Tăng cường công tác quy hoạch, tạo bước đột phá trong phát triển
TCCS - Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn là một trong những địa phương đi đầu trong công tác quy hoạch trên cả nước. Các quy hoạch được lập của tỉnh Quảng Ninh trở thành những căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp trên địa bàn sử dụng trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển, từng bước thay đổi diện mạo của tỉnh, đưa Quảng Ninh vươn tới những đột phá mới.
Xác định quy hoạch tốt mới có dự án tốt, nhà đầu tư tốt; quy hoạch là công cụ quản lý nhà nước, là phương tiện giám sát của nhân dân, là niềm tin lựa chọn của nhà đầu tư và doanh nghiệp, trong nhiều năm qua, Quảng Ninh đã đầu tư bài bản cho công tác quy hoạch. Giai đoạn trước năm 2012, Quảng Ninh đã triển khai và hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; quy hoạch đô thị; quy hoạch xây dựng; quy hoạch phát triển các ngành kinh tế trọng yếu, như công nghiệp, du lịch, thủy sản, thương mại... Các quy hoạch đó làm nền tảng để Quảng Ninh dần hình thành rõ nét bức tranh, hướng đi của địa phương trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh cũng phải đối diện với không ít thách thức để khơi dậy được tiềm năng. Sớm nhận thấy những định hướng chiến lược trong các quy hoạch cũ không còn phù hợp, năm 2012, Quảng Ninh tiếp tục mạnh dạn báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thuê tư vấn nước ngoài lập một số quy hoạch quan trọng của tỉnh với những cái tên hàng đầu thế giới như McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Seikei, Nippon Koie (Nhật Bản)... Thời điểm đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước thực hiện lập các quy hoạch chiến lược có thuê đơn vị tư vấn nước ngoài. Năm 2014, Quảng Ninh công bố 7 quy hoạch chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch phát triển KHCN; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch bảo vệ môi trường. Đây cũng là nền tảng cho việc định hướng thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.
Yêu cầu đặt ra đối với đơn vị tư vấn lúc đó là các quy hoạch phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch ngành, lĩnh vực; có tính liên kết vùng; phải tạo bước đột phá trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; bảo đảm tính hiện đại, đồng bộ, xứng tầm quốc tế; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt, phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian.
Từ những quy hoạch chiến lược đã tạo lập, tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực rất lớn, cả về trí tuệ và đầu tư để định hình không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến, đa chiều và hai mũi đột phá”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Gần 1 thập niên kiên định theo đuổi mục tiêu, có sự kế thừa trong từng giai đoạn, bổ sung nhận thức mới, 7 quy hoạch chiến lược đã tạo ra cơ sở, nền tảng để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, khơi thông những tiềm năng, khai thác thế mạnh của tỉnh và thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư, đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Từ một địa phương có hạ tầng kinh tế kém so với một số tỉnh, thành phố khác, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài nguyên than và đất, đến nay, Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh kiểu mẫu trong cả nước, có tốc độ đô thị hóa cao với tỷ lệ 67% (đứng sau các thành phố trực thuộc Trung ương), tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016 - 2022 đạt bình quân 10,7%. GRDP/người tăng hơn 2,7 lần so với giai đoạn 10 năm trước, cao nhất Vùng đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch bền vững theo phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào 3 trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa); khu vực dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giảm dần sự phụ thuộc vào ngành than; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP tăng dần từ 9,8% (năm 2020) dự kiến lên 12,3% (năm 2023).
Đặc biệt, Quảng Ninh hiện là địa phương có đầy đủ 5 phương thức vận tải là đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển và hàng không. Nhiều công trình có ý nghĩa kết nối liên vùng và quốc tế như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cầu Bắc Luân II, tuyến cao tốc 176km chạy dọc tỉnh đưa Quảng Ninh là địa phương có tuyến cao tốc dài nhất cả nước, đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tới thị xã Đông Triều. Cùng với đó, các công trình giao thông nội vùng như đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cầu Tình yêu; cầu Cửa Lục 3; Cảng tàu khách cao cấp Ao Tiên; đường bao biển Trần Quốc Nghiễn và các tuyến đường giao thông miền núi đều được hình thành trên cơ sở của các quy hoạch mà tỉnh đã đặt ra. Chính hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ và đang phát triển vượt trội nói trên đang và sẽ tiếp tục mở rộng không gian phát triển, tạo ra cơ hội đầu tư phát triển vô cùng lớn. Quảng Ninh hiện là “bến đỗ” của hàng loạt dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế. Với quy hoạch được xây dựng có chiến lược mang tính kế thừa dài hạn, Quảng Ninh là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư về công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng lớn.
Quảng Ninh còn là địa phương có an ninh trật tự và công tác an sinh xã hội rất tốt, góp phần ổn định sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn, tạo ra sự an tâm cho các hoạt động kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân. Hạ tầng xã hội của Quảng Ninh nhìn chung có chất lượng tốt, nhất là thiết chế xã hội tại các trung tâm lớn đều đã ổn định. Bên cạnh các dịch vụ y tế công với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ y tế có năng lực, xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở y tế tư nhân, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.
Dù đạt nhiều thành tựu, nhưng Quảng Ninh nhìn nhận vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Tăng trưởng trong du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo còn rất nhiều dư địa. Thương mại biên giới phát triển chưa bền vững. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực sự đột phá. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Những hạn chế này đặt ra cho Quảng Ninh nhiệm vụ phải tiếp tục có những đột phá mới vượt qua những giới hạn để có bứt phá trong thập niên tiếp theo và quá trình gần 40 năm đổi mới của đất nước.
Trước định hướng phát triển mới với tầm nhìn chiến lược dài hạn hơn, Quảng Ninh tiếp tục lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11-2-2023. Quy hoạch tiếp tục bám sát những định hướng phát triển của Trung ương dành cho tỉnh, trong đó xác định đến năm 2030, Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao.
Theo đánh giá, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là quy hoạch “gốc”, làm khung định hướng nền tảng phát triển tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới. Toàn bộ các nội dung về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, tầm nhìn, khâu đột phá của tỉnh, cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, giải pháp của các ngành, lĩnh vực từ kinh tế - xã hội đến hạ tầng, tổ chức không gian, bảo vệ môi trường, sử dụng đất... đã được xây dựng và làm rõ sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý phát triển, nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, hấp dẫn tạo điều kiện huy động đa dạng nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia, nhằm tạo động lực cho xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, cùng đóng góp vào sự phát triển chung của cả quốc gia./.
Kinh tế biển - Động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh từ nay đến năm 2030  (15/10/2023)
Quảng Ninh: Những dấu ấn trong quá trình xây dựng nông thôn mới  (10/10/2023)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay