TCCS - Hưởng ứng chiến dịch phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”, Hà Nội thực hiện mục tiêu bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”
Ngày 12-9-2022, Bộ Y tế đã tổ chức lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”. Chiến dịch này diễn ra từ ngày 12-9 đến ngày 31-10-2022 với nhiều hoạt động truyền thông tại Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện Công điện số 755/CĐ-TTg, ngày 25-8-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19”, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 1176/KH-BYT, ngày 7-9-2022, gửi đến các đơn vị trong và ngoài ngành y tế triển khai Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Bộ Y tế phối hợp cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và các đối tác, đơn vị để triển khai nhiều nội dung hoạt động truyền thông phong phú và hiện đại trên các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến, hướng đến tất cả các nhóm đối tượng trong cộng đồng xã hội.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của những biến chủng mới. Bộ Y tế cho biết, WHO nhận định dịch bệnh COVID-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng trong thời gian tới và cảnh báo về những biến thể mới. WHO cũng tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Mặc dù tình hình dịch bệnh tại Việt Nam về cơ bản đang được kiểm soát, nhưng cả nước vẫn ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày trong thời gian gần đây. Tại nhiều địa phương, các ca bệnh của các biến thể mới của Omicron đã được ghi nhận với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Trong tình hình phức tạp này, các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế để thường xuyên theo dõi, đánh giá nguy cơ và kiểm soát hiệu quả các biến thể phụ mới xuất hiện. Theo TS. Shane Fairlie, chuyên gia WHO tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường(1).
Trên cơ sở nhận thức diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã kêu gọi các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân cùng nhau hành động, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, đồng thời tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, như: sử dụng khẩu trang, khử khuẩn, tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19, sử dụng thuốc, điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khác theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Y tế kêu gọi người dân trên khắp vùng, miền Tổ quốc cùng đoàn kết, chung sức nâng cao ý thức phòng bệnh, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe của cá nhân, gia đình và toàn thể xã hội. Không chỉ vậy, để thay thế thông điệp 5K trước đây, Bộ Y tế đã đưa khuyến cáo thực hiện Thông điệp 2K kết hợp với vaccine, thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp khác nhằm thực hiện giải pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Thông qua việc phát động Chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”, Bộ Y tế mong muốn người dân nâng cao ý thức thực hiện các hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe bằng cách tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường vai trò và trách nhiệm của các bộ, ban, ngành các cấp, đoàn thể và địa phương trong việc huy động sự đồng thuận của người dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, việc tiêm bao phủ vaccine cho người dân và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Hà Nội thích ứng với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới
Trong năm 2021, Hà Nội đã thành công trong việc áp dụng phương pháp phân vùng xanh cho thành phố. Thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 diện rộng; hỗ trợ cho 5.314 triệu lượt đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch với tổng kinh phí hơn 6.506 tỷ đồng. Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nới lỏng căn cứ trên thực tiễn của thành phố, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội cũng được triển khai một cách hiệu quả.
Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, ngoại giao của đất nước, Hà Nội không chỉ tiếp nhận vaccine và công nghệ sản xuất vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 qua việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, mà còn thực hiện phân bổ hợp lý vaccine tới các tỉnh, thành phố nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.
Ngày 29-4-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND “Về việc triển khai Nghị quyết số 38/NQ-CP, ngày 17-3-2022, của Chính phủ, ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Mục tiêu của kế hoạch này là bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đồng thời phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số lượng ca mắc sang kiểm soát số lượng ca nhập viện. Bên cạnh đó, Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, bao gồm cả khi dịch bệnh bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm.
Cụ thể, kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát là Hà Nội cần bảo đảm kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng hiệu quả, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch bệnh COVID-19, đồng thời khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch cũng đề ra các nhóm mục tiêu cụ thể như bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng dịch bệnh COVID-19, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Thêm vào đó, không chỉ chú trọng nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở mà còn tăng cường đầu tư trang thiết bị cho cơ sở y tế, có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, đồng thời tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến.
Ngoài ra, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh COVID-19 tại thành phố cũng là một trong số mục tiêu quan trọng của kế hoạch, cùng với đó là bảo đảm thông tin, truyền thông phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Hà Nội chủ động chuẩn bị các biện pháp về kinh tế - xã hội, hành chính theo cấp độ của dịch với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 nhằm bảo đảm vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của người dân. Đối với nhiệm vụ và giải pháp về y tế, kế hoạch trên yêu cầu, Hà Nội vừa bảo đảm tỷ lệ bao phủ vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa tăng cường năng lực giám sát, phòng, chống dịch, đồng thời nâng cao năng lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng, và tăng cường năng lực khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phòng, chống dịch; kết hợp công nghệ để tiếp cận hướng dẫn, hỗ trợ điều trị cho người dân nhanh nhất, sớm nhất có thể; tăng cường vai trò các tổ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm SARS-CoV-2, giảm tối đa nguy cơ bệnh nhân chuyển tầng điều trị.
Tháng 6-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch tiêm vaccine liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) phòng bệnh COVID-19 nhằm củng cố, tăng cường miễn dịch phòng COVID-19 cho người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với SARS-CoV-2.
Thành phố triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đồng loạt trên địa bàn, mục tiêu đạt trên 95% đối tượng thuộc diện cần tiêm mũi nhắc lại lần 2. Thành phố tiến hành tiêm chủng miễn phí cho tất cả đối tượng trên theo hình thức tiêm chủng chiến dịch. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể... trong đó, nòng cốt là lực lượng y tế cơ sở cùng các cơ sở y tế trong và ngoài công lập đóng trên địa bàn tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Y tế là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức triển khai chiến dịch này trên địa bàn.
Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt, thống nhất, cùng với sự vào cuộc thực chất, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, góp công, góp sức, đoàn kết đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn quản lý, đặc biệt là việc trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho các đối tượng trên địa bàn, bảo đảm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, sử dụng kịp thời, hiệu quả số lượng vaccine phòng COVID-19, tránh lãng phí; chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức nhiều hình thức tiêm chủng, như điểm tiêm cố định, điểm tiêm lưu động tại các khu công nghiệp, trường học... làm tăng khả năng tiếp cận của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân từ 5 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra; chỉ đạo rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế theo hướng dẫn của ngành y tế để sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở; kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả./.
---------------------
(1) Bộ Y tế: “Phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh””, ngày 13/09/2022, https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/ TW6LTp1ZtwaN/content/phat-ong-chien-dich-truyen-thong-phong-chong-dich-covid-19-trong-tinh-hinh-moi-vi-mot-viet-nam-vung-vang-va-khoe-manh-
Hà Nội đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí  (09/11/2022)
Hà Nội quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu  (06/11/2022)
Hà Nội tiếp tục phát huy sức mạnh mềm và tăng cường hội nhập quốc tế  (05/11/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay