Chất lượng thể chế của các địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam

Nguyễn Thị Thúy Thảo
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
10:12, ngày 20-01-2025

TCCS - Địa phương là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, vì vậy chất lượng thể chế có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của địa phương đó. Để nâng cao chất lượng thể chế, các địa phương cấp tỉnh cần chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của đất nước.

Một số quan niệm chung 

Trong các nghiên cứu gần đây về thể chế, D. Acemoglu và J. Robinson (2010) đã phân chia thể chế thành hai loại là “tước đoạt” và “dung hợp”. Trong đó, thể chế kinh tế dung hợp (Inclusive Economic Institutions) là thể chế cho phép và khuyến khích sự tham gia đông đảo của người dân trong các hoạt động kinh tế, từ đó, giúp  cho tài năng, năng lực và giá trị của mỗi người sử dụng tốt nhất. Thể chế này đặc trưng bởi sự bảo đảm quyền tài sản cá nhân, một hệ thống pháp luật công bằng và sự cung cấp dịch vụ công bình đẳng để mọi người có thể tham gia và trao đổi với nhau. Ngày càng trao quyền rộng rãi và bảo đảm từng người dân có thể thực hiện được các quyền của mình, được tham gia dự phần trong phúc lợi xã hội(1). Quan niệm về thể chế dung hợp của Acemoglu và Robinson cũng tương đồng với quan niệm về thể chế tốt, quản trị nhà nước tốt được đúc kết từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển.

Khái niệm “quản trị nhà nước tốt” được nhắc đến nhiều ở thập niên 90 của thế kỷ XX trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và dân chủ ngày càng mở rộng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP và OECD, mô hình “quản trị nhà nước tốt” bao gồm 8 đặc tính cơ bản: (1) Sự tham gia, (2) nhà nước pháp quyền, (3) minh bạch, (4) đáp ứng yêu cầu của người dân và sự phát triển, (5) hướng tới sự đồng thuận, (6) công bằng và thu hút, (7) hiệu lực và hiệu quả, (8) trách nhiệm giải trình. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại nhấn mạnh một số tiêu chí của quản trị quốc gia tốt, đó là: (i) trách nhiệm giải trình; (ii) sự tham gia; (iii) có thể dự đoán được; (iv) tính minh bạch. Từ đó, WB đã xây dựng Chỉ số quản trị toàn cầu (World Governance Index) từ năm 1996, bao gồm 6 khía cạnh là: Tiếng nói và trách nhiệm giải trình; sự ổn định về chính trị và tình trạng bạo lực; mức độ hoạt động hiệu quả của chính phủ; chất lượng của các quy định pháp luật; quy định pháp luật và việc kiểm soát tham nhũng.

Bên cạnh việc đo lường chất lượng thể chế ở cấp độ quốc gia, nhiều quốc gia đã phát triển Bộ Chỉ số đo lường chất lượng thể chế ở cấp độ địa phương để có cái nhìn rõ hơn về thể chế ở địa phương, bởi chất lượng thể chế có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Chất lượng thể chế là yếu tố phân hóa mạnh mẽ về mặt lãnh thổ, phụ thuộc vào các yếu tố quyết định về lịch sử, văn hóa hoặc kinh tế của địa phương. Do vậy, các phân tích chất lượng thể chế được thực hiện ở cấp địa phương có giá trị ứng dụng cao.

Cùng chung xu hướng đó, Việt Nam cũng phát triển nhiều bộ chỉ số phản ánh chất lượng thể chế địa phương, như: Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). So sánh với các chỉ số quốc tế, có thể thấy, PAPI có các chỉ số gần với kết cấu của các chỉ số quốc tế, với 5 khía cạnh về chất lượng thể chế được tổng hợp từ PAPI là: (1) Sự tham gia của người dân; (2) công khai, minh bạch; (3) trách nhiệm giải trình; (4) kiểm soát tham nhũng; (5) hiệu quả của chính quyền (bao gồm thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công).

Thực trạng chất lượng thể chế các địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam

Cùng với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương, chất lượng thể chế cấp tỉnh của Việt Nam đã đạt được những bước cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2011 - 2023. Theo PAPI, giai đoạn 2011 - 2015, chất lượng thể chế của các địa phương có nhiều biến thiên và không ổn định. Từ năm 2016 - 2020, chất lượng thể chế của các tỉnh đã có sự cải thiện đáng kể; tuy nhiên từ năm 2021 - 2023 lại có dấu hiệu đi xuống (xem Hình 1). 

Hình 1: Chất lượng thể chế các địa phương cấp tỉnh trung bình giai đoạn 2011 - 2023_Nguồn: Tổng hợp từ PAPI và tác giả

Để đánh giá sự biến đổi chất lượng thể chế cấp tỉnh thời gian qua, cần đi sâu vào những nội dung cụ thể của chất lượng thể chế cấp tỉnh Việt Nam thời gian qua.

Một là, về sự tham gia của người dân.

Sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định và thực thi chính sách là nền tảng, là đặc trưng cốt lõi của quản trị quốc gia tốt. Đánh giá sự tham gia của người dân ở cấp tỉnh qua các năm cho thấy, từ năm 2011 - 2015 có sự sụt giảm, sau đó duy trì đà tăng liên tục từ năm 2016 - 2019 khi Luật Tiếp cận thông tin 2016 có hiệu lực. Tuy nhiên, giai đoạn 2019 - 2021 ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương không xử lý được số lượng lớn yêu cầu của người dân về các chính sách hỗ trợ liên quan đến đại dịch COVID-19. Năm 2021, sự tham gia của người dân đạt 4,7 điểm. Đến năm 2022, điểm số tăng lên 5,05 điểm. Tuy nhiên đến năm 2023, lại giảm xuống 4,9 điểm(2). Các tỉnh, thành phố ở phía Bắc đạt điểm cao hơn các tỉnh, thành phố ở phía Nam. Năm 2023, 7 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và 5 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có tên trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm trong khoảng cao nhất. Trong khi đó, có tới 10 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và bốn tỉnh vùng Đông Nam Bộ thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất(3).

Hai là, sự công khai, minh bạch.

Hình 2: Xu thế biến đổi 6 chỉ số của PAPI giai đoạn 2020 - 2023_Nguồn: PAPI 2023

Theo hình 2, giai đoạn 2011 - 2015, điểm số “công khai, minh bạch” của các địa phương cấp tỉnh còn khá thấp và có sự tăng, giảm không ổn định, do khó khăn trong việc thực hiện công khai và minh bạch thông tin. Tuy nhiên, với việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, giai đoạn 2016 - 2019 ghi nhận dấu hiệu tích cực khi điểm số “Công khai, minh bạch” tăng liên tục, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015. Các địa phương bắt đầu công khai, minh bạch hơn các thông tin về quy hoạch đất đai và quản lý tài chính công. Giai đoạn này cũng ghi nhận sự bùng nổ trong sử dụng mạng internet ở Việt Nam, với khoảng 66% số người dân trên toàn quốc năm 2019(4). Nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ để công khai thông tin qua cổng thông tin điện tử, đặc biệt là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội. Các cổng thông tin này giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin hơn, cải thiện đáng kể chỉ số công khai, minh bạch. Từ năm 2020 - 2023, điểm số “Công khai, minh bạch” sụt giảm đáng kể so với điểm của các chỉ số nội dung khác trong PAPI, từ 5,35 điểm năm 2020 xuống 5,16 điểm năm 2023(5)

Năm 2020, Việt Nam chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, điều đó làm nổi bật vai trò của vấn đề minh bạch thông tin, đặc biệt trong các chính sách phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân và các chính sách về y tế công cộng. Tuy nhiên đến năm 2023, sự sụt giảm điểm số thành phần về công khai danh sách hộ nghèo, công khai thu chi ngân sách cấp xã và công khai kế hoạch sử dụng đất/bảng giá đất là nguyên nhân gây ra sự sụt giảm điểm số “Công khai, minh bạch”. Tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn là chỉ số nội dung đạt điểm thấp nhất trong bốn chỉ số nội dung về công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương. Điểm nội dung thành phần “Tiếp cận thông tin” của các tỉnh, thành phố chỉ dao động từ 0,7 đến 1,05 điểm trên thang đo từ 0,25 - 2,5 điểm. Trong số bốn nội dung thành phần, điểm chỉ số nội dung “Công khai danh sách hộ nghèo” đạt khoảng cao nhất (1,30 - 2,02 điểm)(6)
 

Hình 3: Xu thế biến đổi các điểm nội dung thành phần của chỉ số “Công khai, minh bạch”_Nguồn: PAPI 2023

Các tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao ở Chỉ số nội dung 2 có xu hướng tập trung ở phía Bắc. Trong khi đó, trong số 16 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất, có tới 8 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, 3 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và 3 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ.

Ba là, trách nhiệm giải trình.

Đánh giá chỉ số “Trách nhiệm giải trình” được thu thập trong PAPI qua các năm cho thấy, không có sự cải thiện đáng kể trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền các địa phương, cũng như không có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương. Các tỉnh, thành phố phía Bắc đạt điểm cao hơn các tỉnh, thành phố phía Nam ở chỉ số nội dung này. Giai đoạn 2011 - 2015, chỉ số “Trách nhiệm giải trình” còn tương đối thấp, phản ánh thực trạng nhiều cơ quan nhà nước còn thụ động trong tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của người dân. Nhiều trường hợp khiếu nại chưa kịp thời giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai và dịch vụ công. Mức độ tiếp xúc giữa người dân và chính quyền còn hạn chế. Tuy nhiên đến giai đoạn 2016 - 2019, việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 đã mở ra nhiều kênh tiếp cận thông tin, bảo đảm quyền lợi của người dân trong việc yêu cầu chính quyền giải trình các quyết định liên quan đến thủ tục hành chính. Chỉ số “Trách nhiệm giải trình” nhờ đó có sự cải thiện, tuy nhiên mức độ thay đổi không đồng đều giữa các địa phương. Một số tỉnh như Quảng Ninh, Đà Nẵng, và Bình Dương đã chủ động tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và người dân, nhờ đó, các địa phương này có chỉ số cao hơn trong việc xử lý khiếu nại và phản hồi với các vấn đề liên quan đến dịch vụ công. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội và báo chí đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giám sát chính quyền địa phương, nâng cao tính giải trình và minh bạch hơn trong các hoạt động công. 

Giai đoạn 2020 - 2023 ghi nhận sự sụt giảm đáng kể điểm số “Trách nhiệm giải trình”, từ 4,91 năm 2020 xuống 4,24 năm 2023(7). Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên chính quyền địa phương chưa xử lý kịp thời số lượng lớn các đơn thư, yêu cầu của người dân đối với các chính sách hỗ trợ, ứng phó liên quan đến COVID-19. Các tỉnh có điểm số cao trong giai đoạn này vẫn tập trung ở các tỉnh phía Bắc. Năm 2023, trong số 15 tỉnh, thành phố thuộc nhóm “cao” trong năm 2023, có 5 địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, 5 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Ngược lại, 9 trong số 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc về nhóm 16 tỉnh đạt điểm “thấp”.

Bốn là, kiểm soát tham nhũng.

Giai đoạn 2011 - 2015, theo báo cáo của PAPI, các chỉ tiêu trong dịch vụ hành chính công về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thấy, tình trạng nhũng nhiễu để nhận được dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, sau 5 năm, chỉ số này được cải thiện đáng kể, với điểm trung bình chỉ số của từng địa phương tăng từ 5% trở lên so với kết quả năm 2011(8). Phần lớn những tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất và trung bình cao tập trung ở miền Trung và miền Nam. Năm 2015, trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất, có tới 11 địa phương ở miền Nam và bốn địa phương miền Trung. 

Giai đoạn 2016 - 2019, với nỗ lực của chính phủ và chính quyền các địa phương, kiểm soát tham nhũng giai đoạn này có chuyển biến rõ rệt, trở thành lĩnh vực được cải thiện mạnh mẽ nhất trong PAPI. Điểm chỉ số nội dung tăng từ 5,72 năm 2016 lên 6,74 năm 2019(9). Nguyên nhân chính là do nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ ở Việt Nam. Tình trạng đưa và nhận hối lộ ở bệnh viện công tuyến huyện đã giảm xuống gần với mức 0%, tuy nhiên, vấn đề tham nhũng chưa được giải quyết triệt để ở tất cả lĩnh vực mà PAPI đo lường. Năm 2019, 12 trong số 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm đạt điểm cao nhất là các địa phương phía Nam (bao gồm Ninh Thuận, Đồng Nai và 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long). Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng thuộc nhóm thấp nhất. 

Sau khi tăng liên tục trong giai đoạn 2016 - 2020, từ năm 2021, điểm chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng” có xu hướng giảm. Giai đoạn này ghi nhận nỗ lực kiểm soát tham nhũng của các địa phương ở miền Bắc và miền Trung. Năm 2023, 5 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, 5 tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở Chỉ số nội dung 4. Trong khi đó, 4 trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên (trừ tỉnh Đắk Lắk thuộc nhóm trung bình - thấp) và 4 trong 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng gia nhập nhóm đạt điểm thấp nhất.

Năm là, hiệu quả của chính quyền.

Hiệu quả chính quyền có thể đánh giá dựa trên hai chỉ số nội dung của PAPI là thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. 

Giai đoạn 2011 - 2015, thủ tục hành chính ở nhiều địa phương được đánh giá còn rườm rà, khó hiểu và nhiều giấy tờ không cần thiết. Các thủ tục cấp giấy tờ, đặc biệt là sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn và các loại giấy tờ về đất đai thường mất nhiều thời gian và gây khó khăn cho người dân. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ hành chính công tại nhiều địa phương còn thiếu, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ hành chính của người dân. Đối với việc cung ứng dịch vụ công, theo kết quả khảo sát PAPI, người dân khá hài lòng với việc cung ứng dịch vụ công của các địa phương, với điểm số khá ổn định qua 5 năm. Năm 2015, khoảng cách giữa điểm cao nhất (7,76 điểm của tỉnh Vĩnh Long) và điểm thấp nhất (6,32 điểm của tỉnh Đắk Nông) là nhỏ nhất trong sáu chỉ số nội dung. 

Giai đoạn 2016 - 2019, thủ tục hành chính công là lĩnh vực ít có chuyển biến nhất trong các chỉ số nội dung của PAPI. Khoảng cách đánh giá thủ tục hành chính công giữa các địa phương khá đều nhau. Điểm trung bình toàn quốc cũng tăng lên qua các năm ở cả 4 nội dung thành phần, đặc biệt là trong dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khác với các nội dung thành phần trước, các tỉnh, thành phố trong các nhóm điểm cao không tập trung theo vùng mà phân bố đồng đều trên toàn quốc. Hiệu quả cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh được đánh giá đạt mức khá, với khoảng điểm các tỉnh, thành phố dao động từ 6,58 đến 7,68 trên thang điểm từ 1 - 10. Khoảng cách điểm này thể hiện không có sự khác biệt lớn giữa các địa phương về hiệu quả cung ứng 4 nhóm dịch vụ PAPI đo lường. Phần lớn các tỉnh vùng trung du và miền núi đạt mức điểm thấp hơn so với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng. 

Giai đoạn 2020 - 2023, thủ tục hành chính công giảm điểm từ 7,36 năm 2020 xuống 7,17 năm 2023(10). Theo báo cáo PAPI 2023, thủ tục hành chính công còn bất cập, chưa thuận lợi cho người dân, đặc biệt là liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Năm 2023 có sự phân bố đa dạng về vùng kinh tế trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm thuộc nhóm “cao”, gồm: 5 địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc; 3 địa phương từ mỗi vùng trong vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, 3 trong 5 địa phương vùng Tây Nguyên và 3 trong 5 địa phương vùng Đông Nam Bộ thuộc vào nhóm điểm “thấp”. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ dường như tụt lại phía sau trong vấn đề thủ tục hành chính công phục vụ người dân. Đối với việc cung ứng dịch vụ công, năm 2021, cung ứng dịch vụ công có sự cải thiện đáng kể so với năm 2020, trong đó đánh giá tích cực hơn của người dân về tình hình an ninh, trật tự địa bàn khu dân cư góp phần làm gia tăng điểm chỉ số này. Các biện pháp phòng, chống COVID-19, như giãn cách xã hội và hạn chế đi lại ở hầu hết các tỉnh, thành phố đã góp phần giảm thiểu tội phạm an ninh, trật tự. 

Đến năm 2023, điểm số của các tỉnh, thành phố dao động từ 6,76 đến 8,30 điểm trên thang đo từ 1 - 10 điểm, thấp hơn so với khoảng điểm năm 2021(11). Các tỉnh/thành phố trong nhóm “cao” chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng (7 trong số 11 tỉnh, thành phố), hai vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (3 tỉnh) và đồng bằng sông Cửu Long (3 tỉnh). Tuy nhiên, cũng có 7 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng với 4 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc thuộc về nhóm “thấp”. Nội dung “Giáo dục tiểu học công lập” vẫn còn hiện tượng giáo viên ưu ái học sinh tham gia các lớp học thêm, nhất là ở các địa phương, như Đắk Lắk, Hải Phòng, Phú Yên, Quảng Ngãi và Thái Bình. Tiếp theo đó là sĩ số lớp học không đạt chuẩn dưới 36 học sinh theo chuẩn quốc gia ở tất cả các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Thái Bình. Bệnh viện công tuyến huyện, quận, thành phố ở tất cả các tỉnh, thành phố cần cải thiện ở tất cả 10 tiêu chí đánh giá trong PAPI. Điều kiện đường sá gần nhà dân có mức độ khác biệt lớn giữa các tỉnh, thành phố có chênh lệch về điều kiện kinh tế. Tương tự, việc tổ chức thu gom rác thải được thực hiện thường xuyên hơn ở các tỉnh, thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao. Tình hình an ninh, trật tự địa bàn khu dân cư có xu hướng sụt giảm ở 36 tỉnh, thành phố sau khi dừng các biện pháp giãn cách do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Như vậy, chất lượng thể chế của các địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể theo thời gian. Tuy nhiên, từ năm 2021 - 2023 lại cho thấy dấu hiệu suy giảm so với giai đoạn trước khi mà điểm số tổng hợp PAPI giảm xuống, với sự giảm điểm của các chỉ số thành phần là: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình và kiểm soát tham nhũng. Sự suy giảm này do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do tác động của đại dịch COVID-19 tác động đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề quản trị xã hội của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của tất cả các nền kinh tế. Từ đó tác động đến các đánh giá của người dân về chất lượng điều hành của chính quyền. Nguyên nhân chủ quan là do các địa phương chưa chủ động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề còn tồn tại để đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dân. 

Giải pháp nâng cao chất lượng thể chế các địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam

Để nâng cao chất lượng thể chế của địa phương, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của đất nước, các địa phương cấp tỉnh cần chú trọng vào một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự tham gia của người dân. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần tích cực vào cải thiện việc thực thi chính sách, pháp luật của địa phương. Trước hết cần tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu rằng, đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi người. Quán triệt, phổ biến và triển khai hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, thực hiện tốt chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đặc biệt, cần chú trọng để người dân tham gia giám sát quá trình ra quyết định và việc thực hiện các dự án công trình công cộng ở địa phương. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, bảo đảm quyền lợi của nhân dân. Tạo điều kiện để người dân tham gia sinh hoạt trong các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể theo đúng quy định.

Hai là, tăng cường công khai, minh bạch của chính quyền. Để bảo đảm quyền được biết của nhân dân, chính quyền cần chủ động công khai đúng, đầy đủ các thông tin về thu chi ngân sách, quy hoạch đất đai, danh sách hộ nghèo… trên các trang thông tin điện tử, cổng thông tin. Phối hợp với các cơ quan báo chí, ứng dụng các nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội để đa dạng các kênh thông tin và tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch của các cơ quan, đơn vị.

Ba là, nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền. Hiện nay, việc xử lý khiếu nại, tố cáo, đề xuất của nhân dân là nội dung được đánh giá là yếu nhất trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương. Do đó, các địa phương cần chú trọng xây dựng hệ thống tiếp nhận và phản hồi ý kiến người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả, công khai kết quả xử lý. Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hệ thống quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trực tuyến để theo dõi, xử lý và thông báo kết quả minh bạch. Chú trọng nâng cao kỹ năng lắng nghe, đối thoại và xử lý tình huống cho cán bộ phụ trách giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ trong việc tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo.

Bốn là, kiểm soát tham nhũng hiệu quả hơn. Trong đó, tập trung vào công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra tình trạng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và các loại giấy phép liên quan đến hoạt động trực tiếp sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bảo đảm việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức công khai, minh bạch, canh tranh bình đẳng.

Năm là, cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công hiệu quả hơn. Tiếp tục nghiên cứu rà soát, cắt giảm các thủ tục rườm rà, phức tạp, đồng thời áp dụng chuẩn hóa quy trình thủ tục hành chính trên toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao ứng dụng dịch vụ công trực tuyến.

Sáu là, tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo tinh thần “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương theo hướng bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng cấp, ngành và từng địa phương. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; coi trọng xây dựng đạo đức công vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, thực tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm./.

-----------------------

(1) Xem Minh Đức: Những động lực vững chắc đưa kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8%, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 1-2-2025, https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhung-dong-luc-vung-chac-dua-kinh-te-viet-nam-tang-truong-8-813949
(2) Xem: D. Acemoglu và J. Robinson: Why nations fail, Crown Business, 2010, US
(3) CECODES, RTA & UNDP: Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023
(4) Top 12 thế giới về người dùng internet, nhưng chỉ 4% người Việt ‘làm giấy tờ’ online, https://thanhnien.vn/top-12-the-gioi-ve-nguoi-dung-internet-nhung-chi-4-nguoi-viet-lam-giay-to-online-185880965.htm, ngày 4-9-2019
(5) CECODES, RTA & UNDP: Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, 2023
(6) CECODES, RTA & UNDP: Tlđd, 2023
(7) CECODES, RTA & UNDP: Tlđd, 2023
(8) CECODES, RTA & UNDP: Tlđd, 2015
(9) CECODES, RTA & UNDP: Tlđd, 2019
(10) CECODES, RTA & UNDP: Tlđd, 2023
(11) CECODES, RTA & UNDP: Tlđd, 2023