Chuyển giao công nghệ trong điều kiện hiện nay ở nước ta
Ở Việt Nam, trong công cuộc đổi mới kinh tế, Đảng và nhà nước ta đã có chủ trương giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Đó là một phương hướng cơ bản của chính sách kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay. Để giải quyết nhiệm vụ này không thể thiếu vai trò công nghệ như là một phương tiện để biến đổi các nguồn lực thành hàng hoá tiêu dùng và các yếu tố sản xuất có giá trị.
Công nghệ là sản phẩm của lao động, của tinh hoa trí tuệ con người tạo ra cho xã hội. Nó là công cụ và phương tiện chủ yếu cho con người đạt được những lợi ích cần thiết. Công nghệ đã làm tăng sức mạnh cơ bắp và tinh thần của con người. Sự phát triển của nhiều nước cho thấy công nghệ là nhân tố quyết định khả năng của một nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với tốc độ cao và ổn định. Công nghệ là phương tiện và động lực có hiệu lực nhất để mỗi quốc gia sử dụng triệt để và hiệu quả cao nhất các nguồn lực hiện có. Tuy vậy cho đến bây giờ, định nghĩa về công nghệ lại chưa hoàn toàn thống nhất.
Trong phạm vi một quốc gia có sự nhận và chuyển và nhận công nghệ gọi là “hỗ trợ công nghệ”. Do điều kiện, hoàn cảnh và công nghệ nhập từ nước ngoài, xuất hiện nhu cầu CGCN. Theo qui ước của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế: định nghĩa “chuyển giao công nghệ là chuyển và nhận công nghệ qua biên giới”. Ở đây ta hiểu chuyển và nhận chủ yếu qua mua bán, cũng có trường hợp xin và cho, có trường hợp chuyển và nhận tự giác, có trường hợp chuyển và nhận không tự giác.
Nguồn gốc chuyển giao công nghệ
Quan hệ hợp tác quốc tế. Các nước phát triển không đồng đều và yêu cầu công nghệ đa dạng vì thế xuất hiện cung và cầu gặp nhau. Các nước đang phát triển cần có nhanh công nghệ - nước khác có công nghệ cần bán thu lợi nhuận. Ngay tại các nước phát triển không phải công nghệ gì cũng có cho nên vẫn cần công nghệ nhập - Đặc biệt ngày nay các nước có “biên giới mềm” - tạo điều kiện giao lưu trao đổi công nghệ. Trong nhiều lĩnh vực, các nước có điều kiện phát triển xã hội khác nhau, nhưng đều có mục tiêu lợi nhuận nên cần có phân công lao động quốc tế tạo điều kiện chuyển giao công nghệ.
Kéo dài vòng đời công nghệ. Đối với một sản phẩm (hay đối với một công nghệ), các nhà sản xuất và kinh doanh, các nhà nghiên cứu và triển khai, các hãng,...bao giờ cũng muốn kéo dài chu trình sống của công nghệ (hay sản phẩm). Nếu không có CGCN thì lợi nhuận chỉ thu được ở giai đoạn cao trào (chiếm lĩnh thị trường), có xuất hiện CGCN thì thoái trào hay suy vong ở thị trường này sẽ phát triển và chiếm lĩnh ở thị trường khác.
Đẩy mạnh đổi mới. Muốn sản phẩm của mình cạnh tranh được trên thị trường thông thường sản phẩm thắng tên thị trường là sản phẩm hàm chứa chất xám cao. Muốn vậy không có con đường nào khác là luôn đổi mới công nghệ. Đổi mới từng phần, từng công đoạn hay đổi mới toàn bộ tuỳ theo chiến lược sản phẩm và năng lực công nghệ. Nhưng đổi mới công nghệ không thể không chú ý tới CGCN- đổi mới công nghệ là nhu cầu của CGCN.
Tranh thủ đầu tư nước ngoài. Có nhiều cách tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài, nhưng hiện nay có lẽ để tranh khía cạnh này người ta tận dụng đầu tư chất xám từ nước ngoài, tận dụng liên doanh, liên kết...
Thị trường chuyển giao công nghệ
Luồng chuyển giao công nghệ. Để phân biệt các luồng chuyển giao thường người ta căn cứ vào công nghệ đó đã tạo sản phẩm trên thị trường chưa. Chuyển giao dọc là sự chuyển và nhận công nghệ đang trong giai đoạn quản lý của nghiên cứu có nghĩa công nghệ chưa đưa vào sản xuất đại trà. Chuyển giao ngang là chuyển và nhận công nghệ đã sản xuất đại trà. Trên thị trường công nghệ dễ mua bán loại này.
Phương thức chuyển giao. Phần CGCN bao gồm: - Chuyển giao quyền sở hữu hay quyền sử dụng gồm: các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; các nhãn hiệu hàng hoá; - Chuyển giao thông qua mua bán, cung cấp các đối tượng công nghệ (có hay không kèm thiết bị): bí quyết kỹ thuật; phương án công nghệ, qui trình công nghệ; tài liệu thiết kế sơ bộ và thiết kế kỹ thuật; công thức, bản vẽ, sơ đồ, bảng biểu; các thông số kỹ thuật; - Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn: Hỗ trợ kỹ thuật: lựa trọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt, vận hành chạy thử; nghiên cứu, phân tích đánh giá các dự án; tư vấn quản lý công nghệ; đào tạo huấn luyện. Để thực hiện có 3 phương thức: Mua bán licence (li xăng); Mua bán không kèm licence; Mua kèm đầu tư tư bản...
Kênh chuyển giao công nghệ. Kênh chính thức, trực tiếp, có thể gặp là: hoạt động của các công ty xuyên quốc gia; mua licence; thuê chuyên gia và người đấu thầu; gửi đào tạo chuyên gia ở nước ngoài. Kênh phi chính thức: hội thảo, hội nghị khao học quốc tế; triển lãm, hội trợ; xuất bản phẩm; tham quan thực tập; tình báo.
Công nghệ nước ta đa dạng nhưng không đồng bộ, có tính chắp vá không có tính chiến lược, công nghệ thiết bị lạc hậu, hiệu quả sử dụng thiết bị sử dụng thiết bị và công nghệ nhìn chung còn rất thấp. Thể hiện ở các điểm sau: Tỷ lệ các công nghệ và thiết bị hiện đại tiên tiến còn quá thấp; tuổi trung bình của máy móc thiết bị cao, khoảng vài chục năm. Trình độ cơ khí hoá của nền kinh tế còn thấp. Trong những năm gần đây, việc cơ khí hoá đã được đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều ngành. Mức tiêu hao năng lượng, nhiên liệu, nguyên liệu của công nghệ còn cao.
Một số thành tựu và hạn chế CGCN hiện nay
Về thành tựu. Việc CGCN gắn với phương hướng kinh doanh và được định hướng theo cơ chế thị trường. Điều này được thể hiện rõ qua thực tế hầu hết các chương trình CGCN được thực hiện bởi sức ép của cạnh tranh trện thị trường, thậm chí khi doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Những doanh nghiệp thực hiện đổi mới và CGCN để “đón trước” sự phát triển của thị trường đang có xu thế tăng. Trong ngành dệt-may đầu tư thêm 121.222 cọc sợi tăng sản lượng sợi lên 10.000-12000 tấn/năm, thành công nhất trong lĩnh vực đổi mới và CGCN phải kể đến những ngành, những doanh nghiệp phát triển công nghệ cao như: điện tử, tin học, viễn thông, dầu khí, công nghệ vật liệu mới và công nghệ sinh học. Ngành dầu khí nhờ năng lực khai thác đã tăng lượng khai thác từ 40.000 tấn năm1986 lên 16.724.000 tấn năm 2000...
Hoạt động CGCN đã trở thành hoạt động của chính bản thân doanh nghiệp, thuộc quyền chủ động của các doanh nghiệp. Kể cả các cơ quan nhà nước lẫn cơ quan quan lý ngành đều đã có những chương trình và đề án đổi mới và CGCN, song các kế hoạch CGCN cụ thể lại do các doanh nghiệp tự xây dựng và thực hiện. Các doanh nghiệp không chỉ tự đảm bảo vốn (tự tích luỹ hoặc đi vay),tự tạo điều kiện để sử dụng công nghệ mới, tự tổ chức CGCN mà tự chủ cả trong quá trình tìm tòi, lựa chọn, đàm phán và ký kết hợp đồng CGCN. Một số cơ quan nghiên cứu, tư vấn có tham gia quá trình này cũng với tư cách là một bên CGCN. Như vậy, các doanh nghiệp đã buộc phải tính toán, lựa chọn công nghệ chú ý tới sự hoàn vốn từ quá trình sau này.
Chuyển giao công nghệ đã được thực hiện một cách có trọng điểm, gắn với đầu tư chiều sâu và yêu cầu nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy những lựa chọn trọng điểm để đổi mới công nghệ chưa chính xác, nhưng tại tất cả các doanh nghiệp tiến hành CGCN đều thực hiện một cách dần dần, từng bước, lần lượt từng dây chuyền, từng sản phẩm hoặc một số giai đoạn trong toàn bộ dây chuyền, sau đó triển khai tiếp. Ở các dự án CGCN được khảo sát trong thời gian qua, đều có chia thành các giai đoạn nhỏ, mà kết quả của từng giai đoạn là những thiết bị và giai đoạn công nghệ có thể sử dụng ngay vào sản xuất thậm chí có tính khép kín tương đối cao.
CGCN thường được thực hiện thông qua kinh tế đối ngoại. Quan hệ này có thể là trực tiếp (mua công nghệ từ nước ngoài, trả bằng ngoại tệ hoặc bằng sản phẩm) hoặc gián tiếp (thông qua liên doanh với các công ty của nước ngoài, CGCN để gia công hoặc sản xuất sản phẩm xuất khẩu...). Trong quan hệ này, phần chủ động thường thuộc về phía nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước ít thông tin, khả năng lựa chọn rất hạn chế. Mặt khác, khi đàm phán và ký kết hợp đồng CGCN, các bên Việt Nam thường không khai thác được những lợi thế của mình nên thường chịu thiệt thòi. Tuy nhiên trong những năm gần đây các khuyết điểm này đã và đang từng bước được khắc phục.
Việc đổi mới và CGCN được thực hiện trong mối quan hệ với hàng loạt những vấn đề kinh tế xã hội khác, Sự hiểu biết về những vấn đề này hiện nay đã dần thống nhất nên không chỉ những vấn đề trước mắt là được chú ý mà những lợi ích lâu dài cũng đã được tính đến. Những vấn đề khác, đặc biệt là tác động của công nghệ tới môi trường sống, tới nền văn hoá dân tộc...có ảnh hưởng lớn lâu dài hơn cũng đã được chú ý.
Trước đây, trong CGCN thì phần được chuyển giao nhiều lại là yếu tố kỹ thuật (máy móc thiết bị). Hiện nay, những phương pháp công nghệ mới, những bí quyết kỹ thuật, phần kiến thức quản lý, phần đào tạo đội ngũ kỹ thuật và công nhân lành nghề cho dự án bắt đầu được chuyển giao mà phần này nằm trong phần mềm của công nghệ được chuyển giao và chiếm một phần kinh phí không nhỏ của công nghệ mua. Đây cũng là một trong những thành tựu bước đầu trong hoạt động CGCN.
Một số công nghệ được chuyển giao có trình độ kỹ thuật cao, thuộc vào loại hiện đại nhất hiện nay. Ví dụ như đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, trong đó có 362km hai pha đặt ngầm dưới đáy biển- dài nhất thế giới-với công suất 7tỷ m3/năm vừa hoàn thành cuối năm 2002 là đỉnh cao mới của ngành khí Việt Nam. Trung tâm điện lực Phú Mỹ với tổng công suất 3.859 Mw với công nghệ tiên tiến, hiện đại vào bậc nhất của thế giới sẽ được hoàn thành đồng bộ vào năm 2005. đây là trung tâm nhiệt điện chạy khí lớn nhất Việt Nam (hơn gấp đôi thuỷ điện Hoà Bình) và vào loại lớn khu vực.
Về hạn chế. Hoạt động CGCN nước ta đã đạt được những thành tựu khả quan trong những năm vừa qua. Tuy nhiên hoạt động CGCN là lĩnh vực rất đa dạng và phức tạp. bản chất của CGCN nước ta đã thay đổi từ viện trợ giúp đỡ chuyển qua “thương mại quốc tế”, thực tế đã chỉ rõ những hạn chế trong hoạt động chuyển giao:
+ CGCN trong điều kiện đổi mới công nghệ lẻ tẻ, thiếu qui hoạch và chiến lược, thiếu sự gắn bó giữa phương hướng đổi mới, CGCN với chiến lược phát triển cũng như chiến lược kinh doanh. Điều này thể hiện qua các mặt sau đây: - Các doanh nghiệp thực hiện CGCN do sức ép của thị trường chứ không phải do chủ động theo kế hoạch; - Những công nghệ được chuyển giao phần lớn là do phía nước ngoài giới thiệu chứ không phải tự các doanh nghiệp của ta tìm kiếm, nghiên cứu; - Công nghệ được chuyển giao trong lúc còn nhiều điều kiện, tiền đề cần thiết (về cơ sở hạ tầng, thị trường, lao động, tiền vốn...); - Tình trạng nhập máy móc, thiết bị lẻ nhiều và phổ biến, hơn là các dây chuyền đồng bộ và khép kín; - Các phương hướng, chủ trương và chiến lược của các cơ quan quản lý ngành chưa gắn bó với phương hướng, dự án đổi mới công nghệ và kỹ thuật của các doanh nghiệp; - Các doanh nghiệp đang gặp nhiều lúng túng trong việc xác định hướng doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chọn công nghệ mới cũng chính là thực hiện sự chuyển hướng kinh doanh.
Các tình trạng trên không chỉ hạn chế hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà còn hạn chế trình độ kỹ thuật của sản xuất (trong mỗi dây chuyền luôn có những thiết bị lạc hậu so với những loại khác) và làm giảm tính đồng bộ cần thiết của công nghệ.
+ Trình độ công nghệ và trình độ thiết bị, máy móc sau khi chuyển giao vẫn thấp; chưa phải là hiện đại.
Một cuộc khảo sát 700 thiết bị, 3 dây chuyền tại 42 nhà máy cho thấy: 76% số máy mới nhập thuộc thế hệ 1950-1960. 70% số máy đã hết khấu hao; 50% là đồ tân trang lại. Ngành mía đường phát triển mạnh, nhưng các thiết bị chủ yếu nhập từ Trung Quốc là loại trung bình tiên tiến, chỉ có một số ít thiết bị đạt trình độ tiên tiến. Kết quả này phản ánh các doanh nghiệp đã có sự đầu tư, đổi mới công nghệ (cũng bằng con đường chuyển giao là chính). Ở các doanh nghiệp khác, trình độ công nghệ còn thấp hơn, nghĩa là mục tiêu đổi mới công nghệ nâng cao trình độ kỹ thuật về cơ bản là chưa đạt hoặc đạt mức thấp, ngay sau khi CGCN đã nảy sinh nhu cầu đổi mới hoặc tìm kiếm công nghệ khác để thay thế.
Thực tế này không những gây lãng phí mà còn làm tăng thêm sự lạc hậu về công nghệ của nền kinh tế. ở đây có hai nguyên nhân chủ yếu là phía Việt Nam thiếu thông tin về các loại công nghệ cần thiết có thể chuyển giao và những tiêu cực nảy sinh trong quá trình chuẩn bị và thực hành CGCN.
