, hỗ trợ tiền điện cho 45.609 lượt hộ nghèo, hộ thoát nghèo với kinh phí 18,637 tỷ đồng; hỗ trợ cho 50 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người dân tộc tại vùng nông thôn không có khả năng tiếp cận lưới điện quốc gia xây dựng mô hình điện năng lượng mặt trời, với tổng kinh phí 750 triệu đồng; hỗ trợ 182.807 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo và 276.952 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, mới thoát nghèo với kinh phí 244,482 tỷ đồng; có 13.375 lượt người thuộc hộ nghèo, chạy thận nhân tạo, bệnh ung thư có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại, khám chữa bệnh theo Quyết định số 14/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và Quyết định số 729/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh với số tiền là 3,163 tỷ đồng; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ Quỹ Vì người nghèo 36.836,72 triệu đồng để hỗ trợ bảo hiểm y tế hộ cận nghèo, khám, chữa bệnh cho người nghèo, phát học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”. Năm 2021 - 2022, tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ mua cấp 194.583 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Về tiếp cận thông tin: Số hộ gia đình nghèo và cận nghèo có phương tiện dùng chung: tivi, radio, máy tính để bàn, điện thoại; phương tiện cá nhân, như máy tính xách tay, điện thoại thông minh và sử dụng dịch vụ internet ngày càng tăng. Hiện chỉ còn 3% hộ gia đình nghèo và cận nghèo chưa tiếp cận được thông tin (5).
Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) của vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 0,031 năm 2016 xuống còn 0,027 năm 2020(6). Điều này cho thấy tình trạng giảm nghèo đa chiều ở đồng bằng sông Cửu Long đã được cải thiện đáng kể. Khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn đang giảm dần.
Đạt được kết quả trên là do tỉnh ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tập trung chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của nhân dân trong vùng. Công tác tuyên truyền đa dạng, phong phú về nội dung, cách thức, phương tiện truyền thông với nhiều mô hình, cách tuyên truyền hay, hiệu quả, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Công tác điều tra, khảo sát, cập nhật biến động tăng, giảm hộ nghèo định kỳ hằng quý, hằng năm theo chuẩn mới và quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện bài bản, cụ thể từng địa bàn, khu vực biên giới, rà soát từng nhóm đối tượng. Việc giám sát và kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách giảm nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện tốt.
Bên cạnh kết quả đáng khích lệ, việc thực hiện giảm nghèo theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi thiếu bền vững và chưa nhân ra được diện rộng; việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm. Mức độ đầu tư, quy mô sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, số lượng, chất lượng sản phẩm không cao, sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Trình độ người lao động còn thấp, thiếu phương tiện và tư liệu sản xuất, chủ yếu lao động bằng các nghề thợ hồ, buôn bán gia đình, làm công ăn lương trong các cơ sở kinh tế nhỏ, hộ kinh tế gia đình... dẫn đến thu nhập bấp bênh, không có phương án làm ăn hiệu quả. Một số ít hộ nghèo còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.
Tình trạng nghèo đa chiều vẫn còn sự chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn cao hơn nhiều so với thành thị; có sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, 3 năm qua, kinh tế, đời sống của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng toàn diện. Nguy cơ tái nghèo ở vùng sâu, vùng biên giới là rất cao. Công tác triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo còn chậm so với kế hoạch. Việc điều tra, rà soát hộ nghèo hằng năm tuy thực hiện đúng quy trình, nhưng một số huyện, xã, kết quả chưa phản ánh đúng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Cán bộ chuyên trách giảm nghèo của cấp cơ sở, huyện, thành phố thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo bài bản và mang tính liên tục. Điển hình như tỉnh Đồng Tháp, theo kết quả điều tra hộ nghèo, cận nghèo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025: khu vực thành thị chiếm tỷ lệ 0,66% với 2.948 hộ, khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 2,47% với 11.023 hộ. Tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh là 5,09%, trong đó, khu vực thành thị chiếm tỷ lệ 0,83% với 3.703 hộ; khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 4,26% với 19.064 hộ, có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn(7). Tỉnh Vĩnh Long có hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025: 4.247 hộ nghèo, tỷ lệ 1,44%, 8.671 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,93%(8).
Nguyên nhân của hạn chế trên do người dân thiếu đất và vốn sản xuất, kinh doanh; thiếu lao động, công cụ, phương tiện sản xuất và kiến thức, kỹ năng sản xuất; do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào ở biên giới, vùng sâu còn cao, nguy cơ tái nghèo còn lớn; vẫn còn một số hộ dân có tâm lý muốn được ở lại trong diện hộ nghèo, không muốn thoát nghèo; chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022 - 2025 có sự thay đổi lớn so với giai đoạn 2016 - 2020, gây khó khăn cho việc thu thập thông tin.
Để thực hiện hiệu quả việc giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp”(9). Để thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2025, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, đổi mới, đa dạng phương thức, nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các cấp chính quyền và người dân về chính sách giảm nghèo bền vững. Thực hiện phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, bền bỉ, tế nhị, vững chắc”, trong công tác tuyên truyền; lấy kết quả thực tiễn để vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cùng quyết tâm thoát nghèo bền vững.
Hai là, tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo, giúp đồng bào nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các chính sách cho vay tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ba là, xã hội hóa các dịch vụ cơ bản để giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận về nhà ở bảo đảm chất lượng, diện tích nhà ở bình quân đầu người khoảng 27 - 27,5m2 sàn/người; giải quyết việc làm để ổn định thu nhập; bảo đảm các hộ gia đình nghèo, cận nghèo tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; các hộ gia đình nghèo, cận nghèo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ thông tin đại chúng; trình độ giáo dục của người dân trong vùng được nâng lên; các hộ gia đình nghèo, cận nghèo có trẻ em dưới 16 tuổi không bị suy dinh dưỡng, có bảo hiểm y tế.
Bốn là, các cấp chính quyền vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều tra, rà soát phân loại hộ nghèo theo nhóm nguyên nhân nghèo, phân tích hộ nghèo theo mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, hộ nghèo theo các nhóm đối tượng, tính toán sử dụng dữ liệu khảo sát mức sống dân cư theo phương pháp tính nghèo đa chiều quốc tế bao gồm 6 chiều (việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin) và 12 chỉ số (việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin).
Năm là, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giúp người dân tạo sinh kế bền vững. Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phù hợp với nhu cầu của thị trường để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn. Tăng cường công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho học sinh. Liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đa dạng hóa các loại hình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng; coi trọng công tác sơ kết, tổng kết sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, từ đó kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những vấn đề bất hợp lý về chính sách, đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo. Kịp thời biểu dương, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo bền vững./.
--------------------------
(1) Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê năm 2021, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2022
(2), (3), (4), (5), (6) Tổng cục Thống kê thực hiện trong khuôn khổ hợp tác với UNDP năm 2020
(7) Xem: Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Báo cáo số 217/BC-UBND, ngày 14-8-2020, của Ủy Ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, “Về việc đánh giá tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”
(8) Xem: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, Báo cáo số 34/BC-SLĐTBXH, ngày 28-2-2023, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, “Về việc đánh giá thực trạng công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 138
Tỉnh Cà Mau huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển nhanh và bền vững  (19/04/2023)
Thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững  (19/02/2023)
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn: 20 năm đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách “thấu hiểu lòng dân, tận tình phục vụ”  (19/12/2022)
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận góp phần tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo bền vững  (11/12/2022)
Thành phố Hà Nội phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội  (09/12/2022)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay