TCCS - Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, dựa trên trụ cột khoa học - công nghệ, thành phố Vĩnh Yên đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số. Qua đó, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ bộ phận một cửa thành phố Vĩnh Yên quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp _ Ảnh: soyt.vinhphuc.gov.vn

Nhằm xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, Ủy ban nhân dân thành phố Vĩnh Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và ban hành nhiều kế hoạch, văn bản, đề án, quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố từng bước được hoàn thiện, 100% phòng, ban, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, xử lý công việc. Cán bộ, công chức, viên chức đều được trang bị máy tính, thiết bị công nghệ thông tin phụ trợ, kết nối mạng internet và hệ thống mạng nội bộ; sử dụng thành thạo tin học và các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn.

Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành liên thông từ cấp tỉnh đến cấp thành phố, các xã, phường. Các văn bản, tài liệu cơ bản được thực hiện trên môi trường mạng, bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi. Hiện nay, 100% văn bản đến đã được số hóa, lưu trữ, luân chuyển, xử lý trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính của thành phố đều sử dụng thư điện tử công vụ trong trao đổi văn bản, tài liệu phục vụ công việc. Các phòng, ban, đơn vị thực hiện nghiêm biện pháp bảo mật, an toàn thông tin, nhất là việc thiết lập, quản lý mật khẩu, trao đổi thông tin qua hệ thống thư công vụ và các phần mềm ứng dụng dùng chung của tỉnh.

Cổng Thông tin giao tiếp điện tử thành phố hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu làm việc, giao dịch theo phân cấp. Từ ngày 4-1-2022, thành phố Vĩnh Yên chính thức đưa vào sử dụng phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến VNPT iGate để tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính.

Tính đến ngày 15-9-2022, bộ phận một cửa thành phố đã tiếp nhận 2.158 hồ sơ giao dịch, trong đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn đạt 98%; bộ phận một cửa các xã, phường nhận hơn 18.800 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn đạt 100%. 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử; thực hiện tiếp nhận, giải quyết 100% thủ tục hành chính của các phòng chuyên môn thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân thành phố đăng tải trên phần mềm một cửa dùng chung của tỉnh.

Việc sử dụng phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến VNPT iGate để tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính giúp các cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tiếp nhận các văn bản điều hành, chỉ đạo, hay kiến nghị của người dân kịp thời, trực tiếp, không qua khâu trung gian, nhờ đó, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đạt hiệu quả tối ưu. Ngoài ra, khả năng lưu trữ hồ sơ, tính bảo mật thông tin cũng được nâng lên, người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin, cơ chế, chính sách của Nhà nước được đăng tải công khai, minh bạch".

Với phương châm: “Quản lý xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp bằng hệ thống thông tin hiện đại, đồng bộ, an toàn, phát triển bền vững", thành phố Vĩnh Yên phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục xây dựng đồng bộ hạ tầng, cơ sở dữ liệu đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; áp dụng công nghệ phân tích quản lý dữ liệu tập trung; công khai, minh bạch và cung cấp đầy đủ dữ liệu, thông tin cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, khai thác; nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động của chính quyền điện tử, từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Nguyễn Việt (tổng hợp)