Môi trường nông thôn Hà Tĩnh: Thực trạng và giải pháp
TCCSĐT - Hà Tĩnh có nhiều lợi thế để phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Năm 2016, trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn có sự đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện nay cũng đang tạo ra những nhân tố tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái, đe dọa đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, cụ thể:
Trong trồng trọt, việc thâm canh tăng vụ để gia tăng sản lượng đã gây khó khăn cho công tác phòng trừ sâu bệnh và làm gia tăng sự suy giảm độ màu mỡ của đất. Sự lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sẽ để lại một lượng dư thừa gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp, làm ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí và có thể gây đột biến gen đối với một số loại cây trồng, làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong chăn nuôi, sự gia tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm với tổng đàn lợn vào cuối năm 2016 khoảng 483.000 con; đàn trâu, bò là 223.000 con và trên 8,1 triệu con gia cầm sẽ thải ra trên 1 triệu tấn chất thải/năm, nhưng chỉ có khoảng 60% được xử lý, còn lại xả trực tiếp ra môi trường, làm ô nhiễm không khí, nguồn nước, tài nguyên đất và ảnh hư¬ởng đến chính kết quả sản xuất. Mặt khác, do không có quy hoạch ban đầu, nhiều lò mổ, xí nghiệp chế biến thực phẩm còn nằm trong khu dân cư; sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, phân bố rải rác và chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải bảo đảm quy định. Hiện tại có hơn 32 cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động, nhưng chỉ mới có khoảng 65% gia súc, gia cầm được đưa vào giết mổ tập trung. Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm không theo quy định, nhất là giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh đã làm gia tăng ô nhiễm môi trư¬ờng, là một trong những nguyên nhân làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hư¬ởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Thực tế cho thấy, những đợt dịch lở mồm, long móng, dịch lợn tai xanh, dịch cúm gia cầm H5N1 trong những năm qua trên địa bàn Hà Tĩnh đã gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trong nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, Hà Tĩnh có 137 km bờ biển, mạng lưới ao hồ, sông, suối khá dày đặc, đây là điểm thuận lợi cho ngành nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, việc nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản nếu không được kiểm soát chặt chẽ cũng sẽ làm phát sinh các tác nhân gây ô nhiễm môi trường như: Nạn chặt phá rừng phòng hộ ven biển để lấy diện tích nuôi trồng thủy sản; việc xả nước các hồ nuôi trồng không qua xử lý ra môi trường; tình trạng nhiễm dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản sẽ gây ô nhiễm môi trường; việc sử dụng công cụ và vật liệu mang tính hủy diệt trong khai thác, đánh bắt thủy sản như chất nổ, chất độc, xung điện, lưới có kích thước mắt nhỏ, ánh sáng cực mạnh; nghề te, giã cào đã gây cạn kiệt nguồn lợi, làm giảm tính đa dạng sinh học và phá hủy môi trường sống của các loài thủy sinh; hoạt động chế biến thủy sản không bảo đảm quy trình công nghệ, không tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường cũng sẽ gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Hiện tại, Hà Tĩnh có nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thủy sản, như Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh, Xí nghiệp Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Đò Điệm, Hợp tác xã chế biến thủy sản Thiên Phú xã Thạch Kim và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Trong đó, vẫn còn một số cơ sở chưa bảo đảm quy định về vệ sinh môi trường, một số cơ sở đã bị xếp vào danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong sản xuất lâm nghiệp và công tác bảo vệ, phát triển rừng, Hà Tĩnh có 362.740,9 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 60,2% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó có 173.281,0 ha quy hoạch sản xuất, đây là tiềm năng, lợi thế to lớn cần được phát huy. Tuy vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế, chất lượng rừng tự nhiên bị suy giảm do một số nguyên nhân như: Tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép chưa được khắc phục triệt để; công tác giao đất, giao rừng đang còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng chưa cao. Nạn săn bắn động vật hoang dã là mối đe dọa lớn đối với một số loài động vật, nhất là các loài động vật đặc hữu, các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện tượng khai thác gỗ trái phép, khai thác thông để lấn đất trồng keo xảy ra ở một số địa phương dẫn đến diện tích và chất lượng rừng bị giảm. Từ năm 2010 đến năm 2016, các cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện có rừng đã phát hiện xử lý trên 2.986 vụ vi phạm pháp luật về rừng, tịch thu hơn 4.675,76 m3 gỗ các loại; 7.699 kg động vật hoang dã; 18.278 kg lâm sản khác; 226 phương tiện vận tải; xử phạt nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng, khởi tố hình sự 28 vụ (theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh). Mặt khác, sự thiếu ý thức của con người trong khi tiếp xúc với rừng đã gây ra nhiều vụ cháy rừng. Chỉ tính trong 3 năm (2014 - 2016), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra trên 34 vụ cháy rừng với tổng diện tích trên 65ha làm thiệt hại về mặt kinh tế và giảm diện tích rừng.
Sự ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn bộc lộ rõ trong hoạt động của các làng nghề. Hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh có 25 làng nghề nhưng môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hệ thống hạ tầng xử lý chất thải chưa được đầu tư đúng quy định; việc ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế; nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề bảo vệ môi trường còn thấp, ý thức trách nhiệm trong sản xuất và sinh hoạt còn yếu; quản lý của nhà nước về bảo vệ môi trường ở các làng nghề chưa tốt.
Rác thải và nước thải sinh hoạt nông thôn cũng là một trong những vấn đề bức xúc đang đặt ra hiện nay. Theo thống kê, bình quân mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình, khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh là khoảng 1.141 tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng rác thải được xử lý đúng quy định rất ít. Hệ thống thoát nước thải và nghĩa trang của nhiều xã chưa được quan tâm đầu tư. Ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác chưa cao, còn vứt rác bừa bãi làm mất vệ sinh nơi công cộng, làm ô nhiễm môi trường. Công tác trồng cây phân tán ở một số địa phương cấp huyện, cấp xã chưa tốt. Có nhiều tuyến đường được đầu tư nhiều tiền đã hàng chục năm nhưng chưa được trồng cây và chưa được tổ chức cắt dọn cỏ rác thường xuyên.
Từ thực trạng đó, để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường sinh thái nói chung và nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nói riêng, trên cơ sở phát huy những thành quả của công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới những năm qua, tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho người dân. Kinh nghiệm của các nước tiên tiến và các xã đạt tiêu chí môi trường cho thấy, việc làm thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng. Đó là yếu tố hàng đầu để phát huy nội lực trong công tác bảo vệ môi trường. Muốn thực hiện điều đó đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ cấp tỉnh đến xã phải đưa công tác tuyên truyền vào kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh giáo dục môi trường trong các trường học, từng gia đình, dòng họ, đoàn thể, thôn xóm, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế đóng trên địa bàn.
Trong quá trình tuyên tuyền phải biết cách tạo dư luận xã hội, lên án nghiêm khắc đối với các hành vi gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường, tạo sự đồng tình với việc áp dụng các chế tài, xử phạt nghiêm, đúng mức mọi vi phạm. Cùng với việc tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về môi trường, chính quyền cấp xã cần xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực về môi trường sát với tình hình thực tế của địa phương để tổ chức cho nhân dân thảo luận quyết nghị thống nhất đưa vào hương ước và ký cam kết thi đua thực hiện; đồng thời phải hết sức coi trọng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường như: Mô hình hợp tác xã vệ sinh môi trường; mô hình đội tự quản vệ sinh môi trường; mô hình 3 sạch: “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”; mô hình con đường, thôn xóm xanh - sạch - đẹp; mô hình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn; mô hình sản xuất, kinh doanh bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Trong chỉ đạo sản xuất phải luôn tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; sử dụng các phương pháp, quy trình sản xuất tiên tiến; sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng công trình xử lý chất thải và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, không xây dựng các cơ sở chăn nuôi, chế biến thực phẩm đầu nguồn nước.
Thứ hai, cấp ủy, chính quyền xã phải lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các nội dung về môi trường trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Trước hết phải thực hiện tốt việc công khai quy hoạch nông thôn mới, cung cấp cho nhân dân đầy đủ các nội dung về môi trường trong quy hoạch. Theo định kỳ tổ chức rà soát để trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh bổ sung cho phù hợp yêu cầu thực tế và các quy định mới của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường; trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt cần tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy nước, nhà máy xử lý rác, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở chế biến thủy sản, tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Hằng năm, chính quyền xã phải tích cực tranh thủ các nguồn vốn và vận động nhân dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trang bị thêm cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo vệ môi trường như: hệ thống mương thoát nước thải, nghĩa trang, bãi xử lý rác, trạm thu gom rác tạm thời tại các thôn; xây dựng công trình vệ sinh các trường học, trạm xá, trụ sở làm việc; xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại các làng nghề, cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến nông sản, công trình vệ sinh gia đình, với phương châm bảo đảm vệ sinh môi trường từ gia đình ra ngoài xã hội. Phát động nhân dân thi đua bảo vệ môi trường, tích cực trồng cây, hưởng ứng tết trồng cây. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Trong nông nghiệp cần đẩy mạnh thực hiện quy trình sản xuất tiên tiến, sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, xử lý chất thải, hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong các khu công nghiệp, khu dân cư, trường học, bệnh viện, các khu vực công cộng, các làng nghề...; kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích và xử lý nghiêm minh các sai phạm theo quy định của pháp luật./.
Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống với Litva  (23/10/2017)
Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách nhà nước  (23/10/2017)
Giới doanh nghiệp Anh lo ngại không đạt được thỏa thuận với EU  (23/10/2017)
Đại hội lần thứ hai Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary  (23/10/2017)
Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Campuchia phát động ủng hộ đồng bào lũ lụt  (23/10/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên