TCCSĐT - Năm 2016 kết thúc để chào đón một Năm mới 2017 hứa hẹn mang tới nhiều thành công và những điều tốt lành. Nhiều nơi trên thế giới đã ghi lại thời khắc chuyển giao quan trọng giữa năm cũ và năm mới khi cả Trái đất bước vào một nhịp sống mới với những màn pháo hoa đẹp mắt, sôi động.


Thế giới tưng bừng chào đón Năm mới 2017

 
 Màn pháo hoa lung linh rực rỡ sắc màu trên cầu cảng Sydney (Australia). Ảnh: TTXVN

Gạt đi những lo ngại sau một loạt vụ tấn công khủng bố trên khắp thế giới trong năm qua, người dân trên khắp thế giới háo hức tham gia các hoạt động chào đón thời khắc giao thừa, bước sang năm 2017 với những niềm hy vọng mới. Những màn bắn pháo hoa rực rỡ được tổ chức tại các nước và không khí đón năm mới tràn ngập trên đường phố và trong mỗi gia đình.

Theo truyền thống, Australia năm nay tiếp tục tổ chức một trong những lễ bắn pháo hoa chào mừng năm mới lớn nhất trên thế giới tại thành phố Sydney bất chấp mối lo ngại khủng bố. Ước tính khoảng 1,5 triệu người tới Sydney để đón xem các màn pháo hoa vào lúc giao thừa. Trong khi đó, tại Nhật Bản, những bà nội trợ đã đổ ra các chợ để mua cá ngừ và cua - những mặt hàng đắt đỏ, cùng các món ăn đặc biệt khác để chuẩn bị cho bữa cơm tất niên sum vầy.

Không giống như năm ngoái, khi các hoạt động chào mừng năm mới đều lắng xuống sau khi xảy loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) khiến 130 người thiệt mạng, năm nay, “kinh đô ánh sáng” tổ chức bắn pháo hoa đón chào năm mới, song với sự cảnh giác cao độ khi có gần 100.000 cảnh sát được triển khai bảo đảm an ninh. Tại New York (Mỹ), ước tính hơn 1 triệu người tập trung tại Quảng trường Thời đại để chứng kiến lễ thả quả cầu pha lê truyền thống chào đón năm mới. Tương tự, tại các thành phố lớn khác như Moscow (Nga), London (Anh), Rio de Janeiro (Brazil), Bắc Kinh (Trung Quốc)..., người dân háo hức tham gia những hoạt động tưng bừng trong đêm giao thừa.

Phát biểu nhân dịp Năm Mới 2017, bên cạnh lời chúc gửi đến nhân dân cả nước, nhiều lãnh đạo trên thế giới đã tập trung đề cập đến vấn đề củng cố đoàn kết và tăng cường an ninh. Nhấn mạnh lợi ích chung có thể giúp người dân gắn kết trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh T. May cho biết, năm mới là thời điểm phản ánh những gì đã qua và mong chờ những cơ hội sẽ đến, đồng thời bày tỏ hy vọng những cơ hội tốt đẹp hơn bao giờ hết sẽ đến trong năm 2017. Trong khi đó, Thủ tướng Phần Lan J. Sipila nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc duy trì đường lối chính sách đối ngoại truyền thống của nước này, cũng như tăng cường vai trò của EU trong vấn đề an ninh, đồng thời cam kết bảo đảm an ninh trong mọi tình huống.

Liên quan đến vấn đề chống khủng bố, trong phát biểu của mình, Tổng thống Pháp F. Hollande cam kết sẽ sử dụng tất cả những biện pháp cần thiết. Ông F. Hollande thừa nhận, cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa kết thúc. Thủ tướng Đức A. Merkel khẳng định, chủ nghĩa khủng bố là phép thử lớn nhất đối với nước Đức, đồng thời cam kết sẽ đưa ra các quy định nhằm tăng cường an ninh. Bà A. Merkel kêu gọi người Đức tránh xa chủ nghĩa dân túy và Đức nên giữ vai trò dẫn đầu trong việc đối phó với các thách thức mà EU đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, người dân Đức cũng cần giữ vững các giá trị dân chủ trong cuộc đối đầu với khủng bố và chống lại những kẻ giết người đầy lòng hận thù bằng sự gắn kết và tình thương. Về phần mình, Tổng thống Italia S. Mattarella cho rằng, Italia cần củng cố sự liên kết và hàn gắn mối đe dọa chia rẽ kết cấu của xã hội.

Tổng thống Mỹ B. Obama đã gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể người dân, đồng thời kêu gọi đoàn kết sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Ông B. Obama nhấn mạnh, việc đưa nước Mỹ tiến lên phía trước là nhiệm vụ của tất cả người dân. Trên Twitter, Tổng thống đắc cử Mỹ D. Trump gửi lời chúc năm mới tới tất cả mọi người, bao gồm cả những người mà ông D. Trump cho là đã chống lại ông và phải nhận thất bại.

Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), trong bài phát biểu chào mừng năm mới, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, năm 2016 là năm đặc biệt của Trung Quốc khi nước này đạt bước tiến trong hầu hết các mặt. Trong năm 2017, Trung Quốc sẽ tập trung giảm đói nghèo, siết chặt kỷ luật Đảng và tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.

Phát trên truyền hình quốc gia, thông điệp năm mới của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi khẳng định: “Ấn Độ đã đi qua một quá trình trong sạch hóa quy mô lớn với quyết định phi tiền mặt hóa”. Để giúp tầng lớp trung lưu và người nghèo mua hoặc xây nhà, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra hai cơ chế dưới cái tên “Pradhan Mantri Awas Yojana”, theo đó, các khoản cho vay được trợ cấp sẽ được áp dụng để xây dựng hoặc mở rộng nhà cửa tại khu vực nông thôn. Còn tại Myanmar, Tổng thống H. Kyaw kêu gọi toàn dân chung tay cùng chính phủ xây dựng một liên bang thống nhất và dân chủ. Tại Thái Lan, Nhà vua mới Maha Vajiralongkorn đã kêu gọi đoàn kết trong thông điệp đầu tiên chào đón năm mới.

Liên hợp quốc - ưu tiên hàng đầu cho hòa bình

 
 Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chia tay nhân viên, quan chức Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN

Đánh dấu ngày đầu tiên đảm nhận cương vị Tổng thư ký thứ 9 của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2017 - 2022), ngày 01-01, ông Antonio Guterres đã gửi tới toàn thể người dân thế giới “một lời kêu gọi của Năm mới: Hãy để chúng ta quyết tâm đặt hòa bình lên hàng đầu. Hãy để chúng tôi biến năm 2017 thành một năm mà tất cả chúng ta - những thường dân, chính phủ, lãnh đạo - nỗ lực vượt qua những khác biệt”. Ông A. Guterres cho rằng, có sự khác biệt lớn trong việc giải quyết xung đột, cộng đồng quốc tế cũng thiếu “khả năng” để ngăn ngừa các cuộc xung đột. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển “nền ngoại giao vì hòa bình” mà ông có kế hoạch tập trung vào lĩnh vực này.

Tân Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng tuyên bố sẽ nỗ lực xóa bỏ những bất bình đẳng mà quá trình toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ đang trở nên sâu sắc hơn, gây ra tình trạng mất việc làm và nỗi thất vọng, đặc biệt trong tầng lớp thanh niên. Theo ông A. Guterres, những giá trị trong Hiến chương Liên hợp quốc chỉ ra rằng, trẻ em ngày nay thừa hưởng hòa bình, sự công bằng, tôn trọng, quyền con người, sự bao dung và tình đoàn kết, song những quyền này đang bị đe dọa, “thường chủ yếu do nỗi sợ hãi”. Do đó, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, nhiệm vụ của chúng ta đối với những người dân là “làm việc cùng nhau để loại bỏ nỗi sợ hãi ở mỗi người, để tin tưởng nhau, tin vào những giá trị ràng buộc chúng ta, và tin vào những thể chế phục vụ và bảo vệ chúng ta”.

Trước đó, ngày 30-12, Tổng thư ký sắp mãn nhiệm của Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã có buổi lễ chia tay tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), nơi ông làm việc và gắn bó trong 10 năm qua. Buổi lễ có sự tham dự của nhân viên, quan chức Liên hợp quốc cùng các nhà ngoại giao của nhiều nước. Ông Ban Ki-moon đã gửi lời cảm ơn đến toàn thể nhân viên Liên hợp quốc trong suốt thời gian ông tại nhiệm, đồng thời hy vọng họ tiếp tục cống hiến cho các sứ mệnh của Liên hợp quốc. Ông bày tỏ đảm nhận cương vị người đứng đầu tổ chức đa phương là niềm tự hào. Theo nhà ngoại giao người Hàn Quốc này, trong suốt hai nhiệm kỳ, ông đã nỗ lực để “không từ bỏ, tiếp tục ước mơ, tin tưởng và làm việc chăm chỉ” cho đến khi đạt được sự tiến bộ.

Trước khi rời cương vị Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon tham gia tiệc chào đón Năm mới tại Quảng trường Times ở thành phố New York (Mỹ) với vai trò là khách mời đặc biệt. Tại đây, ông Ban Ki-moon cùng Tổng thống Mỹ B. Obama nhấn nút thả quả cầu pha lê khổng lồ Waterford - biểu tượng chào Năm mới truyền thống của Mỹ trong hơn một thế kỷ qua. Ông Ban Ki-moon thực hiện sứ mệnh cuối cùng trên cương vị là người đứng đầu Liên hợp quốc khi kêu gọi người dân trên thế giới cùng hành động để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Nga - Mỹ khai thông bế tắc?

 
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: vtv.vn

Quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục căng thẳng sau những đòn trả đũa ngoại giao, kinh tế của Mỹ. Ngày 29-12, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tổng cộng 35 nhà ngoại giao Nga tại Mỹ có những hoạt động không phù hợp với thân phận ngoại giao đã được yêu cầu rời khỏi Mỹ cùng với gia đình trong vòng 72 tiếng. Bên cạnh đó, chính quyền Obama cũng công bố một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào hai cơ quan tình báo chủ lực của Nga là Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) và Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) cùng một số cá nhân liên quan. Ngoài ra, Mỹ cũng đóng cửa hai cơ sở giải trí do Chính phủ Nga sở hữu tại thành phố New York và tiểu bang Maryland, bắt đầu từ chiều ngày 30-12. Mỹ coi những biện pháp trên là một phản ứng toàn diện đối với các hành động được cho là “sách nhiễu” của cơ quan an ninh Nga nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ tại Moscow, cũng như chiến dịch tấn công mạng mà Mỹ cáo buộc do Nga chỉ đạo nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Thông báo của Nhà trắng nêu rõ, các hành động tấn công mạng của phía Nga nhằm tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, làm xói mòn niềm tin vào các thể chế dân chủ của Mỹ. Những hành động này không thể chấp nhận và không thể tha thứ.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ D. Trump ngày 29-12 cũng đã thông báo sẽ gặp giới chức lãnh đạo tình báo Mỹ, những người mà ông từng chỉ trích nặng nề, để làm rõ thông tin về việc Nga tấn công mạng để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Trước đó, Tổng thống đắc cử D. Trump từng có phản ứng giận dữ trước những ý kiến nghi ngờ về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 08-11 trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton là do Nga “đạo diễn”. Ông D. Trump lâu nay vẫn coi những cáo buộc này là nỗ lực ngầm của Tổng thống B. Obama nhằm phủ nhận tính hợp pháp trước thắng lợi của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, lập trường này đã vấp phải sự phản đối ngay trong chính đảng Cộng hòa. Giới phân tích nhận định cam kết gặp gỡ giới chức tình báo có thể tạo cơ hội cho ông D. Trump lấy lại thể diện để làm mềm hơn quan điểm của ông trong vấn đề này.

Trước những động thái trên của Mỹ, Nga khẳng định những cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ. Tổng thống V. Putin nói rằng, Moscow sẽ chờ xem hành động của Tổng thống đắc cử D. Trump - người sẽ nhậm chức vào ngày 20-1 tới, trước khi đưa ra quyết định về bước tiến trong quan hệ giữa Nga và Mỹ.

Ngày 31-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, có tất cả các điều kiện tiên quyết cần thiết để phá vỡ thế bế tắc trong mối quan hệ Nga - Mỹ hiện nay, vốn xảy ra là do những bước đi của chính quyền Obama, đồng thời khẳng định lập trường của Moscow là hợp tác với các đối tác Mỹ. Bà M. Zakharova nhấn mạnh, các quyết định của Mỹ hạn chế sự hợp tác song phương sẽ chỉ khiến mối quan hệ Moscow - Washington trở nên phức tạp hơn. Nữ phát ngôn Nga cho biết, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ D. Trump nhậm chức, các cuộc gặp song phương, như giữa Ngoại trưởng Nga S. Lavrov và người đồng cấp Mỹ, sẽ được lên kế hoạch. Nhà ngoại giao Nga cũng cho rằng, những quyết định mới nhất của chính quyền đảng Dân chủ Mỹ khi trục xuất các nhà ngoại giao Nga và đóng cửa cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ là nỗ lực nhằm trả đũa việc ông D. Trump đắc cử mà thôi. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chưa thể đoán định liệu ông D. Trump sẽ bãi bỏ ngay các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Obama áp đặt sau khi ông D. Trump tiếp quản Nhà trắng từ ngày 20-01 tới hay không.

ASEAN ghi nhận thành công, xây dựng cộng đồng lớn mạnh

 
 Ngày 31-12-2016 đánh dấu một năm Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành. Ảnh: vtv.vn

Năm 2016 là năm đầu tiên hình thành Cộng đồng, ASEAN đã triển khai các biện pháp trong lộ trình tiếp tục xây dựng và củng cố cộng đồng trên cả ba trụ cột. Cộng đồng Chính trị - An ninh đã đưa vào thực hiện 165/290 dòng hành động; Cộng đồng Kinh tế đã xây dựng và thông qua các chương trình hành động cụ thể của hầu hết các ngành, cũng như có được các thỏa thuận thông qua các tuyên bố của các khuôn khổ về hội nhập và hợp tác. Một loạt các lĩnh vực ưu tiên như thúc đẩy thương mại, an ninh lương thực, khởi động doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong các lĩnh vực quan trọng như phát triển hợp tác giữa các khu kinh tế đặc biệt, trong các lĩnh vực về minh bạch hóa thông tin về các dòng thuế mà các nước thành viên còn áp dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp khi nghiên cứu, quyết định đầu tư, buôn bán với các nước ASEAN, cũng như cơ chế giải quyết các khiếu nại của các doanh nghiệp trong ASEAN liên quan đến các vấn đề xuyên biên giới trong việc thực hiện các hiệp định kinh tế của ASEAN. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội đã xây dựng và thông qua được kế hoạch hoạt động cụ thể của hầu hết các ngành, đạt được các kết quả cụ thể phục vụ hội nhập và hợp tác một loạt các lĩnh vực ưu tiên như quản lý thiên tai, cứu trợ nhân đạo, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, trao đổi văn hóa, giáo dục, lao động. Trong năm 2016, ASEAN đã thông qua hai văn kiện quan trọng, đó là Tuyên bố của ASEAN về ứng phó như một thực thể duy nhất trong và ngoài khu vực đối với các vấn đề về thiên tai; Tuyên bố của ASEAN về biến đổi khí hậu. Cũng trong năm 2016, ASEAN đã thông qua kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025, các kế hoạch hành động giai đoạn 3 về sáng kiến hội nhập ASEAN.

Trong lĩnh vực đối ngoại, trong năm 2016, ASEAN đã có những thành tựu đáng kể. ASEAN - Nga, ASEAN - Mỹ đã có thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược; trong quan hệ kinh tế đối ngoại, ASEAN đã đạt thỏa thuận với Liên minh kinh tế Á - Âu, cũng như với Canada về khả năng tiến tới hiệp định khu vực về thương mại tự do. Một điểm sáng nữa trong năm 2016 là trong bối cảnh tình hình quốc tế, thậm chí là tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, sự cạnh tranh giữa các nước lớn ngay ở trong khu vực, ASEAN vẫn giữ được vai trò trung tâm tại các thể chế khu vực, cũng như trong việc điều tiết quan hệ đối ngoại với các đối tác.

Bên cạnh việc đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, Cộng đồng ASEAN cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức cả ở bên trong lẫn bên ngoài, như tình hình phức tạp ở Biển Đông, sự gia tăng các hoạt động khủng bố và chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng cực đoan ở khu vực và trên thế giới, nỗ lực để đa dạng hóa quan hệ đối ngoại trong bối cảnh nhiều đối tác chính và quan trọng của ASEAN đang trở lại hoặc trỗi dậy tư tưởng dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy.

Cộng đồng ASEAN mới chỉ là một dấu mốc quan trọng của một chặng đường kéo dài nhiều thập niên chứ chưa phải là thành quả cuối cùng. Nói cách khác, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN không phải là điểm đến cuối cùng mà là khởi đầu cho một hành trình mới. Hướng tới năm 2017, năm ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội, ASEAN sẽ nhìn lại, đánh giá thành công của ASEAN trong quá trình xây dựng cộng đồng, hội nhập 50 năm qua cũng như đề ra các đường hướng để tiếp tục quá trình hội nhập và xây dựng cộng đồng thời gian tới, đặc biệt là trong việc hiện thực hóa tầm nhìn 2025. Chính vì vậy, việc ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng để nâng cao vị thế của ASEAN, đồng thời đóng góp cho duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực./.