+ Kết quả của CGCN chưa phát huy được tác dụng tích cực của nó đối với việc tiếp tục nâng cao năng lực công nghệ, tiếp tục đổi mới và tự đổi mới công nghệ trong nước. Biểu hiện của mâu thuẫn này là:
- Sự CGCN được thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, thí dụ dệt, may, giày dép, chế biến lương thực - thực phẩm... Ngành công nghiệp chế tạo máy, đặc biệt là máy công cụ thực hiện đổi mới và CGCN mới chưa đáng kể, trong khi đó trình độ kỹ thuật và công nghệ của ngành thấp (tuổi trung bình của thiết bị cao, hao phí năng lượng cao hơn mức bình quân thế giới khoảng 1,5 lần, khả năng chịu nhiệt, chịu va đập, và các điều kiện khắc nghiệt của môi trường... rất hạn chế).
- Lực lượng thực hiện đổi mới thường xuyên đối với công nghệ và thiết bị ở các doanh nghiệp giảm sút. Hiện có không ít doanh nghiệp thuê ngoài 100% trong các dịch vụ sửa chữa thiết bị từ mức trung tu trở lên. Gắn với hiện tượng này là sự giảm sút số lượng sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các doanh nghiệp.
- Các công nghệ và thiết bị chuyên dùng, có thiết kế cứng chiếm tỷ trọng lớn tuyệt đối trong các dự án CGCN. Do đó, khi có những biến động hoặc khi doanh nghiệp muốn tổ chức lại sản xuất, đổi mới sản phẩm hoặc chuyển hướng kinh doanh thì thường khó tận dụng công nghệ, thiết bị chuyên dùng đó. Thêm vào đó, sau quá trình CGCN sản xuất ở các doanh nghiệp có xu hướng khép kín khá rõ rệt. Sự hiệp tác, liên kết trong sản xuất bị thu hẹp thì tác động dây chuyền của việc đổi mới công nghệ khó xảy ra.
- Sau khi CGCN, chưa tạo ra được những mối quan hệ mới chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu và triển khai tiến bộ kỹ thuật và công nghệ. Thậm chí có những Viện nghiên cứu không nắm được hết các loại công nghệ được sử dụng trong ngành mình. Tình trạng không nắm được những thông tin mới về công nghệ quốc tế, không đủ năng lực tư vấn và tham gia giám định công nghệ trong ngành hẹp của mình là phổ biến.
Một số quan điểm chỉ đạo việc chuyển giao công nghệ
- CGCN phải bảo đảm nâng cao hiệu quả kinh tế nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ của đất nước, rút ngắn khoảng cách giữa nước ta và thế giới.
- Quá trình CGCN đồng thời cũng là quá trình gắn khoa học - kỹ thuật với sản xuất kinh doanh.
- CGCN cần được thực hiện một cách linh hoạt, song phải theo một chiến lược và phương hướng được cân nhắc, lựa chọn trên cơ sở những căn cứ khoa học.
- Tăng cường vai trò của Nhà nước đối với việc CGCN; Xây dựng chiến lược phát triển làm cơ sở cho sự CGCN.
- Tổ chức các loại hình kinh doanh tạo thuận lợi cho việc CGCN có hiệu quả.
- Kết hợp CGCN với việc nâng cao năng lực công nghệ và kỹ thuật của từng ngành, từng doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
- Hoàn thiện chính sách tài chính và tín dụng nhằm thúc đẩy quá trình CGCN.
- Thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ. Nâng cao chất lượng các dự án đầu tư đổi mới công nghệ bằng con đường chuyển giao.
- Phải tạo sự phối hợp, liên kết thường xuyên dưới nhiều hình thức, giữa cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ với các doanh nghiệp cần CGCN./.
Chú trọng yếu tố vĩ mô và trọng tâm tái cơ cấu trong xây dựng Chiến lược phát triển  (21/03/2019)
Dành ưu tiên cao để vun đắp, phát triển quan hệ đặc biệt Việt - Lào  (20/03/2019)
Quảng Tây coi trọng quan hệ hợp tác với các địa phương của Việt Nam  (20/03/2019)
Phiên họp thứ hai của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIII  (20/03/2019)
Thủ tướng: Chủ trương 1, kế hoạch 10, biện pháp 20 mới thành công  (20/03/2019)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên